Khui vang, đón xuân trên mây

P.NGUYỄN DŨNG| 19/02/2015 07:10

Từ nhiều thập niên trước, champagne đã là thức uống sang trọng hàng đầu được các hãng hàng không sử dụng làm công cụ chinh phục khách hàng. Ngày nay, khi du hành bằng máy bay đã trở nên phổ biến khắp thế giới, thiết đãi champagne càng là dịch vụ cạnh tranh quan trọng của các hãng bay để tìm nguồn khách sang giàu.

Khui vang, đón xuân trên mây

Từ nhiều thập niên trước, champagne đã là thức uống sang trọng hàng đầu được các hãng hàng không sử dụng làm công cụ chinh phục khách hàng.

Đọc E-paper

Ngày nay, khi du hành bằng máy bay đã trở nên phổ biến khắp thế giới, thiết đãi champagne càng là dịch vụ cạnh tranh quan trọng của các hãng bay để tìm nguồn khách sang giàu.

Công cụ cạnh tranh đắc lực

Ngày nay, mỗi hãng bay đều cất công chọn mua các nhãn champagne thơm ngon phù hợp nhất để phục vụ và chinh phục hành khách ngồi ở hai cabin hạng nhất và hạng thương gia, gọi chung là hành khách hạng premium, chỉ ngồi ở phần đầu mũi máy bay đầy riêng tư.

Một thế giới riêng biệt trên con chim sắt đang tung cánh bay xa liên lục địa. Trong không gian ấy, ngay sau khi bạn vừa yên vị, máy bay chưa lăn bánh, cô tiếp viên xinh đẹp đã mời bạn chọn champagne hoặc nước cam, hoặc nước suối tinh khiết.

Có nhiều hãng chấp nhận chi tiêu lớn, mời những nhà phê bình vang, những chuyên gia champagne bậc thầy về chọn vang, champagne để mua và cất giữ, bảo quản nhiều năm trước khi đưa lên máy bay mời khách sành điệu.

Asiana Airlines của Hàn Quốc có đội 3 sommeliers thử mù 300 loại vang và champagne để chọn ra khoảng 20 loại mang lên máy bay mời khách.

Tuy khiêm tốn về mạng lưới đường bay và lượng hành khách vận chuyển nhưng Brussels Airlines xuất phát từ thủ đô của EU nên cũng có đến 6 chuyên gia thử vang Pháp, vang ngoài nước Pháp và các dòng vang đặc biệt. Dù không có nhiều máy bay nhưng mỗi năm, chỉ riêng ở cabin hạng thương gia, hãng này đã khui khoảng 35.000 chai vang và champagne hảo hạng.

Ở Nhật, cứ đến tháng 5 là hãng All Nippon Airways (ANA) bắt đầu cho chuyên gia nếm thử khoảng 2.000 chai khác nhau để chọn ra 250 nhãn, sau đó tiếp tục thử mù nhằm tìm ra được những chai vang, champagne tuyệt nhất để phục vụ hành khách trong các chuyến bay của năm sau (năm 2013, ANA phục vụ ở khoang hạng nhất 28.000 chai; ở hạng thương gia 230.000 chai và 270.000 chai nhỏ 187ml).

Hành khách hạng phổ thông đặc biệt cũng được chiếu cố nhưng thường là loại champagne kém nổi tiếng, giá rẻ hơn, như champagne của các hợp tác xã vùng Champagne, hoặc nhãn Nicolas Feuillate còn rất khiêm tốn về tuổi đời.

Hoặc các chai vang trắng sủi tăm cũng rất thơm ngon của Úc, Nam Phi (Methode du Cape), New Zealand, Chilê, Đức (Sekt), Ý (Prosecco, Spumante) và Tây Ban Nha (Cava).

Ngoài các nhãn champagne, Pháp cũng có những chai vang trắng sủi tăm không được gọi là champagne nhưng rất đáng nếm thử, như chai Vouvray vùng sông Loire và chai Crémant vùng Bourgogne.

Nếu như thức ăn, thức uống trên máy bay là chuyện kinh doanh trị giá 10 tỷ euro (12,3 tỷ USD) của ngành vận chuyển hàng không thế giới, theo một nghiên cứu của Công ty Tư vấn chiến lược kinh doanh Archery, thì khoảng chi phí dành cho việc mua champagne hoàn toàn không nhỏ.

“Vì hạng thương gia trên các máy bay nay là chiến trường chính của các hãng hàng không, và ở chiến trường ấy, champagne là loại vũ khí hàng đầu”, ông Bertrand Mouly-Aigrot, một chuyên gia hàng không tại Công ty Tư vấn Archery, nhận định.

Chẳng thế mà Piper-Heidsieck, Lanson Black Label, Moet-Chandon, Taittinger, Billecart- Salmon, Krug... đều là những nhãn champagne nổi tiếng mà người viết đã được thưởng thức trên các chuyến bay của Thai Airways, Vietnam Airlines, Etihad Airways, Air France, Kenya Airways và Qatar Airways khi từ Việt Nam bay đến Bangkok, Abu Dhabi, Amsterdam, Paris, Rome, Zurich, Nairobi... trong năm 2014.

Mỗi hãng còn chọn phục vụ champagne trong từng loại ly riêng, từ ly thủy tinh flute bình thường đến ly chân dài thật dài như đã cầm trên tay trong chuyến bay biểu diễn của Qatar Airways với máy bay mới nhận A350-900, hay ly hình trái lê không chân như đã thử trên các chuyến bay của Air France.

Mỗi năm có khoảng 194.000 chai champagne được các “Singapore Girls” khui mời khách trên các chuyến bay của Singapore Airlines. Đây là hãng hàng không duy nhất trên thế giới tự hào phục vụ hành khách hạng nhất hai dòng champagne thượng hảo hạng, giá chẳng hề rẻ tí nào, là Dom Pérignon và Krug Grande Cuvée.

Sổ sách của giới kinh doanh xuất nhập khẩu champagne Pháp cho biết, Singapore Airlines là khách hàng lớn thứ hai thế giới của nhãn Dom Pérignon.

Nhãn Krug Grande Cuvée cũng được các hãng ANA, Cathay Pacific, Lufthansa dành cho hành khách hạng nhất. Còn hành khách sang bậc nhất trên máy bay của Thai Airways, Emirates Airlines, Malaysia Airlines cũng được mời Dom Pérignon các năm 2002, 2003 và 2004.

Chọn champagne nào?

Khi vùng Champagne bên Pháp có đến 15.700 vườn nho dành riêng cho việc trồng các giống nho Chardonnay, Pinot Noir, Meunier để sản xuất champagne và có đến 300 nhà chuyên sản xuất champagne thì làm sao chọn được champagne ngon mà uống?

Lâu nay giới yêu thích vang và champagne thường vẫn truyền tụng cho nhau lời nhận định kiêm tư vấn: “Nhất thầy tu, thứ nhì bà góa”. Vậy thì Dom Pérignon và Ruinart là hai nhãn champagne thầy tu trứ danh nhất, còn Veuve Clicquot và Pommery là hai nhãn champagne bà góa không thể nào quên.

Chai Veuve Clicquot (bà góa Clicquot có họ tên đầy đủ là Barbe-Nicole Clicquot, thay chồng tiếp tục phát triển champagne khi góa bụa năm 1805, lúc mới 27 tuổi) có nhãn vàng cam nổi bật, còn chai Pommery (gầy dựng bởi bà góa Louise Pommery từ năm 1858, khi bà mới 39 tuổi) có nhãn xanh lơ cũng rất dễ nhận diện.

Nếu bạn là doanh nhân lữ hành tinh tế, hãy chọn chai thứ nhất, nhưng là doanh nhân thuộc loại “cá tính mạnh”, thích những sự bùng phát mãnh liệt, chắc chắn bạn sẽ chọn chai thứ hai.

Chuyến bay tầm xa của hãng bay Skytrax 5 sao Singapore Airlines, hành khách hạng thương gia được mời thưởng thức một nhãn champagne thơm ngon khác là Taittinger Prélude Grand Crus. Loại champagne này rất đặc biệt: 50% làm bằng giống nho Chardonnay và 50% làm bằng giống nho Pinot Noir, nước đầu, nho thu hoạch từ các gốc nho trồng trên các vườn nho ngon nhất của nhà Taittinger ở Reims, Pháp.

Loại champagne này chỉ được tung ra thị trường sau khi đã có trên 5 năm cất ủ trong hầm sâu vắng hẳn ánh nắng Mặt trời. Công phu, tỉ mỉ, gìn giữ chất lượng, danh thơm là nhiệm vụ của Taittinger, một trong số ít lò champagne vẫn còn sản xuất, kinh doanh theo kiểu gia đình là chủ chính. Theo Archery, chi phí champagne và vang của Singapore Airlines là 22,5 triệu USD/năm, chiếm 5,5% tổng chi phí hoạt động của Hãng.

Không hổ danh là Đại sứ ẩm thực và vang Pháp nên Hãng Hàng không Quốc gia Pháp (Air France) trung bình mỗi năm mời khách hết khoảng 1,5 triệu chai vang và 1 triệu chai champagne hảo hạng.

Ở những lần bay xa với hãng này, ngồi ở khoang hạng nhất, doanh nhân lữ hành nên chú ý xem có được mời thưởng thức Bollinger Grande Dame, còn ở khoang thương gia thì dùng Deutz Classic hay không.

Số tiền hãng này chi mua champagne, vang chiếm hơn 4,4% tổng kinh phí hoạt động hằng năm của Hãng. Xin nhờ rằng, Air France là hãng hàng không duy nhất phục vụ champagne cho cả hành khách hạng phổ thông.

Uống champagne khi bay xa là một cái thú thanh lịch dành cho hành khách nhưng tốn kém cho hãng bay. Từng có tin viết rằng Emirates Airline, một hãng thuộc Trung Đông khai thác nhiều máy bay khổng lồ A380 nhất thế giới (tính đến cuối năm 2014 đã có 55 chiếc), chi 500 triệu USD mua vang và champagne.

Ấy thế mà hãng hàng không nào cũng sẵn sàng chấp nhận và phải cân nhắc rất kỹ có nên loại trừ champagne ra khỏi cabin premium trên đội máy bay của mình hay không khi cần cắt giảm chi phí để thoát cảnh lỗ lã. Đó là chuyện có thật đang diễn ra tại Hãng South African Airways, Nam Phi.

Đẳng cấp champagne và mức độ sành điệu của hành khách

Nhưng đâu phải bất cứ hành khách nào ngồi ở cabin hạng premium cũng là những người sành điệu champagne, làm ăn thì phải tính đến lợi nhuận, không thể phí phạm với những ai không thích, không biết thưởng thức loại vang trắng sủi tăm rất độc đáo này.

Cho nên các hãng bay cũng phải tính toán kỹ càng, cân bằng thật hoàn hảo, vừa có những nhãn champagne hảo hạng, nhìn qua biết liền và bên cạnh đó cũng có những nhãn champagne không quá đắt tiền để sẵn sàng phục vụ các hành khách mới ở bước đầu làm quen, chưa sành sõi để có thể nhớ đủ tên các nhãn champagne lâu nay được liệt vào hàng ngũ “Grandes marques” (Những nhãn hiệu lớn), nổi danh toàn cầu.

Các nhãn lớn trong thế giới champagne gồm có: Veuve Clicquot, Moet-Chandon và dòng Dom Pérignon, Louis Roederer và dòng thượng đẳng Cristal, Krug và dòng Grande Cuvée, Bollinger (lâu nay được mang danh là Champagne của 007 James Bond).

Ở đẳng cấp champagne hạng nhất, chất lượng cao, thơm ngon nổi trội thì có các nhãn Perrier-Jouet Belle Epoque (gọi là chai hoa do có hình chùm hoa trắng quấn quanh chai rất đẹp), Taittinger Comtes de Champagne.

Kế đến phải nhắc đến các nhãn thường thấy xuất hiện trong cabin hạng thương gia của rất nhiều hãng bay, từ Veuve Clicquot, Moet, Taittinger, Billecart-Salmon, Mumm đến Charles Heidsieck, Piper-Heidsieck, Pol Roger, Delamotte, Duval Leroy, Lanson, Jacquart, Gosset...

Bạn là hành khách sành sỏi cả về nhãn hiệu, hương và vị, mức giá của các chai champagne được mời uống khi bay? Khi bay xa và được mời thưởng thức Krug Grande Cuvée, bạn hãy nói nữ tiếp viên cho bạn xem “ID” (số thẻ căn cước) của chai vang.

Cô ta sẽ biết bạn là người sành điệu nếm champagne. Nó là một hàng số được in ở nhãn dán phía sau, truy cập website www.krug.com, nhập các con số ấy, sẽ có thông tin đầy đủ về niên vụ, màu sắc, hương vị của chai champagne đang uống.

Hay bạn là hành khách có hiểu biết về giá trị nhãn chai champagne nhưng chưa thể phân biệt mức độ nổi danh, hương và vị của từng nhãn? Hoặc bạn không rành về champagne tuy đã nghe qua, muốn thử?

Dù ở đẳng cấp nào chăng nữa, bạn nên biết rằng, theo phát hiện mới của một công trình nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science et Avenir (Khoa học và Tương lai, Pháp): champagne không như Coca-Cola, Pepsi Cola hay các loại nước ngọt có gas khác.

Champagne sủi tăm li ti từ đáy rồi nhẹ nhàng trồi lên trên, sau đó tan biến ở thành ly mới là champagne chất lượng nhất. Tuy bong bóng nhỏ nhưng champagne ấy vẫn có nhiều - trung bình 1 triệu bong bóng/ly, theo nghiên cứu của khoa học gia Pháp Gérard Liger-Belair, Đại học Reims - là “công cụ” giúp mùi hương tỏa lan khi tiếp xúc với không khí.

Và không quên rằng champagne, tuy cất ủ, chế biến công phu lâu năm nhưng luôn thơm ngát với khứu giác và tươi mát với vị giác, rất đáng thưởng thức bất cứ khi nào có dịp, đặc biệt vào những ngày vui như Tết 2015 sắp đến.

Từ những hầm vang cổ xưa, các nhà sản xuất cho thấy nếu bảo quản tốt, champagne sẽ ngon hơn theo thời gian. Nhờ tính chất của nho và qua quá trình chế biến, chẳng nghi ngờ gì khi nhận thấy champagne ngày càng trở thành loại vang sủi tăm ngon hơn bất kỳ loại nào khác.

Những loại champagne nổi tiếng như Krug và Bollinger đã mở đường vào những năm 1970. Cả hai nhà sản xuất này tiếp tục thực hiện quá trình lên men lần đầu trong thùng và sản xuất loại rượu nho đậm đà với thành phần nho Pinot đen chiếm tỷ lệ cao, theo một quy trình phức tạp với ít nhất từ 8 - 10 lần chăm sóc để đạt đủ hương vị và từ đó đã cho ra lò 2 huyền thoại champagne là Bollinger RD (récemment dégorgé - chém cổ chai để loại bỏ tạp chất, một định nghĩa khá khôi hài dành cho loại champagne đặc biệt, được sản xuất tỉ mỉ trong hơn 10 năm) và Krug Collection.

Bạn dễ dàng nhận biết rõ sự tuyệt vời khi thưởng thức champagne Moet được trữ từ năm 1962 hoặc 1973, hoặc loại xa xỉ như Veuve Clicquot năm 1989 và 1990. Rồi còn là Roederer xứng danh với bộ sưu tập champagne Cristal; nhãn Vranken hồi sinh champagne Pommery hoặc Monopole Heidsieck Diamant tuyệt vời trước đây.

Nếu được thì ngồi trên máy bay bay tầm liên lục địa của Japan Airlines, vì nghe đâu đây là hãng bay duy nhất phục vụ hành khách hạng nhất các chai champagne thượng hảo hạng rất quý hiếm đính nhãn Salon, loại champagne chỉ ra đời vào những năm có vụ mùa nho lý tưởng, hoàn hảo nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khui vang, đón xuân trên mây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO