Câu chuyện về lòng yêu nước của cải lương Nam bộ xưa

GS.TS TRẦN VĂN KHÊ| 11/02/2011 05:29

Khi thuật lại lịch sử cải lương Nam bộ, nhiều nhà sử học lẫn văn hóa học thường chỉ lướt qua năm 1927 như một năm không có nhiều điểm nhấn và nhắc đến gánh hát Đồng Nữ Ban sơ sài.

Câu chuyện về lòng yêu nước của cải lương Nam bộ xưa

Khi thuật lại lịch sử cải lương Nam bộ, nhiều nhà sử học lẫn văn hóa học thường chỉ lướt qua năm 1927 như một năm không có nhiều điểm nhấn và nhắc đến gánh hát Đồng Nữ Ban sơ sài.

Nhưng thật ra gánh hát này khá đặc biệt và góp phần đánh dấu một năm đáng ghi nhớ về sự chuyển mình về hình thức lẫn nội dung của nghệ thuật cải lương Nam bộ.

Gánh hát toàn thôn nữ

Như chính tên gọi, gánh hát Đồng Nữ Ban chỉ gồm toàn các diễn viên là thôn nữ chưa bao giờ biết nghề hay từng bước lên sân khấu. Các chị xuất thân từ những gia đình nông dân, có một vài người gia cảnh khá giả nhưng cha mẹ có sự nhận định khách quan đối với nghệ thuật sân khấu nên bằng lòng cho con đi học hát cải lương với cô Ba Viện (tức bà Trần Ngọc Viện).

Bà là một giảng viên khoa Gia chánh tại Trường Nữ học đường (tiền thân của Trường Gia Long hay Nguyễn Thị Minh Khai sau này) nhưng đã bị sa thải sau khi dự đám tang và để tang cụ Phan Chu Trinh trong phong trào chống đối thực dân lúc bấy giờ.

Gánh hát được đào tạo khá bài bản, không chỉ luyện tập công phu về hát và diễn, mà còn về văn hóa như chính tả, làm văn lẫn nữ công gia chánh. Có hẳn một thầy dạy võ Bình Định để dạy các thôn nữ chân yếu tay mềm này cách đánh đoản côn, song kiếm… trong các tuồng võ thuật. Thầy tuồng dạy ca cho gánh hát chính là ông Nguyễn Tri Khương (cháu nội của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương).

Xiêm y của các vai do cô Ba Viện thiết kế và tự may thêu. Cô rất khéo tay nên đã tạo ra những trang phục cổ trang cho vai Võ Đông Sơ, không phải như áo giáp của hát bội, cũng không như đồ lụa của hát quảng, hát tiều, mà những trang phục mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Gánh hát thường diễn ở chợ, lấy vải quây quanh thành sân khấu. Một họa sĩ được mời vẽ bức phông lớn làm nền cho mỗi màn nhìn như một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp. Người này cũng được mời xem những lớp tuồng trong lúc tập luyện để thấm nhuần tinh thần của cốt chuyện trước khi vẽ.

Giữa các lớp (hồi), một tấm màn nhung đỏ được kéo ngang để che cả sân khấu, trong lúc chuyển cảnh, dàn nhạc đánh các bản truyền thống Việt Nam, chớ không được đánh các bản Tây như trong những gánh hát khác. Dàn nhạc phụ họa gồm có đàn Kìm, đàn Cò, đàn Sến, ống Sáo, ống Tiêu...

Vì tất cả diễn viên đều là những thôn nữ, không phải đào kép chuyên nghiệp nên cô Ba Viện phải dạy ca từ những bản dễ như hơi Bắc, hơi Quảng, đến những bài khó như hơi Hạ (hơi Nhạc), hơi Xuân, hơi Ai và hơi Oán.

Khi đã thuộc lời ca, không còn lạc hơi, sai nhịp, thì phải học cách “làm màu”, tức là lúc nào thì biểu cảm vui, lúc nào giận, lúc nào buồn, sợ hãi… phải tập thể hiện tình cảm bằng đôi mắt, rồi đến các bộ điệu.

Hầu hết các bài bản trong đờn ca tài tử đều được gánh hát Đồng Nữ Ban biểu diễn như Dạ cổ hoài lang, Tây Thi, Cổ bản, Lưu thủy  trường, Tứ đại oán… những bản nhỏ như Khổng Minh tọa lầu Mẫu tầm tử và những bản do Thầy tuồng Nguyễn Tri Khương đặt cho các vai trong tuồng như Yến tước tranh ngôn (chim én và chim sẻ cãi lộn nhau), Phong xuy trịch liễu (gió thổi làm oằn cây liễu), Thất trĩ bi hùng (mất con chim mái làm buồn lòng con chim trống)…

Đáng nhớ nhất là tuồng Giọt lệ chung tình (chuyển thể từ tiểu thuyết Giọt máu chung tình của ông Nguyễn Hữu Ngỡi) thể hiện rõ mục đích thành lập gánh hát là truyền bá rộng khắp tư tưởng yêu nước thương dân, cũng như dành dụm tiền bán vé để đóng góp cho cách mạng.

Vở tuồng mang đậm lòng yêu nước

Cũng vì nội dung các tuồng hát ý nghĩa nên sau một thời gian đi lưu diễn từ làng Vĩnh Kim qua các làng lân cận, Đồng Nữ Ban đã có những
buổi diễn tại Sài Gòn được đông đảo khán giả mến mộ.

Từ những thầy thông, thầy ký cho đến những người làm chính trị như ông Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu hay cây bút Diệp Văn Kỳ của tờ báo Thần Chung đều đến xem vở tuồng Giọt lệ chung tình và không tiếc lời khen.

Những bài viết trên báo Thần Chung ca ngợi gánh hát toàn những thôn nữ chưa hề qua trường lớp chuyên nghiệp nhưng diễn xuất đầy thuyết phục và truyền tải những thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc.

Vở tuồng có những câu hát rất hay và hàm ý như lúc Võ Đông Sơ đánh bại tướng cướp và nói với hắn rằng: “Sao nhà ngươi đem cường quyền đạp công lý. Mượn võ lực dốc tung hoành? Nhà ngươi có biết phạm tự do thì xã hội dám hy sinh? Đạp công lý quốc dân đành xả mạng…” hay “Nhà ngươi nên nhớ lấy bạc tiền làm nô lệ cho thân hình. Chớ nhà ngươi đừng để vì tiền bạc mà thân hình làm nô lệ. Ôi tệ ôi rất tệ!”.

Thông qua vở diễn đã ám chỉ những người sợ chánh quyền phải khom lưng co gối, gián tiếp phê phán những thói xấu lố lăng, nhiễu nhương trong buổi giao thời.

Do tính chất chính trị trong vở tuồng nên mật thám của Pháp đã tình nghi theo dõi gánh hát cách mạng này và chỉ sau một năm hoạt động cùng vài buổi lưu diễn ở Sài Gòn, Đồng Nữ Ban bị cấm hoạt động.

Tuy chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng đây quả là một dấu son đáng nhớ trong lịch sử cải lương Nam bộ, từ phong cách biểu diễn cho đến quy mô tổ chức lẫn mục đích cách mạng.

Có thể thấy rõ gánh hát Đồng Nữ được lập ra không phải để kinh doanh vì tất cả những tiền lời sau khi trang trải mọi chi tiêu đều được cô Ba Viện chuyển đến giúp đỡ cho những nhà cách mạng.

Hơn nữa, những vở tuồng không chỉ để cho khán giả mua vui cũng được một vài trống canh, mà còn giáo dục tư tưởng yêu nước trong quần chúng, khơi dậy tinh thần dân tộc và ý thức kỷ luật của diễn viên, xóa tan quan niệm “xướng ca vô loài”.

Trong khi các gánh hát đương thời khác chuyển hướng theo Tây Tàu, thì Đồng Nữ Ban luôn đề cao tính dân tộc trong bối cảnh, trang
phục, kịch bản lẫn cách tổ chức sinh hoạt.

Mỗi đêm khi lên sân khấu, tất cả diễn viên đều mặc áo dài tím như đồng phục của sinh viên Trường Áo Tím, tóc kẹp suôn, sắp hàng hai, đi bộ từ nhà tới rạp với bốn người võ sĩ bảo vệ hoặc khi lưu diễn xa thì toàn ban diễn viên ngủ trên ghe chài có sức chứa khoảng 60 người.

Vì những lẽ trên mà khi nhìn lại năm 1927 và sự kiện ra đời của gánh hát Đồng Nữ Ban, có thể thấy đây là một dấu son đáng nhớ trong lịch sử của kịch nghệ cải lương Nam bộ.

Chẳng những khơi mào cho sự gắn bó giữa nghệ thuật với cách mạng, mà qua đó còn truyền tải những thông điệp tích cực, ý nghĩa về lòng yêu nước, niềm tin vào công lý, lẽ phải ở đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Câu chuyện về lòng yêu nước của cải lương Nam bộ xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO