Thông suốt thông tin, điều kiện cần để khống chế dịch và phục hồi thị trường

Nguyễn Anh Tuấn*| 30/08/2021 01:13

Dịch bệnh tác động lên tất cả các lĩnh vực, các đối tượng trong nền kinh tế. Sự đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động làm cho hoạt động kinh tế bị đóng băng. Về lâu dài, bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch, chúng ta cần chú trọng vào giải pháp tái khởi động nền kinh tế.

Thông tin đóng vị trí trung tâm trong việc ra các quyết định và trong bối cảnh hiện nay, vấn đề này lại càng trở nên cấp bách để xử lý, khống chế và chuẩn bị tái khởi động kinh tế. Doanh nghiệp (DN) sẽ cần lao động phù hợp, tương tự người lao động có nhu cầu tìm việc sẽ tìm đến DN.

Tương tự như vậy, chính quyền cần tiếp cận với người dân đang khó khăn bởi dịch bệnh và người dân cũng phải được tiếp cận với các kênh thông tin chính thống để tìm sự hỗ trợ kịp thời.

Trong thời gian qua, rất nhiều tổ chức từ thiện được thành lập tự phát trên fanpage, group của facebook, Zalo...để thông tin việc chia sẻ hàng hóa đến các khu dân cư khó khăn. Ở nền tảng lớn hơn, website https://sosmap.net đã được xây dựng bởi một nhóm cá nhân để kết nối những người "muốn cho" với những người "muốn nhận". 

Rõ ràng, việc thông suốt thông tin là điều cần thiết và trong bối cảnh này, từ phía quản lý nhà nước cần phải có một hệ thống lớn hơn, minh bạch, rõ ràng, chính thống để giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề khác nhau.

b46d0b1d1fbbe8e5b1aa-3761-1630291897.jpg

Thời gian qua, có nhiều tổ chức thiện nguyện  tự phát đã được thành lập để chia sẻ, hỗ trợ người dân khó khăn. Ảnh: Phan Nhung

Muốn thúc đẩy thông suốt thông tin, đầu tiên cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư trên nền tảng quản lý đơn giản (website, app quản lý trên điện thoại…). Hệ thống này sẽ bao gồm nhiều đối tượng, đứng ở nhiều tư cách khác nhau (từ người dân, tổ chức, DN).

Việc xây dựng dữ liệu cơ sở dân cư cần được tiến hành, hoàn thiện sớm. Thí điểm thực hiện trong phạm vi toàn TP.HCM. Những thông tin này sẽ tạo thành hệ thống dữ liệu lớn để áp dụng xây dựng các thuật toán nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, song song là việc cảnh báo nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời, hệ thống này còn đảm nhiệm một nhiệm vụ quan trọng: kết nối cung - cầu trong lao động.

Với mục tiêu đầu tiên, khoanh vùng để khống chế, xử lý dịch. Mỗi người dân cần khai báo thông tin (hoặc thông qua người đại diện, như trưởng khu phố). Đây không phải là một hệ thống tĩnh, mà là một hệ thống động, cập nhật thường xuyên diễn biến sức khỏe, tình trạng lây nhiễm để các đối tượng liên quan nắm bắt, xử lý nhanh.

Dữ liệu này sẽ là cơ sở để phân vùng các đối tượng liên quan dịch bệnh nhằm theo dõi, quản lý, chăm sóc. Bước đầu tiên của hệ thống là cơ bản nắm bắt tình trạng, phân vùng và có chính sách cho từng khu vực (như bản đồ chúng ta đã từng xây dựng). Tuy nhiên, đây sẽ là dữ liệu lớn để các nhà khoa học liên tục đưa ra các cảnh bảo, dự báo về tình trạng và khả năng lây nhiễm để có chính sách phù hợp với từng khu vực, cũng như chính sách xử lý chung trên hệ thống.

241-9720-1630291897.png

Việc xây dựng dữ liệu cơ sở dân cư cần được tiến hành, hoàn thiện sớm. Ảnh minh họa: Internet

Bước thứ hai, hệ thống này cần được thường xuyên cập nhật với nhiều chức năng, nhiều đối tượng tham gia. Với người lao động, cần kê khai rõ hơn về trình độ, chuyên môn, năng lực, mong muốn nghề nghiệp. Đối với các chủ DN, nêu rõ các nhu cầu về nhân lực, vị trí công việc, mức lương tương ứng. Ngoài ra, còn có các cơ sở đào tạo, nêu rõ năng lực và khả năng đào tạo các kỹ năng, chuyên môn cần thiết. 

Trên cơ sở này, hệ thống với sự tham gia của thuật toán về công nghệ số, dữ liệu lớn sẽ kết nối với các đối tượng khác nhau:

- Người lao động với DN nếu đủ chuyên môn.

- Người lao động với các cơ sở đào tạo nếu cần bổ sung các kỹ năng phù hợp.

- Các DN với cơ sở đào tạo có đủ năng lực đào tạo kỹ năng, trình độ cho nguồn nhân lực.

Cùng với đó, hệ thống này cũng sẽ giải quyết nhu cầu nhân lực trong thời gian trước mắt, khi kết nối người lao động với các DN (kể cả trong giai đoạn giãn cách) trong những công việc đặc thù: làm việc online, thương mại điện tử. Hoặc nếu táo bạo hơn, với những việc thủ công, không cần quá nhiều kỹ năng, kỹ xảo cần thiết thì việc chuyển vật liệu, công cụ lao động cho các đối tượng người lao động từ các DN thông qua cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khả thi. Hoạt động này vừa huy động được sức dân, vừa giảm thiểu sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Song song đó, trong thời gian giãn cách, người lao động hoàn toàn có thể học thêm các kỹ năng cần thiết từ các cơ sở giáo dục hoặc các DN trực tiếp đào tạo để đáp ứng nhu cầu công việc sau giãn cách, tham gia chuỗi cung ứng sức lao động.

Cuối cùng, khi có sự tham gia từ phía Chính phủ (đại diện là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đúng với quan điểm “Chính phủ kiến tạo” sẽ góp phần bảo đảm các đối tượng tham gia vào hệ thống yên tâm về mặt an toàn thông tin và trong dài hạn sẽ giúp kết nối thị trường lao động. Cả cung và cầu sẽ thông suốt, giúp “an dân” trong bối cảnh hiện tại.

Phó trưởng phòng sau Đại học và Khoa học công nghệ, trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thông suốt thông tin, điều kiện cần để khống chế dịch và phục hồi thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO