Nét duyên Wroclaw

ĐẶNG MINH LÝ| 16/06/2012 09:08

Nằm ở một đất nước thuộc khối Đông Âu, nhưng về mặt địa lý lại ở Trung Âu, kiến trúc cảnh quan có nhiều nét tương đồng với các thành phố nổi tiếng của Đức, Áo hay Hà Lan, nhưng lối sống lại duyên dáng theo cách của cộng đồng nói tiếng Slave.

Nét duyên Wroclaw

Những trái xoài vàng hươm trong quầy hoa quả tại Wroclaw được nhập khẩu từ Nam Mỹ, còn loại rượu trong veo như nước mắt chim câu có gốc gác từ thành phố Poznan xa khoảng 200km. Đến cả bia Zywiec nổi tiếng mà hằng ngày bao người tiêu thụ trong các quán trên quảng trường Rynek cũng là sản phẩm của Poznan. Và cũng không phải vì đang kỳ Euro Cup 2012, hàng đoàn người vẫn kéo đến Wroclaw, để cười, để say, để có những phút giây lãng mạn bên bờ sông Odra.

Đọc E-paper

Tòa thị chính lộng lẫy trên quảng trường Rynek

Thành phố lớn thứ tư của Ba Lan với khoảng 640.000 dân Wroclaw vốn được biết đến với tên tiếng Đức Breslau, cho đến năm 1945 vẫn thuộc đế chế Đức. Có cảnh quan cực kỳ thơ mộng với sông lớn Odra cùng bốn nhánh sông phụ và hàng loạt kênh đào cần tới 114 cây cầu nối giữa các đảo, bán đảo trong thành phố, Wroclaw được mệnh danh là Venice của Ba Lan, nam châm hút khách du lịch tới đất nước này chỉ sau kinh đô cũ Krakow và thành phố Gdansk.

Ở Wroclaw có nhiều điều khiến người ta muốn tới để khám phá. Nằm ở một đất nước thuộc khối Đông Âu, nhưng về mặt địa lý lại ở Trung Âu, kiến trúc cảnh quan có nhiều nét tương đồng với các thành phố nổi tiếng của Đức, Áo hay Hà Lan nhưng lối sống lại duyên dáng theo cách của cộng đồng nói tiếng Slave.

Cơ hội làm ăn từ di sản kiến trúc

Katarzyna vẫn được gọi thân mật là Katja mới ba mươi tuổi nhưng đã sở hữu trên dưới ba mươi căn hộ trong các khu chung cư kiểu xã hội chủ nghĩa xây từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước.

Từ khi còn là sinh viên kiến trúc của Trường Đại học Tổng hợp Wroclaw, cô gái đã nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ những căn hộ cũ. Cô mua với giá rẻ nhiều khi nguyên tầng của một block nhà rồi tự sơn sửa, cải tạo cho thuê lại với giá cao hơn.

Nếu có người muốn mua, Katja sẵn sàng bán để rồi lại mua căn cũ khác, lại sửa và tiếp tục quay vòng vốn. Hai năm trước đồng zloty rớt giá thê thảm, Katja đã kịp thời bán gần hết số căn hộ đang sở hữu, bảo toàn vốn.

Ngồi trong quán cà phê trên quảng trường Rynek nâng cốc bia đen, cô cười sảng khoái khi nhớ lại thời điểm may mắn của mình. Vài người bạn khác của Katja lại chọn cách làm ăn với những ngôi nhà lâu đời trong phố cổ.

Phố xá ấn tượng trên đảo Nhà thờ

Họ đều tham gia các dự án bảo tồn những tòa nhà di sản và nhanh chóng tìm thuê nhà cổ ở các phố nhỏ ngay trung tâm, cải tạo trang trí thành các khách sạn giá rẻ với nhiều loại phòng khác nhau, cho gia đình có con nhỏ hay nhóm bạn đi chung ở giường tầng.

Các khách sạn dạng hostel này không cần nhiều nhân lực làm việc vì không cung cấp bữa sáng, chỉ có một lễ tân làm việc theo giờ cố định, không người bảo vệ, mang vác hành lý…Chỉ cần một - hai người dọn phòng làm vệ sinh, thế là đủ với quy mô khách sạn chừng hai mươi phòng.

Ulrich, chồng của Katja cũng là một kiến trúc sư, hơn cô vài tuổi và anh chủ yếu làm công việc bảo tồn nguyên trạng các ngôi nhà cổ. Được một người hiểu biết và say mê như anh dẫn đi thăm thú thành phố quả là may mắn.

Những chi tiết trang nhã trên mặt tiền ngôi nhà cổ hút mắt khách tham quan

Lịch sử lâu đời cả nghìn năm trải qua nhiều biến cố thuộc sở hữu của nhiều đế chế mạnh là Bohemia, Phổ, Áo, Đức và tất nhiên là của Ba Lan nữa, đều thể hiện trên các công trình kiến trúc đẹp đẽ ở Wroclaw.

Bức tranh nhà phố rực rỡ

Đứng ở trên tháp chuông cao 90 mét của nhà thờ kiểu Ghotic St. Elisabeth nhìn toàn cảnh thành phố Wroclaw rực rỡ phía dưới, ai nấy đều trầm trồ thốt lên đầy cảm thán. Phố cổ được bảo tồn gìn giữ rất tốt.

Những tòa nhà cổ cả chục thế kỷ vẫn được giữ nguyên trạng, đặc biệt là phía ngoài phải y nguyên các chi tiết cũ và giờ có phần bắt mắt hơn trước vì tươi màu sơn mới.

Bức tranh nhà phố rực rỡ sắc màu

Những mái ngói đỏ au mới đảo nằm kề các mảng màu đỏ sẫm rêu phong. Tường nhà xanh cốm, xanh dương, hồng đậm, hồng nhạt, từ vàng đến cam rồi đỏ… đủ màu trong bảng màu của họa sĩ hiện lên thật sinh động.

Nhìn vào bức tranh thành phố trải ra trước mắt, cảm giác lạc quan và hưng phấn xâm chiếm đầu óc người xem. Những mỏi mệt khi leo cả trăm bậc thang xoáy trôn ốc vòng xoắn đến chóng mặt tan biến hết.

Và lại rạo rực trèo xuống để ngắm nhìn các công trình nổi tiếng ở khoảng cách gần hơn, để chạm tay vào từng cánh cửa gỗ đồ sộ, để ngửi mùi hương cũ kỹ trong nội thất lâu đời. Tòa thị chính thành phố nổi bật trên quảng trường trung tâm Rynek, là hạt nhân ở trung tâm.

Phố cổ Wroclaw được xây cất theo trục định hướng vô hình của Tòa thị chính. Đời sống của dân Wroclaw cũng như xoay theo trục này. Lộng lẫy và kiêu kỳ, tráng lệ và thanh tao, đó là những cảm nhận đầu tiên khi nhìn công trình kiến trúc đặc biệt này từ bên ngoài.

Wroclaw của cũ và mới

Ban đầu chỉ là ngôi nhà một tầng vào thế kỷ XIII, dần được xây cất và mở rộng thêm cho đến thế kỷ XV và vẫn giữ hình dạng đó đến nay. Ngày nay, một phần Tòa thị chính vẫn được sử dụng để làm việc hành chính của thành phố, một phần là bảo tàng, còn tầng hầm ngự nhà hàng nổi tiếng lâu năm của châu Âu.

Du khách giờ thoải mái ngồi ăn heo quay, bắp cải muối chua, nâng cốc bia với nhau như các bậc tiền nhân: Hoàng đế Sigismund, Wilhelm I, Sa hoàng Nga, nhà soạn nhạc Chopin, nhà viết kịch Goethe, Thủ tướng Đức Otto von Bismarck, nhà văn Marxim Gorki… đã từng làm thế ở nơi này.

Có thể đi từ quảng trường Rynek sang đảo Nhà thờ bằng nhiều lối, nhưng lối nào cũng đi qua các dinh thự đẹp đẽ, nhà thờ cổ kính theo đủ trường phái kiến trúc từ Ghotic thời kỳ đầu, Ghotic của thế kỷ XIV-XV, Phục hưng, Lãng mạn, Cổ điển, Baroque… Nếu sa đà ngắm nghía, tham quan từng nhà thờ chắc chắn đến tối mới có thể đặt chân tới đảo, mặc dù đi một mạch chỉ hết chừng mười lăm phút đi bộ.

Tòa tháp cao 90 mét của nhà thờ St. Elisabeth trấn ở một góc quảng trường trung tâm

Gọi là đảo Nhà thờ vì cả khu đất rộng nằm phía bên phải sông Odra và được vây kín bởi các nhánh sông phụ, nối với phố cổ và quận khác đều bằng cầu, rất ít nhà dân ở khu này mà tập trung các nhà thờ, tu viện, trường dòng, viện tôn giáo.

Nhà thờ Chính nguy nga với hai tòa tháp cao 98 mét, cao nhất thành phố. Mọi cô dâu đều mơ ước được làm đám cưới ở nhà thờ mười thế kỷ này.

Hội hè ở phố cổ

Người Ba Lan ưa tiệc tùng, gặp gỡ. Đám cưới cũng đông đúc hàng trăm người như ở Việt Nam và khách mời cũng mừng tiền cặp đôi mới để họ có vốn xây dựng cuộc sống chung.

Sau buổi lễ trang trọng trong nhà thờ, cô dâu chú rể dẫn đầu cả đoàn tiến đến nhà hàng. Cuộc vui kéo dài đến sáng sớm hôm sau, tùy theo sức nhảy và tửu lượng từng người. Mỗi một lần nâng ly tất cả đều hát bài ca Trăm năm hạnh phúc rồi cạn chén.

Nhà thờ Chính nằm trên đảo Nhà thờ phía bên phỉa sông Odra

Rượu Ba Lan trong vắt, không cay sộc mà êm êm dịu dịu thấy cả vị ngọt, ma quái đánh gục người ta lúc nào không hay. Vậy nên cạn chén xong hãy bước ra nhập vào vòng tròn khiêu vũ, cùng nhảy múa và hát ca, hơi rượu sẽ phà bớt khó say.

Wroclaw giờ là một trong những thành phố “chúa trùm” về câu lạc bộ và chốn giải trí đêm ở Trung Âu. Có khoảng 140 ngàn sinh viên theo học tại hàng chục trường đại học công và tư nên cuộc sống buổi tối ở đây rất nhộn nhịp.

Quán xá vòng vòng theo quảng trường Rynek tỏa ra xung quanh, tùy theo gu âm nhạc mà chọn chỗ phù hợp. Bia ngon, rượu ngọt, nhạc vui, câu chuyện giữa người quen, người lạ cứ nổ ran. Mà cũng có thể mang cốc bia lạnh ra ngồi bệt dưới chân tượng đồng, nghe tiếng guitar tỉa lảnh lót trong đêm của một tay chơi nghiệp dư nào đó, chẳng nghĩ suy gì.

Có người khách phương xa sau lần đầu mải mê nâng cốc với bạn bè Ba Lan, say khướt tới mức rơi cả kính cận để lần sau đến Wroclaw phải mang dự phòng thêm một cặp kính nữa.

Để nếu có rớt mất thì còn có cặp khác để làm một vòng khác quanh thành phố tìm tượng đồng các chú lùn xinh xinh đội mũ dài hay đi ra ngoại ô thăm các lâu đài cổ. Những kỷ niệm với Wroclaw cứ dày lên trong ký ức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nét duyên Wroclaw
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO