Chơi báo Xuân

TRẦN THANH PHƯƠNG| 18/02/2013 09:26

Có lẽ trên thế giới ít có nước nào vào dịp năm hết Tết đến lại có nhiều ấn phẩm báo xuân như ở nước ta. Đất nước có bao nhiêu tờ báo, tạp chí là có bấy nhiêu số báo Tết được ấn hành.

Chơi báo Xuân

ó lẽ trên thế giới ít có nước nào vào dịp năm hết Tết đến lại có nhiều ấn phẩm báo xuân như ở nước ta. Đất nước có bao nhiêu tờ báo, tạp chí là có bấy nhiêu số báo Tết được ấn hành. Trước ngày đưa ông Táo về Trời độ một tuần lễ là các sạp báo lai rai bày bán báo Tết. Cho tới ra Giêng, đây đó, nhiều giai phẩm xuân còn treo trên sạp. Không phải ế mà dường như người đời muốn kéo mùa Xuân lại!

Đọc E-paper

Vài chục năm trở lại đây, Tết nào những người làm báo chuyên nghiệp cũng tổ chức Hội Báo xuân ở một vài thành phố lớn. Có ban giám khảo chấm từng tờ báo, từng bìa báo đến nội dung bên trong.

Hết một tuần, ban tổ chức gửi tặng bạn đọc vùng sâu, vùng xa, hải đảo những tờ báo xuân đã tham dự ngày hội, coi như quà Tết “cây nhà lá vườn” của những người cầm bút.

Nhiều tòa soạn rất có duyên làm báo xuân, năm nào cũng đẹp, cũng hay. In bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Nhưng dù hay dở gì người đọc vẫn tìm mua một vài tờ đặt cạnh cặp bánh chưng, bánh tét, cành mai, cành đào hoặc chậu quất trong nhà ba ngày Tết. Lui cui đi làm cả năm, chiều 30 Tết có tờ báo xuân nhiều màu sắc và chữ nghĩa cảm thấy vui trong lòng...

Tôi có ông bạn già thích chơi báo xuân gần 40 năm nay. Dù thắt ngặt tiền nong đến mấy, Tết nào ông cũng tìm mua cho kỳ hết những tờ báo xuân.

Tôi hỏi: “Ông sưu tầm nhiều như vậy lấy thời gian đâu đọc cho xuể?”.

Ông tủm tỉm cười: “Báo xuân để nhâm nhi cả năm chớ không phải đọc một lúc như báo thường. Lúc nào mở ra cũng thấy mới vì đó là sản phẩm rất sáng tạo, giàu chất văn hóa. Cái thú là ở chỗ đó”.

Hiện nay ông còn giữ rất nhiều tờ báo xuân mà tên tuổi của nó đã “làm xong nhiệm vụ lịch sử”, nghĩa là không còn xuất bản nữa. Ông nói đó là những tờ báo xuân quý hiếm, không dễ gì tìm được.

Cho nên ông cất riêng trong một vali lớn, khóa lại, khác với những tờ báo xếp trong tủ. Đó là tờ Cứu Quốc số Xuân 1945. Bìa báo là tranh vẽ hình tượng người chiến sĩ đầy dũng mãnh, giương cao cờ Việt Minh, hai chân đạp lên hai tên xâm lược Nhật - Pháp.

Một tờ báo tổ chức bài vở, biên tập và in ấn tại chiến khu trong kháng chiến là tờ Giải phóng số Xuân Canh Tuất 1970, dày 16 trang, in hai màu mà ông còn giữ được.

Tờ báo dành trọn trang bìa in hình vẽ cô du kích khỏe mạnh, tay cầm khẩu súng AK hướng về phía trước với dòng chữ: “Tết đoàn kết, Tết quyết thắng; Năm mới, cố gắng mới, tiến bộ mới, thắng lợi mới!”. Trang hai in bài xã luận với nhan đề: “Chúng ta yêu mùa Xuân” và thiếp “Chúc mừng năm mới” của báo Giải phóng lồng trong cành mai.

Cũng báo Giải phóng, số Xuân Quý Sửu 1973, in tám trang, hai màu đỏ và xanh. Trang bìa in ảnh Bác Hồ với các cháu thanh niên và thơ chúc mừng năm mới của Chủ tịch Tôn Đức Thắng...

Đó là các tờ báo: Quân giải phóng, Phụ nữ giải phóng, Văn nghệ giải phóng,... Ông “cưng” nhất những báo biên tập và in ấn ở chiến khu thời kháng chiến, nghĩa là ở trong rừng.

Nó không đẹp, không sáng sủa bằng những tờ in trong thành bằng máy móc hiện đại. Nhưng nhìn nó, trái tim ta nghĩ biết bao nhiêu điều sâu nặng.

Ông còn giữ được hai tờ báo Thống nhất xuất bản tại Hà Nội, đó là tờ Xuân Mậu Tuất 1958 và Xuân Nhâm Dần 1962... và hàng chục tờ báo xuân khác nay đã trở thành “cổ vật”.

Ông cũng đang có trong tay hai tờ báo xuân ít người biết đến, mặc dù chỉ cách đây hơn 20 năm, đó là tờ Con tằm Xuân Quý Dậu 1993 của Liên hiệp Các xí nghiệp Dâu tằm tơ Việt Nam và tờ Con thoi của Bộ Tài chính...

Đặc biệt, ông còn lưu giữ được nhiều tờ báo xuân xuất bản tại Sài Gòn trước 1975. Đó là các tờ Đen Trắng, Tin Sáng, Điện Tín, Đông Phương, Sóng Thần, Con Ong, Phụ nữ mới, Ngày Tàn, Chánh Đạo, Dân Ý, Bút Thép, Tia Sáng, Sân Khấu mới...

Có người cắc cớ hỏi khó ông: “Ông chơi báo xuân lâu năm và sưu tầm được nhiều tờ báo Tết như vậy, chớ ông biết tờ báo xuân đầu tiên ở nước ta là tờ nào và ai là người đầu tiên trong làng báo Việt Nam có sáng kiến làm báo xuân không?”.

Ông bạn già của tôi cười cái miệng méo xệch, nhăn nhó đến tội nghiệp: Tôi, khoái là chơi vậy thôi, chớ bảo tôi nghiên cứu sâu như câu hỏi thì tôi thua. Tỷ như tôi ăn tô phở biết nó ngon, chớ bảo tôi cách nấu ra làm sao cho ngon thì tôi chịu. Tôi chỉ trả lời “nước đôi” như thế này thôi, ai biết chắc chắn thì mách dùm, cảm ơn lắm lắm.

Tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở nước ta là tờ Gia Định báo, số ra đầu tiên ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn và tồn tại trong suốt 44 năm. Nhưng chưa thấy ai nói số nào là số xuân của tờ Gia Định báo.

Nhà báo Phan Văn Tú, thông qua việc khảo sát cách tổ chức nội dung trang mục của các tờ Phong Hóa, Ngày nay, cho rằng, sáng kiến làm báo xuân xuất phát từ nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Một số ý kiến lại cho rằng, nhóm Tự Lực Văn Đoàn có công nâng cao chất lượng nội dung, hình thức báo xuân nhưng không có công sáng tạo ra cách làm báo Tết mà Phụ nữ Tân Văn mới là tờ báo làm số xuân đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1930.

Còn theo sách Báo chí Việt Nam những sự kiện đầu tiên và nhất do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2006, thì tờ báo xuân đầu tiên là tờ Nam Phong tạp chí, ra riêng số Tết năm 1918. Số Tết này nằm giữa số 8 (tháng 2/1918) và số 9 (tháng 3/1918).

Thông tin này các tác giả cuốn sách dựa theo dữ kiện do nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hồng Sển viết trong cuốn Thú chơi sách, xuất bản năm 1960. Bên cạnh đó, các tác giả cuốn sách còn kể thêm các tờ báo xuân là Đông Pháp thời báo năm 1928, Thần chung xuân Kỷ Tỵ (1929), Phụ nữ Tân Văn Xuân Canh Ngọ (1930), Công luận Xuân Tân Mùi (1931)...

Nhà báo Phan Văn Tú dẫn lại tác giả Phạm Xuân Đài trong một bài viết trên website, cũng khẳng định Nam Phong tạp chí ra đời giữa năm Đinh Tỵ (1917) và ngay cái Tết đầu tiên của tờ báo, ông Phạm Quỳnh đã đề nghị làm một “số Tết”, điều mà những tờ báo đi trước như Lục tỉnh Tân Văn, Đông Dương tạp chí... chưa ai nghĩ ra.

Bài viết đầu tiên trên số báo xuân đầu tiên ấy có nhan đề: “Số Tết của báo Nam Phong”, tác giả bài báo này chính là chủ bút Phạm Quỳnh. Như vậy, có thể nói, Phạm Quỳnh là người đầu tiên trong làng báo Việt Nam có sáng kiến làm báo xuân chăng?

Tư liệu lịch sử để lại chỉ có vậy, nhắc lại để bạn đọc biết cho vui ba ngày Tết. Chớ tìm hiểu cho cặn kẽ, ngọn nguồn xin để dành cho các nhà nghiên cứu báo chí.

Chỉ biết rằng ông bạn già của tôi có một gia tài báo xuân đáng mơ ước. Có dịp nào mời ông bày ra cho mọi người cùng thưởng ngoạn, chắc không ít người không khỏi ngạc nhiên, nhất là những tờ báo hiện nay không còn xuất bản nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chơi báo Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO