"Của hiếm" trên màn ảnh Việt

MINH ĐỨC| 04/06/2016 06:42

Sasuke hay Phái mạnh Việt thuộc số ít chương trình truyền hình dành riêng cho nam giới nhằm tạo sự khác biệt so với các game show hay chương trình truyền hình thực tế có nữ giới tham gia.

Sasuke, Phái mạnh Việt thuộc số ít chương trình truyền hình dành riêng cho nam giới nhằm tạo sự khác biệt so với các game show hay chương trình truyền hình thực tế có nữ giới tham gia. Nhưng dường như hình ảnh người đàn ông bản lĩnh vẫn chưa được thể hiện rõ nét trên màn ảnh nhỏ.

Đọc E-paper

"Của hiếm" thời hiện đại

Chưa khi nào nam tính trở thành "của hiếm" đến vậy, cứ mở TV lên là thấy các nam ca sĩ ăn mặc lòe loẹt, diễn viên dậm phấn rồi nước mắt ngắn dài, người dẫn chương trình thiếu chuyên nghiệp đến độ òa khóc cùng thí sinh. Những chương trình truyền hình thực tế như Thử thách cùng bước nhảy, Người giấu mặt, Vietnam's next top model... cũng không thiếu cảnh bùi ngùi, rơi lệ của các đấng mày râu.

Thậm chí không ít lần khán giả sốc khi thấy các thí sinh nam nói xấu, chơi xấu bạn cùng thi. Trong Người giấu mặt mùa đầu tiên, nam diễn viên Huỳnh Anh suýt mất hình tượng vì bản tính nói nhiều, hơn thua với đàn em và cả... thí sinh nữ. Ở Vietnam's next top model các mùa qua đều không thiếu những màn "đấu tố” sau mỗi phần thi mà các thí sinh (cả nam lẫn nữ) dành cho nhau.

Ngay cả game show vừa ra mắt, với cái tựa rất kêu Đàn ông phải thế cũng chỉ quanh quẩn các trò chơi thử tài, thử trí vô thưởng vô phạt, chủ yếu xem cho vui chứ không đọng lại gì đáng để gọi là... đàn ông phải thế. Hay như Cuộc đua kỳ thú, một chương trình truyền hình thực tế ăn khách hiện nay, nam giới mờ nhạt trước nhiều thí sinh nữ cá tính bởi các anh chỉ nổi bật về thể lực, hầu như không có chính kiến trước mỗi thử thách.

Không khó để lý giải tình trạng này. Hầu hết từ chương trình truyền hình thực tế đến game show (kể cả phiên bản quốc tế) đang phát sóng hiện nay đều dành cho đối tượng nữ giới, các bà nội trợ... Điều này dẫn đến việc nhà sản xuất phải tạo ra nhiều kịch tính, xây dựng hệt phim bộ với đầy đủ cao trào, đôi khi dễ sa đà bi lụy, dùng nước mắt thu hút người xem.

Vẫn biết vai trò của truyền hình là giải trí, người chơi đôi khi chấp nhận "diễn", song diễn nhiều quá lại dễ gây bội thực.

Khác biệt sẽ thành công?

Sasuke hay Phái mạnh Việt có cái nhìn quyết liệt hơn trong cách khai thác bản lĩnh đàn ông, nhưng chưa được biết đến nhiều. Đây là hai cuộc thi đòi hỏi phần lớn thể lực, sự rèn luyện thay vì dựa vào sự may mắn và thông minh. Dù không giới hạn độ tuổi tham gia (18 - 60), nhưng người chơi Sasukecó độ tuổi trung bình 27 - 30, còn Phái mạnh Việt chỉ chọn thí sinh dưới tuổi 33 (trên điều lệ là 35).

Được mua bản quyền và giới thiệu đến công chúng từ năm ngoái, Sasuke (tên đầy đủ là Ninja Warrior America) đang là game show khó nhất và nguy hiểm nhất trong loạt chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam hiện nay. Điểm cộng của Sasuke là giải thưởng 1 tỷ đồng và độ khó không khác gì nguyên bản của Nhật.

RiêngPhái mạnh Việt, một chương trình truyền hình thực tế "made in Vietnam", do Ban tổ chức là một công ty thiên về giải trí nên nhìn chung "nhẹ đô” hơn. Phái mạnh Việt không chỉ đi tìm người đàn ông bản lĩnh như khẩu ngữ của chương trình mà còn tham vọng thay đổi hình ảnh đàn ông hiện đại trên màn ảnh nhỏ: có sức khỏe, sự khôn ngoan và ngoại hình ưa nhìn.

Theo format của một chương trình truyền hình thực tế, Phái mạnh Việt có điểm xuyết yếu tố tâm lý, tình cảm để phục vụ nhiều đối tượng nhưng vẫn giữ được độ "nam tính" cần thiết.

Thật ra nam tính ở đây không phải là cơ bắp, có nhiều cách thể hiện bản lĩnh đàn ông và vẫn tạo cảm xúc cho người xem. Năm ngoái, tập cuối của Phái mạnh Việt chứng kiến một hành động khá đẹp khi thí sinh Jay Võ chấp nhận nhường bước cho đối thủ (cũng là quán quân) mà anh đánh giá sẽ thuyết phục hơn nếu chiến thắng. Nam tính thể hiện ở tình đồng đội và lòng quả cảm thay vì đấu đá, tranh giành như các chị em "chân dài" phía sau hậu trường người mẫu.

Điều đáng chú ý là Sasuke mùa 2 bất ngờ cho thí sinh nữ ứng tuyển vòng loại tạo hiệu ứng cộng đồng. Ý tưởng này cho thấy nhà sản xuất bắt đầu bận tâm về rating, và nhà tài trợ có thể đang đòi hỏi những yếu tố mới lạ phù hợp với thị hiếu.

Rõ ràng, độ "khó xơi" của Sasuke không có "cửa" cho phái đẹp (trừ khi phiên bản Sasuke nữ ra đời), nhưng sự lớn mạnh mà truyền hình thực tế và game show trong nước đang có dễ khiến Sasuke hay Phái mạnh Việt phải thay đổi để thích nghi, tồn tại.

>Ca sĩ “mất giá” thời truyền hình thực tế?

>Hậu truyền hình thực tế cho trẻ em: Khoét sâu hay lấp đầy?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Của hiếm" trên màn ảnh Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO