Những cái nhất thế giới ở New Brunswick

HƯƠNG HOA/DNSGCT| 25/07/2016 09:55

New Brunswick - Bang khai sinh ra đất nước Canada sở hữu những cái nhất của thế giới mà bạn nên một lần ghé thăm.

Những cái nhất thế giới ở New Brunswick

Nằm kế Quebec, bang New Brunswick có vẻ thua kém láng giềng chút ít về độ nổi tiếng. Đầu mùa xuân năm nay đến đây chúng tôi mới thấy tiếc sao mình không đi thăm New Brunswick sớm hơn. Bang khai sinh ra đất nước Canada này cũng có vài cái nhất thế giới mà phải nhìn tận mắt mới thấy hết cái thú vị của nó.

Đọc E-paper

Du khách vui chơi trên bãi đá

Đến Fundy phải ngắm thủy triều

Với những ai mê biển, New Brunswick có một cái đứng hạng nhất toàn cầu rất hấp dẫn. Đó là vịnh Fundy với mực nước thủy triều lớn nhất thế giới, lên đến 16 mét. Vịnh Fundy nằm giữa các tỉnh New Brunswick và Nova Scotia của Canada trên bờ biển phía đông của Bắc Mỹ. Có đến 100 tỉ tấn nước biển chảy ra và vào vịnh hai lần mỗi ngày – nhiều hơn lưu lượng của tất cả các con sông nước ngọt trên thế giới cộng lại, phải mất 13 giờ để nước chạy từ đầu ghềnh đến cuối bãi. Mỗi ngày người ta có thể thấy hai lần nước lên thật cao và hai lần nước xuống thật thấp. Thủy triều cực điểm của Fundy tạo ra một hệ sinh thái biển rất đặc sắc. Chúng tôi sẽ có cơ hội chứng kiến hiện tượng thiên nhiên ấn tượng này khi vịnh có dạng hình chiếc phễu do thủy triều rút xuống. Lúc này mọi người có thể đi dạo dưới lòng biển khoảng 3 tiếng đồng hồ trước và sau khi nước rút đi.

Vịnh Fundy khi nước cạn

Nơi thấy được mức triều cao nhất là mũi Hope Well. Tại đây, khi triều rút xuống người ta có thể đi dạo trên bãi đất cát mà trầm trồ những hang động, những rặng núi đá cao thấp nhiều hình dạng dị kỳ được chạm trổ bởi sự xâm thực của nước biển. Nước triều lên ăn mòn đá khiến những núi đá tại đây có dạng như những bình hoa để ngược, miệng bình cắm xuống đất, cổ bình thắt lại do nước đập vào ngày này qua ngày khác và đáy bình nhô lên cao khỏi mặt nước khi nước triều lên.

Chúng tôi theo dõi trên internet để biết giờ giấc nước lên xuống (vốn thay đổi theo mùa) rồi canh đến đúng lúc nước cao nhất và rời đi lúc nước thấp nhất để thấy được hai mực nước khác nhau. Những ai không đủ thời gian thì thường đến vào lúc nước rút để ngắm được đáy biển. Ai đó nếu ham dạo chơi rồi trở lên không kịp thì chắc chắn sẽ bị cuốn theo chiều nước trừ phi có mang theo phao hay bơi giỏi. Tuy vậy mọi người vẫn yên tâm đi dạo vì có nhân viên kêu réo từng người khi nước lên. Du khách thường ở lại đây trong 6 giờ để xem cho đủ lúc nước cao nhất và thấp nhất, có thấy như vậy mới thấm thía sự biến thiên của vạn vật… Không những nước cao mà còn mạnh, nhiều người còn chơi thả bè hay cho thuyền trượt nước tại Fundy nữa.

Khung cảnh đồng quê trên đảo Hoàng Tử

Tới Hope Well, chúng tôi được mời mua vé xe đưa đón tận nơi với giá 3 đôla Canada/người. Tiếng là đưa đón tận nơi nhưng mọi người cũng phải tự đi bộ xuống một cầu thang thật dài mới đặt chân được tới… đáy biển. Lúc này nước đã rút hết, để lại một bãi vừa đất vừa cát trải dài, có chỗ rộng đến năm cây số. Trải dài theo bờ là rất nhiều núi đá thấp có hình thù kỳ lạ nối tiếp nhìn thật đẹp mắt. Khi nước lên vừa phải, cảm giác được lội nước, len lỏi giữa những ngọn núi đá này quả rất thú vị.

Không phải chỉ có núi đá trùng trùng điệp điệp, nhờ chịu khó lặn lội chúng tôi còn thấy những hang động lồi lõm kỳ dị do nước biển bào mòn. Các thành viên yêu động vật thì ngẩn người ngắm bầy ngỗng trắng và nhiều loài chim đã bay mấy ngàn cây số đến kiếm ăn trên bãi Fundy. Chưa hết, cửa bãi là một vùng biển rất đặc biệt, gọi là Fundy Aquarium ecozones là nơi sinh sống rất thích hợp cho cá voi (có tới tám loại cá voi sống tại đây, trong đó có loài cá voi đầu bò quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng), cá heo, chim hải âu. Ngoài ra, một số người ưa mạo hiểm còn leo lên vách đá cheo leo cao 46 mét, đi thám hiểm hang động hay chèo thuyền kayak lúc nước lên.

Làng chài trên đảo Hoàng Tử

Cầu trên băng dài nhất và đảo Hoàng Tử nên thơ

Cái nhất thứ hai ở New Brunswick là cây cầu Confederation dẫn ra Prince Edward Island (đảo Hoàng Tử Edward). Confederation dài 12,9km, là cây cầu trên băng dài nhất thế giới vì vùng biển này hầu như đóng băng quanh năm, chỉ có mấy tháng mùa hè mới thấy nước trong leo lẻo. Phí qua cầu đến 40 đôla Canada một xe nhưng tiết kiệm được nhiều thời gian so với đi phà. Có chiều dài 280km, đảo Prince Edward là một tỉnh nhỏ của Canada nhưng được coi như nơi khai sinh ra đất nước này.

Hội nghị Charlottetown tại thủ phủ cùng tên của đảo đã dẫn đến việc tuyên bố tự trị của Canada vào năm 1867. So với thời mới lập quốc, đảo Hoàng Tử có lẽ không thay đổi nhiều, phân nửa diện tích đảo vẫn dành cho nông nghiệp với những trang trại trồng trọt xanh mướt. Chẳng trách bên cạnh cái tên Hoàng Tử quý phái, người dân Canada thích gọi đảo bằng cái tên dân dã là Tỉnh Nhà Vườn!

Chúng tôi thuê xe ở Charlottetown để đi một vòng quanh đảo. Thị trấn nho nhỏ với mấy dãy phố cổ xinh đẹp và các ngôi làng thanh bình bên bờ biển. Tôi khá ấn tượng với những nhà hàng làm bằng gỗ dựa theo nghệ thuật kiến trúc của người Inuit bản địa. Dù đã vào xuân, hai bên đường phố vẫn đỏ rực màu lá phong. Hỏi ra mới biết đây là loại phong lá đỏ quanh năm! Phía nam đảo Hoàng Tử được coi là trung tâm nên khá vui vẻ náo nhiệt nhưng phong cảnh phía bắc đẹp hơn nhiều. Xe đi qua những ngôi nhà nhỏ thơ mộng, nhiều bãi đồi đất đỏ, những đàn gia súc thả rong trên thảo nguyên và cảnh rừng xanh biếc men theo bờ biển. Bãi biển ở phía bắc còn hoang sơ với những đồi cát mênh mông.

Đường đến Charlottetown

Đi chơi đảo Hoàng Tử thì cứ ngồi trên xe ngắm cảnh cũng đủ hài lòng. Phong cảnh đẹp, đa dạng, xe đi một tiếng lại dừng mươi phút để mọi người chụp ảnh, hít thở khí trời. Chúng tôi chỉ nghỉ ăn trưa khá lâu tại một ngôi làng sống bằng nghề trồng cây phong (maple) lấy đường. Cứ mỗi đầu xuân, dựa theo phong tục của người da đỏ bản địa, dân đảo hay tổ chức những “sugar shack”, tạm dịch là lễ hội “túp lều đường”. Những sugar shack thường nằm trong những rừng phong trồng lấy đường. Khi đến thăm làng, thông thường người ta sẽ được đưa lên xe ngựa để thăm rừng cây phong, được xem cách lấy nhựa từ cây được giải thích rất tường tận về cách chế biến đường.

Đi thu hoạch maple syrup

Dân đảo chăm sóc từng gốc phong như người Việt mình chăm cây cao su vậy. Khi thân cây được 25cm thì người ta bắt đầu lấy nhựa bằng cách cắm vào thân cây một cái ống, như vậy nhựa cây sẽ chảy vào một thùng nhỏ đặt sẵn. Thứ nhựa này chứa 97% nước, chỉ có 3% đường. Dân làng đem về nhà máy chưng cất để lấy nhựa nguyên chất, được gọi là maple syrup.

Cứ 40 lít nhựa như vậy chỉ chiết xuất được 1 lít maple syrup. Maple syrup có thể để chế biến đường cát, làm bánh kẹo, nước uống hoặc ăn không cũng rất thơm ngon. Bên cạnh các món ngọt được làm thủ công từ thứ nhựa cây đắt tiền, du khách ai cũng mê món syrup eating on snow do người da đỏ truyền lại. Chúng tôi được chỉ cách rót maple syrup xuống tuyết, đợi một chút cho nhựa đông lại như mật rồi lấy cành cây nhỏ cuốn mật lên ăn tại chỗ. Nhấm nháp từng chút thứ nhựa cây thơm thơm, ngọt ngọt như tinh túy của vùng Bắc Mỹ, ai nấy gật gù cho rằng đây đúng là thứ syrup ngon nhất thế giới.

Chỉ mất hai ngày mà khám phá được mấy cái “nhất thế giới” ở New Brunswick, chúng tôi càng thêm cảm tình với thiên nhiên và đời sống màu sắc của Canada.

> Phụ nữ - Đối tượng mới của ngành sản xuất xe mô tô tại Canada

>10 điều thú vị về Canada

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những cái nhất thế giới ở New Brunswick
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO