Du xuân ngoạn cảnh xứ Đài

P. NGUYỄN DŨNG| 04/01/2017 04:46

Du lịch xứ Đài nay thật dễ dàng, thuận tiện, nhanh lẹ khi mà thủ tục nhập cảnh đã được đơn giản hóa đến mức tối đa và ngày càng có nhiều hãng bay nối kết Việt Nam với Đài Bắc, Cao Hùng, Đài Trung, Đài Nam

Du xuân ngoạn cảnh xứ Đài

Những con đường rộng lớn, thẳng tắp với nhiều làn xe thông thoáng, phố xá sạch đẹp và ngăn nắp, những món ăn ngon, các khu chợ đêm tràn đầy lực sống khi càng về khuya, tham quan những danh thắng và kiến trúc không bị lôi kéo, mời chào. Đó là những gì khiến chúng tôi có ấn tượng tốt về xứ Đài sau những ngày khám phá Cao Hùng, Gia Nghĩa và Đài Nam.

Đọc E-paper

Bảy năm sau lần vui du hành thưởng ngoạn Đài Bắc, vực Taroko, Hoa Liên... vào trung tuần tháng 12/2016, nhóm những người bạn cùng ngành du lịch và hàng không gặp lại nhau trên chuyến bay cất cánh lúc 2 giờ sáng với đích đến là thành phố Cao Hùng vào lúc bình minh.

Cao Hùng ở miền nam Đài Loan là hải cảng lớn và nay là nơi sinh sống của khoảng 20.000 người Việt. Sau khi tiến hành nhiều dự án cải tạo môi trường, chiến dịch xanh - sạch, Cao Hùng nay trở thành thành phố đáng sống và đã bắt đầu nhận vai trò mới. Đó là chuyển mình để trở thành điểm đến du lịch của công dân các nước Đông Nam Á.

Hồ Sen, hồ nhân tạo khánh thành năm 1951, là địa chỉ du lịch nổi tiếng tại Cao Hùng với khoảng chục ngôi chùa, miếu, đền thờ và không gian ngoạn cảnh. Hút khách nhiều nhất là hai tháp cao 7 tầng của chùa Long Hổ, tọa lạc bên hồ. Khách thập phương đến đây cầu xin ơn lành, sự may mắn vẫn nhắc nhau rằng, nhớ đi vào bằng miệng rồng, ngắm các tranh khắc trên tường rồi đi ra bằng miệng hổ. Làm đúng như thế mới "cầu được ước thấy".

Lối vào Bảo tàng Nghệ thuật và Văn hóa châu Á

Ra khỏi Cao Hùng không xa, còn một địa chỉ thu hút rất nhiều du khách. Đó là Trung tâm Tưởng niệm Phật Đà với tượng Phật ngồi đúc bằng đồng cao hơn 100 mét. Công trình kiến trúc còn mới này chiếm cả một quả đồi, gần sát với Phật Quang Sơn, là nơi từng thu hút khách với 408 bức tượng Phật ngay hàng thẳng lối trông thật đẹp. 

Rời Cao Hùng, chúng tôi đi đến Gia Nghĩa và sau đó là một danh thắng bậc nhất xứ Đài. Núi A Lý Sơn ở độ cao trên 2.000m so với mặt biển, khí hậu mát lạnh quanh năm và là nơi có những rừng thông vươn cao khiến du khách tưởng mình như đang ở vùng núi Alps bên châu Âu. Đã hai lần đến đây, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có lần trở lại. Cảnh quan trong A Lý Sơn vừa hùng vĩ vừa dịu dàng, bầu không khí thật tĩnh mịch, yên bình. 

Du khách Việt vui thích tập làm bánh dứa, đặc sản xứ Đài

Hoàng hôn dần buông xuống, những thành viên từng tham quan Bảo tàng Cố cung ở Đài Bắc cứ luôn miệng "thạch sùng" vì không thể vào tham quan chi nhánh bảo tàng phía Nam, đặt ở khu ngoại ô thành phố Gia Nghĩa, Đài Trung. Đây là công trình mới (tên chính thức là Bảo tàng Văn hóa và Nghệ thuật châu Á) với kiểu kiến trúc độc đáo, trông như "mũi tàu" khổng lồ rẽ sóng, nhưng nghe đâu đã lên lịch các chương trình triển lãm những "kho tàng nghệ thuật" không chỉ của xứ Đài mà còn của nhiều thành phố khác trên thế giới. Vậy là thêm một địa chỉ cần ghi nhớ để có dịp sẽ trở lại thăm.

Cũng lý do thời gian hạn hẹp không cho phép đoàn vào bên trong Bảo tàng Kỳ Mỹ tham quan các kho tàng nghệ phẩm phương Tây, nhạc cụ, vũ khí cổ mà tỷ phú chủ nhân Tập đoàn Chi Mei đã thu thập được qua dòng thời gian, nhưng chỉ cần 40 phút rảo bộ phía ngoài cũng đã mang đến cho các thành viên trong đoàn những bức ảnh đẹp. Nhìn toàn cảnh từ xa, lối dẫn vào bảo tàng khiến bạn liên tưởng đến đại lộ dẫn đến Quảng trường thánh Phê-rô mà nổi bật phía hậu cảnh là mái vòm vĩ đại của Đền thờ Thánh Phê-rô tại Vatican, Rome.

Những bức tượng mô tả các vị thần La Mã xa xưa, từ Ceres (nữ thần biểu trưng cho nông nghiệp và sự sung túc), qua Venus (thần tình yêu) đến Vulcan (thần sắt thép) tượng trưng cho nghề rèn kim loại đã trở thành những nhân vật kết bạn một vài giây trong các bức ảnh kỷ niệm của từng thành viên trong đoàn. Tuy nhiên, không thấy ai muốn chụp ảnh dưới chân tượng Mars (thần chiến tranh).

Long Hổ tháp, một địa chỉ tham quan nổi tiếng ở Cao Hùng

Một điểm son của thành phố Đài Nam còn lưu lại trong ký ức chúng tôi là 10 Drum Cultural Village, làng văn hóa chuyên về trống, với rất nhiều bằng chứng về sức sáng tạo nghệ thuật từ những gì tưởng đã hư cũ, thuộc về quá khứ. Toàn bộ khu vực ngày ngày đón khách đến tham quan, thưởng lãm các tiết mục đánh trống, tập gõ trống theo các nhịp, phách khác nhau, dùng bữa... tọa lạc trong khuôn viên rộng lớn của một xưởng sản xuất mía đường đã hình thành cách nay hơn 100 năm. Và trái tim khán giả vẫn rộn ràng sau 45 phút thích thú theo dõi 4 tiết mục trống của đoàn trống Ten Drum đã từng được hoan nghênh tại Thế vận hội Olympic Mùa hè 2000 tại Sydney và tại World Cup 2002, Seoul.

Trong dư âm của tiếng trống dồn dập, hối thúc và thoang thoảng hương vị của trà ô long, đặc sản của vùng núi cao A Lý Sơn, thưởng thức cùng bánh ngọt nhân dừa của Cao Hùng, chúng tôi từ Đài Nam bay trở về TP.HCM. May sao, chuyến bay của VietJet Air, tuy cất cánh trễ 40 phút so với giờ bay ghi trên vé nhưng đã hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất rất đúng giờ. Tết đến gần, tin rằng Đài Loan sẽ là điểm đến du xuân của rất nhiều khách Việt. Vì du lịch xứ Đài nay thật dễ dàng, thuận tiện, nhanh lẹ khi mà thủ tục nhập cảnh đã được đơn giản hóa đến mức tối đa và ngày càng có nhiều hãng bay nối kết Việt Nam với Đài Bắc, Cao Hùng, Đài Trung, Đài Nam.

Cảnh chùa tuyệt đẹp trong không gian tĩnh mịch núi A Lý Sơn
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du xuân ngoạn cảnh xứ Đài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO