Ise Jingu - "đền của các đền" trong Shinto giáo

NGUYỄN ĐÌNH| 29/07/2017 06:46

Ise Jingu tọa lạc trong một khu rừng thông cổ thụ ngàn năm tuổi, bao gồm hai khu vực chính là Nội cung (Naiku) và Ngoại cung (Geiku) với 125 đền thờ lớn nhỏ bao quanh, mỗi ngôi đền thờ một vị thần khác biệt.

Ise Jingu -

Nhập gia tùy tục, đoàn khách mời của Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật (JNTO) kính cẩn cúi đầu chào rồi bước qua dưới một torii (cổng vào nơi thánh thiêng), chậm rãi đi trên cây cầu gỗ hình cánh cung bắc ngang qua dòng sông hiền hòa và dần tiến vào nơi tọa lạc "đền của các đền" trong Thần Đạo.

Đọc E-paper

Thần Đạo (Shinto giáo) là tôn giáo chính và lâu đời nhất ở Nhật Bản. Thống kê hiện có khoảng 80.000 ngôi đền Thần Đạo và đền Ise Jingu thuộc địa phận tỉnh Mie trên đảo Honshu, được mệnh danh là "đền của các đền".

Ise Jingu tọa lạc trong một khu rừng thông cổ thụ ngàn năm tuổi, bao gồm hai khu vực chính là Nội cung (Naiku) và Ngoại cung (Geiku) với 125 đền thờ lớn nhỏ bao quanh, mỗi ngôi đền thờ một vị thần khác biệt. Trong số ấy Nội cung là đền thờ quan trọng nhất và là nơi hành hương của tín đồ Thần Đạo khi đến tỉnh Mie.

Dấu ấn hoàng triều

Ngôi đền Ise Jingu linh thiêng là trái tim của Thần Đạo không chỉ bởi bề dày hơn 2.000 năm, mà đó cũng chính là nơi đang lưu giữ chiếc gương thần Yata no Kagami (có nghĩa là Bát Chỉ Kính, tượng trưng cho sự khôn ngoan) - vật biểu trưng của nữ thần mặt trời Amaterasu, vị thần tối cao trong tín ngưỡng Thần Đạo.

Bát Chỉ Kính cũng là một trong ba báu vật quý giá nhất Nhật Bản thuộc "Tam chủng thần khí” (Sanshu no Jingi), tượng trưng cho ngôi báu Thiên Hoàng. Hai báu vật còn lại gồm Thảo thế kiếm (Kusanagi no Tsurugi) - tượng trưng cho sự dũng cảm và Bát xích quỳnh khúc ngọc (Yasakani no Magatama) - biểu trưng của lòng nhân từ.

Khu vực thanh tẩy tâm hồn và thân xác Temizusha

Do là đền thờ lưu giữ chiếc gương thần nên mọi nghi lễ, hình thức thờ tự quan trọng nhất ở Ise Jingu đều do các thần chủ là người thuộc dòng dõi hoàng tộc cử hành. Lữ khách và người mộ đạo khi hành hương về Ise Jingu, đều được phép viếng tất cả đền thờ lớn nhỏ trong quần thể 125 đền, duy có đền chính Kotai Jingu ở khu vực Nội cung (Naiku) là chỉ được tiếp cận qua một lớp rào chắn bao quanh. Đây là nơi lưu giữ chiếc gương thần, do vậy chỉ các thành viên của Hoàng gia Nhật Bản mới được tiếp cận, dâng lễ vật, cầu nguyện vào các dịp trọng đại.

Không gian linh thiêng của đền Ise Jingu được phân định với thế giới phàm tục bằng cánh cổng Torii, còn gọi là điểu cư - nơi loài chim cư ngụ. Mỗi ngôi đền Thần Đạo buộc phải có ít nhất là một cổng Torii, thống kê có đến 26 kiểu dáng kiến trúc Torii khác nhau.

Ở Ise Jingu có đến ba kiểu kiến trúc Torii, được Otowa - vị đại diện của đền Ise Jingu lý giải rằng: sự khác biệt trong kiến trúc Torii tùy vào thứ bậc của các vị thần. Mỗi vị thần có một sứ giả là loài chim khác nhau, mang móng vuốt khác nhau, và Torii được thiết kế để phù hợp theo từng vị sứ giả ấy.

Người hành hương sau khi bước qua cổng Torii, có nghĩa là đã bước vào thiêng giới, nơi các vị thần ngự trị. Cổng Torii ở Ise Jingu dẫn lối qua cây cầu gỗ Uji bắc ngang dòng Isuzu, tiếp đến là Tham đạo (Sando). Mọi lữ khách hay tín đồ hành hương đều phải đi trên con đường này để đến một không gian có tên gọi Temizusha - nơi thanh tẩy thân xác và tâm hồn trước khi vào sảnh lễ nơi đền chính.

Là ngôi đền linh thiêng gắn liền với đời sống Hoàng gia Nhật Bản, nên mọi hoạt động ghi hình, thăm viếng Ise Jingu phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt. Riêng gian chính điện của đền Kotai Jingu, nơi lưu giữ chiếc gương thần, mọi hoạt động ghi hình ở đây đều không được phép. 

Đoàn người hành hương trước cổng Torii của đền Ise Jingu

Thức niên thiên cung

Trong tín ngưỡng Thần Đạo, các ngôi đền thường có vị trí tọa lạc tại những cánh rừng già, vì người Nhật quan niệm đó là nơi linh thiêng nhất, được các thần ngự trị. Ise Jingu cũng xây dựng theo quan niệm đó và được bao quanh bởi rừng cây cổ thụ ngàn năm tuổi. Thế nhưng có một điều đặc biệt, là cứ sau 20 năm, toàn bộ cụm đền Ise Jingu sẽ được dỡ bỏ và xây mới ngay cạnh ngôi đền cũ theo nghi thức có tên gọi "Thức niên thiên cung" (Shikinen Sengu), tức di dời thần cung.

Các kiến trúc của đền Ise Jingu đều sử dụng nguyên liệu chủ đạo là gỗ, do vậy để chuẩn bị một kỳ Thức niên thiên cung, người Nhật ở các vùng miền phải chuẩn bị lượng gỗ cần thiết cho việc xây mới đền. Việc chuẩn bị này cần đến ba năm.

Để đánh dấu việc chuẩn bị xây mới đền Ise Jingu, một lễ hội rước gỗ độc đáo có tên gọi Okihiki ra đời. Người ta sẽ tìm chọn các cây gỗ có kích cỡ phù hợp, lập nghi thức cúng tế, đốn cây, cho lên xe kéo gọi là Noburi Kuruma diễu hành qua làng mạc, trước khi hướng về dòng Isuzu để đến nơi tập trung trong khu vực đền.

Khi lễ hội Okihiki kết thúc, các thợ mộc sẽ được huy động thực hiện công đoạn xử lý gỗ, lắp ghép, tạo dựng liên tục trong vòng 5 năm mới hoàn thiện việc xây đền.

Đền chính Kotai Jingu dưới bóng tán rừng thông ngàn năm tuổi

Ise Jingu được xây mới cùng với cầu gỗ Uji vào năm 2013, tức lần di dời thứ 62, với gần 1.300 năm tiếp nối không gián đoạn. Mục đích của việc xây mới được Otowa lý giải: "Tín ngưỡng Thần Đạo quan niệm có hủy diệt thì sẽ có tái sinh. Ở khía cạnh khác, ngôi nhà của các vị thần cư ngụ sau 20 năm, hẳn sẽ không như nguyên trạng ban đầu, vì vậy cần làm một ngôi nhà mới để các thần cư ngụ. Việc xây mới đền cũng là cách duy trì kiểu kiến trúc đặc biệt, được gọi là Duy Nhất Thần Minh Tạo (Yuitsu Shinmei Zukuri) mang nét đặc trưng riêng ở đền Ise Jingu".

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật vượt bậc tại Nhật Bản, có thể làm cho rất nhiều công nghệ thủ công trở nên lạc hậu, riêng kỹ thuật xây dựng đền Ise Jingu vẫn được bảo tồn là nhờ "Thức niên thiên cung".

Hai mươi năm đủ để các thợ mộc chịu trách nhiệm xây đền Ise Jingu hình thành một lớp nghệ nhân kế thừa, nhờ vậy dấu ấn kiến trúc giản đơn của Ise Jingu với những nguyên tắc có từ thời Kofun (250 - 538) được gìn giữ như một di sản đặc biệt, hình thành nên vẻ đẹp độc đáo của ngôi đền linh thiêng và trọng yếu nhất trong tín ngưỡng Thần Đạo tại Nhật Bản. 

>>Đền thờ của Thánh Jobs

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ise Jingu - "đền của các đền" trong Shinto giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO