Bao giờ có rạp chiếu phim cho thiếu nhi?

CUNG KỲ| 30/06/2008 06:11

Mấy năm gần đây, phim cho thiếu nhi vắng bóng ngoài rạp. Trên màn ảnh nhỏ cũng rất ít phim thể loại này được thiếu. Tuy nhiên, mỗi năm, Hãng phim Hoạt hình VN ra mắt không dưới chục bộ phim và một vài phim hoạt hình của nước ngoài vẫn được nhập về. Có phải vì đại bộ phận thiếu nhi chưa có nhu cầu đến rạp xem phim hay do chưa có rạp cho thiếu nhi mà số lượng phim phục vụ các em vẫn còn thưa vắng?

Bao giờ có rạp chiếu phim cho thiếu nhi?

Mấy năm gần đây, phim cho thiếu nhi vắng bóng ngoài rạp. Trên màn ảnh nhỏ cũng rất ít phim thể loại này được thiếu. Tuy nhiên, mỗi năm, Hãng phim Hoạt hình VN ra mắt không dưới chục bộ phim và một vài phim hoạt hình của nước ngoài vẫn được nhập về. Có phải vì đại bộ phận thiếu nhi chưa có nhu cầu đến rạp xem phim hay do chưa có rạp cho thiếu nhi mà số lượng phim phục vụ các em vẫn còn thưa vắng?


Cảnh trong video hoạt hình Sơn Tinh - Thủy Tinh do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài THVN sản xuất

Vào dịp hè, một số tỉnh, thành trong cả nước thường phối hợp với các hãng phim, các đơn vị phát hành để tổ chức tháng phim thiếu nhi. Mấy năm gần đây, Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) thu hút khá đông khán giả “nhí” đến với đợt phim hè. Chương trình gồm cả phim nội và ngoại, phim đã sản xuất từ lâu và phim mới. Giá vé đồng hạng 5.000 đồng quả là rất ưu đãi.


“Mang tiếng” là đợt phim hè và bắt đầu từ cuối tháng 5 kéo dài đến hết tháng 8, nhưng lịch chiếu phim hè cố định vào 10 giờ thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Không khó hiểu, vì phòng chiếu thường dành “giờ vàng” (17-20g) cho phim ngoại, giá vé gấp 5-6 lần phim cho thiếu nhi. Mỗi tuần chiếu ba buổi, chưa hẳn phù hợp với “thời gian biểu” của khán giả “nhí”, dù nghỉ hè, trên danh nghĩa, học sinh được nghỉ ngơi.

Thực tế, nhiều bậc phụ huynh tranh thủ kỳ nghỉ hè để cho con theo học các môn năng khiếu, rồi phụ đạo... Vì vậy, ngày nghỉ cuối tuần chính là thời gian các em được giáo viên hay gia sư kèm cặp. Chưa nói đến việc con nghỉ hè nhưng bố mẹ đâu được nghỉ. Với môi trường sống ngày càng phức tạp, liệu các bậc phụ huynh có yên tâm cho con cái rủ nhau đến rạp xem phim, khi mà chẳng biết con đến đó... xem phim gì?! Còn nữa, những hình ảnh quảng cáo các phim ngoại “bắt mắt” treo đầy ở các rạp rõ ràng không phù hợp với thiếu nhi...


Nếu có rạp chiếu phim riêng cho thiếu nhi, ắt hẳn những khó khăn nói trên có thể được giải quyết rốt ráo. Phim thiếu nhi không còn phải “cạnh tranh” với phim người lớn về thời gian chiếu và phòng chiếu. Phụ huynh không còn lo sợ con xin đến rạp xem phim này rồi quay sang mua vé xem phim khác vì tò mò. Quan trọng hơn, với lịch chiếu phim dàn đều trong ngày và trong tuần, bố mẹ có thể dễ dàng sắp xếp thời gian cùng con đi xem phim vào buổi tối hoặc các giờ rảnh rỗi.


Ở nhiều nước, hệ thống rạp chiếu phim và nhà hát cho thiếu nhi được quan tâm và đầu tư thỏa đáng đã góp phần kích thích việc ra đời những tác phẩm điện ảnh và sân khấu ngày càng đa dạng, phong phú để phục vụ đối tượng này. Rạp chiếu phim, rạp hát cho thiếu nhi được bố trí trong khu dịch vụ vui chơi, giải trí liên hoàn, trong các siêu thị, chung cư... rất thuận tiện cho các em khi muốn đến rạp. Ở Nhật Bản, do đặc thù văn hóa nên người Nhật rất thích xem phim hoạt hình. Có hàng ngàn hãng phim hoạt hình và dĩ nhiên, phim hoạt hình liên tục có mặt ngoài rạp.


Ông Đặng Vũ Thảo - Giám đốc Hãng phim Hoạt hình VN cho hay, Hãng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin duyệt phương án quy hoạch tổng thể khu đất số 7 Trần Phú (Ba Đình - Hà Nội) hiện là trụ sở của Hãng, trở thành Trung tâm Sản xuất phim hoạt hình lớn của cả nước, trong đó có một rạp chiếu phim hiện đại dành riêng cho thiếu nhi. Dự án này được phê duyệt từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. “Kinh phí cho dự án là hàng chục tỷ, không phải không giải ngân được vốn đầu tư mà do còn vướng ở nhiều khâu khác”, ông Thảo nói.


Ở Hà Nội trước đây có rạp Kim Đồng. Rất nhiều thiếu niên Hà Nội đã được xem phim ở đây. Rất tiếc, địa điểm này đã bị phá bỏ, biến thành quán bia và đến nay vẫn chưa được xây dựng lại. Trong kế hoạch những công trình được ưu tiên đầu tư và hoàn thành trước năm 2010 để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Văn hóa thiếu nhi Hà Nội sẽ được xây dựng tại đây. Dự án này đến nay vẫn chưa có “động tĩnh” gì!

Cảnh trong phim truyện nhựa về đề tài dành cho thiếu niên “Chiến dịch trái tim bên phải”


Không chỉ giúp các em giải trí, phim ảnh còn góp phần nuôi dưỡng lòng đam mê và ước mơ trong các em, và biết đâu điện ảnh có thể trở thành một lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ trong tương lai. Không ít nghệ sĩ điện ảnh thành danh đã trải qua những tháng ngày tuổi thơ mê say với phim ảnh ở các bãi chiếu phim hay những buổi trốn cha mẹ, một mình vào rạp xem phim... NSND - đạo diễn Bạch Diệp kể rằng, hồi nhỏ, số tiền mừng tuổi bà chỉ dành để đi xem phim và cho người ăn xin. Có lần, bà được mẹ hứa cho đi xem phim nhưng vì nhà có khách nên không đi được. Đêm ấy, bà lên cơn sốt khiến từ đó mẹ bà đều đặn cho bà đến rạp, dù phim nói tiếng nước ngoài, bà hầu như không hiểu gì cả...


Hy vọng, rạp chiếu phim cho thiếu nhi ra đời sẽ kích thích việc sản xuất những bộ phim không những cho các em mà thật sự là của các em. Các nhà nhập khẩu phim chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội này để mua bản quyền những bộ phim hoạt hình hấp dẫn của nước ngoài để phục vụ các em và cả những bộ phim truyện phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Nguồn phim thiếu nhi phong phú có thể còn được khai thác thông qua các đại sứ quán, các trung tâm văn hóa của các nước tại VN... “Đừng lo thiếu phim, chỉ sợ không có rạp”, ông Thảo quả quyết. Ông cho biết, Hãng đủ sức sản xuất khoảng 20 bộ phim/năm.


Khi được Nhà nước quan tâm trợ giá, các nhà sản xuất phim tư nhân khó bỏ qua “thị trường” tiềm năng này. Bởi đầu tư cho thiếu nhi là đầu tư cho tương lai. Có thể không đạt lợi nhuận như các thể loại phim khác, nhưng khán giả “nhí” cũng có thể trở thành khán giả tiềm năng lắm chứ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bao giờ có rạp chiếu phim cho thiếu nhi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO