"Lục địa thứ sáu" tại sân bay

P. NGUYỄN DŨNG| 30/05/2014 00:09

Không gian bán hàng miễn thuế và các cửa hàng bán lẻ lữ hành có thể được ví như "lục địa thứ sáu" mà các đơn vị kinh doanh tạo ra cho những hành khách thường xuyên đến sân bay khám phá.

Không gian bán hàng miễn thuế và các cửa hàng bán lẻ lữ hành có thể được ví như "lục địa thứ sáu" mà các đơn vị kinh doanh tạo ra cho những hành khách thường xuyên đến sân bay khám phá. 

>Lực hút của các cửa hàng miễn thuế

Đọc E-paper

Champagne thuộc những mặt hàng miễn thuế bán rất chạy

Một ký chà là Tunisia được đóng hộp giấy rất đẹp; một chai champagne Pháp hảo hạng; một chai whisky Scotland nổi tiếng thế giới; một lọ nước hoa Ý dành cho nam; một tút thuốc Anh; một hộp xì gà Thụy Sỹ loại nhỏ cùng nhau nằm gọn trong hành lý xách tay của anh Đ.Q., một quản trị viên cao cấp thuộc một công ty du lịch hàng đầu. Anh cho biết đã mua những món hàng ấy trong cửa hàng miễn thuế ở sân bay quốc tế Dubai.

Những gì anh mua và cách anh mua gần với cung cách và thói quen mua hàng miễn thuế tại sân bay của giới doanh nhân lữ hành toàn cầu. Không có nhiều thời gian rảnh rỗi, nhưng mỗi năm xuất ngoại từ 5 lần trở lên nên các doanh nhân lữ hành tập trung mua quà tại các cửa hàng miễn thuế ở sân bay.

Nếu như 67 năm về trước mới xuất hiện cửa hàng miễn thuế đầu tiên ở sân bay Shannon (Ireland), chủ yếu bán rượu và thuốc lá rẻ tiền cho hành khách bay qua lại giữa Bắc Mỹ và châu Âu thì hiện nay, sân bay quốc tế cũng có một cửa hàng miễn thuế của riêng mình.

Trong sân bay mới khánh thành tại Doha, Qatar ngày 30/4 có nhà ga rộng lớn với 25.000m2 dành cho không gian mua sắm, ăn uống và một giáo đường Hồi giáo.

Dự kiến nhà ga T2 mới sẽ khánh thành ở Heathrow, London vào tháng 6/2014. Tại đây, hành khách không chỉ được thỏa sức mua sắm mà còn thưởng thức bánh pizza nướng củi. Và đến năm 2017, khi terminal Midfield ở Abu Dhabi đi vào hoạt động, khu mua sắm này sẽ được thiết kế quanh một vườn cây xanh dưới mái che.

Nước hoa, mỹ phẩm luôn bán tốt ở sân bay

Bên cạnh những cửa hàng miễn thuế còn có vô số các cửa hàng chào bán đủ mọi loại mặt hàng cho hành khách trước giờ cất cánh. Hai loại cửa hàng này tạo thành nhánh kinh doanh chuyên biệt gọi là ngành bán lẻ lữ hành (travel retail). Từ năm 2011, thị trường này đã có doanh thu lên đến 46 tỷ USD, theo Hiệp hội Thế giới Miễn thuế (Tax Free World Association).

Còn theo Generation Research, một công ty Thụy Điển, tổng doanh thu hàng bán trong sân bay khắp thế giới trong năm 2013 là khoảng 60 tỷ USD, chưa tính đến số hàng mà du khách mua trong các cửa hàng trong thành phố. Công ty Tư vấn Verdict Retail dự kiến, doanh thu hàng hóa bán trong các sân bay sẽ tăng 73% trong thời gian từ nay đến năm 2019. Một điểm đáng chú ý khác: các sân bay châu Á - Thái Bình Dương hiện có doanh thu bán hàng cao hơn các sân bay châu Âu và Bắc Mỹ.

Nước hoa và mỹ phẩm nay là hai chủng loại hàng bán chạy nhất tại các sân bay và trên máy bay. Đây là lý do hai công ty Pháp chuyên kinh doanh hàng xa xỉ nổi tiếng thế giới là Pernod Ricard (vang, champagne, rượu) và L'Oréal (nước hoa, mỹ phẩm) gọi không gian bán hàng trong sân bay là "lục địa thứ 6" của họ. Còn nhà sản xuất mắt kính Ý Luxottica gọi việc bán hàng trong sân bay là "Thể thức 1 của nghề bán lẻ”.

Sôcôla, bánh kẹo không thiếu ở các cửa hàng trong sân bay

Đặt tại sân bay, giới quản trị các cửa hàng này có lợi thế về việc xác định các thông tin khách hàng. Thông qua các bảng thông báo chuyến bay, họ sẽ biết được khách hàng của mình thuộc quốc tịch nào, có thói quen mua sắm ra sao, có nhiều tiền mặt để mua hay phải thanh toán bằng thẻ tín dụng...

Do đó, các nhân viên bán hàng biết rõ cách chinh phục từng loại khách hàng. Hành khách nữ người Brazil thích xịt thử nước hoa lên thân thể trong khi nữ hành khách Trung Quốc chỉ dùng que giấy để hít thử mùi. Ở không gian bán vang, rượu mạnh, những chai đắt tiền sẽ được bày ở những vị trí dễ nhận diện nhất hòng thu hút sự chú ý của hành khách thuộc các nước châu Phi, châu Á. Khi làn sóng hành khách này đã lên máy bay bay đi, nhân viên vội vã bày lên kệ chính những chai rượu mạnh giá rẻ hơn để chào bán cho hành khách là người Bắc Mỹ, Na Uy, Nga...

Khách chờ lấy hàng miễn thuế ở Suvarnabhumi

Chính vì những mặt hàng bán rất chạy mà DFS Group, một trong năm công ty bán hàng miễn thuế lớn nhất toàn cầu, đã hợp tác với công ty quản lý sân bay Changi ở Singapore mở rộng và làm mới một không gian chuyên bán rượu, vang, thuốc lá. Cửa hàng rượu, thuốc lá miễn thuế tại sân bay lớn nhất thế giới này dự kiến hoạt động vào năm 2016 với diện tích 26.000m2.

Gần đây Dubai được bình chọn là sân bay có dịch vụ cửa hàng miễn thuế xuất sắc nhất khu vực Trung Đông. Đây là lần thứ 13 liên tiếp Dubai được vinh danh với hạng mục này của Giải Business Traveller. Năm 2013, công ty kinh doanh hàng hóa trong sân bay Dubai Duty Free đạt doanh thu 1,8 tỷ USD. Công ty này thuê dụng đến 6.000 nhân viên.

Top 10 sân bay bán hàng miễn thuế (tính theo doanh thu)

1. Dubai International Airport
2. Incheon International Airport
3. London Heathrow Airport
4. Singapore Changi Airport
5. Hong Kong International Airport
6. Paris-Charles de Gaulle Airport
7. Frankfurt Airport
8. Tallink/Silja Terminal (cảng phà), Phần Lan
9. Suvarnabhumi Airport Bangkok
10. Amsterdam Airport Schiphol

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Lục địa thứ sáu" tại sân bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO