Thăm Tehran - Cưỡi thảm Ba Tư làm sống lại chuyện cổ tích nghìn lẻ một đêm

THANH PHƯƠNG/DNSGCT| 01/08/2016 04:43

Du khách sẽ bị mê hoặc bởi nét đẹp Tây Á đầy huyền thoại của xứ sở Ba Tư trong Nghìn lẻ một đêm đang hiện ra trước mắt, ngay tại thủ phủ Tehran.

Thăm Tehran - Cưỡi thảm Ba Tư làm sống lại chuyện cổ tích nghìn lẻ một đêm

Máy bay vào địa phận Iran, hầu hết hành khách chăm chú nhìn ra ngoài ô cửa và nét… thất vọng thể hiện rõ trên một số gương mặt.

Chúng tôi cũng thấy nỗi háo hức về xứ sở Ba Tư nức tiếng giàu có chùng hẳn xuống khi trước mắt, núi đá và hoang mạc cứ nối tiếp nhau trải dài tưởng như bất tận. Máy bay bay gần cả giờ đồng hồ mà không nhìn thấy một bóng cây nào.

Tất cả đều là một màu héo úa: Từ vàng nhạt, vàng xám của sa mạc cho đến màu chì, màu đen sạm của núi. Suốt mấy trăm cây số, núi đá trọc trơn kề vai nhau sừng sững giữa cái nắng chói chang như không có chút sự sống.

Những nét duyên Tây Á

Lúc máy bay bắt đầu hạ độ cao để đáp xuống phi trường Ima Khomeni, mọi người mới nhìn thấy màu xanh của những cánh đồng rau. Mái vòm lộng lẫy của cung điện kiểu Nghìn lẻ một đêm cũng hiện ra thấp thoáng.

Từ sân bay đi về trung tâm Tehran còn khoảng hơn 70 cây số nữa, và cả đoàn sẽ có thêm ba tiếng ngắm hoang mạc qua cửa xe. Tehran, thủ đô – ốc đảo lớn nhất xứ Ba Tư gần đây liên tục bị phàn nàn vì nạn kẹt xe.

Kẹt cũng phải vì thành phố 12 triệu dân này có đến 6 triệu xe hơi, trong đó phần lớn là xe trong nước tự sản xuất. Xe máy khá phổ biến và chạy ẩu chẳng kém gì nhiều nơi ở Việt Nam. Một số nam thanh niên lạng lách, đánh võng, phụ nữ thì khăn trùm đầu, áo choàng đen kín mít ôm con ngồi phía sau.

Dù vậy, nhìn chung giao thông ở Tehran đã khá hiện đại với hệ thống cầu vượt chằng chịt nối liền những con đường cao tốc phẳng lỳ và hệ thống xe điện ngầm hoạt động hiệu quả.

Đường phố Tehran luôn đông đúc tấp nập

Vào đến nội ô, sa mạc hoàn toàn biến mất, thay vào đó bằng một thành phố xinh xắn với nhiều cây xanh. Kiến trúc cổ đan xen kiến trúc mới một cách hòa hợp. Điểm đặc biệt của các tòa nhà Iran là hầu như chỉ có xây bằng gạch chứ không hề trát vữa, quét vôi hay sơn gì hết và gạch xây thì rất dày.

Thành phố men theo núi đồi, có những khu vực trồng toàn cây phong nhìn khá thơ mộng. Nghe nói vào mùa thu, những cây phong này sẽ nhuộm vàng Tehran, làm kinh thành xứ Ba Tư đẹp như trong tranh vẽ. Tiếc là chúng tôi đến đây vào cuối tháng Ba, lúc cây cối đang xanh mướt và tuyết trên dãy núi bao quanh thành phố còn lấp lánh dưới ánh Mặt trời.

Tehran có những con đường trồng toàn cây phong

Tehran không phải là nơi có nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Iran nhưng những nét riêng của nơi đây thật sự làm tôi cảm thấy rất thú vị. Dù mang phong cách đặc trưng của một đô thị vùng Tây Á với nhiều mái vòm thánh đường Hồi giáo, Tehran vẫn có nét cởi mở pha trộn nhờ nhà thờ Thiên Chúa, hội đường Do Thái và hỏa điện Bái Hỏa giáo (tôn giáo thờ thần lửa).

Thành phố có chỗ chật chội có chỗ xô bồ song cũng có nhiều khoảng không gian xanh duyên dáng. Du khách quốc tế đánh giá cao tháp Azadi, một công trình có ý nghĩa như khải hoàn môn nhưng mang kiến trúc hiện đại kết hợp với phong cách nghệ thuật Hồi giáo tọa lạc giữa quảng trường rộng mênh mông trồng nhiều hoa thơm cỏ lạ.

Tôi ấn tượng với Azadi bởi ngay chân tháp là lối vào một bảo tàng quy mô nằm trong lòng đất. Định mua vé vào bảo tàng này thì hướng dẫn viên khuyên nên dành thời gian ít ỏi mà tham quan cung điện Hoàng gia. Bởi vì đa số bảo tàng ở Tehran đều trưng bày châu báu ngọc ngà và các tác phẩm nghệ thuật, mà muốn coi châu báu và kiệt tác Iran thì có nơi nào bằng cung vua?

Một góc phố cổ Tehran
Tháp Azadi, biểu tượng mới của đất nước Iran

Chẳng biết lời hướng dẫn viên đúng được mấy phần nhưng cung điện hoàng gia quả đã làm cả đoàn choáng ngợp. Ngay cánh cổng vào thôi cùng đã rất kỳ vĩ và lộng lẫy với lớp thủy tinh óng ánh rực rỡ. Các trần hình mái vòm và những cây cột đường bệ dường như được bao bọc bởi kim cương sáng lấp lánh trong ánh sáng mặt trời. Thật ra chúng là hàng vạn những mảnh kính nhỏ. Những cạnh sắc của thủy tinh phát ra màu sắc của cầu vồng.

Đại công trình kiến trúc được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới này là quần thể 17 tòa cung điện rộng mênh mông nạm đầy vàng ngọc. Tôi mê mẩn trước hàng trăm ngàn mét vuông tranh tường vô cùng sống động miêu tả lại đời sống và lịch sử xứ Ba Tư. Nghe nói vật liệu chính làm nên các bức họa tinh xảo này là đất sét trắng và vàng ròng nên nét vẽ vẫn sắc, đậm dù bốn, năm thế kỷ đã qua đi. Sau khi đã mỏi nhừ chân vì mải dạo bước qua các khu vườn Ba Tư kiều diễm, chúng tôi đứng lặng thật lâu, ngước nhìn những mái vòm rộng thênh thang, càng ngắm càng không muốn rời mắt bởi những khối hình lung linh như kính vạn hoa ngập tràn màu sắc, tất cả được thiết kế một cách hết sức tỉ mỉ và trau chuốt.

Du khách xếp hàng chờ vào thăm cung điện Hoàng gia

Phố chợ muôn màu

Sau Hoàng cung, nơi phô bày lượng châu báu của cải nhiều nhất ở Tây Á phải kể đến chợ cổ Tehran (khu bazaar). Khái niệm đi chợ của nhiều người Tehran chắc chắn hoàn toàn khác khái niệm “đi chợ” của người Việt Nam.

Chợ Ba Tư xây kiên cố như pháo đài, đường ngang ngõ dọc tựa mê cung và có ít nhất là vài ba ngàn cửa hàng. Nếu ghé thăm tất cả cửa hàng mỗi nơi vài phút chắc người ta mất đến cả tuần mới đi hết chợ. Hàng hóa thì thượng vàng hạ cám. Tuy nhiên nơi thu hút du khách nhất vẫn là khu bán đá quý, đồ mỹ nghệ và đặc biệt là nơi bán thảm.

Trang sức đá quý tất nhiên là rất đẹp và vô cùng phong phú về kiểu dáng chủng loại, nhưng giá cả cũng chẳng biết đường nào mà lần. Đồ mỹ nghệ có vẻ dễ mua hơn, tranh gốm, đèn thủy tinh… nếu kiên nhẫn trả giá có thể mua được với giá chỉ bằng nửa giá ban đầu. Còn những cửa hàng bán thảm rộng mênh mông và bài trí sang trọng thì làm khối du khách phải lè lưỡi trước nhiều sản phẩm có giá cả triệu USD.

Chợ ngoài trời ở Tehran

Thảm Ba Tư nổi tiếng đẹp và bền, những tấm dệt thủ công đều xứng đáng là tác phẩm nghệ thuật bởi không có cái thứ hai giống hệt vậy. Nhìn vào tấm thảm đường nét sống động, tôi như thấy cả hơi thở cuộc sống của người Ba Tưở đó.

Với ngân sách hạn hẹp, phần lớn người trong đoàn chúng tôi tự bằng lòng với những tấm thảm để lót… chuột máy tính. Vậy mà người bán hàng vẫn tươi cười, ân cần sốt sắng như thể vừa bán được loạt hàng có giá trị lớn!

Mới đi chợ được vài tiếng, nhiều người đã cảm thấy đói bụng. Cũng phải, bữa sáng của chúng tôi chỉ có rau sống, sữa chua ăn với lavash – bánh mì không men, mỏng như bánh tráng Việt Nam. May sao, không đâu khám phá ẩm thực Tehran thuận tiện nhưở Bazaar.

Một lối vào khu bazaar rộng mênh mông

Tại đây cũng như trên đường phố, thịt cừu nướng xiên là món tỏa ra mùi thơm ngào ngạt nhất. Người Ba Tư thường ăn cơm, song cơm của họ đủ màu sắc vì được trộn nhiều loại hạt và trái cây sấy, lại được rưới nước cốt trái chanh tây nên có vị chua nhẹ dễ ăn. Tráng miệng, ăn vặt thì có trái cây sấy khô, các loại hạt óc chó, hạnh nhân, hồ trăn béo ngậy.

Các cửa hàng bánh kẹo chất đầy từng đống zulbia và bamieh là hai loại bánh bột chiên tẩm nghệ tây rưới si rô hoa hồng. Nhờ được trợ giá, giá thức ăn ở Tehran thuộc hàng rẻ nhất thế giới so với thu nhập người dân. Suất cơm khá ngon mà ký túc xá bán cho sinh viên chỉ khoảng năm ngàn đồng tiền Việt.

Tehran nhìn từ trên cao

Bánh mì, cả bánh ngọt ở cửa hàng được bán theo ký chứ không bán từng cái. Có lẽ vì giá quá rẻ nên người bán không cho khách hàng túi đựng. Đa số người mua cứ ôm cả chồng bánh mì tròn, dẹp trước ngực thản nhiên đi lại trên phố.

Ấn tượng của chúng tôi sau vài ngày ở Tehran có phần mâu thuẫn. Điều đó cũng dễ hiểu, vì một thành phố hơn hai ngàn năm tuổi đâu dễ cho người ta thấy rõ nét gương mặt mình chỉ trong một sớm một chiều.

>Vẻ đẹp huyền bí Grand Canyon

>Thung lũng sông Loire huyền bí

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thăm Tehran - Cưỡi thảm Ba Tư làm sống lại chuyện cổ tích nghìn lẻ một đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO