Những ngôi đền thiêng ở Indonesia

PHAN NGỌC HẠNH| 17/07/2014 08:06

Những điều kỳ bí của đất nước vạn đảo Indonesia đã thôi thúc chúng tôi thực hiện ngay chuyến hành trình đến Yogyakarta và Bali để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi đền thiêng.

Những ngôi đền thiêng ở Indonesia

Indonesia trải dài gần 6.500km giữa hai lục địa Đông Nam Á và Châu Đại Dương, với khoảng 13.500 hòn đảo và 300 sắc tộc, đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, tôn giáo, lối sống... Những điều kỳ bí của đất nước vạn đảo Indonesia đã thôi thúc chúng tôi thực hiện ngay chuyến hành trình đến Yogyakarta và Bali để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi đền thiêng.

Đọc E-paper

Đền Besakih

Yogyakarta, cố đô của những ngôi đền cổ kính

Yogyakarta (hay gọi là Jogjakarta) là cố đô của đất nước Indonesia và là trung tâm văn hóa đầu tiên của đảo Java. Địa danh này có những ngôi đền nghìn năm huyền bí hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đặt chân đến Yogyakarta, chúng tôi cảm nhận được nhịp sống thanh bình khi tản bộ qua từng con phố nhỏ, khi ngồi trên xích lô kéo dạo quanh phố phường.

Chiếc xe ngựa lọc cọc đưa tôi đến chiêm ngưỡng khu di tích Prambanan. Prambanan là một quần thể đền thờ Hindu, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1991 bởi kiến trúc độc đáo và ý nghĩa văn hóa.

Quần thể đền Prambanan gồm có các đền: Prambanan, Sewu, Bubrah và Lumbung, với tháp chóp nhọn điển hình trong kiến trúc đền của đạo Hindu. Ba vị thần tối cao của đạo Hindu được thờ trong quần thể đền Trimurti gồm: Thần Sáng tạo Brahma, Thần Bảo vệ Vishnu và Thần Hủy diệt Shiva.

Theo tài liệu ghi chép của Shivagrha, quần thể Prambanan được xây dựng từ năm 850 dưới triều đại của Vương quốc Medang. Ngôi đền đầu tiên trong quần thể Prambanan thờ thần Shiva với mục đích chứng tỏ nhà Sanjaya đã từ bỏ Phật giáo để về với đạo Hindu.

Taman Ayun

Tuy trận động đất năm 2006 đã phá hủy nhiều ngôi đền, song cho đến nay, quần thể Prambanan vẫn hiên ngang sừng sững với những chóp đền cao nhọn cùng những trầm tích rêu phong, cổ kính. Prambanan đã trở thành đền thờ Hindu lớn nhất Đông Nam Á.

Điểm tham quan đặc sắc cần kể đến là Borobudur, cách trung tâm Yogyakarta 42km. Cùng với ngôi đền Prambanan, quần thể Phật giáo Borobudur chứng minh quá khứ vàng son của đạo Phật và đạo Hindu tại Indonesia. Borobudur được mệnh danh là "ngôi đền quyến rũ” và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1991.

Theo tiếng cổ, Borobudur có nghĩa là "đền thờ Phật trên núi". Đền Borobudur được xây dựng trong khoảng 75 năm, từ thế kỷ thứ VIII - IX, dưới vương triều Syailendra sùng đạo Phật. Đền được xây trên đỉnh đồi, giữa vùng đồng bằng, phía sau là một dãy núi, khiến cho ngôi đền nổi bật.

Quần thể đền Borobudur gồm nhiều tháp nhỏ bao bọc xung quanh một tháp chính cao 42m với 12 tầng tháp. Để lên đến đỉnh tháp cao nhất, chúng tôi phải trèo lên các bậc thang và đi qua các hành lang của 12 tầng tháp với tổng chiều dài 5km. Mỗi tầng tháp có những bức phù điêu chạm trổ tinh tế mô tả đời sống của đức Phật và trần thế.

Những bức chạm khắc chạy dài theo những hành lang, mô tả những giai đoạn của cuộc đời con người khi hướng đến sự hoàn thiện. Borobudur vẫn giữ được nét uy nghiêm và cổ kính của một quần thể Phật giáo và là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất khu vực châu Á.

Tanah Lot

Bali, hòn đảo của những ngôi đền thần thoại

Tiếp nối hành trình, chúng tôi mất một tiếng bay từ Yogyakarta đến đảo Bali. Hơn 90% người dân Bali theo đạo Hindu, tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, vì thế, hơn 20.000 ngôi đền ở đây có sự dung hòa giữa kiến trúc Ấn Độ với kiến trúc đặc trưng của vùng Bali.

Điểm tham quan đầu tiên của tôi tại Bali là ngôi đền linh thiêng Tanah Lot, tọa lạc tại Tabanan, cách trung tâm Denpasar khoảng 20km. Tanah Lot là một trong bảy ngôi đền nổi tiếng bên bờ biển Bali, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến viếng mỗi năm. Đứng tại bất cứ địa điểm nào trong chuỗi bảy ngôi đền, du khách đều có thể thấy được đền Tanah Lot.

Sở dĩ đền Tanah Lot trở thành một phần của thần thoại Bali là vì theo truyền thuyết, vào năm 1546, một tu sĩ Ấn Độ thông thái đã đến Bali và khi đi ngang qua đây, ông thấy cảnh đẹp nên đã thuyết phục người dân dựng đền để truyền bá đạo Hindu. Từ đó, Tanah Lot trở thành một trong những điểm đến của các tín đồ đạo Hindu từ nhiều quốc gia.

Theo lời kể của một người dân địa phương, một vị thần là con cháu của Thần Rắn Basuki có nhiệm vụ bảo vệ ngôi đền khỏi những kẻ muốn xâm phạm. Song rất khó tìm thấy loài rắn biển cực độc này bởi chúng trốn kỹ trong các hẻm đá. Khi thủy triều xuống, chúng sẽ bơi về phía đền thờ, đến khu vực người dân Bali đặt sẵn thức ăn.

Ngôi đền Tanah Lot được xây trên đỉnh của một hòn đá khổng lồ giữa bốn bề biển xanh, sóng vỗ rì rầm và cách bờ biển Pura Tanah Lot bởi một lối đi nhỏ.

Khi thủy triều xuống, các tín đồ Hindu xếp hàng dài, bước trên những phiến đá tiến vào dâng lễ, những người ngoại đạo vào lễ cũng được phết lên tóc một ít nước thánh, đính lên trán những hạt gạo, cài lên tóc một bông sứ trắng. Tuy nhiên, chỉ có những người muốn cầu nguyện và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng mới có nhân duyên vào lễ bên trong đền.

Đền Taman Ayun nằm ở làng Mengwi, cách trung tâm đảo Bali 18km, cũng có những nét độc đáo riêng. Đền được mệnh danh là "ngôi đền trong công viên xanh".

Prambanan

Đây là một trong những ngôi đền đẹp nhất với những cánh cửa gỗ chạm khắc tinh xảo, những tòa tháp uy nghiêm, những hàng cây cao đối xứng nhau và được bao quanh bởi một hào nước vững chắc. Phủ lên những tòa tháp là một màu đen thẫm của những mái lá cọ từ xa xưa. Tất cả như toát lên sự linh thiêng và huyền bí.

Sẽ thật thiếu sót nếu như đến Bali mà không ghé thăm đền Ulun Danu, còn được gọi là "đền nước" do nổi trên mặt hồ thiêng Beratan, vốn là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động.

Hồ Beratan là hồ nước rộng thứ hai ở Bali, sau hồ Batur, nhưng là hồ chính cung cấp nguồn nước cho những thửa ruộng bậc thang. Do thấu hiểu tầm quan trọng của hồ, Vua Mengwi đã xây dựng đền Ulun Danu vào năm 1633 để thờ nữ thần nước Dewi Danu.

Đền Ulun Danu nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Xe đưa du khách đi qua những thửa ruộng bậc thang trong những khu làng yên bình, qua những đoạn đường đèo khúc khuỷu để đến đền.

Càng lên cao, không khí càng trong lành, cây cối hai bên đường xanh rì. Tiến vào bên trong đền, những làn sương giăng mờ ảo trên những đỉnh núi xanh và phủ trên mặt hồ, làm cho cảnh quan trông như một bức tranh và tôi thấy mình như lạc giữa chốn thần tiên!

Ngôi đền cổ và linh thiêng nhất ở Bali, Besakih Temple được chúng tôi để dành tham quan cuối cùng, vì muốn dành hàng giờ lặng ngắm sự hoành tráng của kiệt tác này. Điều thú vị là hầu hết các ngôi đền ở Bali đều hướng về ngôi đền Mẹ Besakih Temple.

Đền Besakih gồm 21 ngôi đền và nhiều điện thờ nhỏ nằm trên sườn núi phía nam Agung có tuổi thọ trên 100 năm. Ngọn núi này phun trào lần cuối vào năm 1963, dòng dung nham tràn quanh cách ngôi đền vài mét. Người dân Bali tin rằng các vị thần đã che chở cho ngôi đền thoát khỏi mối đe dọa đó.

Đường đến Besakih rất đẹp vì xe chạy qua những ngôi làng yên bình, lượn lên núi, đi dưới những hàng cây mát rượi dưới khí trời lành lạnh như Đà Lạt. Có đoạn, xe dừng bên vệ đường ở lưng chừng núi, tôi được dịp nhìn ngắm núi lửa thấp thoáng phía xa. Besakih Temple có quy định ai vào tham quan đền cũng phải quấn sarong.

Khi đứng ở khoảng sân rộng, tôi thấy từng dòng người đi lễ đông như trẩy hội. Bước lên những nấc thang cao dẫn tới những cổng tháp, tôi đến khu vực gần điện thờ chính Pura Panantaran Agung.

Ở đó, những tín đồ theo đạo Hindu đang thành kính dâng hoa, bày lễ và sì sụp khấn vái. Lên đến khu vực cao nhất của Besakih Temple, hiện ra trước mắt tôi là những mái đền xếp chồng nhiều tầng đặc trưng Bali. Màu đen của lá cọ cùng với màu rêu phủ đền in trên nền trời xanh biếc, vẽ nên bức tranh trầm mặc nhuốm màu thời gian.

>Indonesia đất nước vạn đảo
>Món bánh làm hoàn toàn bằng đất ở Indonesia
>
Indonesia và những điều có thể bạn chưa biết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những ngôi đền thiêng ở Indonesia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO