Nỗi niềm “tam xã, tứ không”

NGUYÊN VI| 22/03/2012 05:04

Bản làng nằm lọt thỏm giữa thăm thẳm đại ngàn, vẳng đâu đó tiếng chim rừng gọi bầy khắc khoải khiến buổi chiều miền sơn cước trở nên hoang liêu, u tịch.

Nỗi niềm “tam xã, tứ không”

Sau hơn nửa ngày len lỏi giữa các vách núi chênh vênh, qua dốc Pù Sen dài 17km, chúng tôi có mặt tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, vùng đất xa xôi, tỉnh Nghệ An nghèo khó, khi bóng chiều đã loang lổ trên các sườn đồi. Bản làng nằm lọt thỏm giữa thăm thẳm đại ngàn, vẳng đâu đó tiếng chim rừng gọi bầy khắc khoải khiến buổi chiều miền sơn cước trở nên hoang liêu, u tịch.

Xã Châu Phong là “điểm đầu” của ba xã “bốn không” thuộc huyện miền núi Quỳ Châu (còn gọi là ba xã vùng trong: Châu Phong, Châu Hoàn và Diên Lãm).

Là các xã vùng sâu nên đời sống của người dân nơi đây còn khá khó khăn, “sợi dây” duy nhất nối Châu Phong, Châu Hoàn và Diên Lãm với thị trấn Quỳ Châu là quãng đường dài lên đèo xuống vực.

Mọi hoạt động giao dịch với thế giới bên ngoài hết sức khó khăn, thậm chí bị cô lập mỗi khi mùa mưa lũ về. Giao thông khó khăn cộng với không điện, không chợ búa, không thông tin liên lạc đã khiến Châu Phong, Châu Hoàn và Diên Lãm nhiều năm không thể thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Người dân chủ yếu sống dựa vào đốt nương làm rẫy. Đất khô cằn, bà con dân tộc không biết kỹ thuật gieo trồng nên thường thiếu ăn từ 6 - 7 tháng trong năm.

Trai bản số phải bỏ rừng phiêu bạt khắp nơi để kiếm miếng cơm manh áo, số đi theo các chủ gỗ dưới xuôi lên vào rừng khai thác lâm sản trái phép và hậu quả là hầu hết đều “dính” vào ma túy.

Ông Lang Đình Hồng, ở bản Piêng Điểm (nguyên là cán bộ xã Châu Phong), kể cho chúng tôi nghe đời sống của người dân nơi đây: “Xã chúng tôi nghèo lắm, thu nhập bình quân đầu người chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng. Đồng bào ở đây chủ yếu là người Thái. Khách đến thăm thường gọi Châu Phong là xã “bốn không”: không điện lưới, không nước sạch, không chợ và không có sóng điện thoại. Khi cần liên lạc ra bên ngoài, cả xã chỉ trông chờ vào một chiếc điện thoại bàn được nối với một chảo parabol đặt phía sau trụ sở làm việc của xã, nhưng chiếc điện thoại này cũng chỉ chịu làm việc khi... đẹp trời. Báo chí, công văn có khi cả tháng mới về một, hai lần nên không riêng gì người dân, ngay cả các cán bộ ở đây cũng luôn bị “đói” thông tin. “Nhiều khi công văn, giấy mời họp của huyện gửi về đến nơi thì các cuộc họp đã qua lâu rồi”, ông Hồng cười buồn nói.

Cầu mới xây dựng dở dang những đã bị lũ lụt tàn phá

Trạm Y tế, nơi chăm sóc sức khỏe cho người dân trong xã, luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng y, bác sĩ và các thiết bị, vật tư y tế.

Đứng trên triền núi nhìn xuống trung tâm xã chỉ thấy lúp xúp vài chục ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái đứng tựa vào nhau dọc hai bên bờ suối Nậm Huống hiền hòa.

Đám trẻ con nhem nhuốc, gầy gò, tóc và da khét nắng nép mình trong các bậu cửa tròn mắt sợ hãi nhìn những người khách lạ.

Tôi bước vào một cái quán nhỏ khi cô chủ quán đang lụi cụi phía sau bếp chuẩn bị bữa cơm chiều. Quán bày bán lèo tèo vài gói thuốc lá, mì tôm, xà phòng và mấy chai nước ngọt nắp đã hoen gỉ. Phía trong góc nhà là hai chiếc can lớn đựng thứ nước trong vắt như nước suối...

Đang chăm chú quan sát bỗng có tiếng người hỏi vọng ra: “Cán bộ mua rượu à? Mình còn nhiều lắm”. Nói rồi cô chủ quán trạc 20 tuổi cười chỉ vào hai chiếc can ở phía góc nhà. Ở đây giá mọi mặt hàng đều đắt hơn so với giá thị trường.

“Đường sá đi lại vất vả lắm, mỗi tháng một lần, em ra thị trấn lấy hàng về bán lại cho bà con trong bản. Cước phí vận chuyển cao vì đèo cao vực sâu nên hàng đến tay người dân phải chịu mức giá thiệt thòi như vậy đấy”, cô gái giải thích khi thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên.

Không điện lưới đành dùng tua-bin đặt ở khe phát điện thắp sáng

Dù đã rất nỗ lực đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo nhưng Châu Phong vẫn phát triển ì ạch, đời sống người dân vùng sâu vẫn chìm trong muôn vàn khó khăn và đói nghèo.

Rời Châu Phong, ngược Pù Hốc với những con dốc dựng đứng cheo leo, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đi vào xã Diên Lãm. Đến nơi, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những chiếc cầu xây dựng dở dang, sắt thép phơi la liệt và đã hoen gỉ; những mảng bê tông lớn để làm cầu nằm lăn lóc ven bờ suối.

Một người dân cho biết, đó là cầu Xốp Lịch 1 và 2, được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, giao thương với bên ngoài.

Tuy nhiên, công việc cứ “ì ạch” mãi và đến giờ tình trạng vẫn không có gì thay đổi, khi người dân muốn ra khỏi làng, khỏi xã vẫn phải “khiêng” xe máy qua khe.

Sau khi vượt qua được các “cửa ải” khe suối, chúng tôi đi vào Bản Cướm với 100% dân bản là người Thái. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào mấy vạt rẫy, mấy sào ruộng bậc thang quanh năm cằn cỗi.

Do chỉ sản xuất được một vụ lúa nên hầu như cuộc sống tự cung tự cấp đeo đuổi người dân mãi; vẫn cứ mùa nào thức ấy, ngày hai buổi vào rừng bẻ măng, nhặt nấm sống qua ngày.

Chợ trung tâm xã Châu Phong xây xong và bỏ không đã hơn chục năm

Ông Lữ Trọng Bằng, dân Bản Cướm, than thở: “Cuộc sống của bà con còn nghèo lắm các anh ạ. Từ bao đời nay vẫn chưa tìm được lối thoát, mà cũng đúng thôi, điện không, đường không, cầu chưa có, chợ cũng không nốt...”.

Anh Quang Văn Cường ở bản Hốc góp lời: “Dân bản vốn nghèo, đã thế còn hay xảy ra thiên tai lũ lụt. Như năm 2011, trận lũ quét cuối tháng 6 đã lấy đi của người dân rất nhiều thứ, thế nên cuộc sống của bà con còn khốn khó dài dài...”.

Ông Lý Đại Châu, Chủ tịch UBND xã Diên Lãm, thở dài: “Các anh thấy đó, cuộc sống của bà con vẫn khó khăn, vất vả lắm. Ở đây heo hút, chợ không có, đường và điện lưới cũng chẳng có luôn nên hầu như bà con không thể thoát khỏi khó khăn. Chúng tôi làm lãnh đạo ở địa phương nghèo khó và xa xôi thế này cũng có nhiều nỗi trăn trở nhưng chẳng biết làm thế nào để giúp cuộc sống người dân khá lên, chỉ đành trông chờ phần nhiều vào cấp trên”.

Cùng với Châu Phong và Diên Lãm, xã Châu Hoàn cũng thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Châu. Những gì Châu Phong và Diên Lãm chưa có như điện, đường, nước sạch, chợ... thì xã nghèo Châu Hoàn cũng chưa với tới được.

Trước những khó khăn này, ông Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Châu Phong, trăn trở: “Để tháo gỡ khó khăn, cần sớm xây dựng đề án phát triển kinh tế của từng địa phương. Trong đó phải giải quyết cho được bốn điểm mấu chốt: ưu tiên xây dựng đường giao thông và sớm kéo điện lưới về xã; xóa các tụ điểm ma túy hoành hành từ nhiều năm trở lại đây; cải thiện hệ thống thông tin liên lạc và đưa ngôi chợ đã xây xong hàng chục năm nay nhưng bỏ hoang vào hoạt động và cuối cùng là xây dựng hệ thống nước sạch”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi niềm “tam xã, tứ không”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO