Tình rừng

HẢI DƯƠNG/DNSGCT| 05/02/2014 08:40

Đối với người Việt, rừng không chỉ là vàng, mà còn được ví như lá phổi xanh của đất nước. Để tìm hiểu vai trò, ý nghĩa đặc biệt của những cánh rừng trong các khu vườn quốc gia đối với cuộc sống hôm nay và ngày mai, chúng tôi đã thực hiện một chuyến xuyên rừng quốc gia Xuân Sơn (thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Chuyến đi tới những điểm đến mới lạ đã mang lại cho chúng tôi khá nhiều cảm xúc.

Tình rừng

Đối với người Việt, rừng không chỉ là vàng, mà còn được ví như lá phổi xanh của đất nước. Để tìm hiểu vai trò, ý nghĩa đặc biệt của những cánh rừng trong các khu vườn quốc gia đối với cuộc sống hôm nay và ngày mai, chúng tôi đã thực hiện một chuyến xuyên rừng quốc gia Xuân Sơn (thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Chuyến đi tới những điểm đến mới lạ đã mang lại cho chúng tôi khá nhiều cảm xúc.

Đọc E-paper

Qua rừng cọ, đồi chè

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!

Rừng cọ, đồi chè đồng xanh ngào ngạt

Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát…

Những đồi chè Thanh Sơn như chạy tới tận chân trời

Đó chính là những gì đặc trưng nhất, thân quen nhất của vùng đất Phú Thọ. Trong chuyến đi đến các điểm tận cùng, sâu xa nhất của tỉnh này như Trung Hà, Cổ Tiết, Thanh Sơn…, chúng tôi đã được thỏa sức ngắm những cảnh đẹp đó. Thật dễ chịu, thậm chí ngất ngây khi vùng trung du lùi dần phía sau lưng để miền núi Thanh Sơn hiện ra trước mắt và những đồi chè xanh tốt bỗng chốc chiếm hết tầm mắt.

Những thân cây to lớn, rêu phong đổ chắn ngang suối
Vũng nước trong vắt giữa rừng Xuân Sơn
Cây cầu mới được xây dựng bắc qua suối đá

Những đồi chè bạt ngàn khi xe chúng tôi vượt qua, từ thị trấn Thanh Sơn đến huyện vùng cao Tân Sơn, đều có tuổi đời cả trăm năm. Người dân nơi đây có thể trồng chè ở bất cứ chỗ nào, ngay trên bờ ruộng, ven ao và nhất là trên những quả đồi điệp trùng. Chè gắn bó với con người như máu thịt, hợp với đất như không thể tách rời.

Giữa đồi chè là những thân cọ cao vút, tán lá xòe rộng, phất phơ trong gió. Các cụ bô lão gặp chúng tôi dọc hành trình đều bảo rằng đất này được ông Trời sinh ra là để chè và cọ sinh sôi nảy nở. Chè với cọ như một vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa, như đôi bạn tri âm tri kỷ. Rừng cọ, đồi chè còn mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân nơi đây, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường.

Bản làng ẩn giữa rừng già

Sau một ngày ngắm chè, cọ cho thỏa mắt và ngủ qua đêm tại Thanh Sơn, chúng tôi tiếp tục lên đường hướng về phía rừng sâu núi thẳm. Trải qua hơn ba chục cây số đường đèo dốc quanh co từ điểm rẽ trên quốc lộ 32, chúng tôi tới cổng chào vườn quốc gia Xuân Sơn. Anh Thanh, một nhân viên làm việc ở văn phòng của vườn quốc gia tỏ ra ngạc nhiên khi mới đầu buổi sáng mà đã có một nhóm người trẻ tới được nơi này.

Vườn quốc gia Xuân Sơn rất rộng lớn nhưng chưa được quy hoạch để đưa vào khai thác du lịch, mới chỉ được khảo sát, lập dự án. Đi trekking Xuân Sơn một ngày là hơi ít, nhưng nếu có sự giúp sức của người địa phương thì cũng có thể đến được những điểm chính. Anh cho biết đến bản Dù, bản Lấp, bản Cỏi của người Mường thì không xa lắm, như động viên chúng tôi không chùn bước.

Sau khi chào tạm biệt người chỉ đường đầu tiên, chúng tôi thẳng tiến. Thế nhưng chỉ ít phút là một con dốc dựng đứng hiện ra, xe nào cũng phải về ngay số 1 mà vẫn rất ì ạch bò lết. Qua dốc thì một tuyệt cảnh trần gian hiện ra. “Sao đẹp thế không biết!” – mọi người phấn khởi reo lên.

Những khóm hoa trạng nguyên đỏ thắm chạy dọc theo con đường nhỏ tô điểm cho núi rừng thêm sức sống và vẻ đẹp quyến rũ. Xa xa, những màn sương mờ đang bao phủ các đỉnh núi, những đám mây trắng bồng bềnh, ôm ấp lấy núi non trùng điệp.

Núi rừng trong hơi sớm cùng những khóm hoa trạng nguyên thật đẹp

Buổi sáng trong lành, tinh khiết giữa rừng quả là thật tuyệt vời. Cứ hết một con dốc phải toát mồ hôi, cứng tay lái mới vượt qua được là niềm sung sướng lại trào dâng và chúng tôi cứ thả cho xe tự trôi để tận hưởng cảm giác hương rừng ban mai.

Rồi bản Dù nằm ở gần lõi rừng quốc gia Xuân Sơn cũng từ từ hiện ra sau làn sương mờ. Từ những nóc nhà đất mái rơm hay nhà sàn thấp lè tè vang lên tiếng chó sủa inh ỏi vì có sự xuất hiện quá sớm của những lữ khách phương xa.

Ở đây, có tới 90% dân số là bà con dân tộc Mường, chỉ có một nhóm người Kinh đến làm nghề buôn bán, thường chọn những vị trí trung tâm nhất, sát đường giao thông huyết mạch để xây nhà ở.

Chiếc cân để bán sắn của người Mường đặt ngay bên bìa rừng Xuân Sơn

Trong màn sương sớm, vài người dân đã lục đục dậy nhóm lửa thổi cơm sáng. Vượt qua gần chục cây số từ bản Dù, chúng tôi lại bắt gặp một khu vực có vài nóc nhà mọc lên giữa rừng. Chị Hà Thị Trắc, người Mường, cho biết đó là bản Lấp, thuộc xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, rất gần với lõi rừng quốc gia Xuân Sơn.

Tuy là bản, tương đương với thôn dưới xuôi, nhưng ở đây chưa có đủ ba chục nóc nhà. Chúng tôi dạo bộ quanh bản một vòng và nhận ra cái nghèo vẫn là gam màu chủ đạo.

Gia đình nào khá giả thì có gỗ làm tường nhà, mái lợp bằng rơm theo dạng nhà sàn, còn lại hầu hết là nhà vách đất, mái fibro xi măng thấp lụp xụp. Tài sản lớn nhất của các gia đình ấy chỉ là chiếc xe máy Wave hay Dream “Tàu” hoặc con bò, con trâu. Trong nhà tuềnh toàng vài cái giường, chõng tre, kế đó là khu bếp đen màu bồ hóng.

Thác Xoan đổ ra từ khe đá tuyệt sắc

Chị Trắc tâm sự về cảnh sống giữa rừng: “Chúng tôi chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Sáng sáng, đàn ông vào rừng kiếm củi, bắt cua, cá để bán. Phụ nữ ở nhà nấu cơm, trông con, mang quần áo ra suối giặt… Từ đây ra trung tâm huyện cũng xa, phải lần theo đường rừng rất khó đi nên cả năm chúng tôi chỉ ra vài ba lần để mua sắm những thứ thiết yếu cho gia đình như xà phòng, nước mắm, bột ngọt, quần áo”.

Con đường với những tán cây cổ thụ trong rừng Xuân Sơn

Một điều thật may mắn là khi đang chuyện trò và hỏi đường chị Trắc thì chúng tôi phát hiện anh Hà Văn Hùng đang xỏủng để chuẩn bị vào rừng mót củi, bắt cua. Anh Hùng năm nay 35 tuổi, rất hồ hởi khi biết khách lạ từ Hà Nội lên.

Thấy chúng tôi có ý định vào rừng, anh vui vẻ đồng ý đi cùng để chỉ đường. Dù tiếng Kinh chưa sõi, anh vẫn rất chịu khó nói, nhưng thật tình, nhiều lúc không hiểu nổi anh nói gì. Khi chúng tôi hỏi khoảng cách từ đây đến thác này, hang kia bao xa, anh Hùng cứ phải gãi đầu gãi tai rồi phán: “Mười mét!”. Bất kể khoảng cách chỉ nửa cây số hay ba cây số, anh đều có câu trả lời “Mười mét!”, khiến chúng tôi cứ phá lên cười và anh cũng cười theo một cách thích thú.

Đi tìm vẻ đẹp nơi thâm u

Ngày nào anh Hùng cũng vào rừng quốc gia Xuân Sơn để nhặt củi, bắt cua đá mưu sinh. Dụng cụ luôn theo sát bên mình của anh là con dao chặt củi và đôi ủng. “Bọn mình chỉ được vào đây mót củi thôi, không chặt cây. Nếu làm trái là các anh kiểm lâm nhắc nhở ngay”. Những cây gỗ nhỏ đã khô hoặc bị gãy đổ được anh lượm mang về và vì cây làm củi không nhiều nên bắt cua đá mới là nghề mưu sinh chính của anh.

Chúng tôi vừa đi bộ, vừa thở phì phò, còn anh Hùng thì cứ thao thao bất tuyệt kể về Xuân Sơn. Cũng phải thôi, đã 35 năm sống giữa rừng thì tình cảm với đất, với rừng của anh chắc chắn phải rất mãnh liệt.

Anh cho biết: “Rừng này đẹp lắm, trong rừng có ba, bốn cái thác rất hùng vĩ và còn có thêm hàng chục hang đá rất đẹp. Người dưới xuôi còn ít biết đến chỗ này. Cuối tuần thỉnh thoảng mới có đoàn đến nhưng cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa, thăm mấy bản bên ngoài, ít ai dám chinh phục thác và leo hang đá. Chỉ có một số người dân tộc, các cán bộ kiểm lâm và quản lý vườn quốc gia Xuân Sơn mới biết. Ngay trên sơ đồ chỉ dẫn ở cổng vườn cũng còn thiếu nhiều tên thác, tên hang”.

Anh Hùng thích thú khi bắt được chú cua đá

Vừa đi vừa kể chuyện, thế mà anh Hùng vẫn nhìn thấy một con cua đá. Cua vừa bò qua đường là chui ngay vào hốc đá. Anh phi theo, nhanh như thoắt, vạch bụi cây và thò tay vào hốc, thế là chú cua bị tóm. Lôi được con cua đá ra, anh cười khanh khách, khoe với chúng tôi.

Cua này giờ hiếm rồi, cả ngày may mắn lắm mới bắt được khoảng trên dưới chục con, bán được chừng sáu, bảy chục ngàn đồng. Sau khi bắt được mấy con cua và kiếm được khúc gỗ mục to bằng bắp đùi, anh chia tay chúng tôi, về nhà ăn trưa. Anh nói chúng tôi cứ men theo suối là tới được thác, leo hết bậc đá và đường mòn sẽ gặp cửa hang. Đường vào hang Na, hang Lạng thì dễ, nhưng tới được thác Xoan, thác Lưng Trời thì rất khó.

Đi trong sương mù, nhiều đoạn đường đã bị lở, một bên là vực sâu hun hút

Vậy là chúng tôi đã ở giữa rừng Xuân Sơn. Ở đây, nếu không có đồng hồ và la bàn thì dễ dàng bị mất phương hướng, chẳng biết mấy giờ và đâu là hướng ra. Mưa rừng vào cuối thu – đầu đông không lớn nhưng đủ làm cho chúng tôi khổ sở.

Đường đá ẩm ướt vừa bẩn, vừa trơn như đổ mỡ, giày bị bám đầy đất sét nên mất tác dụng bám đường. Nhưng dù chân có run, toàn thân có mệt mỏi, chúng tôi vẫn cố gắng đạt cho được mục đích. Giờ chỉ còn tiếng suối, tiếng chim kêu, thỉnh thoảng mới gặp được một người Mường đi chặt chuối rừng đem về cho bò ăn.

Vẻ đẹp hoang sơ, nguyên vẹn của núi rừng đã kích thích chúng tôi bước tới. Những gốc cây cổ thụ cao hàng chục mét, thẳng tắp, có cây gốc với hốc lớn đủ cho một người chui vào.

Phút dừng chân hỏi đường tại bản Lấp

Khu rừng già này có nhiều loại cây quý, trong đó có những cây trầm hương mà vòng thân một người ôm không xuể. Có những thân cây to bị đổ chắn ngang suối, bên cạnh là những mầm xanh mới đang sinh sôi nảy nở. Quả thực chúng tôi chưa thấy bao giờ cảnh sắc hoang sơ, nguyên sinh như thế. Nước suối trong vắt, mát lạnh, có cảm giác tinh khiết hơn cả nước máy dưới xuôi…

Ông Hà Văn Nông kể cho chúng tôi nghe về Xuân Sơn khi đan rọ đựng nồi để tránh cho sàn nhà, quần áo không bị bám tro đen

Cứ mỗi lần nghe thấy tiếng nước đổ ào ào là chúng tôi biết sắp tới một con thác mà chẳng biết đâu là thác chính. Thác sau thường lớn hơn thác trước, nước đổ ào ào xuống từ vực cao chừng năm thước, rồi mười, mười lăm thước, thậm chí cao hơn thế, tạo thành những hồ nước sâu hun hút, xanh biếc bên dưới. Gặp thác, cơ thể đang nóng bức nhưng chúng tôi phải khuyên nhau từ từ tiếp cận vì nếu bị nước đổ ngay vào người thì rất dễ bị cảm lạnh.

Suối thác, hang động có vẻ đẹp thật kỳ lạ. Bữa ăn nhanh giữa rừng già hôm ấy cũng thật ngon và đáng nhớ. Một chuyến đi chưa thể đến hết các điểm của Xuân Sơn xinh đẹp nhưng với chúng tôi, như thế cũng đã mãn nguyện.

Nhiều hình ảnh mà chúng tôi chụp được hẳn là hiếm hoi, khó tìm thấy những bức tương tự trên các trang mạng chuyên về du lịch hay trên báo in. Tình của núi rừng như đã thấm vào suy nghĩ của chúng tôi. Từ tình yêu rừng mới thấy bảo vệ rừng là quan trọng biết nhường nào. Rừng không chỉ là vàng, mà chính là sự sống của Trái đất, nơi con người đang tồn tại như một thành phần hữu cơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tình rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO