Lụa Thái: Thiên niên kỷ lãng quên và trỗi dậy

NGUYỄN ĐÌNH| 22/07/2016 06:36

Lụa Thái góp phần không nhỏ vào việc thu hút du khách ngoại quốc đến đất nước Thái Lan.

Lụa Thái: Thiên niên kỷ lãng quên và trỗi dậy

Lụa Thái góp phần không nhỏ vào việc thu hút du khách ngoại quốc đến đất nước Thái Lan. Ra đời cách đây hơn 3.000 năm, ngành lụa Thái thật lắm thăng trầm khi dường như bị lãng quên hàng thiên niên kỷ, rồi bỗng xuất hiện lộng lẫy trên sân khấu Mỹ ở những năm 50. Và nay lụa Thái được người yêu lụa cả thế giới tôn vinh.

Đọc E-paper

Bên trong ngôi nhà lụa Thái Jim Thompson

Với bề dày lịch sử phát triển lâu đời, nghề dệt lụa có ở khắp các vùng miền trên đất Thái, nhưng sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu thường dụng, không có sản phẩm xuất khẩu - giao thương nên ít được thế giới bên ngoài chú ý. Vậy nên lụa Thái từ hàng thiên niên kỷ qua chưa có những bước tiến thăng hoa so với những trung tâm sản xuất lụa khác của khu vực và thế giới. Nhưng những phương cách thô sơ, mộc mạc, đậm yếu tố thủ công của lụa Thái lại nhận được sự chú ý của một thương nhân người Mỹ đến Thái vào thập niên 40 là Jim Thompson - người góp công đầu trong việc đưa ngành lụa Thái ra thế giới và đạt đến đẳng cấp vượt trội như hôm nay.

Ông vua lụa Thái

Đấy là mỹ từ người đời tôn kính dành tặng Jim Thompson, vị vua không ngai của ngành lụa bởi có công lớn giới thiệu những nét hoa mỹ, đặc sắc và mềm mại của lụa Thái đến toàn cầu. Nhờ có thời gian tham gia quân ngũ, những chuyến đi đây đó trên địa bàn Thái Lan đã giúp Jim Thompson phát hiện ra giá trị vô giá của ngành lụa nhưng chẳng được ai chú ý, tưởng như sắp mai một.

Từ kén đến tơ rồi dệt nên lụa Thái

Jim Thompson bắt đầu dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, gặp gỡ các thợ dệt lành nghề từ các làng mạc, sưu tầm mẫu dệt và mở công ty chuyên kinh doanh lụa Thái, vào năm 1948 với số vốn ban đầu được công bố là 25.000 đô la Mỹ. Jim Thompson sử dụng nguồn lao động địa phương tại các làng mạc rất hiệu quả nhờ sắp xếp nhân công làm việc tại nhà.

Các thợ dệt tùy thích gia công sản phẩm vào thời gian rỗi rãi sau vụ mùa. Người của công ty sẽ đến thu gom sản phẩm. Thế nên sản phẩm của công ty lụa đầu tiên ở Thái Lan khi ấy rất đa dạng về mẫu mã, số lượng dồi dào, nhưng vẫn chưa được người tiêu dùng quốc tế biết đến.

Vào thời của Jim Thompson, ở lĩnh vực sân khấu Mỹ có hai "ông hoàng" nhạc kịch là Richard Rodgers (1902 - 1979) và Oscar Hammerstein II (1895 - 1960), do sáng tác vở nhạc kịch Nhà vua và tôi (The King and I) vào 1951, dựa trên cuốn tự truyện nhan đề Anna và vua nước Xiêm (Anna and the King of Siam) do Anna Leonowens, cô giáo dạy học cho con vua Mongkut ở những năm 1860 viết nên.

Vở nhạc kịch được trình diễn trên sân khấu nổi tiếng thế giới tại New York là Broadway, trong đó chi tiết thú vị là mẫu lụa Thái của Jim Thompson được nhà thiết kế trang phục sân khấu nổi tiếng của Mỹ Irene Sharaff chọn thiết kế phục trang cho vở kịch. Và chính những mẫu thiết kế ấy đã đem về cho Irene Sharaff giải thưởng Tony 1952 bởi cống hiến xuất sắc trong nghệ thuật sân khấu.

Cũng từ đó, giới văn nghệ sĩ, thiết kế thời trang, giới đam mê nghệ thuật Mỹ... biết đến nét đẹp độc đáo của lụa Thái. Sự nghiệp của Jim Thompson nhờ đó ngày càng phát triển, lụa Thái trở thành ngành hàng xuất khẩu cao cấp, và Jim Thompson cũng là thương hiệu sản xuất lụa Thái đỉnh cao cho đến tận ngày nay.

Hoàng hậu Sirikit với ngành lụa Thái

Hoàng gia Thái cũng đặc biệt chú ý đến sự phát triển của ngành lụa và người tiên phong là Hoàng hậu Sirikit. Trong khuôn viên của hoàng cung trên trục lộ Na Phra Lan có một tòa kiến trúc đặc biệt xây theo phong cách Ý từ năm 1870, được Hoàng hậu Sirikit lựa chọn để mở ra một bảo tàng lụa mang tên mình (Queen Sirikit Silk Museum) từ năm 2003.

Nói về ngành lụa Thái, hoàng hậu Sirikit từng có những chia sẻ: "Khi đồng hành cùng nhà vua, tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ người Thái ở các vùng quê trên khắp đất nước. Rất nhiều người trong số họ thực sự là nghệ nhân tài năng. Họ làm ra các sản phẩm dệt thủ công đầy tính sáng tạo. Họ là những người bảo tồn và duy trì nét đẹp di sản của ngành lụa Thái, luôn hết mình vì công việc mà chẳng chờ đợi được tưởng thưởng".

Không gian bảo tàng lụa là nơi trưng bày các hiện vật liên quan đến ngành lụa Thái ở khắp các vùng miền, cả những mẫu hoa văn, họa tiết đặc trưng riêng của lụa Thái, các mẫu lụa gắn liền với đời sống hoàng gia Thái và Hoàng hậu Sirikit, đặc biệt là các bộ trang phục thiết kế riêng cho Hoàng hậu tham dự các buổi hội họp và yến tiệc trọng đại trong đời sống hoàng gia.

Từng hiện vật trong bảo tàng lụa sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về kỹ thuật, màu sắc, yếu tố vùng miền... của ngành lụa Thái. Mỗi bộ trang phục của Hoàng hậu dành tặng cho bảo tàng mang một câu chuyện riêng, vừa gắn với giá trị lịch sử, cũng đồng thời là những dịp trọng đại để Hoàng hậu giới thiệu vẻ đẹp lụa Thái đến với thế giới. Chẳng hạn như bộ quốc phục Thai Dusit được Hoàng hậu sử dụng ngày 9/7/1963 trong chuyến công du đến Philippines. Bộ quốc phục này ra đời năm 1958, dành cho các buổi dạ yến long trọng, với các đường dệt lụa phối cùng các sợi chỉ vàng ròng, kết hợp cùng kỹ thuật thêu vạt áo đầy phức tạp đã tạo nên nét đẹp vượt thời gian.

Thái Lan có 8 mẫu quốc phục, tất cả đều làm từ lụa Thái và do Hoàng hậu Sirikit giới thiệu, phát triển và tôn vinh từ những năm 50 của thế kỷ trước. Tên gọi các bộ quốc phục là: Thai Dusit, Chakri, Ruean Ton, Chit Lada, Amarin, Borom Phiman, Chakkraphat và Thai Siwalai.

Việc thăm thú bảo tàng lụa sẽ là trải nghiệm thú vị, cơ hội để hiểu rõ hơn về lụa Thái trước khi tìm mua một sản phẩm lụa trên thị trường. Những trung tâm mua sắm lớn tại Bangkok, bảo tàng lụa Jim Thompson và chuỗi cửa hàng cùng tên, Silom Village, chợ vải Pahurat... đều là những điểm đến để có thể sở hữu một sản phẩm lụa Thái hoàn hảo, món quà vô giá được truyền đời và nay đã thực sự thăng hoa.

>Nỗi lo mai một nghề tơ lụa truyền thống

>Phát triển ngành tơ lụa: Cần thay đổi thói quen sản xuất 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lụa Thái: Thiên niên kỷ lãng quên và trỗi dậy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO