250 năm giấc mộng thi hào

KIỀU ANH| 08/12/2015 04:48

Một làng quê nhỏ bé nằm ven sông Lam đã phát lộ một dòng tộc nức tiếng văn chương, trong đó có một tài thơ thuộc hàng thi bá của mọi thời mà đỉnh cao là kiệt tác Truyện Kiều. Thẳm sâu giữa đất và người, giữa khởi nguồn và tiếp biến, phải chăng có sự dẫn dắt bởi cội nguồn văn hóa?

250 năm giấc mộng thi hào

Một làng quê nhỏ bé nằm ven sông Lam đã phát lộ một dòng tộc nức tiếng văn chương, trong đó có một tài thơ thuộc hàng thi bá của mọi thời mà đỉnh cao là kiệt tác Truyện Kiều. Thẳm sâu giữa đất và người, giữa khởi  nguồn và tiếp biến, phải chăng có sự dẫn dắt bởi cội nguồn văn hóa?

Đọc E-paper

Quay về cố hương

Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765), ở phường Bích Câu, thành Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay), trong một gia đình quý tộc có cha là Tể tướng Nguyễn Nghiễm của triều vua Lê Hiển Tông. Mẹ đẻ của Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Tể tướng Nguyễn Nghiễm. Theo sử sách còn ghi, bà Tần là con gái của một vị quan nhỏ dưới quyền Nguyễn Nghiễm, quê gốc xứ Kinh Bắc. Gia tộc họ Nguyễn ở làng Tiên Điền, theo thời cuộc đã có nhiều suy biến.

Năm 1786, Nguyễn Du làm chức Chánh Phủ Hiệu tỉnh Thái Nguyên, rồi cưới vợ là bà Đoàn Thị Huệ gốc Trấn Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình). Sau sự kiện Tây Sơn tiến quân ra Bắc, Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, Nguyễn Du - một bề tôi của triều Lê đã rơi vào tình thế "thập tải phong trần" (mười năm gió bụi) ở quê vợ Trấn Sơn Nam.

"Nương quê người tóc đã điểm sương", Nguyễn Du tự sự trong bài U cư. Để rồi trong gia cảnh bi thương - vợ mất, người con trai đầu mất, ông lại cõng con trai thứ hai về quê cha đất tổ Tiên Điền trong tình cảnh không còn cao sang, không còn dinh thự. Hằng ngày, ông đọc sách thánh hiền, vui thú đi săn ở núi Hồng và chài cá ở sông Lam.

Tâm thế không mặn mà khi được vời ra làm quan ở triều nhà Nguyễn, ông cáo ốm về quê, hoặc cứ xong việc là xin về quê nghỉ dưỡng, lần khác lại  xin nghỉ hai tháng về quê xây mộ cho anh trai Nguyễn Nễ. Mùa Thu năm Kỷ Mão (1819), Nguyễn Du được cử làm Đề Điệu trường thi Quảng Nam, ông dâng biểu xin nghỉ và được nhà vua chuẩn y. Cố hương đã là nơi duy nhất mà Nguyễn Du luôn day dứt để được trở về trước "quân lệnh như sơn" từ phía quan trường.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh, khi về sống ở làng Tiên Điền khoảng 6 năm (1796 - 1802), Nguyễn Du thấy lòng mình bình yên, thanh thản hơn: "Núi Hồng một màu soi bóng xuống làn nước phẳng, nơi thanh tịnh này, kẻ hàn sĩ có thể ở được"; "Ở ẩn buồn đến cực độ, bỗng thấy vui"; "Sông Lam, núi Hồng đẹp vô cùng", và "Trăng sáng chiếu giếng xưa: nước giếng không nổi sóng, không bị người khuấy lên; lòng này không lay chuyển, dù bị người khuấy lên, lay chuyển một lúc lại lặng..." (Trích ý thơ Nguyễn Du).

Đương thời của di sản

Hậu duệ của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, ông Nguyễn Ban, đã nhận định: "Với quê hương, Truyện Kiều và nhà thơ còn có những ảnh hưởng riêng hết sức ưu ái mà nhân dân quê hương luôn nhận biết, luôn trân trọng, đó là công và đức của ông. Công của ông là Truyện Kiều, một khúc nam âm tuyệt xướng, một điều tình phổ bậc đầu. Đức của ông là chữ tâm, mà nhân vật Thúy Kiều lại thể hiện ở chữ hiếu".

Đã 250 năm trôi qua trong dư âm của một lời tiên cảm của đại thi hào Nguyễn Du: "Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?" (Trích Độc Tiểu Thanh ký, Nguyễn Du). Đã 250 năm, làng Tiên Điền vẫn bảo tồn từng chi tiết của di sản họ Nguyễn, trong đó nhiều nhất là di sản thơ văn của Nguyễn Du. Ở cổng làng văn hóa Tiên Điền, có đôi câu đối: "Tiền nhân mở đất quê hương thịnh / Hậu thế xây nền văn hóa hưng".

Tiền nhân ở đây được sử sách lưu lại là: Nguyễn Quỳnh (1675 - 1735) là đời thứ năm kể từ thủy tổ Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm, là ông nội của Nguyễn Du; Nguyễn Nghiễm (1708 - 1776) là con trai thứ hai của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh. Trong cuốn Nguyễn tộc gia phả, dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền còn được tiếp nối tài hoa ở các nhân vật như: Nguyễn Khản, Nguyễn Nễ, Nguyễn Hành, Nguyễn Thiện, Nguyễn Nghi... Và kết tinh chói sáng nhất của tài danh văn chương một dòng tộc trong văn mạch dân tộc là đại thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều, các tập thơ chữ Hán như: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục...

Tính đến nay, theo thống kê (chưa đầy đủ), Truyện Kiều được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau.

Di sản đồ sộ ấy của một gia tộc đã và đang khiến các nhà nghiên cứu tìm cách tiếp cận để khẳng định giá trị cũng như địa vị lịch sử của dòng họ Nguyễn trong văn học dân tộc. Khi các giá trị văn chương được khai thác, hậu thế biết tạ ơn tiền nhân. Bởi, không phải ngẫu nhiên ngày nay lại có tuồng Kiều, chèo Kiều, Kiều dân ca, Kiều cải lương trên chính quê hương họ Nguyễn.

Nhìn lại để thấy, một nhận định tài hoa trong lời tựa của bản Kiều đem in năm 1820, Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân viết: "Ta lúc nhàn đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng: Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh như hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy".

Bút lực của bậc đại thi hào cũng đã làm nên dấu ấn chính khách đặc biệt trên lĩnh vực ngoại giao, khi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden lúc tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lẩy Kiều rằng: "Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".

Truyện Kiều đã có trong tâm trí của mọi người, phổ quát và lan tỏa các giá trị ở tầm nhân loại. Cũng như trong câu thơ: "Thưa rằng: Tôi ở rất lâu quê nhà" của thi sĩ Bùi Giáng, quê nhà có ở trong ta, không phải riêng ai và hơn cả vùng đất riêng biệt. Đó cũng đạo!

>Triển lãm về đại thi hào Nguyễn Du

>Về thăm quê hương thi hào Nguyễn Du

>Triển lãm bộ sưu tập truyện Kiều lớn nhất Việt Nam

>"Truyện Kiều" được trao 5 kỷ lục Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
250 năm giấc mộng thi hào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO