Troh Bư, ý tưởng về một khu bảo tồn lan rừng

CẨM TÚ/DNSGCT| 10/01/2014 04:43

Cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 12 cây số theo đường Nguyễn Thị Định, vườn Troh Bư nằm ở địa phận Buôn Niêng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn đang là điểm đến du lịch thu hút người yêu hoa lan trên cả nước.

Troh Bư, ý tưởng về một khu bảo tồn lan rừng

Cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 12 cây số theo đường Nguyễn Thị Định, vườn Troh Bư nằm ở địa phận Buôn Niêng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn đang là điểm đến du lịch thu hút người yêu hoa lan trên cả nước.

Đọc E-paper

Từ một thung lũng xinh đẹp bị chặt phá trơ trọi, một người yêu rừng, yêu Tây Nguyên đã vất vả trong suốt gần hai mươi năm để tái tạo lại cảnh rừng xưa.

Hiện nay Troh Bư là một khu vườn cảnh với những con đường đi dạo quanh co uốn lượn theo các triền dốc, bờ hồ. Vườn có cả một bộ sưu tập phong phú và đa dạng về cây, cỏ, hoa, đặc biệt là lan rừng.

Một góc vườn Troh Bư

>Những tín hiệu mới trong phát triển du lịch Tây Bắc
>Du lịch theo những mùa hoa
>
Du lịch thiền, thế mạnh chưa được khai thác ở Việt Nam

Chủ nhân của vườn, ông Đỗ Tuấn Hưng cho biết với diện tích 2ha gồm hồ và rừng, lại có khí hậu lai nửa rừng khộp, Troh Bư trồng lan rừng theo kiểu tự nhiên là rất đẹp và phù hợp. Từ những nhánh lan tự nhiên ban đầu, sẵn niềm đam mê với loài hoa vương giả này, ông Tuấn Hưng đã lặn lội vào nhiều khu rừng để tìm thêm các loại lan quý.

Đến nay, vườn có khoảng 200 loại lan với số lượng khá lớn, tập trung đầy đủ những giống lan quý vùng Tây Nguyên như nghinh xuân, thủy tiên trắng, quế lan hương… trong đó nổi bật nhất là loài giáng hương (nhạn sóc Lào) đặc trưng của rừng Buôn Đôn. Bên cạnh đó, sau gần 20 năm kiên trì phục hồi rừng tự nhiên, trong vườn Troh Bư lan rừng đã trở lại tái sinh hạt, một điều hiếm gặp ở các vườn lan.

Giới chơi lan tìm đến đây đều trầm trồ trước hàng trăm loại lan rừng tự nhiên và gọi nó bằng cái tên bảo tàng lan rừng hay khu bảo tồn lan rừng. Với những người mê lan trong cả nước, một khu bảo tồn lan rừng Việt Nam cho đến nay vẫn đang là ước mong cháy bỏng.

Vì vậy, việc xây dựng khu bảo tồn lan rừng không chỉ hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu, khám phá kho tàng hoa lan Việt Nam mà còn có ý nghĩa rất lớn đến vấn đề bảo tồn, gìn giữ nguồn gene lan và làm du lịch Buôn Ma Thuột thêm hấp dẫn.

Theo ông Tuấn Hưng, trong số hàng ngàn cây lan nảy mầm chỉ có vài cây sống. Vì vậy, Troh Bư luôn được bảo vệ nghiêm ngặt để lan sinh sản tự nhiên, phát triển quần thể.

Mục tiêu của ông là trong thời gian ngắn nữa, vườn sẽ trở thành “Ngũ bách lan viên” (vườn hoa lan gồm 500 loại) như của vua Trần Anh Tông năm xưa. Khi đó, vườn Troh Bư sẽ là khu du lịch sinh thái, bảo tàng hoa lan sẽ là một trong những điểm hẹn của những người chơi lan rừng và phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách.

Thêm vào đó, ông Tuấn Hưng còn dự định sẽ đặt hàng các viện nghiên cứu cấy mô để nhân giống phát triển lan phục vụ người đến thăm. Như vậy, du khách đến đây sau khi ngắm hoa lan thì có thể tự làm một giỏ lan theo ý mình để kỷ niệm hoặc đem tặng người thân, bạn bè.

Lan thủy tiên trắng trong vườn

Nhằm có thêm kinh phí phát triển vườn lan, hiện nay Troh Bư cũng đã bắt đầu thu hút khách địa phương đến vui chơi, nghỉ ngơi cuối tuần bằng cách phục vụ món ăn Tây Nguyên và có một số hạng mục tham quan khác như chiếc thuyền độc mộc lớn nhất thế giới, dàn chiêng đá cổ xưa… Đặc biệt, Troh Bư mang đậm phong cách rừng Tây Nguyên do phát triển từ khu rừng tái sinh trên mảnh đất vốn từng bị biến thành đồi trọc.

Ngoài những du khách tìm đến Troh Bư chỉ vì đam mê hoa lan, ông Tuấn Hưng cũng đang cố gắng tiếp cận nhiều công ty du lịch ở các thành phố lớn với mong muốn ý tưởng về khu bảo tồn lan rừng của mình sẽ được nhiều người biết tới và ủng hộ.

Ông chia sẻ: “Troh Bư là những gì tốt đẹp nhất mà tôi muốn để lại cho con cháu mai sau và mảnh đất Đắk Lắk mà tôi yêu quý. Vì thế Troh Bư sẽ luôn là một khu vườn mở chứ không chỉ để dành riêng cho dòng họ hay gia đình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Troh Bư, ý tưởng về một khu bảo tồn lan rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO