Cuộc sống nơi "tận cùng Trái đất"

ANH NGUYỄN| 28/03/2014 09:59

Bạn có biết nơi tận cùng thế giới ở đâu? Theo người Pháp, nó ở đâu đó gần Ruscumunoc, một làng đánh cá nhỏ vùng Bretagne, miền Tây Bắc.

Cuộc sống nơi

Bạn có biết nơi tận cùng thế giới ở đâu? Theo người Pháp, nó ở đâu đó gần Ruscumunoc, một làng đánh cá nhỏ vùng Bretagne, miền Tây Bắc. Theo chỉ dẫn của người địa phương, chiếc xe từ từ lăn trên con đường hẹp đầy ổ gà đi tít lên đồi cao, cứ mỗi phút trôi qua, đường càng xấu hơn. Và đột nhiên đến ngõ cụt. Một vách đá sừng sững hướng ra Đại Tây Dương bỗng xuất hiện, trước mặt không còn là nước Pháp! Một tấm biển chỉ về phía tây với hàng chữ: "New York 5.080km". Phía bên trái dưới chân vách đá là một bãi cát nhỏ đẹp. Chung quanh không một bóng người. Nơi tận cùng Trái đất đây chăng?

Đọc E-paper

Nơi tận cùng Trái đất

Lãnh địa của hải đăng

Từ khi nghe kể lần đầu tiên cách đây vài năm, tôi đã muốn đến tỉnh Finistere (từ tiếng Latin finis terrae, tận cùng Trái đất) vùng cực Tây của Pháp, để nhìn thấy bờ biên ải của Bretagne, vùng đất bị thời gian lãng quên và để tìm chút nghỉ ngơi giữa những hối hả của cuộc sống hiện đại, muốn thấy những bãi biển trống vắng hoang sơ, những con đường và ngôi làng nhỏ. Tuy nhiên, điểm thu hút tôi nhất khi đến Finistere và Bretagne là những ngọn hải đăng và tất nhiên cả tầm nhìn bao quát từ trên cao.

Ở Bretagne có đến 148 ngọn hải đăng, một trong số đó khá cổ kính, từ thời vua Louis XIV, vài cái nằm trên đảo đá nhỏ, sóng vỗ ì ầm, số còn lại đứng bên bờ nhìn ra đại dương. Ánh sáng từ ngọn hải đăng đã bao lần đưa các thủy thủ đến nơi an toàn. Ngày nay, còn 80 ngọn hải đăng vẫn đang hoạt động, nhưng nhiều cái khác chỉ còn là những cái bóng uy nghi của quá khứ.

Để nhìn rõ bờ biển tuyệt đẹp, hãy leo lên đỉnh ngọn Eckmuhl (tên một vị tướng thời Napoleon) từ thế kỷ XIX, một trong những hải đăng cao nhất thế giới. Sau khi leo lên 307 bậc thang theo vòng xoắn, cơ bắp đau nhức và chân cứng đơ, bạn sẽ hòa mình vào bức tranh toàn cảnh rộng lớn của Đại Tây Dương, gió biển mang theo mùi của muối, các loại tảo và cát ướt.

Trải dài bên dưới là ngôi làng Penmarch, với những ngôi nhà nhỏ màu trắng nổi bật trên đồng cỏ xanh tươi. Tên Penmarch có nghĩa là "đầu ngựa", không mang âm hưởng gì của tiếng Pháp, vì đó là tiếng Breton địa phương thuộc ngôn ngữ Celtic, khi người Anh di cư đến khu vực này vào thời Trung cổ. Tên lấy từ truyền thuyết địa phương về đầu của một vị vua biến thành đầu ngựa.

Hải đăng ở Finistere

Ngọn hải đăng Saint-Mathieu, một tòa tháp màu trắng và đỏ, chỉ có 163 bậc, là ngọn hải đăng bán hiện đại, được xây năm 1835, là một phần của một tu viện đổ nát từ thế kỷ XVI nằm bên bờ đại dương, vốn được xây dựng trên nền một tu viện cổ hơn từ thế kỷ thứ VI.

Việc này xảy ra ở khắp nước Pháp. Dường ở bất cứ nơi nào bạn đi qua, cũng có nhiều tầng lớp lịch sử chất chồng lên nhau.

Trở lại những năm 1250 tại Saint-Mathieu, các tu sĩ địa phương đã thắp lửa để hướng dẫn tàu bè qua vùng nước nguy hiểm quanh những hòn đảo gần Bretagne.

Ngày nay, Saint-Mathieu là một nơi tĩnh lặng, tuy có lịch sử đầy sóng gió. Thả bộ dọc theo bờ biển, tôi tình cờ gặp lại quá khứ đau thương của Bretagne.

Ẩn trong đám cỏ dại tươi tốt là những boong-ke bê tông do quân lính Đức xây dựng khi chiếm đóng nước Pháp thời Thế chiến thứ II, nhằm bảo vệ bờ biển chống lại quân Đồng minh. Khu vực này từng là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, gồm cả trận Brest, kéo dài từ tháng 8 đến tháng 9/1944 và là một trong những trận đẫm máu nhất cuộc chiến.

Vương quốc của giác quan

Vẻ đẹp của bờ biển Bretagne khiến ngón tay trỏ tôi như dính chặt vào nút bấm máy ảnh. Khu vực này cũng có rất nhiều thứ cho người sành ăn: bánh bơ, bánh pudding trứng, trai hấp vang trắng, bánh kếp bột kiều mạch...

Loại bánh galette ở đây rất ngon (bánh kếp mặn được làm ở Bretagne vào thế kỷ XVI), nên ngày nào tôi cũng ăn cả ba bữa: dùng với pho mát Camembert và nước sốt táo, với cá hồi hun khói và kem chua, với sò điệp nướng tẩm rượu.

Dù vậy, sau nhiều ngày dùng bữa với bánh, tôi có một món ngon khác của Bretagne là hàu. Tôi đến Saint-Philibert, một trong những làng đẹp như tranh vẽ để nếm món hàu tươi ở một nhà sản xuất từng đoạt huy chương vàng.

Trại nuôi hàu của ông Renan Henry là một trong những nơi tốt nhất trong nhiều trang trại nằm rải rác trên bờ vịnh Quiberon yên bình. Thay cho dấu hiệu bảo đảm tôi đã đến đúng chỗ của "Henry hàu" là một đống vỏ hàu chất cao phía trước sân, nên chắc chắn những con hàu đang được nuôi gần đó.

Vài công nhân trong bộ đồ vàng đang hối hả rửa hàu quanh khu bờ lầy lội, kéo vào những bao sản phẩm đã làm xong. Trang trại gia đình ông Henry đã qua năm thế hệ và nay là hai anh em ông.

Ông chỉ tôi những sọt đang ngâm dưới biển, nơi loài động vật thân mềm "tự làm sạch", sau đó dạy tôi cách đánh giá chất lượng của hàu bằng cách kiểm tra độ sạch bên trong con hàu, hình dạng cân đối và có màu sắc đồng đều. Đến lúc thử hàu, tôi húp xì xụp một con, rồi thêm một con khác. Chúng mang hương vị của muối, chanh và của biển...

Tàn tích của quá khứ

Bretagne

Khi lái xe từ trang trại ông Henry tới thị trấn Carnac, nơi tôi đã đặt giường và phần ăn, đột nhiên nhận thấy có gì đó khiến tôi phải dừng xe ngay: đó là những tảng đá đứng lặng im giữa khu rừng. Trong ánh trăng mờ ảo, các tảng đá cổ khổng lồ tựa những ngọn hải đăng nhỏ đã tắt, nằm rải rác trong rừng, những lính canh từ một quá khứ Celtic huyền bí của vùng Bretagne, hoặc thậm chí thời tiền Celtic, với một số tảng đá được cho là đã 6.500 năm, nhiều tuổi hơn cả bãi đá cổ Stonehenge bên Anh.

Huyền thoại người Breton (cư dân vùng Bretagne) cho rằng những tảng đá này được các yêu tinh hoặc thần tiên, thậm chí do ma quỷ mang đến đây, đến đêm Giáng sinh, đá bỗng sống dậy và chạy về phía suối gần đó để uống nước, nghiền nát những ai không may gặp chúng trên đường.

Vì không tin vào yêu quái hay thần tiên, tôi đến các viện bảo tàng ở Carnac để tìm một lời giải thích ít mang tính siêu nhiên về vị trí những viên đá thời tiền sử, nhưng thật thất vọng, một câu trả lời thành thật dường như chẳng tồn tại. Các nhà khảo cổ không biết chắc lý do vì sao những tảng đá được dựng ở đây.

Một số nhà nghiên cứu nói rằng những viên đá là một phần của việc tôn kính người chết, người khác cho rằng chúng được sử dụng cho mục đích thiên văn hoặc nghi thức cầu thần sinh sản. Tuy nhiên, chắc chắn khu vực quanh Carnac là một trong những nơi tập trung số cự thạch cao nhất thế giới, hơn 3.000 công trình.

Điều kỳ diệu nhất về những tảng đá được dựng ở Carnac không phải về số lượng. Trên đường băng qua một trong những khu rừng, tôi đi qua các vòng tròn đá thời tiền sử, những tảng đá cao, đứng trơ trọi và phủ đầy rêu.

Một tay cầm chiếc điện thoại thế kỷ XXI và tay kia là máy chụp ảnh kỹ thuật số, tôi cảm thấy như được kết nối với một quá khứ rất xa xôi của vùng đất này,với con người và huyền thoại của họ.

Hôm sau, tôi mua một hộp hàu ở chợ địa phương và đến nơi hàng đá cổ vào buổi chiều tối để ngắm trăng lên. Tôi ngồi trên một tảng đá, thưởng thức mấy con hàu và tự hỏi ai đã cố công kéo những tảng đá khổng lồ đến đây và dựng đứng lên.

Tại sao? Chuông của ngôi nhà thờ thời trung cổ từ làng bên lại rung lên theo nhịp bước của thời gian, thật yên tĩnh và thanh bình... Bretagne có thể không phải là nơi tận cùng của thế giới, nhưng đôi khi có cảm giác như thế, một thiên đường.

>Ouarzazate - Hollywood của châu Phi
>Ushuaia, thành phố nơi cùng trời cuối đất
>
Bêlem xưa và nay
>Chanthaburi lấp lánh cuốn hút khách

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc sống nơi "tận cùng Trái đất"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO