Bài học tháng Tám

TƯƠNG LAI| 18/08/2010 08:38

Đó là bài học về “ý Đảng - lòng Dân”: chủ trương đường lối của Đảng lãnh đạo phải đáp ứng được ý chí và khát vọng của nhân dân do đó mà trả lời được câu hỏi bức xúc của cuộc sống, thì mới đến được với lòng dân.

Bài học tháng Tám

Đó là bài học về “ý Đảng - lòng Dân”: chủ trương đường lối của Đảng lãnh đạo phải đáp ứng được ý chí và khát vọng của nhân dân do đó mà trả lời được câu hỏi bức xúc của cuộc sống, thì mới đến được với lòng dân.

Không như thế, không thể có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như bất cứ thắng lợi nào. Lúc nào đường lối chủ trương không phản ánh được thực tế đời sống khách quan mà chỉ là chủ quan duy ý chí, không là sự đúc kết những đòi hỏi nóng bỏng của đại đa số quần chúng nhân dân, chỉ nhằm đáp ứng được quyền lợi của một nhóm người, thì lúc ấy dân không đồng tình ủng hộ, thất bại là điều không tránh khỏi. Đó là bài học sống động và rất nghiêm khắc của lịch sử mà hơn nửa thế kỷ qua mỗi người dân đều thấm thía.

Bao vây Phủ Khâm Sai (Bắc Bộ Phủ) ngày 19/8/1945 

Kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám, càng khắc sâu bài học thật sống động và thấm thía đó. Bằng thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám mới nói được rằng ý của Đảng hợp với lòng của dân. Lời nói ấy mới thực sự được dân “tâm phục, khẩu phục” chứ không phải “Khẩu hiệu cách mạng của Đảng mà hóa ra lá bùa của thầy cúng”* như Bác Hồ đã cảnh báo từ lâu!

Xin gợi lại những cột mốc thời gian: ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ở Tân Trào quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Ủy ban khởi nghĩa được thành lập, “Quân lệnh số1” được phát đi. Vào 23 giờ đêm 14/8/45, Nhật đầu hàng Đồng minh.

Ngày 16/8, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, gửi đi lời kêu gọi tổng khởi nghĩa nói trên. Cần nhớ rằng, để đến Quốc dân Đại hội, các đại biểu Nam Bộ phải đi hàng tháng trời và có hai đại biểu không đến kịp.

Nếu không có một phản ứng dây chuyền cực mạnh của lòng dân khát khao độc lập, tự do thì làm sao có diễn biến kỳ diệu của Cách mạng Tháng Tám! Hà Nội cách Sài Gòn 1719km đường bộ và 1726km đường sắt. Thế nhưng, ngày19/8/1945, Hà Nội khởi nghĩa; ngày 23/8, Huế giành chính quyền; và ngày 25/8, Sài Gòn giành chính quyền về tay nhân dân.

Đó là biểu hiện sống động của lòng dân và sức dân theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Trong điều kiện trình độ và phương tiện thông tin lúc bấy giờ, tín hiệu khởi nghĩa khác nào que diêm xòe vào thùng thuốc súng của lòng căm hờn và ý chí quật khởi nung nấu trong lòng dân tộc, mỗi người Việt Nam không phân biệt trẻ già, giàu nghèo, tôn giáo tín ngưỡng, giai cấp và ý thức hệ tạo thành dòng thác của Cách mạng Tháng Tám!

Sức dân như nước vỡ bờ, chỉ trong 15 ngày, từ khi lệnh Tổng khởi nghĩa phát ra, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên khắp đất nước! Dòng sông cuộc sống trở thành dòng thác cuồn cuộn chảy không gì cản được! Cần nhớ lại, lúc ấy, Đảng chỉ có khoảng 5.000 đảng viên.

Rõ ràng là, quyết định không phải là số lượng, mà là chất lượng của vai trò tiền phong và phẩm chất đảng viên và quyết định là ở “chính sách của Đảng đúng, và thi hành chính sách ấy kịp thời và linh động” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra.

Từ bài học ấy mà suy ngẫm về ý Đảng và lòng dân hiện nay để dám nhìn sâu, nhìn kỹ vào thực trạng và suy ngẫm tại sao trong Di chúc, điều Bác Hồ thiết tha căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng ”*.

Đối với mỗi người dân tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng theo sự dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh đều hiểu đòi hỏi đó chính là đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, là điều kiện để sự nghiệp của Cách mạng Tháng Tám tiếp tục được giữ vững, được phát huy.

Hiểu rất rõ sự tha hóa của quyền lực là một nguy cơ của Đảng cầm quyền, Bác Hồ đã từng nghiêm khắc cảnh báo: “... một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” *.

Để làm được việc đó, Bác Hồ đòi hỏi Đảng phải “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng”*.

Vừa qua, dư luận chăm chú theo dõi với tinh thần trách nhiệm công dân về thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương công khai nêu rõ những xử lý kỷ luật một số cá nhân và tổ chức. Chẳng hạn như vụ Vinashin, vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang... đã được chính thức đặt ra.

Đây là vấn đề dư luận xã hội đã nêu lên từ lâu, nhưng dù sao muộn còn hơn không, công khai và minh bạch cách xử lý kỷ luật là đáp ứng đòi hỏi của dân. Phải chăng, trong thời điểm của những ngày Tháng Tám lịch sử, đây là những tín hiệu đáng mừng. Những tín hiệu ấy cho thấy, tại những đoạn nước xoáy của dòng sông, váng bẩn nổi lên nhiều! Nhưng những váng bẩn ấy không ngăn nổi sức cuộn chảy từ bên dưới.

Sức cuộn chảy ấy mới quyết định tốc độ của dòng sông. Sông vẫn xuôi về biển cả cho dù có lúc phải ngoằn ngoèo nương theo địa hình có lúc cứ tưởng như ngược hướng biển, nhưng rồi sông vẫn đến được nơi nó phải đến. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám củng cố vững chắc niềm tin ấy, tin vào sức dân.

*Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài học tháng Tám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO