Có một Huế riêng trong mùa Phật Đản...

KHẢI LY| 27/05/2010 00:58

Huế là trung tâm Phật giáo không chỉ vì trên mảnh đất này có nhiều chùa, mà còn vì hiện nay ở Huế còn bảo tồn được trên 100 ngôi chùa cổ, các nghi lễ Phật giáo và hoạt động Phật sự tôn nghiêm.

Có một Huế riêng trong mùa Phật Đản...

Huế là trung tâm Phật giáo không chỉ vì trên mảnh đất này có nhiều chùa, mà còn vì hiện nay ở Huế còn bảo tồn được trên 100 ngôi chùa cổ (trong đó có hàng chục Tổ đình), các nghi lễ Phật giáo và hoạt động Phật sự tôn nghiêm.

Chợ cũng thay màu

“Festival Huế được tổ chức rất nhiều lần, nhưng tôi vẫn có cảm giác chưa chạm được đến điểm sâu nhất của văn hóa Huế, điều đó cũng có nghĩa là Festival chưa đạt được kết quả như mong muốn. Bởi vì, điểm sâu nhất của văn hóa Huế là Phật giáo. Văn hóa Phật giáo bàng bạc trong không gian, thấm đẫm tâm hồn người ở vùng đất có sông Hương, núi Ngự.

Chùa Thiên Mụ, Huế

Chừng nào chưa khai thác hết yếu tố này, chừng đó Festival Huế vẫn chưa thành công”, Giáo sư Thái Kim Lan, một phụ nữ trí thức Huế, hiện đang dạy về triết học và Phật học tại Đại học Ludwig-maximilian, Munich, Đức, đồng thời là Chủ tịch Trung tâm Giao lưu Văn hóa Đức - châu Á, phát biểu. Suốt chiều dài lịch sử, Huế là một trung tâm Phật giáo lớn.

Kinh đô của triều Nguyễn cũng từng là thủ đô một thời của Phật giáo Việt Nam. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, Huế được gọi là Thiền kinh. Phật giáo có ở Thuận Hóa từ thuở vùng đất này còn nằm trong lòng vương quốc Champa, nhưng thực sự hưng thịnh thì phải đến khi các chúa Nguyễn chọn nơi này xây dựng thủ phủ của xứ Đàng Trong, rồi các thiền sư Việt Nam kế tục để cho các dòng thiền lưu chảy đến tận ngày nay.

Năm nay, người Huế đang cố gắng khắc phục thiếu sót bằng việc đầu tư tổ chức Tuần lễ Văn hóa Phật giáo kết nối với Festival suốt từ giữa tháng Năm đến giữa tháng Sáu. Những ngày này đến thăm Huế sẽ cảm nhận rất rõ không khí chuẩn bị đón mừng Lễ Phật Đản, sẽ thấy không gian Huế vương vất sự trầm tĩnh của nhà Phật.

Ngay chốn nhân gian xào xáo như chợ Đông Ba, ngôi chợ đã có vài trăm tuổi, cũng thay màu áo, dãy hàng hoa ở cửa chợ đầy ắp sen mới chín bói, khoe hai màu tinh khiết trắng và hồng giữa nắng Hạ. Các mệ, các chị đi chợ đầu tháng Tư âm lịch ngày nào cũng mua dăm bó sen đầu mùa để chưng trên bàn thờ Phật. Và một hội ẩm thực bày biện dọc con đường thơ mộng ven sông Hương, nhiều tà áo nâu, áo lam qua lại.

Du khách và người Huế cùng đổ đến đây thưởng thức món chay Huế, các cô gái Huế thì đến để học cách làm món mới, cách bày biện mới. Đường phố đã thấy xuất hiện những hàng bán rong đèn lồng cúng dường. Trong nhà, trẻ em cũng đang say sưa tự làm chiếc đèn lồng cúng dường mùa Phật Đản.

Theo tục lệ cũ, nhà nào không tự làm được thì đều mua dăm chiếc đèn treo trước cửa nhà trong mùa lễ này. Tập tục đẹp này hiện nay chỉ còn duy trì ở xứ Huế. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đã đủ để cảm nhận Huế vẫn được bao phủ bởi một không gian tín ngưỡng truyền thống.

Di sản sống động

Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán ở số 15A Lê Lợi, Huế có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và lễ hội đặc sắc khai thác chiều sâu văn hóa Phật giáo của riêng Huế. Ông Trần Đình Sơn, một phật tử, đồng thời là nhà sưu tập nổi tiếng, giới thiệu tại Liễu Quán bộ sưu tập cổ vật Thăng Long, với khoảng 100 hiện vật, gồm năm bộ khác nhau: Tiền Thăng Long (Đại La), đời Lý, đời Trần, đời Lê và đời Lê Trung Hưng.

Văn hóa Phật giáo gắn liền với cố đô Huế

Đặc biệt, trong đó có nhiều cổ vật là đồ dùng trong các chùa. Các học giả Cao Huy Thuần, Trần Đình Sơn, GS. Thái Kim Lan, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo đã chia sẻ với những người ham thích tìm hiểu văn hóa Phật giáo các chủ đề: Dấu ấn Phật giáo với Hoàng thành Thăng Long, Tính độc lập của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo với doanh nhân, với tuổi trẻ...

Ngoài ra, Phật tử Huế còn tổ chức trình diễn âm nhạc, hội ẩm thực chay tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và lễ thắp sáng hoa sen trên sông Hương tại bến Nghinh Lương Đình, tạo ra những điểm đến thú vị cho du khách trong mùa Phật Đản.

Trong dòng người dự lễ hội, kỳ lạ thay có khá nhiều doanh nhân, văn nghệ sĩ đến từ miền Bắc và miền Nam. Họ đã dành thời gian dự những buổi thuyết trình về văn hóa Phật giáo và tìm hiểu thêm về văn hóa Phật giáo của riêng Huế, thưởng ngoạn cổ vật, tham quan vẻ đẹp kiến trúc đa dạng của hơn 100 ngôi chùa được bảo tồn, thưởng thức các loại hình nghệ thuật diễn xướng, ẩm thực và mua sắm những sản phẩm mỹ nghệ thủ công sản xuất tại chùa.

Di sản văn hóa Phật giáo tại Huế hiện đang là một di sản sống động, rồi đây sẽ được phát huy thành những lễ hội văn hóa tâm linh, một sản phẩm kết hợp giữa văn hóa và du lịch để đón du khách bốn phương đến tìm hiểu về văn hóa Huế!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có một Huế riêng trong mùa Phật Đản...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO