Với tay là chạm vào Brunei

Thu Trân| 06/06/2019 07:25

Từ Tân Sơn Nhất bay sang Kuala Lumpur, nghỉ một ngày thăm thú đất nước Malaysia, bạn mới có vé bay sang Brunei. Dù là “nhà chung vách” nhưng từ Malaysia, phải mất ba giờ mới “mục kích” được Brunei bát ngát màu xanh lá dưới cánh bay.

Với tay là chạm vào Brunei

Một đền thờ Hồi giáo ở Brunei

Brunei là bán đảo giàu có, một phần giáp biển Đông, một phần giáp Malaysia. Tọa lạc trên diện tích hơn 5.700km2 với gần 500.000 dân, qui mô chỉ như một thành phố loại hai của Việt Nam nhưng Brunei thừa bản lĩnh để đối đầu toàn cầu nhờ những giá trị văn hóa lâu đời được xây dựng trên nền tảng hồi giáo và sản vật dầu lửa - khí gas thừa khả năng làm ngất ngây các “đại gia” nước lớn.

Đi du lịch Brunei, có thể bạn sẽ khó chịu với nhiều điều cấm kỵ như phụ nữ phải mặc áo dài tay và đội khăn khi vào các đền thờ hồi giáo; quý ông tìm mỏi mắt cũng không ra một nơi bán rượu, bia, thuốc lá; không có quán bar mở cửa đến nửa đêm như Sài Gòn hoa lệ… nhưng bù lại sẽ được khám phá bao điều thú vị từ đất nước kiêng ăn thịt heo này. 

Trước tiên là vàng. Brunei giàu vàng nên người dân cũng có nhiều vàng. Trong một lần đưa chúng tôi đi thăm làng nước Kampung Ayer, anh Sawakim đã mời khách về chơi nhà cũng ở trong ngôi làng này. Tất cả tay nắm cửa trong nhà anh đều được mạ vàng thật. Hỏi có sợ trộm không, anh bảo không có gì phải sợ bởi vàng ở Brunei rẻ so với thu nhập từng cá nhân trong gia đình và nhà nào cũng có nắm cửa mạ vàng.

Điều này lại càng “sáng tỏ” hơn khi bạn đi khám phá các công trình công cộng. “Trùm” nhất là nhà vòm sáng rực vàng của đền thờ hồi giáo Jame Asr Bolkiah, tiếp theo là đền Omar Ali Saifudien cũng có rất nhiều phụ kiện làm bằng vàng thật. Không thể không kể đến cung điện nhà vua Brunei là Sultan Palace được dát vàng khắp nơi (cột kèo, bàn ghế, xe ngựa chở vua đi chơi…). Đây là một trong những cung điện lớn nhất thế giới (có 1.778 phòng).

Để hết “ngất ngây” vì vàng, bạn có thể đi tìm một sự ngất ngây khác là trở về thăm làng nước Kampung Ayer của bác lái thuyền Sawakim. Làng nước này được xây dựng cách đây hơn 600 năm trên một mặt hồ rộng lớn. Ngôi làng giàu có cách mặt hồ hai mét này luôn sạch sẻ, ngăn nắp, được làm toàn bằng gỗ. Đường nối các ngôi nhà, các con đường trong làng cũng làm bằng gỗ được gọi là “jembatan” (dài khoảng 50km). Nhà nào cũng đầy đủ tiện nghi và có con du học Mỹ. Giàu của và cũng giàu luôn tình cảm, dân làng rất đoàn kết, lúc nào cũng tối lửa tắt đèn có nhau. 

B-7838-1559816710.jpg

Xe dát vàng của nhà vua Brunei

Các bảo tàng quốc gia ở Brunei cũng là điểm đến hấp dẫn. Lịch sử và mối bang giao giữa Brunei với các nước cũng được trưng bày khá thú vị tại đây. Chính thức bang giao với Việt Nam từ năm 1992, “Góc Việt Nam- Brunei” cũng chiếm một chỗ khá bề thế trong bảo tàng.

Bên cạnh hoàng cung, bảo tàng, thánh đường; Brunei còn có Công viên quốc gia Jerudongnhư một khu sinh thái kỳ vĩ, một lá phổi giữ cho Brunei luôn xanh và sạch. Đến Brunei, du khách cũng không thể bỏ qua lịch tham quan Trung tâm Khai thác dầu và khí đốt Seria (Seria oil và gas) tại thủ đô Bandar Seri Begawan. Nhờ “hầu bao” này mà đời sống người dân Brunei luôn khấm khá, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục toàn dân miễn phí 100%.

Nếu có đủ tài chính khi du lịch Brunei, bạn cũng nên một lần lưu trú tại khách sạn sáu sao The Empire hotel và Country club. Khách sạn này rộng 180ha với 443 phòng (vị chi mỗi phòng rộng khoảng 4.000m2). Nhiều vật dụng trong các phòng ở khách sạn này cũng được mạ vàng. Vì được phục vụ với tiêu chuẩn “đế vương” nên giá phòng ở đây rất đắt (thấp nhất 350USD/ người/đêm).

Không chỉ riêng khách sạn “quý tộc”, hầu hết giá cả tiêu dùng ở Brunei đều đắt hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Asean. Đây cũng là lời “cảnh báo” trước tiên của các đơn vị du lịch lữ hành ở Việt Nam dành cho du khách nào muốn khám phá “xứ dát vàng đủ thứ”.

Đất nước hồi giáo giàu có chỉ bắt đầu một ngày sau chín giờ sáng này còn nổi tiếng với lĩnh vực ẩm thực. Trừ thịt heo là món cấm kỵ ra, còn lại bò, trâu, gà, cừu, hải sản… đều được các đầu bếp Brunei chế biến rất hấp dẫn với hương cà ri-hồi-quế thơm lừng và món ớt cay xé lưỡi. Mở một cánh cửa nhỏ cho du khách là quý ông (đặc biệt quý ông Việt Nam mê nhậu và nghiện thuốc lá không cách nào bỏ được), hầu hết các nhà hàng-khách sạn ở Brunei đều có khuyến mại hai chai rượu và mười hai lon bia cho một lần lưu trú hoặc một lần đến ăn tại nhà hàng.

“Cung cách hồi giáo” từ việc ăn uống đến các qui định giải trí vui chơi khá chặt chẽ (quán xá, cửa hàng không được hoạt động quá 22 giờ đêm chẳng hạn) đã “giúp” các lao động nước ngoài từ Việt Nam, Thái Lan, Philippines… đến Brunei làm việc không có “cửa” tiêu tiền. Đây cũng là cách giúp họ tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình nơi quê nhà.

Là thuộc địa của Anh từ năm 1888, Brunei chỉ hoàn toàn độc lập từ năm 1984 nên bước phát triển phồn thịnh của đất nước nhỏ bé này được cộng đồng thế giới suy tôn là bước phát triển vượt bậc (hiện Brunei được xếp vào hàng các nước phát triển trên thế giới).

Không phủ nhận tài nguyên “trời cho” là dầu mỏ, khí đốt, Brunei còn vững vàng phát triển nhờ vào hệ thống lập pháp kiên định và phù hợp với nguyện vọng người dân. Hơn ba mươi năm tự chủ với những thành quả lớn lao, Brunei hoàn toàn xứng đáng với một chiếc ghế trong Khối Thịnh vượng chung Anh, là thành viên sáng giá của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (Asean).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Với tay là chạm vào Brunei
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO