Bài học từ Đại đế Pyotr

TRẦN ĐỨC THỊNH - GIÁM ĐỐC MARKETING, CÔNG TY DỊCH VỤ LỮ HÀNH TST| 09/03/2015 06:05

Pyotr Đại đế - Người con vĩ đại của nước Nga là quyển sách giúp tôi hiểu thêm về một vị đại đế có tầm nhìn sâu rộng, tiến bộ, cho tôi nhiều bài học trong công việc quản lý công ty của mình", ông Trần Đức Thịnh, Giám đốc Marketing, Công ty Dịch vụ lữ hành TST.

Bài học từ Đại đế Pyotr

Pyotr Đại đế - Người con vĩ đại của nước Nga là quyển sách giúp tôi hiểu thêm về một vị đại đế có tầm nhìn sâu rộng, tiến bộ, cho tôi nhiều bài học trong công việc quản lý công ty của mình.

Sách là người bạn đồng hành với tôi từ lâu. Tôi đọc nhiều thể loại. Hầu như những cuốn sách tôi đọc đều mang đến những bài học sâu sắc đối với cuộc sống và công việc của tôi.

Vốn học về chuyên ngành du lịch nhưng khi chuyển sang phụ trách công việc marketing thì mọi thứ không thuận lợi từ ban đầu, tôi càng dành nhiều thời gian cho việc đọc sách hơn, nhất là những cuốn sách phục vụ đắc lực cho nghề nghiệp. Công việc áp lực cũng là một trong những lý do khiến tôi luôn mang sách theo bên mình như một công cụ để giải tỏa căng thẳng và giúp tôi xây dựng tư duy, định hướng phát triển trong công việc.

Có nhiều sách ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của tôi, nhưng tôi tâm đắc nhất là cuốn Pyotr Đại đế - Người con vĩ đại của nước Nga. Đây là cuốn sách gây chú ý ngay khi tôi nhìn thấy nó trên kệ. Càng đọc tôi càng bị cuốn hút và chính cuốn sách này thôi thúc tìm thấy sự hứng khởi và sáng tạo trong công việc.

Cuốn sách nói về Đại đế Pyotr (1672 - 1725) của Đế quốc Nga (tác giả Robert K. Massie), ông là một trong những nhân vật kiệt xuất của lịch sử thế giới và là người Nga được yêu mến nhất mọi thời đại. Ông đã đạt được nhiều thành tựu lớn lao trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, đồng thời đưa nước Nga, nằm sát châu Âu, từ một nước lạc hậu luôn đi sau Tây Âu cả trăm năm, trong một thời gian ngắn vượt lên thành một cường quốc khiến cho những nước châu Âu khác phải nể phục.

Lịch sử đã dành cho Pyotr Đại đế nhiều lời khen ngợi, trước tiên là tầm nhìn chiến lược của ông, kế đến là nhận thức rồi quyết tâm. Những tầm nhìn, nhận thức và quyết tâm ấy hầu như rất hiếm tìm thấy ngay tại chính nước Nga lạc hậu thời bấy giờ. Chỉ duy nhất một mình ông có tầm nhìn sâu rộng, đúng đắn, cộng thêm quyết tâm sắt đá để đi đến đích. Đây không chỉ đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết mà là cả một công trình khảo cứu có độ chọn lọc cao.

Sách có bối cảnh ở trời Tây nhưng không hề xa lạ mà ngược lại, những tư tưởng trong sách rất thực tế và dễ áp dụng. Tôi đã chịu ảnh hưởng và học hỏi tư tưởng tiến bộ, công cuộc cải tổ của Pyotr Đại đế để từ đó vận dụng vào công việc quản lý của mình. Với tôi, khó khăn thực sự chính là làm sao phá bỏ những tư duy cũ, những định kiến cổ hủ để mở đường cho những suy nghĩ tiến bộ, phù hợp với xu thế hiện đại. Bằng chính sự trải nghiệm mỗi ngày của bản thân, bằng thái độ tích cực nhất đã dần giúp tôi tìm cách vượt qua khó khăn ban đầu.

Nhưng trước hết, chính bản thân tôi phải có tư duy đúng đắn: một tư duy mở, không sáo mòn, cũ kỹ. Tôi đã tự trang bị cho mình những kế hoạch, kiến thức cần thiết để đấu tranh với những tư tưởng đã lỗi thời, từng bước xây dựng lại kế hoạch marketing thực sự hiệu quả cho sự phát triển của Công ty.

Bản thân tôi cho rằng sách là niềm vui nhưng vấn đề là không phải ai cũng có được niềm vui từ sách nếu không tập cho mình thói quen đọc sách. Có những người hằng ngày chỉ muốn làm cho xong việc để hết giờ đi về hay chỉ muốn kiếm một công việc ổn định mà chính họ cũng cảm thấy vô vị để rồi từ đó mất niềm tin vào cuộc sống. Tôi thường chia sẻ với họ những lời khuyên nghề nghiệp thông qua những câu chuyện đầy ý nghĩa trong những cuốn sách tôi đã đọc.

Đến nay, qua hơn 15 năm làm nghề tôi vẫn duy trì được thói quen này. Công việc chiếm khá nhiều thời gian của tôi nhưng tôi vẫn dành thời gian nhất định cho sách vào cuối tuần, lúc ngồi chờ chuyến bay. Không cố định là mỗi ngày phải đọc bao nhiêu trang, mỗi tháng bao nhiêu cuốn mà là đọc được những gì từ những trang sách ấy.

Thực sự, sách không làm cho người ta ảo tưởng về cuộc sống, sách chỉ như một người bạn, người tri kỷ hoặc một người thầy chia sẻ và giúp mình sống chậm hơn để có nhiều thời gian suy ngẫm về cuộc sống, về công việc.

Tùy theo sở thích, mỗi người thường lựa chọn cho mình những thể loại và nội dung phù hợp. Kiến thức là vô tận và luôn có nhiều điều mới mỗi ngày, chính vì vậy, tôi nghĩ nên xây dựng văn hóa và thói quen đọc sách trước rồi sẽ chọn được những cuốn sách cần thiết cho mình.

Tôi đến với sách và nhờ sách mà tìm thấy niềm vui trong công việc và cuộc sống. Vì vậy, khi nhận được nhiệm vụ mới là xuất bản một tạp chí du lịch chuyên viết về những điểm đến mới Việt Nam và nước ngoài, ẩm thực, thiên nhiên, con người phục vụ cho khách hàng của Công ty và những người đam mê khám phá du lịch, tôi càng phải tìm đọc nhiều sách hơn nữa. Đọc để học hỏi và để chuyển tải thế giới vào trong cuốn tạp chí của mình.

Không phải ngẫu nhiên khi so sánh sách là tri thức. Với rất nhiều người, sách là đam mê, là cánh cửa đưa người đọc bước ra thế giới một cách sống động và dễ dàng nhất.

Tuy vậy, mỗi một cuốn sách lại có giá trị khác nhau với mỗi người đọc. Cùng một tác phẩm nhưng có người thấy bình thường, có người thấy tâm đắc. Hơn thế, lại có những cuốn sách có thể làm thay đổi cả một hành trình của người đọc.

Do vậy, từ số Tân niên 2015 (số 330), Báo Doanh Nhân Sài Gòn bắt đầu mở chuyên mục "Cuốn sách - Cuộc đời" nhằm giới thiệu đến độc giả những tác phẩm đã vẽ nên những bước ngoặt lớn ấy.

Bạn đọc, nếu đã từng may mắn tìm được cuốn sách tạo ấn tượng với cuộc đời mình như thế, có thể chia sẻ với mọi người bằng cách gửi cảm nhận về cuốn sách ấy đến tòa soạn Báo Doanh Nhân Sài Gòn (số 10 Phan Ngữ, P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM), hoặc email đến địa chỉ: toasoan@doanhnhansaigon.vn. Bài viết được đăng sẽ được chấm nhuận bút và được nhận quà từ các nhà xuất bản.


>Học cách trở thành nhà quản lý tận tâm
>Quản lý ý tưởng đem lại lợi ích to lớn
>6 cách quản lý nhân viên hiệu quả
>TST Tourist: Cho là nhận

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài học từ Đại đế Pyotr
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO