Điệp khúc “trồng rồi chặt” bao giờ chấm dứt?

GS TS VÕ TÒNG XUÂN| 20/05/2009 04:53

Trong liên kết “bốn nhà” thì sự liên kết giữa doanh nhân và nông dân để sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản hàng hóa là quan trọng nhất, có thể gọi đó là “thị trường nuôi nhau”. Vậy thì giữa doanh nhân và nông dân, ai cần nhau hơn?

Điệp khúc “trồng rồi chặt” bao giờ chấm dứt?

LTS - Thực hiện Quyết định 80 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng sản xuất - chế biến - tiêu thụ, mấy năm qua, chương trình liên kết “bốn nhà” (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) đã có một số kết quả, nhưng nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.

GS TS Võ Tòng Xuân

Trong liên kết “bốn nhà” thì sự liên kết giữa doanh nhân và nông dân để sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản hàng hóa là quan trọng nhất, có thể gọi đó là “thị trường nuôi nhau”. Vậy thì giữa doanh nhân và nông dân, ai cần nhau hơn?

Để trả lời câu hỏi ấy, Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức diễn đàn “Doanh nhân và nông dân: Ai cần ai?”, kéo dài đến 13/10, là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Tòa soạn rất mong nhận được ý kiến của quý bạn đọc, đặc biệt là bài viết của các nhà khoa học, chuyên viên kinh tế, nhà doanh nghiệp và nhà nông để diễn đàn của chúng ta thật sự phong phú và mang lại lợi ích thiết thực.

Tại sao lợi tức của người nông dân gia tăng chậm?

Tình trạng nghèo nàn của nông thôn VN là hậu quả của những thực trạng sau đây:

Đất đai manh mún, nhỏ lẻ. Chính sách “Khoán 100” được củng cố bởi “Khoán 10” đã phân bổ lại đất cho nông dân, nhưng rất manh mún, đưa đến tình trạng sản phẩm không đồng đều, chất lượng thấp, giá thành cao.

Đất đai manh mún đưa đến tình trạng sản phẩm không đồng đều, chất lượng thấp, giá thành cao - Ảnh minh họa

Không đủ tài chính để đầu tư cho sản xuất: Dịch vụ về tín dụng ở nông thôn bao gồm các ngân hàng thương mại, quỹ tài chính từ một số tổ chức phi chính phủ tài trợ và những chủ cho vay nặng lãi. Nhưng vay mượn được nguồn vốn này không dễ dàng gì, và chỉ vay từng vụ, không đủ để đầu tư sản xuất, phải trả nợ ngay sau khi thu hoạch. Vì thế dân nông thôn khó có điều kiện tích lũy vốn.

Sản xuất cá thể một cách tự phát: Nông dân thường bắt chước nhau nuôi, trồng một cách quá tự do, dù không biết sẽ bán cho ai, bán được bao nhiêu. Vì thế, khi thì hàng không ai mua hoặc phải bán rẻ mạt, khi thì không có hàng để bán.

Áp dụng khoa học kỹ thuật không đồng đều: Nông dân thường sản xuất theo kinh nghiệm gia truyền, không theo khuyến cáo kỹ thuật một cách triệt để, nên sâu bệnh dễ xâm nhập đồng ruộng khiến họ phải sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, làm ô nhiễm môi trường, làm giảm chất lượng sản phẩm, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Thêm vào đó, lượng sản phẩm làm ra nhỏ lẻ, không đồng nhất nên không thể đăng ký thương hiệu nổi tiếng.

Sản phẩm tiêu thụ qua thương lái là chính: Gần như không có sự liên kết nào giữa nông dân (người sản xuất nguyên liệu) và doanh nhân (ngườì đưa sản phẩm ra thị trường). Tiêu thụ sản phẩm của nông dân là do lực lượng thương lái tư nhân hoạt động từ xã ấp lên đến cấp tỉnh. Trên địa bàn nông thôn, người ta hầu như không thấy bóng dáng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cấu trúc hạ tầng thấp kém: Trừ những vùng gần thành thị, hoặc gần quốc lộ, nông dân các vùng sâu luôn bị thiệt thòi vì không thể tiếp xúc với thị trường một cách dễ dàng. Họ phải bán sản phẩm cho thương lái với giá rẻ trong khi mua lại hàng hóa với giá cao.

Nông thôn VN trước thị trường thời hội nhập

Sau khi VN gia nhập WTO, nông dân nước ta không thể “bơi thuyền nan ra biển cả”, và không thể tiếp tục muốn trồng cây gì thì trồng, muốn nuôi con gì thì nuôi, mà trái lại, cần phải biết thị trường đang cần gì, ai mua để mà sản xuất. Họ chặt bỏ mía để trồng cao su hoặc trồng khoai mì; họ phá rừng tràm để trồng lúa nước; họ phá rừng xanh để trồng lúa nương; họ phá bỏ ruộng lúa để đào ao nuôi cá tra, v.v... mà chính quyền hầu như không ngăn cản. Và khi họ thu hoạch, bán không được sản phẩm, thì tự chịu trách nhiệm.

Muốn cho nông thôn làm giàu, thị trường nông thôn cần phải được nối chặt với thị trường thành thị và thị trường quốc tế. Thị trường cạnh tranh hiện nay có 4 đòi hỏi: 1) Sản phẩm phải đạt chất lượng theo đòi hỏi của người tiêu dùng; 2) Khối lượng sản phẩm phải đủ lớn để chuyên chở ít tốn phí; 3) Thời điểm giao hàng phải đúng theo hợp đồng; 4) Giá sản phẩm phải thật cạnh tranh.

Nông dân sản xuất cá thể thì không bao giờ thỏa mãn các điều kiện ấy cho khách hàng. Trong khi đó doanh nghiệp tiêu thụ nông sản của VN hiện nay cũng luôn gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật và khả năng quản lý kinh doanh. Nhưng cái khó lớn nhất chính là họ không có nguồn nguyên liệu ổn định hội đủ những đòi hỏi trên. Hai nhược điểm lớn nhất của doanh nghiệp kinh doanh nông sản VN là thiếu đầu óc kinh doanh, và do đó, thiếu thị trường ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điệp khúc “trồng rồi chặt” bao giờ chấm dứt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO