Càng cấm càng cởi?

QUÝ YÊN| 19/06/2012 04:33

Chế tài quá nhẹ, công tác kiểm duyệt chưa tốt và thiếu nhân lực để kiểm tra, các quy định trong tổ chức biểu diễn dẫu có cũng bằng không. Kết hợp với ý thức của những người nghệ sĩ “làm rầu nồi canh”, bức tranh hoạt động biểu diễn tại Việt Nam trở nên đầy sạn.

Càng cấm càng cởi?

Chế tài quá nhẹ, công tác kiểm duyệt chưa tốt và thiếu nhân lực để kiểm tra, các quy định trong tổ chức biểu diễn dẫu có cũng bằng không. Kết hợp với ý thức của những người nghệ sĩ “làm rầu nồi canh”, bức tranh hoạt động biểu diễn tại Việt Nam trở nên đầy sạn.

Đọc E-paper

Cởi, mở, hở



“Chưa bao giờ các chương trình biểu diễn nhiều như hiện nay, cũng chưa bao giờ, trường hợp vi phạm quy chế tổ chức, biểu diễn lại phổ biến và gây chú ý nhiều đến như vậy”, nhận định của ông Nguyễn Đăng Chương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn tại Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 65/CT-BVHTTDL, tổ chức ngày 16/4 tại TP.HCM không còn làm những người tham dự bất ngờ.

Bởi vì, những ngày qua, hàng loạt vụ tai tiếng mà giới người mẫu, ca sĩ... đã tràn ngập trên báo chí và mạng internet. Diễn viên Thanh Hằng ăn mặc phản cảm, người mẫu Thái Hà lộ ngực... vừa bị phạt xong, đã thấy hình ca sĩ Thu Minh với đôi gò bồng đảo hớ hênh xuất hiện.

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM, không tính các hoạt động hàng đêm ở các phòng trà, tụ điểm... không cần xin phép, bình quân, mỗi năm Sở cấp phép công diễn khoảng 500 chương trình sân khấu, ca múa nhạc, thời trang...

Năm 2011, con số này lên đến 606 chương trình. Trong đó, 120 chương trình mang tính chất thương mại, 170 chương trình nhằm mục đích nghệ thuật.

“Với số chương trình nghệ thuật quá nhiều, bình quân từ 1–2 chương trình/ ngày như thế, chuyện sạn trong làng văn nghệ là điều khó tránh khỏi. Những sai phạm tuy chưa hẳn là phổ biến nhưng đã không còn là trường hợp cá biệt”, ông Chương thừa nhận.

Năm 2011, con số vi phạm bị phạt chỉ có nghệ sĩ Hoàng Tơ, người mẫu Kim Minh, người mẫu Thu Hằng bị phạt vì ăn mặc phản cảm và Công ty Venus, Công ty Bạch Kim, Công ty Rồng Đông Dương bị phạt vì tự thay đổi nội dung chương trình sau khi được cấp phép. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, Sở đã phải xử lý đến 8 trường hợp vi phạm.

Các người mẫu Phan Như Thảo, Thái Hà, Phạm Đình Minh Triệu, ca sĩ Thu Minh... đua nhau “cởi, mở” khi lên sân khấu. Đáng chú ý là trường hợp người mẫu Thái Hà, vi phạm liên tục 2 lần với cùng một hành vi.

Điều đáng chú ý là vi phạm của những nhân vật nổi tiếng có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng nhưng mức phạt áp dụng chỉ như “phủi bụi”, chỉ 3,5 triệu đồng mỗi trường hợp vi phạm.

“Giá trị tiền phạt quá thấp so với thu nhập của ca sĩ và mức độ “hot” của họ sau scandal nên chẳng có tác dụng”, đại diện Công ty Tổ chức sự kiện Sen Vàng nhận định.

Bên cạnh đó, theo vị này, hiện Sở chỉ phạt ca sĩ mà chưa phạt công ty tổ chức biểu diễn nên chẳng có “hàng rào” nào cản được nghệ sĩ khoe thân hay hát nhép trên sân khấu.

Lực mỏng chống áo mỏng

Theo ông Trần Minh Phương, Trưởng phòng Nghệ thuật Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM, hầu hết sai phạm của các nghệ sĩ Sở đều nắm bắt từ phản ánh của các báo chí. Hiện, nhân lực lo khâu cấp phép, thẩm định của Sở cũng chỉ có 11 người.

“Nhân lực mỏng như thế nên cũng không thể tổ chức kiểm tra thực tế các chương trình có diễn ra như phúc khảo hay không”, ông Phương cho biết.

Theo ông bầu Hoàng Tuấn, trong thời buổi mà nhà nhà làm ca, nhạc sĩ... thị trường bát nháo là điều tất nhiên. Điều đáng quan tâm là những quy định của các cơ quan không triệt để.

Cụ thể như chuyện cấm hát nhép, phát động nhiều nhưng không có người kiểm tra, quản lý... nên thực trạng này vẫn phổ biến. Hiện, ca sĩ trẻ lách luật hát nhép bằng cách hát chồng lên giọng hát thu sẵn của mình, đánh lừa khán giả.

Dù Sở cấm nhưng khi lên sóng truyền hình, nhà đài lại khuyến khích, 10 tiết mục thì có đến 8 tiết mục hát nhép, để tránh bị so sánh, ca sĩ đành phải xuôi theo nhà đài.

Bên cạnh đó, thái độ thiếu triệt để của cơ quan ban ngành còn tại nên một thực trạng là ca sĩ sang nước ngoài biểu diễn hầu như không mấy người khai báo vì chẳng ai kiểm tra. Hậu quả của thực trạng này dẫn đến thực tế là những ca sĩ Việt sang nước ngoài cũng bát nháo, họ chọn ca khúc phản động trình diễn trong khi ca sĩ hải ngoại lại không.

“Không xin phép lưu diễn thì không quản lý được. Sở, ban ngành phải chủ động chứ không chỉ nhờ đến báo chí phản ánh rồi mới xử phạt”, ông Tuấn góp ý.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Long, Giám đốc Công ty Người mẫu PL nhận định, thị trường biểu diễn ở TP.HCM rất lớn nhưng lại có nhiều sơ hở trong công tác quản lý.

Nhiều đơn vị như trung tâm hội nghị, khách sạn... có được giấy phép tổ chức sự kiện trong hoạt động kinh doanh không hề biết phải xin “giấy phép con” cho việc tổ chức từng chương trình riêng nên cứ mặc nhiên tổ chức.

Do đó, Sở cần phải quy định và phổ biến cụ thể hơn về vấn đề này. Ngoài ra, sau công tác phẩm định, cấp phép, cũng cần có người tham dự để báo cáo lại.

Nhận xét về công tác tổ chức biểu diễn ở TP.HCM, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, TP.HCM là trung tâm trình diễn nghệ thuật. Sự sáng tạo ở đây lớn nên sai phạm cũng nhiều hơn các địa bàn khác.

Trong đó, trách nhiệm thuộc về các công ty tổ chức biểu diễn và cơ quan quản lý cũng rất lớn. Do đó, từ những trường hợp này, Bộ sẽ tiến đến xây dựng quy chế cụ thể, ban hành kèm thông tư rõ ràng để nghệ sĩ biết và điều chỉnh đúng mực.

Dự kiến, cuối tháng 6, nghị định nghệ thuật biểu diễn sẽ chính thức hoàn thành. “Bộ kiên quyết không để tái diễn tình trạng hiện tại”, ông Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ông Hoàng Tuấn: Thất thu cho ngành thuế

Sự lỏng lẻo trong quản lý văn hóa đang khiến ngành thuế Việt Nam thất thu đáng kể. Sang nước ngoài biểu diễn, nghệ sĩ Việt Nam đều phải đóng thuế, không ai trốn được.

Con số thuế ca sĩ Đan Trường đã đóng lên đến hơn 1 tỷ đồng ở nước ngoài. Trong khi đó, ca sĩ hải ngoại về nước có mức cát-xê rất cao nhưng không hề làm nghĩa vụ thuế thuế. Điều này cơ quan quản lý nên xem lại.

Nghệ sĩ Hữu Luân: Cần cấp lại giấy phép hành nghề

Con em chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi hoạt động biểu diễn hiện nay. Tất cả những điều Chỉ thị 65 đều đã phổ biến từ năm 2009 chứ không phải mới đây.

Cách đây chừng 10 năm, Sở Văn hóa có tiến hành cấp phép biểu diễn, hành nghề. Nghệ sĩ rất vinh dự khi được nhận thẻ nghề, thấy mình có trách nhiệm với vai trò nghệ sĩ.

Công tác thống kê giúp Sở có thể biết số lượng văn nghệ sĩ và và có thể bảo vệ họ khi có sự cố. Tuy nhiên, hoạt động này đã không được duy trì.

Với thực trạng bát nháo hiện nay, cấp thẻ nghề để chọn ra những người nghệ sĩ thực thụ là chìa khóa để giải quyết.

Đạo diễn Hoa Hạ: Tại anh, tại ả

Với tư cách là Trưởng ban Biểu diễn Hội sân khấu, tôi thấy rằng có những trường hợp cố ý, có tai nạn nhưng cũng có trường hợp lỗi của phóng viên ảnh khi chụp sai lệch, không đúng góc nhìn trực diện mà chụp từ phía sau, bên hông… khiến nghệ sĩ không thể kiểm soát được.

Nếu đã bảo rằng đó là hình ảnh phản cảm thì cần phải phạt những người góp phần phán tán những hình ảnh ấy.

Ca sĩ Thu Minh: Mặt trái của showbiz

Người ca sĩ phải nắm bắt xu hướng của khán giả, để chiều lòng họ. Tôi rất buồn và xấu hổ vì sự cố trang phục trong Đêm nhạc trẻ Ngàn sao hội tụ.

Nó làm xấu lý lịch một ca sĩ và là kinh nghiệm cho tôi trong việc chọn trang phục. Tuy nhiên, cũng cần nói ở đây là chúng tôi cũng bị “rình rập” khi trình diễn quá nhiệt tình.

Sân khấu thì cao, các phóng viên ảnh cứ đứng ở dưới mà chĩa máy ghi hình, áo váy nào cũng có thể sơ xuất.

Thực chất, showbiz đang có những mặt xấu, bè phái... và các báo lá cải chỉ quan tâm đến quần áo ca sĩ, chúng tôi mặc gì, mua ở đâu, giá bao nhiêu... chứ không nhận xét rằng chúng tôi hát hay, dở thế nào. Điều này thực sự khiến chúng tôi khó mà phấn đấu trau dồi nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Càng cấm càng cởi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO