Hái nấm trong rừng Wilson Promontory

LÊ DUNG/DNSGCT| 30/07/2017 06:51

Wilson Promontory xứng đáng để du khách tiêu dao trong cả tuần lễ. Đi gói gọn trong hai ngày cuối tuần như chúng tôi thì chỉ đủ hái nấm và rong ruổi qua một số cung đường đẹp tiêu biểu nhất.

Hái nấm trong rừng Wilson Promontory

Từ thành phố Melbourne (bang Victoria nước Úc), xe chúng tôi vượt qua quãng đường hơn 150 cây số về phía Đông Nam để đến rừng quốc gia Wilson Promontory.

Người Úc thường gọi tắt rừng này là Prom. Prom còn có ý nghĩa là cuộc dạo chơi, thế nên Wilson Promontory xứng đáng để du khách tiêu dao trong cả tuần lễ. Đi gói gọn trong hai ngày cuối tuần như chúng tôi thì chỉ đủ hái nấm và rong ruổi qua một số cung đường đẹp tiêu biểu nhất.

Những thử thách từ quà của rừng

Đường đến Wilson Promontory

Đường đến Wilson Promontory

Rừng Prom rộng đến 50.000 hécta. Vùng bờ biển hoang dã ở đầu cực nam nước Úc này có hệ thống đường mòn được mô tả rất kỹ trên bản đồ và GPS. Chỉ cần một chiếc xe tốt là du khách có thể tự tin đi qua những bãi biển hoang vắng, rừng bạch đàn ngút ngàn, rồi rừng thạch nam, đầm lầy, những mương rừng mưa mát lạnh và những đỉnh núi đá ngoạn mục.

Chúng tôi chuẩn bị khá cẩn thận đồ dùng, thực phẩm cắm trại, cả lều và túi ngủ. Như đa số mọi người ở Úc khi đi chơi rừng, cả nhóm chọn Caravan Park – nơi cắm trại nghỉ ngơi giá rẻ nhất. Tùy khách chọn chỗ có điện hay không thì giá cả sẽ khác nhau. Mức rẻ nhất là 5 đôla Úc một người, cao nhất là 14 đôla.

Phong cảnh ấn tượng trên đường đi

Phong cảnh ấn tượng trên đường đi

Cung đường đi đến núi Oberon có vẻ đẹp êm đềm nhờ những trang trại rộng mênh mông trải dài theo các dải đồi. Đang vào mùa thu, nhìn lên thấy trời xanh ngắt, nhìn xuống thấy lá nhuộm vàng dọc theo hai bên đường đi. Các cung đường trong rừng quốc gia này được chính phủ làm cổng khá bề thế. Ngay cổng có bảng ghi độ dài đường, ghi rõ các loại xe được cho phép tiếp tục đi vào rừng. Qua ba lần cổng như vậy thì xe bắt đầu vô rừng.

Nguyên cung đường này xuất phát từ đỉnh một ngọn núi, xong mon men theo triền núi đi qua một số ngọn núi rồi đổ dần dần xuống thung lũng bên dưới. Vượt qua một số con suối bên dưới thung lũng rồi tiếp tục trèo lên lại một dãy núi khác, rồi men theo các đỉnh núi, đi khoảng 30km trong rừng là lại ra đến thế giới bên ngoài.

Cung đường núi Oberon

Cung đường núi Oberon

Nơi cắm trại trong rừng quốc gia

Nơi cắm trại trong rừng quốc gia

Càng đi càng thấy cảnh trong rừng rất đẹp. Chúng tôi rẽ sang Oberon để ghé Tourist Information (gọi tắt TI, phòng thông tin du lịch) và hỏi thông tin về các loại nấm. Chuyện nấm nào ăn được, nấm nào không liên quan đến tính mạng con người nên chính phủ Úc đầu tư vào TI rất cẩn thận.

Tại đây, bất kỳ du khách nào cũng được hướng dẫn rất tận tình, được xem và chụp ảnh cả các nấm mẫu. Ai nấy chăm chú xem mô tả các đặc điểm nhận dạng nấm độc (nhân viên TI chiếu cả slide lên tivi cho xem). Xong rồi thì được tặng cho tấm bản đồ, bên trong có đánh dấu khu nào nhiều, khu nào ít nấm. Nghe thì thấy phức tạp vậy nhưng cuối cùng chốt lại là du khách chỉ nên hái hai loại nấm, nấm thông và một loại có tên Slippery Jack.

Loài nấm độc có màu đỏ rất đẹp

Loài nấm độc có màu đỏ rất đẹp

Từ Oberon chạy đường nhựa thêm khoảng 20km thì bắt đầu đến các khu rừng thông bạt ngàn. Từ đây thích khúc nào du khách cứ rẽ đại vô một con đường mòn nào đó, rồi theo đường mòn đi sâu vô các rừng thông bên trong. Càng vào sâu trong rừng càng thấy tối và lạnh, bởi vì rừng rất rậm, ánh sáng gần như không lọt xuống được. Bác tài thoải mái lái xe đi dọc theo các đường mòn, nhìn xem chỗ nào có nhiều nấm thì đậu lại, rồi xách đồ nghề ra đi săn nấm.

Mới đầu ai nấy sung sướng được đắm mình trong sự yên ả của rừng, hít thở mùi ẩm ướt của cỏ, của lá, nghe chim hót, nhái kêu… Đến khi cứ mãi phải thận trọng bước từng bước, vượt qua những khu đầm lầy, những cành khô nằm ngổn ngang, những thảm lá ẩm ướt, vừa đi vừa đuổi những chú muỗi dai dẳng bám theo thì mọi người mới cảm nhận được nỗi vất vả phía sau mỗi cây nấm tìm được.

Hai giờ đầu tiên miệt mài cuốc bộ, nhóm chúng tôi chỉ tìm thấy vài cây nấm. Mỗi người cứ lầm lũi, lom khom nhìn chăm chăm từng gốc cây, từng bụi cỏ, có khi mải nhìn lại đâm cả vào những cành cây khô nằm lơ lửng trước mặt mà không nhận ra…

Đường mòn tuyệt đẹp dọc bờ biển

Đường mòn tuyệt đẹp dọc bờ biển

Một giờ nữa qua đi. Bỗng có tiếng reo đầy sung sướng: Ôi có cây nấm trắng to tướng! Nhưng vui đấy mà lại buồn ngay đấy, bởi khi cầm cây nấm trên tay kiểm tra kỹ mới thấy đó là loại nấm độc có tên gọi nấm tử thần. Có điều thú vị là nếu chẳng may tìm nhầm nấm độc, mọi người cũng không cảm thấy thất vọng bởi những cây nấm độc thường rất đẹp với màu sắc sặc sỡ. Ở đây, không thể không nói đến màu đỏ rực của những cây nấm có tên nấm tán bay, hay màu trắng tinh khiết của nhiều loại nấm độc trong đó có nấm tử thần… Có những loại nấm độc màu nâu mọc từng đám lớn phủ kín gốc cây trông thật hấp dẫn.

Với cách giải trí vào rừng hái nấm, thì điều thú vị không chỉ là kết quả cuối cùng – tìm thấy bao nhiêu nấm, mà là những trải nghiệm trong suốt quá trình chuẩn bị cho buổi du ngoạn, miệt mài tìm kiếm những cây nấm khôn khéo ẩn mình dưới những bụi cây, những thảm lá rụng, mà nếu không tinh mắt, thiếu kiên trì và không tập trung cao độ, người hái hoàn toàn có thể bỏ qua chúng.

Những cung đường tuyệt đẹp giữa núi và biển

Sau khi thu hoạch được giỏ nấm chắc đủ một bữa căng bụng, mọi người thấy thèm ánh nắng và những cơn gió biển mùa này. Vậy là đánh xe chạy ra vịnh Oberon. Vịnh đẹp tuyệt nhờ có những đụn cát và rừng cây bụi lúp xúp, phía dưới là bãi cát trắng mịn, biển xanh ngắt như cẩm thạch. Khu vực sông Tidal đổ ra vịnh trông còn ngoạn mục hơn với hàng ngàn khối đá màu sắc, hình thù kỳ lạ.

Theo con đường mòn đầy sỏi, cả nhóm đến Windy Saddle – khu rừng có cảnh sắc khá đa dạng. Windy Saddle chào đón mọi người bằng một đồng cỏ rộng thấp thoáng bóng chuột túi. Nhưng chỉ qua đến bên kia sườn núi, quang cảnh ngay lập tức trở nên ẩm ướt và xanh tốt hơn hẳn. Tại đây có một thử thách nho nhỏ là leo xuống phía dưới vực bằng cách men theo những con mương có cây dương xỉ che bóng, sau đó thì vượt qua một đầm lầy dài có ván lót cho người đi bộ. Ngắm nhìn những rừng hoa rực rỡ dọc theo bờ biển phủ đầy cây thạch nam cho đến tàn buổi chiều, cả nhóm lục tục dỡ đồ cắm trại qua đêm tại đây.

Một khúc sông Tidal, khúc sông này nổi tiếng nhờ dòng nước có màu tím rất lạ

Một khúc sông Tidal, khúc sông này nổi tiếng nhờ dòng nước có màu tím rất lạ

Cầu bắc qua sông Tidal

Cầu bắc qua sông Tidal

Sáng hôm sau dù đã dậy khá sớm, chúng tôi thấy mấy lều xung quanh mình đã dọn đi không biết từ khi nào. Họ đến bờ biển Refuge cách đây không xa để đón bình minh. Refuge nổi tiếng nước trong và an toàn nên du khách thường đến đó bơi hoặc lặn khám phá đời sống diệu kỳ dưới đáy.

Wilson Promontory thật là thiên đường cho những ai yêu cảnh sắc hoang dã. Trên bờ thì có động vật chim chóc, hoa thơm cỏ lạ, dưới biển có nhiều rặng đá ngầm, san hô, sinh vật biển lạ mắt. Tiếc là bây giờ chưa đến mùa đông, nếu không du khách còn được ngắm cảnh cá voi hùng dũng bơi lội.

Bình minh trên biển Refuge

Bình minh trên biển Refuge

Chúng tôi không xuống biển mà đi bộ lên đỉnh Kersop để chụp ảnh toàn cảnh dải bờ biển hoang sơ. Sẵn đà, mọi người đi bộ qua rừng phi lao và rừng cây banksia (một loại cây bụi rất đẹp) đến vịnh Waterloo, sau đó lội qua bãi cát mịn để đến vịnh Little Waterloo.

Tại đây đã thấy một nhóm khác đang chèo thuyền kayak, một nhóm khác nữa đang dựng lều phía sau những đụn cát gần con lạch nước trong như pha lê. Cứ tưởng mình đã dậy sớm nhất, ai ngờ mấy nhóm du khách người Úc còn dậy sớm hơn. Hỏi một bác lớn tuổi, bác cho biết mỗi lần vào rừng Wilson Promontory gia đình bác đều thức dậy trước mặt trời: “Phong cảnh ở đây quá đẹp, mỗi giây mỗi phút đều có vẻ đẹp riêng. Dậy muộn phút nào là uổng phí phút đó. Tôi đi chơi rừng này cả chục lần rồi nhưng chưa bao giờ thấy chán!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hái nấm trong rừng Wilson Promontory
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO