Cù lao Chàm, hoang sơ còn đó...

20/06/2012 09:31

Một người bạn ở miền Nam ra, khi được hỏi về một hòn đảo ở phía nam đang nổi lên về du lịch, anh lắc đầu hóm hỉnh: Đó là nơi tôi xếp trong 100 địa chỉ không nên đến trước khi chết. Vì sao? Vì không còn nguyên sơ hoang dã như ngày trước.

Cù lao Chàm, hoang sơ còn đó...

Một người bạn ở miền Nam ra, khi được hỏi về một hòn đảo ở phía nam đang nổi lên về du lịch, anh lắc đầu hóm hỉnh: Đó là nơi tôi xếp trong 100 địa chỉ không nên đến trước khi chết. Vì sao? Vì không còn nguyên sơ hoang dã như ngày trước.

Một góc cù lao Chàm

Ồ ạt xây dựng, chen chúc đầu tư theo kiểu “mì ăn liền”. Rừng bị xâm hại, làng chài bị thu hẹp, kèn cựa chia lô dành đất dành phần để “đầu tư xây dựng”, cảnh quan thiên nhiên bị phá nát.

Không nói ai cũng biết, có lẽ đó là xu hướng chung của những nơi mới rộ lên về phát triển du lịch chỉ với suy nghĩ xây thật nhiều nhà cao tầng, resort, nhà hàng, sân gôn... bất chấp môi trường sinh thái và không gian văn hóa.

Tôi chợt thấy hơi lo bởi đang cùng bạn sửa soạn chuyến đi ra Cù lao Chàm. Không khéo, Cù lao Chàm rồi cũng bị cuốn theo cơn lốc đó chăng. Cơn lốc của tham vọng phát triển bằng mọi giá mà đâu biết rằng cách phát triển tốt nhất là bảo tồn, gìn giữ những gì mình đang có.

Hơn 10 năm trước, tôi ra Cù lao Chàm lần đầu. Ngày ấy đến đảo thật thú vị, bình yên như chưa thể nào bình yên hơn. Chúng tôi len lỏi qua những con đường làng, vào thăm chùa Hải Tạng, ra bãi Hương cát trắng mịn phơi nắng biển, lên thăm miếu thờ tổ nghề khai thác yến. Chỉ là một đảo nhỏ mà bao nhiêu là bãi tắm trong xanh, tinh khôi như bãi Bắc, bãi Ông, bãi Chồng, bãi Bụt, bãi Bìm.

Và bao bọc sau lưng những bãi tắm ấy là một dải rừng nguyên sinh xanh ngắt như một lá phổi điều hòa khí hậu, như bức trường thành che chắn bão giông. Chúng tôi thuê thuyền qua đảo yến cheo leo vách đá giăng mắc ríu ra ríu rít tiếng chim kêu về tổ.

Ngày ấy chẳng có khách sạn nhà nghỉ, đêm nằm ngủ lại trên thuyền rời rợi lộng gió biển khơi. Những con thuyền cập bến, cá tôm còn tươi nguyên mùi biển, hải sản của đất cù lao nơi sông Thu Bồn đổ về biển nên thơm ngon không đâu bằng, có ẩm thực nào đã đời hơn.

Những đêm trăng hạ huyền đốt lửa trại ở bãi Hương tưởng như mình đang sống thời hoang dã của những hòn đảo có người da đỏ ở châu Mỹ. Những buổi sáng thức dậy, làng chài êm đềm bên chân sóng, trong tôi như thức dậy một miền ký ức vọng về đầy thảng thốt.

Tôi từng đến một vài hòn đảo ở miền Trung, chợt nhận ra rằng nơi nào hoang sơ nhất thì ở đó không gian của một nền văn hóa biển được lưu giữ đầy đủ nhất.

Rạn san hô ở vùng biển cù lao Chàm

Theo những phát hiện khảo cổ học mới đây, hơn 3.000 năm trước con người đã có mặt ở cù lao Chàm, vì thế đã tích tụ một nền văn hóa biển đảo phong phú, đặc trưng mang tính cộng đồng rất cao.

Cù lao Chàm ngày trở lại tràn ngập nắng gió và chúng tôi đã ngạc nhiên bởi những lo nghĩ trước khi ra đảo không hề xảy ra. Khác chăng thì hình như biển sạch hơn, môi trường thông thoáng hơn. Vì trước đây, cư dân vùng biển đảo vẫn có thói quen bao nhiêu rác thải đều vứt đầy ở vùng biển trước mặt.

Gần đây, người dân đảo đã thay đổi tích cực, không dùng túi ni lông, không quăng túi ni lông và rác thải xuống biển. Và điều tốt đẹp đã xảy ra: Rạn san hô đã hồi sinh, một thảm sắc màu ánh lên như dạ quang biến đổi không ngừng nghỉ dưới lòng biển xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cù lao Chàm, hoang sơ còn đó...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO