Chuyện màu

LÊ THIẾT CƯƠNG| 04/06/2009 05:50

Phong thích vẽ nhà cửa, làng mạc, phố xá, thôn xóm. Ví dụ xóm chài, xóm trại, xóm núi gì đó. Phong thích vẽ những ngôi nhà, nhà cổ ở downtown Hà Nội hoặc kiểu nhà xây tường con kiến, mái ngói, mái rạ, quê quê với những ô cửa bé xíu...

Chuyện màu

Phong thích vẽ nhà cửa, làng mạc, phố xá, thôn xóm. Ví dụ xóm chài, xóm trại, xóm núi gì đó. Phong thích vẽ những ngôi nhà, nhà cổ ở downtown Hà Nội hoặc kiểu nhà xây tường con kiến, mái ngói, mái rạ, quê quê với những ô cửa bé xíu. Phong đặc biệt mê vẽ những ngôi nhà cũng bé, lấp ló, loáng thoáng, ẩn hiện sau những lùm cây, hoặc tựa vào vách núi hoặc tựa vào nhau, nấp vào nhau, nép bên nhau, nhấp nhô, xô lệch...

Điều này, tôi chia sẻ được phần nào với Phong. Không phải phong cảnh nông thôn, sông nước thanh bình, bến đò, đầm sen và những hàng cây rụng lá mộng mị thì không xứng cho nghệ thuật cao siêu. Không phải những ngôi nhà cao lớn, nhiều phòng thì không đẹp, không đáng ước ao, không có hạnh phúc, nhưng chả hiểu thế nào, tôi thấy những ngôi nhà bé nhỏ vẫn có kiểu đẹp riêng.

Nó làm tôi tin rằng hạnh phúc không phải quá khó, không phải không có thật. Những ngôi nhà bé nhỏ, những phong cảnh êm đềm dù sao cũng dễ làm người ta liên tưởng về hạnh phúc. Cho dù nhỏ nhoi nhưng lại dài lâu và biết đâu lại lành hơn, bình dị hơn. Nói cách khác, phong cảnh của Phong ít nhất cũng làm cho người ta thấy hạnh phúc thật gần gũi. Có lẽ chính điều này lý giải cho câu hỏi, sao lại có nhiều người muốn tranh Phong đến thế!

Cùng với những ngôi nhà mà Phong ưa tạo hình theo kiểu ưu tiên đường kỷ hà, vuông bằng sổ thẳng là những đường cong để cân bằng lại, nhã lại, mềm mại lại, dịu dàng lại, nhũn nhặn lại. Những đường cong của vòm cây, đống rơm, núi đồi, dòng sông, con thuyền và những dáng người cũng cong cong, lom khom, liêu xiêu, bé nhỏ nhưng rất ít, hầu như tranh của Phong không mấy khi thấy người.

Phong thuộc loại không thích những gì đao to búa lớn. Đó là căn tính. Phong không thích nghĩ to, làm to, nói to. Những tác phẩm thành công nhất của anh cũng đều ở cỡ vừa vừa, mỗi bề chỉ trên dưới một thước. Phong là người không thích và không chịu được sự thái quá, không thăng giáng, không trầm bổng, không xanh chín, không đỏ đen, không căng chùng, không đỉnh cao vực sâu. Trừ một chuyện, đó là chuyện màu. Tôi thường tán với các fan của Phong, họa sĩ Phong là người kể chuyện bằng màu, những câu chuyện màu.

Cả đời Phong, anh ta luôn cân bằng mọi chuyện trừ cách ứng xử với màu, làm màu, tạo màu thì ngược lại. Hoàn toàn thái quá. Suy cho cùng Phong thái quá màu cũng là để cân bằng với toàn bộ những gì mà anh ấy không thái quá. Phong đặc biệt thích và giỏi chơi bảng màu tương phản, giỏi hài hòa giữa chúng với nhau. Giỏi cộng trừ âm dương, đêm ngày, tối sáng; xanh đỏ tím vàng, lá mạ, cam, cánh sen, nõn chuối.

Đối nhau chan chát. Đến đây mọi người có thể sẽ òa vỡ, hóa ra tất cả những nhà cửa, phố xá, ao hồ, sông ngòi, núi non mà Phong vẽ không quan trọng gì cả. Đó chỉ là cái cớ để Phong thỏa mãn cơn khát màu, cơn đói màu, để Phong được cực đoan màu, lễ hội - màu, ảo thuật - màu. Cho nên bầu trời có thể vàng, mái ngói có thể xanh, lúa có thể đỏ, trăng lưỡi liềm có thể cô ban, sông có thể
tím, đồng ruộng có thể mận chín. Bất chấp, miễn là phải rực rỡ, no nê, căng mọng, tràn trề, tưng bừng. Đỏ chói, vàng rực, xanh ngắt, tím bầm.

Và tương phản chất liệu với những mảng trống êm đềm, phẳng lặng, mịn màng của con đường, dòng sông, mặt hồ, bầu trời đối lại với nhăn cộm, xù xì, thô nhám do hiệu quả chồng đè với nhiều lớp sơn được cào, xước, cạo, cọ, day, miết. Có khi Phong "diễn" những mảng tường cũ, cổng, cửa cũ, sơn tróc, vôi lở; những tán cây đắp dày; lúc này dùng bay, lúc kia là bút, lớp lang, khô ướt; và ấn tượng nhất là những điểm nhấn bằng lối ánh sáng ven, ánh sáng ngược, phản quang, spot-light đặc tả để tạo ra những nhói,
chói, lóe, gắt. 

Thêm nữa là tương phản của bút pháp, có những chỗ vờn tả kỹ như mặt nước, mặt đường sau mưa, in bóng rung nhòe, mây bay gió thổi và những chỗ quyết liệt, cộm sơn một nhát dứt khoát. Một loạt những tương phản nêu trên (tương phản màu, tương phản hình, tương phản chất, tương phản bút pháp) làm nên nét cuốn hút và đặc biệt bắt mắt trong tranh của Phong. Nó làm cho người ta thích và thích ngay, làm cho người ta thấy dễ xem và xem được
ngay.

Nhưng để níu giữ họ ở lại lâu với mình, để họ không quên được, để ngắm nhìn rồi nhớ, để mê hoặc người xem thì đó lại là do một tương phản khác không dễ thấy. Nó nằm ở bên trong, nằm dưới mỗi bức tranh. Cái phần tương phản vô hình mà Phong tạo ra được, đó là: Tất cả những vui vẻ, phấn khởi, hoan hỉ, ồn ào, náo nhiệt, sôi động của một hòa sắc tươi rói, của một bảng màu tương phản nóng bỏng, lạnh ngắt như vậy nhưng xem tranh Phong người ta vẫn thấy vắng vẻ, hiu hắt, cô quạnh. Vẫn thấy buồn dù kín đáo, dù phảng phất, dù âm ỉ - nỗi buồn đẹp và quý giá.

Cái không khí mà Phong tạo ra được trong tranh mình - chính là vẻ đẹp của hoang vắng, của tĩnh lặng. Chả cứ điều gì cũng phải nói ra, nhất là trong nghệ thuật. Bên cạnh ồn ào là trống trải, bên dưới xanh đỏ rực rỡ vẫn là một điều gì đó trầm mặc u hoài. Chỉ có như vậy hội họa của Phong mới có thể cho người ta cảm giác được an ủi. Ồn ào, náo nhiệt, rạng rỡ, xôn xao cười nói hoan hỉ nào rồi cũng sẽ qua đi.

Lần tương phản cuối cùng này mới là sinh huyệt, là Phong nhất, căn cốt nhất, có giá nhất. Nó giúp phân biệt Đào Hải Phong với những nguời cùng vẽ phong cảnh, cùng vẽ nhà cửa cây cối. Phong cảnh của Phong không bị lây hậu ấn tượng, không ảnh hưởng trường phái Paris mà cũng không bị bệnh "thương nhớ đồng quê". Thêm một điều thú vị nữa, Phong làm nhưng hình như anh ấy không cố tình, hoặc cũng có thể là một kiểu cao tay. Tóm lại đó là tự nhiên. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất tâm đắc câu: Nghệ thuật là phải tự nhiên.

Còn tôi thì cho rằng đó là một dạng của tùy duyên. Hội họa là nghệ thuật thị giác nhưng hội họa đâu chỉ để nhìn, để vui mắt, để mãn nhãn, để trang điểm. Nghệ thuật còn cho người ta được thấy một điều gì đó xa hơn, được nghĩ đến một điều gì đó mơ hồ hơn, bâng quơ hơn, gợi trắc ẩn hơn, sâu lắng hơn, giản dị, thanh thản và an lành hơn thì phải?

Họa sĩ Đào Hải Phong sinh năm 1965 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Khoa Mỹ thuật năm 1987. Triển lãm lần đầu
cùng Lê Thiết Cương tại Hà Nội năm 1993. Đã có nhiều triển lãm trong và ngoài nước, gần đây nhất là triển lãm cá nhân tại London (Anh) 2007.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO