Sake, bảo tàng và những đứa trẻ mùa đông

ANH THƯ| 31/01/2014 02:29

Hướng câu chuyện của những đứa trẻ Nhật Bản và Hàn Quốc về phía trước, chúng ta sẽ thấy một tương lai được dựng xây bằng sự trân trọng quá khứ và nhân danh những khát vọng chia sẻ qua nhiều thế hệ.

Sake, bảo tàng và những đứa trẻ mùa đông

Hướng câu chuyện của những đứa trẻ Nhật Bản và Hàn Quốc về phía trước, chúng ta sẽ thấy một tương lai được dựng xây bằng sự trân trọng quá khứ và nhân danh những khát vọng chia sẻ qua nhiều thế hệ.

Đọc E-paper


Chúng tôi đến Nhật Bản vào những ngày cuối Đông, khi những bông hoa tuyết còn như những màng sương mỏng khẽ vương trên những cành anh đào khẳng khiu trong gió lạnh. Một trong những nơi mà anh Yoshiki Otani, Giám đốc Công ty World Trade Plaza, đưa chúng tôi ghé thăm là xưởng nấu rượu sake ở tỉnh Hyogoo, nơi chiếm đến 30% tổng sản lượng sake trong toàn quốc.

Nguồn nước ở đây chảy qua rặng núi Rokko được coi là lý tưởng để sản xuất rượu sake vì có hàm lượng kali cao gấp ba lần so với nước ở những nơi khác. Chúng tôi có mặt tại đây từ sáng sớm, cái lạnh buốt dưới 0 độ khiến những hồ nước đóng băng, những bông hoa cúc trước hiên nhà cũng hóa băng nhưng còn tươi màu vàng hé nhụy.

Càng co ro trong cái lạnh buốt chúng tôi càng ngạc nhiên khi thấy những em học sinh tiểu học mặc quần đùi, xếp hàng ngay ngắn đi trong gió tuyết, đợi đến lượt để vào tham quan các xưởng nấu rượu sake. Được biết, trẻ em trong các trường học của Nhật Bản mặc quần ngắn kể cả trong mùa Đông, bất kể trời lạnh đến như thế nào. Người Nhật tin rằng những thói quen hình thành trong những năm đầu đến trường sẽ theo chúng khi lớn lên, kể cả những thói quen khổ hạnh như mặc quần đùi vào mùa Đông.

Otani giải thích: “Sake là loại rượu nổi tiếng của người Nhật, được xem là biểu tượng cho văn hóa ẩm thực của đất nước hoa anh đào, cũng nổi tiếng như món sushi. Bọn trẻ tới đây để tìm hiểu về cách làm rượu sake trong những bài học trực quan về văn hóa và tinh hoa của đất nước”.

Cô giáo Masako Inaguma giải thích thêm: “Với lịch sử hơn 2.000 năm, sake đã trở thành một phần biểu tượng của Nhật Bản, cũng như sumo và sushi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, loại rượu này đã bị những đồ uống hiện đại như bia hay cocktail làm mai một. Qua những lớp học này, những đứa trẻ trở thành đại sứ của rượu sake cũng như tinh hóa ẩm thực truyền thống của Nhật Bản”.

Những đứa trẻ 7 - 8 tuổi ngay ngắn xếp hàng đi dọc ngang khắp xưởng rượu sake để nghe ông chủ xưởng giải thích với chúng sự tinh khiết của gạo Sakaima, nguồn nước trong lành chảy qua những khe núi vùng Hyogoo, dạy cho chúng ngũ vị đặc trưng của rượu sake ngọt, chua, cay, đắng và se dịu hàng ngàn năm trước tổ tiên người Nhật đã uống và gìn giữ cho đến ngày nay...

Họ say mê dạy những đứa trẻ như thể không chỉ cần chúng là đại sứ sake cho tương lai, mà thực sự cần chúng ngay lúc này, dường như để những đứa trẻ thẩm thấu được giá trị của núi sông, hạt gạo, ngọn cỏ của nước Nhật là phẩm chất không thể thiếu cho một sự giáo dục hoàn chỉnh.

Quá nhiều câu chuyện về tính cách của người Nhật, nhưng những đứa trẻ học cách làm rượu sake giúp chúng tôi trả lời rõ hơn câu hỏi tại sao làn sóng hiện đại hóa và công nghiệp hóa ở Nhật Bản xảy ra dồn dập trong suốt 50 năm qua vẫn không làm mất đi những truyền thống trong sinh hoạt, tập quán lẫn văn hóa của con người xứ Phù Tang.

Trên đường phố Tokyo vẫn đầy rẫy cửa hàng McDonald’s, Starbucks, vẫn tràn ngập hình ảnh các ngôi sao K-Pop, nhưng du khách vẫn có thể chìm đắm trong không gian thuần Nhật Bản với sushi, với rượu sake hay âm nhạc truyền thống gagaku (Nhã nhạc cung đình), Shomyo (Nhạc Phật giáo), Noh (Sân khấu Nô)... Đó là giá trị giúp người Nhật trong nửa thế kỷ qua vừa ổn định và phát triển vượt bậc, vừa đưa kinh tế và xã hội Nhật lên hàng đầu thế giới và được cả thế giới kính nể về phẩm giá con người.

Trẻ em Nhật Bản trong một lớp học

Cũng những ngày Đông giá rét, chúng tôi có mặt ở Bảo tàng Dân tộc học Hàn Quốc ở Seoul. Trận mưa tuyết kéo dài chừng một giờ đồng hồ đủ phủ trắng những cây bạch quả lá đã chuyển từ sắc Thu đỏ rực sang màu xám lạnh giá của mùa Đông và đang đợi màu xanh của mùa Xuân ấm. Một lần nữa, những đứa trẻ lại làm du khách Việt Nam ngạc nhiên khi thấy chúng cặm cụi ghi chép và hí hoáy vẽ hình. Một em nói rằng chúng đang làm bài tập lịch sử liên quan đến thời Imjinwaeran (thời kỳ Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc năm 1592).

Một số em được giao bài tập đi phỏng vấn du khách nước ngoài xem họ, cảm nhận và đánh giá thế nào về văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Công nghệ thông tin đã góp phần đưa giáo dục Hàn Quốc tiến một bước dài, trở thành một trong những quốc gia có hệ thống giáo
dục được đánh giá cao nhất thế giới. Nhưng những đứa trẻ “điện toán đám mây” không được phép quên lịch sử của cha ông trong cuộc ganh đua quyết liệt giữa các nền kinh tế đang áp sát lẫn nhau.

Những đứa trẻ được đào tạo không chỉ để trở thành những lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia giàu có, để tạo ra của cải cho đất nước, mà còn được đào tạo để tương tác với một thế giới rộng lớn bằng cách tôn vinh quá khứ, giá trị văn hóa dân tộc đã tạo nên sự khác biệt và một Hàn Quốc thịnh vượng ngày nay.

Thành công của hệ thống giáo dục Hàn Quốc là không thể chối cãi được, đến mức tổng thống Mỹ Obama đã lấy đó làm ví dụ với lời phát biểu sau thời điểm nhậm chức lần đầu tiên: “Học sinh Hàn Quốc giỏi hơn học sinh nước ta về toán và khoa học”, trước khi kêu gọi nên noi
theo kiểu mẫu giáo dục tại nước này: “Ngày học dài hơn và học thêm buổi tối”.

Anh Kim Jayne, hướng dẫn viên của một công ty du lịch địa phương, nói rằng thanh niên Hàn Quốc dành đến 15 giờ mỗi ngày cho việc học. Nếu tính cả thời gian di chuyển bằng phương tiện công cộng thì học sinh chỉ ngủ từ 4 - 5 giờ/ngày. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, một khẩu hiệu đã trở thành bất hủ: “Ngủ 5 giờ mỗi đêm thì thất bại; ngủ 4 giờ mỗi đêm thì thành công”.

Không phải vô cớ mà ông Dongwon Kwak, Giám đốc Chiến lược Toàn cầu của Tập đoàn CJ CGV, lại đề cập tới yếu tố giáo dục trong sức mạnh cạnh tranh của Tập đoàn trong thị trường quốc tế. CJ CGV đã mua lại chuỗi rạp chiếu phim MegaStar tại Việt Namtrong thương vụ trị giá gần 74 triệu USD. Tính đến năm 2013, CJ đã vươn ra thị trường toàn cầu khi có mặt tại Nhật, Trung Quốc, châu Âu,Hoa Kỳ và Nam Mỹ.

Ông Lee Jay-Hyun, CEO của CJ, đã đặt mục tiêu vào năm 2020, CJ sẽ đạt doanh thu 1 nghìn tỷ won, trong đó 70% doanh thu đến từ thị
trường nước ngoài. Còn ông Dongwon Kwak cho biết: “Tầm nhìn của Tập đoàn là dẫn đầu thị trường rạp chiếu phim trên thế giới vào năm 2017. Chúng tôi đủ nguồn lực con người để đạt được mục tiêu này”.

CJ được thành lập với tên Cheil Jedang vào tháng 8/1953, khởi thủy kinh doanh, sản xuất đường và bột mì. Sau đó, Tập đoàn mở rộng sang các lĩnh vực như thực phẩm và chuỗi cửa hàng ẩm thực, mua sắm, dược phẩm, giải trí và truyền thông... Trước tòa nhà của Tập
đoàn CJ có bức tượng công nghệ 3-D hologram display của người sáng lập Tập đoàn là Lee Byung Chul, cũng là người thành lập Tập đoàn Samsung.

Sự phát triển của Tập đoàn CJ cũng như Samsung cho thấy tầm nhìn của người sáng lập Lee Byung Chul có ghi trong bức tượng này: “Tiến lên phía trước bằng tri thức”. “Bức tượng này để nhắc nhớ những người đi sau không bao giờ quên công lao của người sáng lập, cũng như không quên những bài học khắc nghiệt để tiến lên hàng đầu”.

Anh Cao Hải, một nhân viên Hàn Quốc của CJ CGV nhưng lại có một cái tên rất Việt Nam, giải thích với chúng tôi. Là một tập đoàn kinh doanh phim ảnh nhưng CJ CGV cũng có một trường đại học để đào tạo nhân viên của mình. Nhân viên của Tập đoàn ở các nước được đưa về đây học tập, rèn luyện kỹ năng từ kinh doanh đến phục vụ khách hàng, và tìm hiểu văn hóa của Tập đoàn. “Tri thức được xem như một sự bảo đảm cho cơ hội thăng tiến trong xã hội, còn bề dày lịch sử của Tập đoàn giúp họ tự tin để tiến nhanh và trở thành người giỏi nhất”, anh Cao Hải nói.

Mai này, trong những nhân viên hay lãnh đạo CJ CGV hằng ngày kính nhường mỗi khi đi ngang qua bức tượng Lee Byung Chul chắc hẳn sẽ có những đứa trẻ cặm cụi ghi chép những bài học lịch sử trong bảo tàng năm nào...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sake, bảo tàng và những đứa trẻ mùa đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO