Anh binh nhì và vị Đại tướng

MỘC MIÊN| 04/06/2009 04:29

Năm 1973, Trần Hồng lần đầu sở hữu một chiếc máy ảnh. Đó là chiếc máy ảnh nhãn hiệu Ze-nit của Liên Xô rất nổi tiếng hồi đó. Anh học trò nhà quê, anh sinh viên mặc áo lính Trần Hồng khi ấy vừa tốt nghiệp lớp ảnh báo chí khóa đầu tiên

Anh binh nhì và vị Đại tướng

Năm 1973, Trần Hồng lần đầu sở hữu một chiếc máy ảnh. Đó là chiếc máy ảnh nhãn hiệu Ze-nit của Liên Xô rất nổi tiếng hồi đó. Anh học trò nhà quê, anh sinh viên mặc áo lính Trần Hồng khi ấy vừa tốt nghiệp lớp ảnh báo chí khóa đầu tiên, cảm thấy không gì may mắn hơn, nhất là khi được biệt phái sang công tác tại tờ Báo Ảnh Việt Nam và được vào chiến trường thử sức.

Trần Hồng trước bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhờ vậy, gia tài ảnh của Trần Hồng trở nên giàu có trong suốt 36 năm qua, chủ yếu là mảng ảnh về lực lượng vũ trang. 20 giải thưởng ảnh trong và ngoài nước mà Trần Hồng có được vẫn không nói hết những nỗ lực và tâm huyết của người nghệ sĩ vốn gắn bó với Đoàn 559 Trường Sơn trong những tháng ngày bom đạn.

Trần Hồng cho biết: “Ở chiến trường, không mặt trận nào chúng tôi vắng mặt. Có lúc phải hành quân bộ 7 - 8 ngày liền. Với người làm báo ảnh, điều kiện chiến trường vừa là thử thách, vừa là môi trường rất thuận tiện để phát triển nghề. Hết chiến tranh, anh em chúng tôi lại cầm máy lên đường, có mặt khắp các vùng sâu, vùng xa, hải đảo...”.

Có thể nói, nhờ những bước chân xông xáo và ý thức nghề nghiệp, Trần Hồng đã sớm tích lũy được kinh nghiệm về phóng sự ảnh sau những bài học lý thuyết ở trường. “Câu chuyện” có mở đầu có kết thúc của những tấm ảnh, đương nhiên sẽ không dừng lại ở một chùm ảnh thông thường về cùng một đề tài, sự kiện, nhân vật. Đó đồng thời cũng là “câu chuyện” vất vả, hy sinh, đầy mồ hôi và có cả máu của người cầm máy mà Trần Hồng là một thành viên trong đội ngũ đông đảo các chiến sĩ-nghệ sĩ-nhà báo chiến trường
thời chống Mỹ.

Cứ thế, Trần Hồng nhiều lần được mời đi nói chuyện về kinh nghiệm chụp ảnh báo chí ở chiến trường cho đồng nghiệp. Ảnh của anh chân phương, khúc chiết, chặt chẽ bao nhiêu, thì những câu chuyện tác nghiệp, những kinh nghiệm làm nghề của anh cũng giản dị, sâu nặng, nghĩa tình bấy nhiêu, như chính bản tính con người chân chất, mộc mạc nơi anh.

Anh nói, tiếc nhất trong đời cầm máy của mình là sự kiện 30 tháng Tư năm 1975, anh đang đi công tác ở Lai Châu để làm ảnh cho số báo kỷ niệm 21 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thì được tin quân dân ta đã giải phóng Sài Gòn. Anh đã tức tốc lao về Hà Nội. Và sau đó là chuyến đi ròng rã suốt ba tháng liền, để ghi vào ống kính khoảnh khắc không thể quên của miền Nam trong những ngày đầu tiên đất nước thống nhất. Những cuộn phim này đều có ghi chú thích, rồi gói kín bằng nhiều lớp túi ni-lông, hễ
cứ gặp ai ra Bắc là anh gửi hộ, việc đăng tải như thế nào hoàn toàn do ban biên tập xử lý.

Có khi hàng tuần sau ảnh mới về đến báo trong khi Báo Quân đội Nhân dân thời điểm ấy đã cập nhật thông tin từng ngày. 6 giờ sáng ngày 17/2/1979, Trần Hồng đang ở nơi sơ tán thăm vợ sinh con đầu lòng, chợt nghe đài báo tin chiến tranh biên giới nổ ra, 15 phút sau anh xách ba lô, máy ảnh, bắt xe lên Lạng Sơn. Điều đáng nói là ba ngày sau, tức ngày 20, trên các báo vẫn chưa có một tấm ảnh nào cho các trang thời sự nhưng đến ngày 21, bộ ảnh đầu tiên nóng hổi về chiến thắng của bộ đội ta ở biên giới của tác giả Trần Hồng xuất hiện trên một số tờ báo làm nức lòng người
đọc.

Lần đó, khi Trần Hồng tha thiết xin lên tuyến trên để chụp ảnh, một cán bộ chỉ huy dù rất băn khoăn nhưng cuối cùng vẫn phải đồng ý cho nhà báo đi tác nghiệp. Cũng với tinh thần của một nhà báo-lính, anh tiếp tục có mặt tại biên giới Tây Nam, liên tục cống hiến cho trang mục ảnh của báo Quân đội Nhân dân những loạt ảnh có giá trị về tình hình chiến sự ác liệt lúc bấy giờ.

Bộ ảnh 25 tấm anh chụp tại nhà tù Tuôn-sleng (Campuchia), đúng một tuần lễ sau khi nhà tù này được giải phóng, đã tố cáo tội ác diệt chủng của bọn Khmer Đỏ qua việc đặc tả những công cụ và hình thức giết người man rợ. Sau này, bộ ảnh cũng hiện diện trong phòng trưng bày của Liên Hiệp Quốc tố cáo tội ác chiến tranh của Pôn Pốt - Iêng Xa ry. “May mà không chết nên đưa được ảnh về” - kể về những chuyến tác nghiệp sinh tử ấy, Trần Hồng chỉ cười xòa như vậy.

Ai xem ảnh Trần Hồng, hẳn sẽ thấy nhà báo-lính này đã trăn trở nhiều năm với hình ảnh các bà mẹ Việt Nam, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngay từ năm 1972, Trần Hồng đã đi sâu khai thác đề tài người mẹ. “Là lính, mỗi năm về phép được đôi lần mà với tôi, được gặp các mẹ như được về nhà” - Trần Hồng tâm sự. Khuôn hình của Trần Hồng ghi được rất nhiều khoảnh khắc của tình mẫu tử, tình bà cháu, đặc biệt là những nỗi đau, mất mát hằn trên từng gương
mặt, từng ánh mắt của các bà.

Đến năm 1975 anh có một triển lãm riêng mang tên Chân dung mẹ với 78 bức ảnh chọn lọc từ hàng ngàn bức ảnh. Năm 1992, Trần Hồng còn có một triển lãm khác với “góc rộng” hơn, mang tên Chân dung những người thường gặp. Niềm đam mê ảnh chân dung ở Trần Hồng đã may mắn “gặp” được một nhân vật lịch sử mà chắc chắn rằng, thời gian sẽ khiến cho những bức ảnh ấy càng trở nên vô giá.

Trần Hồng tại quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Năm 2006, sau 12 năm theo đuổi đề tài này, lần đầu tiên tại Quảng Bình, triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Trần Hồng nhân dịp Đại tướng 95 tuổi, đã mở cửa liên tục gần một tháng cho nhân dân vào xem. “Đó là một vị tướng trong đời thường: kín đáo, tinh tế, sáng suốt, kiên định... Tôi thực sự bị ông mê hoặc”, Trần Hồng tâm sự. Nhờ thế, sau 15 năm được vào ra ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu và nhiều lần tháp tùng Đại tướng trong các chuyến đi về quê, thăm lại chiến trường cũ..., Trần Hồng có khoảng 1.800 bức ảnh tư liệu quý giá, chụp từ nhiều góc độ khác nhau, phần nhiều chưa được công bố, trong đó có những bức đã ghi lại những thời khắc đặc biệt của vị Đại tướng huyền thoại này.

Nếu bức ảnh Tướng Giáp chơi piano gây bất ngờ và xúc động cho người xem về một phong cách nghệ sĩ trong hình tượng một vị tướng, thì bức ảnh Tướng Giáp rạng rỡ trong cuộc gặp bà con quê nhà tại An Xá - Lộc Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình cao 5m, rộng 2,5m đã gây ấn tượng mạnh cho người xem tại triển lãm...

Gần 100 bức tiêu biểu trong triển lãm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những khoảnh khắc”, khai mạc ngày 5/5/2009 (tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội) với Trần Hồng, là cách anh bày tỏ lòng “tri ân với những người lính Điện Biên Phủ, với đất nước và vị tướng của nhân dân.” nhân dịp Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2009). “Anh binh nhì” của Trường Sơn ngày nào, nay đã là một nhà báo quân đội tóc bạc, mang hàm đại tá. Những tình cảm sâu sắc của “anh binh nhì” ấy được gửi gắm vào những bức ảnh, mãi nguyên sơ và trong sáng, trước vẻ đẹp lồng lộng của vị Đại tướng bất chấp thời gian..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Anh binh nhì và vị Đại tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO