Tìm lại vàng son trên con đường tơ lụa

NGUYỄN VĂN THÁI/DNSGCT| 17/09/2013 05:13

Những lữ quán đồ sộ như pháo đài, những đầu tượng khổng lồ trên đỉnh núi, những thành phố cổ đã đi vào truyền thuyết…

Tìm lại vàng son trên con đường tơ lụa

Những lữ quán đồ sộ như pháo đài, những đầu tượng khổng lồ trên đỉnh núi, những thành phố cổ đã đi vào truyền thuyết… đó là chuỗi báu vật gắn liền với thời phồn thịnh nhất của con đường tơ lụa đoạn ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước chúng tôi vừa có dịp đến thăm.

Đọc E-paper

>>Những chuyện thú vị ở Gibraltar
>>Thiên đường Livingstone
>>
Đi tìm hồn trung cổ ở Ba Lan
>>Đi xem quái vật Nessie
>>
Ngao du trên cung đường lãng mạn ở Đức

Những phế tích của một quá khứ huy hoàng đã để lại bao tiếc nuối, ngậm ngùi cho du khách trước lịch sử loài người đầy biến động.

Lữ quán caravanserail và những tượng thần trên đỉnh Nemrut

Trong chương trình tour hai ngày một đêm tham quan vùng núi Nemrut, tuyến đường mà chúng tôi đi thuộc hệ thống con đường tơ lụa xưa kia.

Di tích đáng kể nhất là caravanserail Karatay, một trạm dừng chân đặc trưng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ vào những thế kỷ XIII-XIV. Muốn hiểu được caravanserail là gì du khách phải nghe qua lịch sử phát triển của con đường tơ lụa.

Có vị trí nằm giữa châu Âu và châu Á nên hệ thống các con đường thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm vị trí tối quan trọng. Để đảm bảo sức khỏe và an ninh cho các nhà buôn, hàng loạt trạm nghỉ ngơi dọc đường gọi là caravanserail ra đời và phát triển rất phồn thịnh từ thế kỷ X sau Công nguyên.

Karatay nhìn từ bên ngoài

Trong đó, một số caravanserail tầm cỡ được nâng cấp thành pháo đài thực sự với hệ thống tường thành phòng thủ kiên cố. Bên cạnh đó, cả vùng Trung Đông thời trung cổ là các lãnh thổ Hồi giáo nên caravanserail cũng trở thành nơi cầu nguyện dành cho các thương nhân.

Chịu ảnh hưởng của đạo Hồi, các công trình kiến trúc này có hình vuông và luôn có một khu sảnh ngoài trời với một giếng nước ngay ở chính giữa.

Xung quanh sảnh trung tâm là hệ thống các phòng ngủ, kho chứa hàng, nhà tắm… Caravanserail Karatay được xây bằng những khối đá lớn. Trên bề mặt tường có khá nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng cho xuất xứ của các thương nhân đã từng đặt chân đến đây.

Xưa kia, hệ thống caravanserail trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ khá dày đặc, trung bình cứ 40 - 50km là lại có một trạm. Nhưng từ thế kỷ XV sau Công nguyên, cùng với sự suy tàn của con đường tơ lụa, phần lớn trạm dừng dân không được sử dụng nữa và bị rơi vào quên lãng.

Karatay là một trong những số ít di sản caravanserail còn nguyên vẹn nhất, đặc biệt là chiếc cổng vào đồ sộ và nghệ thuật chạm khắc trên đá rất tinh vi.

Du khách tham quan Sanliurfa

Giữ vị trí nút giao quan trọng nối Irak, Iran với bờ biển Địa Trung Hải, Karatay không chỉ là một lữ quán mà còn là một trung tâm thương mại quốc tế sầm uất với những dãy phòng rộng lớn dành cho thương nhân đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Rời Karatay, chúng tôi nghỉ qua đêm tại ngôi làng Adiyaman cách đó không xa. Sáng hôm sau, mọi người dậy rất sớm để đón bình minh trên đỉnh núi Nemrut và tham quan lăng tẩm của vua Antichus Theos nằm trên ngọn núi này.

Việc chinh phục đỉnh Nemrut cao hơn 2.000m không khó vì có đường rải nhựa và chỉ việc đi ôtô lên độ cao 1.900m, rồi từ đó đi bộ tiếp 30 phút.

Lên đỉnh núi vào đúng lúc mặt trời mọc, chúng tôi được chứng kiến khoảnh khắc những tia nắng đầu ngày rọi vào quần thể lăng mộ cổ. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đặc thù của di tích này là những pho tượng đá cỡ lớn (tầm 8 - 9m) được đúc mô phỏng theo khuôn mặt của vua Antichus Theos và những vị thần Hy Lạp, vị thần Ba Tư.

Hành lang bằng đá của Karatay

Tất cả đều được làm vào thế kỷ thứ I trước Công nguyên. Dù bị thời gian bôi xóa phần nào, vẻ mặt và thần thái của những bức tượng vẫn còn rất sống động, oai nghiêm.

Theo các nhà sử học, Antichus là vua của xứ Commagene, một vương quốc chư hầu của đế chế La Mã. Vì chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Hy Lạp cổ đại, tất cả các vị vua của xứ này sau khi chết đều được tôn làm thần thánh.

Vương quốc Commagene xưa kia là một vùng đất màu mỡ do có một nhánh của con sông Euphrate chảy qua (con sông chính bắt nguồn từ bên Irak). Nhưng những gì còn lại hai ngàn năm sau đó chỉ là một vùng đất cằn cỗi với ánh nắng chói chang.

Khi xuống núi, chúng tôi thăm được một số di tích lịch sử về đế chế La Mã, đế chế rộng lớn với rất nhiều đồn lính cũng như thị trấn được xây dựng ở những biên cương xa xôi. Còn nguyên vẹn nhất giữa các phế tích là một cột đá với tượng con đại bàng nằm trên đỉnh, biểu tượng của La Mã xưa.

Thành cổ bốn ngàn năm

Tượng thần trên đỉnh Nemrut

Rời núi Nemrut, cả đoàn chuyển hướng về phía Tây để tới một địa danh đã nổi tiếng từ cách đây bốn ngàn năm: Thành phố cổ Harran.

Nằm trên trục đường dẫn từ Ba Tư sang Thổ Nhĩ Kỳ, Harran ngay từ thế kỷ XVI trước Công nguyên đã là thủ đô của một vương quốc hùng mạnh và từng là đối thủ đáng gờm của nền văn minh Ai Cập thời đó.

Xung quanh Harran là hệ thống tường thành phòng thủ với tổng chiều dài khoảng 4km và cao khoảng 12m. Những cuộc khai quật gần đây cho thấy Harran được quy hoạch theo kiểu hình ê-líp với sáu cổng thành và tường thành được xây bằng đá, có thêm cả một hệ thống kênh hào phòng thủ xung quanh.

Đầu tượng

Đến thế kỷ XII sau Công nguyên, Harran vẫn là cả một lưu vực màu mỡ, nhiều cây cối xanh tươi và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Nhưng sau đó hạn hán liên miên đã làm thay đổi mọi thứ. Nguồn nước dồi dào xưa kia biến mất, cỏ cây xanh tươi không còn nữa mà thay vào đó là một vùng đất cằn cỗi.

Các nhà sử học cho rằng nhà thờ Hồi giáo ở Harran có thể là công trình xây dựng sớm nhất trong lịch sử Trung Đông. Vào giai đoạn thế kỷ IX đến thế kỷ XIII sau Công nguyên, Harran là trung tâm nghiên cứu đạo Hồi cũng như khoa học lớn nhất Trung Đông.

Trên phương diện kiến trúc, Harran ngày nay nổi tiếng với các ngôi nhà hình nón xây từ đất nung và rơm. Tất cả đều được xây vào đầu thế kỷ XIX sau Công nguyên, trên nền móng là những phế tích của Harran bốn ngàn năm trước.

Kiến trúc tôn giáo ở Sanliurfa

Cách Harran năm mươi cây số, Sanliurfa cũng là điểm du lịch nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ. Thành phố xinh đẹp này được cho là nơi sinh của Abraham, ông tổ của dân tộc Do Thái.

Truyền thuyết kể rằng có một vị thần tên là Nemrod mơ thấy một ngày nào đó mình sẽ bị lật đổ bởi một nhà tiên tri sắp sửa chào đời. Hoảng sợ, vị thần này truy tìm và tiêu diệt tất cả các phụ nữ đang mang thai.

Người mẹ đẻ của Abraham trốn được và giấu con trai trong một cái hang. Khi trưởng thành, Abraham âm mưu lật đổ Nemrod nhưng không thành công và ông bị Nemrod ném xuống vực thẳm.

Nhà hình nón ở Harran

Để chắc chắn, Nemrod còn chuẩn bị cả lửa và gỗ ở dưới vực để khi Abraham ngã xuống thì sẽ bị đốt thiêu rụi. Nhưng lạ thay, thượng đế đã cứu sống Abraham bằng cách biến lửa thành nước suối và gỗ thành cá.

Điều đó giải thích tại sao ngày nay tại Sanliurfa có một con Nhà hình nón ở Harran Kiến trúc tôn giáo ở Sanliurfa sông chảy uốn khúc quanh cái động được cho là nơi Abraham từng ẩn náu. Ngoài ra, dưới sông có rất nhiều cá chép sinh sống.

Sanliurfa được cho là nơi vô cùng linh thiêng bởi những truyền thuyết nói trên và trở thành một trong những địa danh hành hương nổi tiếng nhất Trung Đông.

Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, Sanliurfa luôn được cả ba tôn giáo Do Thái, Thiên Chúa và đạo Hồi sùng bái. Những du khách ngoại đạo đến Sanliurfa cũng sẽ bị cuốn hút bởi các công trình tôn giáo uy nghi và vô cùng xinh đẹp của thành phố.

Caravanserail Karatay
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm lại vàng son trên con đường tơ lụa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO