Bolero: Một cái gì xưa cũ bỗng thức dậy ngọt ngào

HỒNG BÍCH| 08/04/2015 06:14

Bolero đi vào đêm Cù lao ngọt lịm, thỉnh thoảng dòng người đứng xem lại ồ lên, như thảng thốt về một cái gì xưa cũ bỗng thức dậy ngọt ngào, và một chút buồn len lỏi.

Bolero: Một cái gì xưa cũ bỗng thức dậy ngọt ngào

Trên bãi cát Cù lao Chàm, Hội An cuối tháng 3, bỗng nhiên vang lên tiếng đàn guitar bập bùng khởi động, rồi một giọng nữ thánh thót cất lên: "Sợ phải lên/ Sợ phải lên/ Sợ phải lên trên trời", và một giọng nam đuổi theo quấn quít: "Lên trời hai đứa hai nơi/ Nên anh chỉ muốn làm người trần gian..." Tiếp theo là: "Mỗi năm đến Hè lòng man mác buồn/ Biết ai còn nhớ đến ân tình xưa?"..., nhiều lắm những đêm nhạc bolero ở một nơi cách trở sông nước cứ tưởng chỉ hợp với những tâm hồn mạnh mẽ, những bài ca khỏe khoắn.

Đọc E-paper

Bolero đi vào đêm Cù lao ngọt lịm, thỉnh thoảng dòng người đứng xem lại ồ lên, như thảng thốt về một cái gì xưa cũ bỗng thức dậy ngọt ngào, và một chút buồn len lỏi. Bolero là thế, cứ tưởng nó đã chìm vào dĩ vãng, theo dòng đời cuốn trôi một thế hệ, nhưng bỗng giật mình tỉnh giấc.

Nghe một đêm nhạc không chuẩn về âm thanh, về không gian mà không hiểu sao tôi thấy xúc động từ đáy lòng với những giọng ca của các doanh nhân, nhà báo đang vì tình yêu với một dòng nhạc lạc loài vào Việt Nam, đã từng tưởng như bị quên lãng đến vài thập niên, nhưng vẫn sống rất mãnh liệt trong lòng người.

Đây là một trong những lần hiếm hoi các thành viên của Câu lạc bộ Bolero Sài Gòn đi xa, ra miền Trung hát cho đồng bào ở ngoài đảo xa nghe. Họ là nhà báo, bác sĩ, kiến trúc sư, luật sư, nhà nghiên cứu và cựu sinh viên phong trào đô thị cũ.

Câu lạc bộ được hình thành hơn 10 năm qua. "Châm ngôn của Câu lạc bộ Bolero khá hài hước và cũng xen vào đấy một triết lý sống: "Nhỏ dần rồi hết" (phong cách kinh điển của thể loại nhạc này là ca sĩ thường hát câu kết thúc bài hát ba lần, nhỏ dần để ngưng).

Cái triết lý đơn giản ấy còn hàm nghĩa cuộc đời ai cũng vậy, mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng, nhỏ dần đi và kết thúc giống nhau", nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết về phong cách của Câu lạc bộ Bolero Sài Gòn như vậy.

Nhưng trong cuộc sống ở Việt Nam, dòng nhạc bolero không nhỏ dần đi, dù nó xuất hiện hiếm hoi trên truyền hình, sân khấu. Những đêm nhạc của Chế Linh, Lệ Thu, Quang Lê tại Việt Nam đã được khán giả lấp đầy khán phòng với sự khao khát đón nhận, như lắng nghe chính tiếng lòng mình.

Mới đây, trên những chuyến xe đi về giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tôi được thưởng thức chỉ đúng một dòng nhạc ấy với Những đồi hoa sim, Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố, Thành phố buồn, Áo em chưa mặc một lần, Sương trắng miền quê ngoại, Đêm buồn tỉnh lẻ, Lan và Điệp...

Người bình dân đi xe khách lắc lư trên những con đường ổ gà lấy nhạc boléro làm dịu đi những truân chuyên đời thường. Nếu tài xế đổi dòng nhạc khác, khách đi xe sẽ phản đối.

Có thể vì thế mà ở Cù lao Chàm một đêm gió nồm thổi lạnh lẽo mà ngư dân trên đảo vẫn say sưa lắng nghe từng bản nhạc, nhiều người ngồi ở phía xa tự hòa giọng theo như nhớ lại thời tuổi trẻ của mình. Và tôi ngạc nhiên khi thấy sao họ thuộc rành rẽ giai điệu và ca từ đến thế!

Sau này chúng ta chưa ghi nhận có thêm những nhạc phẩm nào của dòng nhạc bolero tạo dấu ấn như thời lừng lẫy thập niên 1970 của nó. Bolero hiện nay đang được khán giả miền Bắc rất ưa thích, các loại đĩa nhạc xưa, hoặc chương trình sản xuất ở hải ngoại đưa về bán rất chạy.

Và cứ thế, một dòng nhạc êm đềm vẫn len lỏi sống, dẫu nó chỉ nương tựa vào những tâm hồn vì quá nhiều trải nghiệm với cuộc sống mà cần một dòng nhạc như vậy để chữa lành vết thương.

Bolero tràn ngập trong bộ phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, nói về những người đồng tính sống cùng nhau ở một đoàn tạp kỹ. Đó là lý do bolero không chết theo thời gian ở Việt Nam.

>Lâm Ngọc Hoa đăng quang Solo cùng Bolero
>Nhạc xưa với ca sĩ thời nay

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bolero: Một cái gì xưa cũ bỗng thức dậy ngọt ngào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO