Những doanh nhân toàn cầu

PHẠM PHÚ TRƯỜNG - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trường Lộc Group| 22/01/2012 09:25

Nhiều người vẫn cho rằng thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc vào đường hướng chiến lược do lãnh đạo doanh nghiệp đó đưa ra, nhưng thực tế, thành công ấy lại phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp xung quanh và rộng hơn là xã hội, là thế giới.

Những doanh nhân toàn cầu

Nhiều người vẫn cho rằng thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc vào đường hướng chiến lược do lãnh đạo doanh nghiệp đó đưa ra, nhưng thực tế, thành công ấy lại phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp xung quanh và rộng hơn là xã hội, là thế giới.

Kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, trong đó có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, khiến Chính phủ và doanh nghiệp khá lúng túng trong việc tìm ra giải pháp để tồn tại và phát triển.

Sự lúng túng này là điều dễ hiễu vì kinh tế Việt Nam chỉ có một thời gian ngắn tham gia thị trường toàn cầu, những bỡ ngỡ là điều khó tránh khỏi.

Hiểu rõ sự tất yếu này mới thấy điều quan trọng hơn là tìm ra con đường thay đổi thích ứng để tiếp tục tham gia tiến trình toàn cầu hóa một cách bền vững nhất. Tôi xin ghi lại đây những suy nghĩ dưới dạng một sổ tay trong một ngày làm việc, một ngày gặp gỡ đối tác, một ngày nghĩ về tương lai của doanh nghiệp...

Theo tôi, điểm bắt đầu chính là thay đổi tư duy kinh doanh theo xu hướng toàn cầu hóa. Nghĩ đến thị trường 80 triệu dân hay thị trường 7 tỷ người tiêu dùng? Dù thế nào thì kinh doanh bền vững là luôn tạo ra giá trị cho người tiêu dùng, đối tác, nhà đầu tư, nhân viên, môi trường kinh doanh và xã hội, sau đó mới nghĩ đến lợi nhuận.

Điều này không mới nhưng đây là cách kinh doanh cơ bản, dài hạn và bền vững nhất. Nhiều người vẫn cho rằng, thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc vào đường hướng chiến lược do lãnh đạo doanh nghiệp đó đưa ra, nhưng thực tế, thành công ấy lại phụ thuộc rất nhiều vào các công ty xung quanh và rộng hơn là xã hội.

Một cụm địa phương mạnh với nhiều nhà cung cấp và các tổ chức địa phương có năng lực sẽ cải thiện năng suất công ty. Không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn hàng đầu thế giới chọn thuyết “Tạo lập giá trị chung” cho chiến lược phát triển dài hạn. Chúng ta dù là những doanh nghiệp nhỏ nhưng cũng không phải là quá sớm để bắt đầu chuẩn bị nghĩ lớn về tư duy này.

Sau quá trình hình thành và phát triển, khái niệm “doanh nhân” vẫn còn rất rộng, bao hàm cả người chủ doanh nghiệp, người điều hành doanh nghiệp và những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế với cùng mục tiêu là làm giàu và thành đạt.

Trên thế giới, doanh nhân (entrepreneur) mang ý nghĩa là người kinh doanh hay chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khái niệm CEO (Chief Executive Officer) là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp chuyên nghiệp.

Ứng với từng vai trò, chúng ta cần những tố chất, kỹ năng khác nhau. Ví dụ, thông thường, tính chấp nhận rủi ro ở người có tính cách doanh nhân phải trội hơn ở người làm CEO, hay một CEO cần nhiều kỹ năng điều hành doanh nghiệp hơn một doanh nhân.

Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam thì thông thường doanh nhân vừa làm chủ, vừa làm CEO do các công ty có quy mô nhỏ. Đây chính là điểm yếu khiến các doanh nghiệp không chuyên nghiệp trong cách điều hành, bỏ qua nhiều nguyên tắc cơ bản về kinh doanh, đặc biệt là tài chính, quản trị nội bộ...

Hãy hiểu rõ vai trò của mình để trang bị những kiến thức bài bản và thích hợp là bài học nhập môn nhưng không bao giờ thiếu trong một sân chơi toàn cầu có những trật tự riêng.

Xây dựng tầm nhìn rộng ra toàn cầu, nhìn dài hạn để tồn tại và phát triển ngay trên thị trường Việt Nam. Toàn cầu hóa thực tế đang diễn ra hằng ngày bên cạnh chúng ta, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay.

Cụ thể là hoạt động thôn tính, sáp nhập các công ty Việt Nam do các tập đoàn nước ngoài thực hiện đang diễn ra rất mạnh trong những năm gần đây. Điều này cũng có nghĩa các công ty nước ngoài này nhìn thấy chúng ta thì tại sao chúng ta không nhìn thấy họ?

Cứ thử hình dung các công ty Việt Nam sau khi được họ thay đổi với những công nghệ tiên tiến, đội ngũ lãnh đạo chuyên nghiệp, quản trị nội bộ và tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế, làm marketing giỏi thì các công ty Việt Nam cùng ngành sẽ cạnh tranh như thế nào?

Làm quen với việc làm việc với nhiều văn hóa khác nhau và biết cách hợp tác bằng những nguyên tắc kinh doanh toàn cầu. Chúng ta thường nghĩ cần tạo những nét đặc trung cho văn hóa doanh nhân Việt Nam, điều này không sai nhưng cần phải có những điểm chung so với văn hóa doanh nhân toàn cầu. Khái niệm "công dân toàn cầu" đòi hỏi phải có những "doanh nhân toàn cầu".

Chuỗi giá trị lao động toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải biết cách đứng đúng vị trí của mình một cách hiệu quả và hài hòa.

Những tổng giám đốc người Việt Nam làm việc cho những công ty công nghệ hàng đầu như IBM, cho Cisco, Intel; những giám đốc marketing Việt Nam điều hành những công ty hàng đầu như Pepsi, Unilever... cho thấy sự tự tin của trí tuệ Việt Nam, nhưng đồng thời cũng cho thấy chúng ta phải biết cách để Intel, Unilever hay Cisco tạo nên những giá trị của Việt Nam. Khác biệt càng lớn sẽ càng tạo khoảng cách lớn, làm cản trở quá trình tự làm phẳng của chính chúng ta.

Những con rồng, con hổ châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan đi trước đã để lại cho chúng ta nhiều bài học về phát triển. Hàn Quốc đi vào công nghiệp nặng, Đài Loan chú trọng gia công điện tử, còn Trung Quốc tận dụng ưu thế lao động để trở thành công xưởng sản xuất lớn của cả thế giới.

Dù các mô hình khác nhau, nhưng yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của các nền kinh tế này là giải phóng toàn diện sức lao động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp. Việt Nam cũng đang có những bước đi đúng đắn, đặc biệt là chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Ở đó, doanh nhân được thừa nhận là lực lượng lao động, sản xuất quan trọng trong các chiến lược phát triển kinh tế, sớm đưa Việt Nam thành rồng, thành hổ thực sự.

Hàn Quốc đã rất thành công sau khi học từ Nhật Bản: giữ được thị trường nội địa bằng mọi cách. Thậm chí, Chính phủ Hàn Quốc trước đây đã hạn chế đầu tư nước ngoài ở một số ngành quan trọng, như sắt thép chẳng hạn, để từ đó tạo nền tảng cho các thương hiệu Hàn Quốc phát triển ra thế giới sau này.

Vì thế, ngoài việc bước đầu xuất những sản phẩm thô, chúng ta từng bước sản xuất những sản phẩm chiếm thị trường nội địa và từ bàn đạp vững chắc này chúng ta vươn ra thế giới. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải chiến thắng hàng ngoại nhập và hàng ngoại sản xuất tại Việt Nam.

Chúng ta có một cơ hội rất lớn để thực hiện tham vọng này. Đó là sự phát triển quá nhanh của điện toán đã thay đổi công nghệ, trang thiết bị sản xuất, các trang thiết bị hiện đại, tự động hóa cao.

Quan trọng hơn là tạo ra điều kiện tiếp cận công nghệ khá bình đẳng giữa các quốc gia, giúp những quốc gia tuy đi sau nhưng sẽ có lợi thế nếu đầu tư những thiết bị tiên tiến nhất của thế giới.

Trong thế giới ấy, những quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc nhanh chóng vươn lên thành cường quốc, làm chủ các công nghệ hiện đại nhất, nhanh chóng làm nên “những kỳ tích châu Á”.

Nhưng cũng trong thế giới ấy, sự “rơi tự do” đã đến với những nền kinh tế siêu cường như Mỹ, Đức hay Anh. Trong thời buổi có những thay đổi lớn lao và đầy bất định hiện nay, mọi thứ dường như không chắc chắn, khiến chúng ta không thể lường trước được khó khăn hay trở ngại gì đang đón đợi ở phía trước.

Nhưng ở vùng đất rộng lớn này, một điều bất định mách bảo chúng ta là phải vượt lên phía trước và bình đẳng với tất cả khi tất cả có chung một cuộc chơi.

Một trong những điểm yếu của kinh tế Việt Nam là chưa xây dựng được một nền tảng công nghiệp vững vàng. Hàn Quốc đã mất nửa thế kỷ để xây dựng nền công nghiệp đóng tàu, điện tử, ô tô hùng hậu. Thế nhưng, Trung Quốc, Ấn Độ rút ngắn con đường này xuống còn một, hai thập kỷ.

Hiện nay, ranh giới quốc gia đã quá gần nhau, chúng ta có thể thuê các chuyên gia hàng đầu thế giới để huấn luyện những kỹ năng cần thiết khi chúng ta muốn đầu tư công nghệ hiện đại.

Khoản đầu tư này tiêu tốn nhiều tiền, nhưng đây là con đường ngắn nhất để chúng ta đi tắt làm chủ những công nghệ hiện đại nhất. Nhưng yếu tố văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chinh phục công nghệ cao này.

Chỉ có phần cứng như công nghệ, kỹ thuật thôi chưa đủ, văn hóa mới là yếu tố giúp con người gắn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống.

Toàn cầu hóa văn hóa làm biến đổi bối cảnh, trong đó đang diễn ra việc sản xuất và tái sản xuất các nền văn hóa dân tộc làm thay đổi các phương tiện vốn giúp cho những quá trình ấy được thực hiện.

Nhưng ảnh hưởng cụ thể của toàn cầu hóa văn hóa đến tính chất và hiệu quả của các nền văn hóa dân tộc, đến chính quyền và ảnh hưởng từ những tư tưởng của chúng, những giá trị và nội dung của chúng hiện nay hãy còn rất khó xác định. Tuy thế, cần phải nói rằng, chính văn hóa quyết định sự thành công của một xã hội này hay một xã hội khác.

Quản trị đất nước chính là biết cách làm cho sự vận hành của các thiết chế, trong đó có văn hóa, mang lại hiệu quả và thể hiện sự tiến bộ. Quản trị doanh nghiệp cũng giống vậy, dù ở cấp độ nhỏ bé hơn.

Những lúc kinh tế khó khăn như hiện nay là cơ hội rất tốt để chúng ta xây dựng mọi thứ theo chiều sâu. chiều sâu đó là văn hóa, văn hóa thấm nhuần vào từng con người rồi sẽ giúp chúng ta vượt qua những sai lầm lúc thịnh vượng .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những doanh nhân toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO