Đến phế tích tìm thuở vàng son

LAM PHONG| 06/01/2014 00:22

Đền đài, thành quách giờ chỉ còn lại gạch đá ngàn năm phế tích, nhưng quá khứ xa xưa đó là nơi khởi phát của một nền văn minh, một đế chế, một miền cố đô, có khi là cả một vương triều...

Đến phế tích tìm thuở vàng son

Đền đài, thành quách giờ chỉ còn lại gạch đá ngàn năm phế tích, nhưng quá khứ xa xưa đó là nơi khởi phát của một nền văn minh, một đế chế, một miền cố đô, có khi là cả một vương triều... Diện kiến những miền quá khứ đó trải dài từ Việt Nam, Lào, Campuchia đến Thái Lan, như được ngược thời gian để trở về một thuở vàng son lộng lẫy.

Đọc E-paper

>Có một Angkor khác ở Campuchia
>Campuchia đâu chỉ có Angkor
>
Angkor: “Ngôi đền” của du lịch Campuchia

Dòng sông vương triều

Để khởi đầu hành trình tìm về các miền phế tích, tôi tìm đến dải đất hẹp miền Trung, nơi có dòng sông Côn huyền thoại gắn liền với một thời cực thịnh của vương triều Vijaya thuộc vương quốc Chămpa khi xưa.

Sự huy hoàng một thời ấy chính là hệ thống hơn 40 đền, tháp cổ nằm dọc theo sông Côn nối từ hạ nguồn là đầm Thị Nại lên dãy Trường Sơn phía thượng nguồn - cửa ngõ giao thương huyết mạch của vương triều Vijaya mà vào năm 1470, chính vua Lê Thánh Tông đã đặt Thị Nại là thương cảng quốc tế nhộn nhịp nhất nước Nam.

Hệ thống đền, tháp nguy nga, tráng lệ bên dòng sông Côn nay vẫn còn đó, với Dương Long, Cánh Tiên, Bánh Ít... mà ở mỗi đền, tháp chính là nơi thể hiện trình độ điêu luyện của những nghệ nhân thời xa xưa qua các nét điêu khắc trên nền gạch, đá sa thạch trong lối xây đền tháp, để bày tỏ lòng thành với thượng đế, với vị vua trị vì.

Tháp Bánh Ít ở hạ nguồn sông Côn, Bình Định

Bên cạnh đó, mỗi đền, tháp cũng lưu giữ một câu chuyện thú vị, như tên gọi tháp Bánh Ít lại gắn với người đàn bà bán bánh ít có tên gọi Thị Thiện - một tục danh khác của tháp Bánh Ít được nhắc đến trong Đại Nam Nhất Thống Chí, ở mục “Thổ Sơn Cổ Tháp”.

Núi Voi có ngôi đền cổ

Bỏ lại những hành trình bụi bặm từ cửa khẩu Bờ Y, Kontum đến Chămpasak, thủ phủ vùng Nam Lào, nơi có đền thiêng Wat Phou (chùa núi) trên núi Phou Kao (núi Voi) như một sự tưởng thưởng cho dấu chân lữ hành đến với phế tích mà nay là ngôi đền cổ nhất ở Lào và cũng là di sản văn hóa thế giới kể từ 2001.

Kiến trúc cơ bản của đền mang đậm phong cách Hindu, với mảng điêu khắc thần Shiva cùng người vợ là nữ thần Uma trên kiến trúc đền đã chỉ ra đền xây nên để thờ thần Shiva - một trong ba vị thần cao cả nhất của Hindu giáo.

Mảng điêu khắc độc đáo ở đền Wat Phou trên núi Phou Kao, Lào

Wat Phou dù đã bị thời gian tàn phá, nhưng những nét đẹp điêu khắc của đền cứ như đưa rắn thần Naga, tướng khỉ Hanuman, nàng tiên Durga, mặt Kala, thần gió Rehu... bước ra từ sử thi Mahabharata, Ramayana. Mỗi mảng điêu khắc như thêm một minh chứng về thời cực thịnh của chủ nhân ngôi đền từ hơn 10 thế kỷ trước.

Nổi bật và ấn tượng nhất ở Wat Phou chính là cụm tượng ba vị thần Shiva, Vishnu và Brahma ngay vách núi phía sau đền, thể hiện thần Shiva với 5 đầu, mười tay, thần Brahma với bốn mặt, thần Vishnu với bốn tay. Cụm tượng này được công nhận là mảng điêu khắc “tam thần” độc đáo nhất ở đế chế Khơme mọi thời đại.

Trầm mặc Ayutthaya

Trong các miền cố đô ở đất Thái Lan, Ayutthaya có sức hấp dẫn và cuốn hút rất riêng chính từ vẻ đẹp của những đền, tháp cổ dãi dầu mưa nắng kể từ 1767, khi miền đất này gặp đại nạn chiến tranh và dần bị quên lãng.

Kiến trúc độc đáo của chùa Wat Phra Si Sanphet, Ayutthaya, Thái Lan

Được vua U Thong xây dựng từ năm 1351 trên con đường thiên lý giao thương thuận lợi nối liền từ Ấn Độ sang Trung Hoa, Ayutthaya trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế, giáo dục và tôn giáo của toàn vùng.

Minh chứng là nhiều đền, chùa cùng thời vẫn tồn tại, như Wat Phra Si Sanphet, Wat Yai Chai Mongkhon, Wat Mahathat... được xây dựng với hai chất liệu chủ đạo là gạch nung và chất kết dính, nhưng mang nhiều phong cách kiến trúc khác biệt, tất cả hình thành nên một tổng thể. Tuy đổ nát, cũ kỹ, bị bào mòn bởi thời gian, nhưng đây là một điểm đến thú vị để lắng lòng mình lại trước những thâm trầm từ những phế tích nơi miền cố đô Ayutthaya.

Non thiêng Dong Rek

Trong lối xây dựng đền đài của Hindu giáo, các đỉnh núi thường được chọn lựa bởi được ví như núi thiêng Meru, nơi các vị thần ngự trị, và khi xây nên ngôi đền thiêng Preah Vihear trên đỉnh núi Dong Rek, giáp biên giới giữa Campuchia - Thái Lan, người xưa hẳn đã nghĩ đến núi thiêng Meru trong huyền tích Hindu giáo.

Trường làng trên đền Preah Vihear ở dãy núi Dong Rek, Campuchia

Đường lên Preah Vihear hôm nay thuận tiện hơn nhờ có xe đưa đón từ chân núi lên tận ngôi đền. Preah Vihear sừng sững trải dọc theo chiều dài hơn 800m theo trục Bắc - Nam, và là tổng hòa tất cả các kiến trúc của thời kỳ Angkor gộp lại. Có thể thấy ở Preah Vihear cổng đền của Banteay Srei, dãy hành lang dài của Angkor Wat, một mảng kiến trúc của Wat Phou ở Nam Lào...

Những nét chấm phá thú vị ấy cùng với vẻ đẹp khác biệt và vị trí tọa lạc của Preah Vihear - cách Angkor đến 240km, đã khiến Preah Vihear trở thành điểm đến hấp dẫn ở miền chùa tháp. Campuchia có 1.800 đền đài, nhưng chỉ có 2 ngôi đền là di sản văn hóa thế giới, trong đó có Preah Vihear (được công nhận năm 2008).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đến phế tích tìm thuở vàng son
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO