Phú Quý không đánh mất thuộc tính của đảo

Thu Trân| 14/05/2019 06:39

Nhiều năm trước, đảo Phú Quý đã rộn ràng làm du lịch, nhưng từ năm 2018, ngành du lịch của huyện đảo bắt đầu phát triển bài bản khi UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định quy hoạch phát triển du lịch đảo Phú Quý đến năm 2030. Làm du lịch ở một vùng đảo êm ả lâu đời trong thời đại cuồn cuộn những thông tin và luôn đổi mới như hiện nay hẳn không thể nào tránh khỏi những bất cập.

Phú Quý không đánh mất thuộc tính của đảo

Sôi động du lịch Phú Quý

Trương Thị Phượng, sinh viên kinh tế về làm công tác thương binh - xã hội ở xã Long Hải của huyện đảo Phú Quý bảo, giờ ra đảo là ngon rồi, hồi đi học, tụi em ngồi tàu sắt, bốn năm tiếng đồng hồ mới chạm đất liền Phan Thiết. Chủ tịch UBND xã Long Hải Nguyễn Văn Ba cho rằng, thời của Phượng cũng còn sướng, thời anh là thanh niên tình nguyện ra xây dựng đảo ngày mới giải phóng, ngồi tàu gỗ sáng đi chiều mới tới, dù cách Phan Thiết chỉ 56 hải lý. Đó là thời tiết khô ráo, nắng tốt, biển êm. Ví mà chập chùng mưa gió thì không định được giờ bước chân lên đảo. 

Kể vậy để biết vì sao Phú Quý một thời gian dài "ngủ yên" với tài nguyên biển dồi dào và phong cảnh thì không chê vào đâu được. Còn ba năm trở lại đây, tàu thuyền hiện đại tuyến thành phố Phan Thiết - Phú Quý và ngược lại với những cái tên như Phú Quý Express, Supper Đông, Hưng Phát 26... chỉ vù hai tiếng rưỡi đồng hồ là cập bến. Và "nàng công chúa ngủ trong rừng" Phú Quý đã được đánh thức từ đó.

Người Phú Quý lành như đất, nên công việc làm ăn cũng yên ả. Tám mươi phần trăm dân làm nghề biển, số còn lại trồng trọt, buôn bán nhỏ lẻ. Chẳng thế mà qua bao vật đổi sao dời, đất đai, tài nguyên Phú Quý vẫn hoang sơ. Bãi biển Phú Quý đẹp, trong lành, nguyên sơ với bãi Doi Dừa, bãi Gành Hang, vịnh Triều Dương... Núi Cao Cát, núi Ông Đụn, núi Cấm với chùa Linh Sơn, chùa Linh Quang, chùa Linh Bửu, đền thờ công chúa Bàn Tranh, đền thờ cá ông Vạn An Thạnh vẫn nguyên rừng, nguyên gió, nguyên sự tín ngưỡng linh thiêng từ bao đời nay trong tập quán sống thiện lành. Hấp dẫn nhất là những ngôi chùa cổ, trong đó chùa Linh Quang là ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở tỉnh Bình Thuận, một thời là nơi lánh nạn của Nguyễn Ánh. 

Quanh đảo lớn Phú Quý còn có 15 đảo nhỏ như Hòn Tranh, Hòn Trứng, Hòn Đen, Hòn Đỏ, Hòn Hải... hòn nào cũng thu hút du khách, nhất là du khách ưa mạo hiểm. Đặc biệt, vịnh Triều Dương như một món quà thiên nhiên ban tặng cho người dân đảo Phú Quý. Những hàng dương xanh ngắt và bãi cát trắng trải dài lấp lánh đủ làm quyến luyến khách phương xa. Cột cờ Phú Quý được xây dựng năm 2015 trên ngọn đồi cao 45m so với mặt nước biển là biểu tượng khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Bạn đến Phú Quý sẽ thấy yêu người, yêu đất hơn vì truyền thống giữ đảo của cư dân nơi dây.

Đường sá không còn xa xôi cách trở nhờ những đội tàu hiện đại, từ năm 2016 đến nay, số khách du lịch tìm đến Phú Quý ngày càng tăng: Năm 2017 hơn 16.500, năm 2018 hơn 20.000 lượt khách; dự kiến năm 2020 hơn 24.000, năm 2025 hơn 45.000, năm 2030 hơn 74.000 lượt khách, với tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm, doanh thu 380 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương.

Những dự báo ấy đều có cơ sở khi khách du lịch đổ về Phú Quý ngày càng nhiều, dịch vụ du lịch ngày càng tăng. Những khách sạn khang trang, bề thế như Hưng Phát, Trường Huy, Sao Biển, Trúc Lâm Viên, Long Vĩ... đã được xây dọc con đường chính của huyện đảo dài hơn 14km. Vài nơi lưu trú, vài nơi bán hàng lưu niệm đã có ghi bảng bằng tiếng Anh, chứng tỏ đã có dòng khách nước ngoài đổ về Phú Quý. Đặc biệt, nhiều nhà hàng hạng sang với thực đơn là các món đặc sản hấp dẫn, "ít đụng hàng" với các nhà hàng trong đất liền như cua huỳnh đế, cua mặt trăng, cá nhám, ốc đụn...

image2-5451-1557825024.jpg

Cua huỳnh đế- đặc sản đảo Phú Quý

Những bất cập

Du lịch phát triển, kinh tế biển ở Phú Quý cũng phát triển theo. Bên cạnh chủ trương của Nhà nước khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ với những gói ưu đãi như Nghị định 67-2014/NĐ-CP của Chính phủ qui định một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân Phú Quý còn tập trung làm giàu nhờ nghề nuôi trồng thủy sản. Nhiều trang trại, lồng bè nuôi cá mú thu nhập tiền tỷ đã trở thành điểm tham quan, mua sắm của du khách. Anh Nguyễn Du, chủ lồng bè cá mú ở xã Tam Thanh cho biết, những hộ nuôi cá mú có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm là những hộ thuộc dạng "bèo". Anh Nguyễn Văn Tùng ở xã Ngũ Phụng áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch đã xây được nhà ngôi nhà to đẹp. Để phục vụ khách du lịch, nhiều ngư dân ở xã Long Hải đã xây hồ nuôi hải sản bằng những tảng đá lồi lõm rất nghệ thuật sát mép biển cho du khách tha hồ "seo phì”. 

Từ khi có những đội tàu hiện đại nối đảo và đất liền, đặc biệt, từ khi có chủ trương quy hoạch phát triển du lịch Phú Quý của UBND tỉnh Bình Thuận, đất đai ở huyện đảo này bỗng lên cơn sốt không kém các khu quy hoạch trong đất liền. Khá nhiều người ở Hà Nội, TP.HCM, Phan Thiết... ra đảo lùng tìm mua đất. Chủ tịch UBND xã Long Hải Nguyễn Văn Ba cho biết, trước năm 2017, mảnh đất khoảng 140m2 được kêu bán giá 250 triệu đồng, giờ đã lên hơn 3 tỷ đồng. Hỏi mua đất để làm gì, nhiều người bảo cứ mua để đó. Đất đã mua, hầu hết chủ mới đều chặt sạch cây và xây tường rào lại. Với diện tích lớn mà cây bị chặt sạch cùng lúc trên một hòn đảo, thiếu nước là điều không tránh khỏi.

Du lịch sôi động trên hòn đảo vốn nổi tiếng thanh bình xưa nay, các dịch vụ xuất hiện nhiều hơn, việc thay đổi nếp sống, nhất là đối với thanh thiếu niên là điều không tránh khỏi. Theo bà Nguyễn Thị Nổi ở xã Long Hải, thanh thiếu niên Phú Quý bây giờ đi biển về nhậu nhiều hơn, tất nhiên hệ luỵ sau những cuộc nhậu đó cũng tăng. Giải quyết những hệ luỵ này cũng là cả một vấn đề và mất khá nhiều thời gian của các cơ quan chức năng. Chạy theo cuộc sống của một vùng đất du lịch mới nổi, học sinh bỏ học nhiều hơn, phần lớn là học sinh lớp 9, tuổi vừa đủ sức khỏe để theo gia đình đi biển và cũng "vừa đủ” để bị cuốn vào những gì sôi động của một vùng đất du lịch mới được quy hoạch.

Làm du lịch, làm kinh tế sao cho không phải bị đánh đổi nhiều quá là điều ai cũng mong. Biết là tất cả còn mới mẻ với người dân đảo, tất cả còn phải điều chỉnh để cân bằng cuộc sống, thích nghi với hội nhập để tiếp tục phát triển, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Bùi Thế Nhân xác định: phát triển du lịch nhưng Phú Quý không được đánh mất những gì được xem là thuộc tính xưa nay của đảo, để giữ mãi cái hồn của đảo. Đó là việc không xây dựng ồ ạt nhà cao tầng, bất chấp cảnh quan, không phá vỡ không gian đảo, giữ gìn cây xanh để giữ nguồn nước ngọt; chỉ tập trung xây dựng một số công trình có điểm nhấn, khuyến khích dân trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp... 

Hy vọng những nhìn nhận kịp thời này sẽ được thực hiện trước khi quá muộn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phú Quý không đánh mất thuộc tính của đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO