"Cơn bão" bay vé rẻ đang đổ bộ vào Việt Nam

P. NGUYỄN DŨNG| 23/09/2016 03:55

Tháng 9/2016, nhánh hàng không vé rẻ ở Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới khi một chiếc máy bay của Vanilla Air hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Một thập niên trước, vào ngày 4/10/2006, thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam bắt đầu làm quen với "hàng không vé rẻ” khi một chiếc máy bay của Air Asia từ Kuala Lumpur (Malaysia) hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Thời gian trôi nhanh, vào ngày 15/9/2016, nhánh hàng không vé rẻ ở Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới khi một chiếc máy bay của Vanilla Air hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Đọc E-paper

Máy bay A321 của Vietjet Air - Ảnh: Planespotters.net

Air Asia chính là hãng hàng không vé rẻ đầu tiên của châu Á hình thành hồi gần cuối năm 2001, còn Vanilla Air  thành lập năm 2013 là hãng hàng không vé rẻ trực thuộc Tập đoàn ANA với "át chủ bài" là All Nippon Airways, hãng hàng không lớn nhất nước Nhật ngày nay. Nếu như 10 năm về trước Air Asia khai phá thị trường vận chuyển bay vé rẻ đến/đi từ Việt Nam, thì Vanilla Air sẽ được ghi nhận là hãng vé rẻ đầu tiên của châu Á khai thác thành công thương quyền 5 đến/đi từ Việt Nam. 

Thực vậy, nhờ có được thương quyền 5 rất quý giá mà khởi hành từ sân bay quốc tế Narita, thủ đô Tokyo, máy bay A320 của Vanilla Air được phép bay đến sân bay quốc tế Đào Viên, thành phố Đài Bắc, trả khách và đón khách rồi lại bay tiếp đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Khai thác đường bay có hai chặng dừng đều sinh lợi như vậy, Vanilla Air giải quyết được hai thách đố, gồm sử dụng máy bay thân hẹp chỉ có thể bay tầm khu vực ngắn với khoảng 180 hành khách mà vẫn nối kết được ba thành phố kinh tế, văn hóa, du lịch hàng đầu châu Á.

Người Nhật và người Đài Loan rất thích đi du lịch Việt Nam. Ngược lại, công dân Việt Nam nay đi du lịch Nhật và Đài Loan cũng được nhiều ưu ái hơn trước rất nhiều về khoản thị thực nhập cảnh. Dịch vụ của hãng vé rẻ Vanilla Air góp phần làm dồi dào thêm các chọn lựa bay từ TP.HCM đến Tokyo, một tuyến bay quan trọng, sinh lợi mà lâu nay là thị trường lớn của ba hãng hàng không gồm: ANA, Japan Airlines và Vietnam Airlines. Qua tuyến bay mới khánh thành này, Vanilla Air cũng đã chính thức trở thành hãng vé rẻ đầu tiên từ Nhật đến Việt Nam.

Giữa hai cột mốc chuyến bay đầu tiên đến Hà Nội của AirAsia cách nay 10 năm và chuyến bay đầu tiên đến TP.HCM của Vanilla Air hôm 15/9 qua, thị trường vận chuyển hàng không vé rẻ đã thực sự kinh qua một sự "bùng nổ” rất đáng nể. Tính cả hai hãng vé rẻ của Việt Nam (Jetstar Pacific và Vietjet Air) thì Việt Nam hiện được phục vụ bởi gần 20 hãng vé rẻ.

T'Way Airlines, 1 trong 4 hãng vé rẻ Hàn Quốc bay đến Việt Nam Ảnh: Planespotters.net

Hãng Air Asia hiện nay bay đến Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, nhưng là hãng có chuyến bay hằng ngày đến TP.HCM từ ba điểm xuất phát gồm: Kuala Lumpur, Johor Bahru và Penang. Mới tung cánh bay cạnh tranh với AirAsia cũng từ thủ đô Malaysia có Malindo Air. Đáng kể là chỉ trong vòng vài tháng cách biệt, hãng vé rẻ còn rất trẻ này đã có hai đường bay đến TP.HCM và Hà Nội. Sử dụng máy bay Boeing 737-800 với 162 ghế, Malindo Air mạnh dạn cạnh tranh với AirAsia, Malaysia Airlines và Vietnam Airlines ở đường bay Kuala Lumpur - Hà Nội, khoảng cách 2.100km, với mỗi ngày một chuyến.

Nếu như Cebu Pacific vẫn là hãng vé rẻ duy nhất kết nối Philippines với Việt Nam (Manila - Hà Nội và Manila - TP.HCM), thì thị trường hàng không vé rẻ Việt Nam - Thái Lan có rất nhiều nhà khai thác. Đó không chỉ là hãng "Hàng không Con chim" Nok Air (sân bay Don Muang, Bangkok, đến TP.HCM và Hà Nội), Thai AirAsia (Bangkok - Hà Nội và Bangkok - TP.HCM), mà còn là Jetstar Pacific, Vietjet Air và cả liên doanh Thai Vietjet.

Hãng bay Thai Vietjet hình thành từ mùa Hè năm 2013, sẽ nối kết Bangkok với TP.HCM từ cuối tháng 10/2016 và lên lịch mở đường bay Bangkok - Hải Phòng vào ngày 9/11/2016. Hãng sẽ cung ứng mỗi tuần 4 chuyến ở tuyến bay mới này (khởi hành từ sân bay Suvarnabhumi lúc 15g20, đến sân bay Cát Bi lúc 17g10, sau đó quay đầu trở về lúc 18g50 và hạ cánh xuống Suvarnabhumi lúc 19g55 các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ nhật), khai thác bằng máy bay Airbus A320.

Vietjet Air là hãng vé rẻ Việt Nam đang phát triển rất nhanh và mạnh. Không bao lâu nữa, Vietjet Air sẽ trở thành hãng bay vé rẻ Việt Nam phục vụ nhiều điểm đến nhất tại Đài Loan qua việc mở thêm hai đường bay mới nối kết Hà Nội với Đài Bắc (từ ngày 30/10/2016 với mỗi ngày một chuyến) và TP.HCM với Cao Hùng (từ ngày 12/12 với 5 chuyến mỗi tuần). Hãng hiện đang khai thác hai chuyến bay từ TP.HCM đến Đài Nam (dự kiến tăng thành 5 chuyến/tuần kể từ cuối tháng 10/2016) và Đài Bắc.

Vanilla Air mở đường bay Tokyo - Đài Bắc - TP.HCM - Ảnh: Planespotters.net

Ngoài ra, Vietjet Air còn có kế hoạch sớm khai thác đường bay Hà Nội - Siem Reap (Campuchia) với tần suất 7 chuyến/tuần và mở đường bay đến Hồng Kông từ ngày 9/12/2016. Rời TP.HCM lúc 14g35, chuyến bay của Vietjet Air sẽ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Hồng Kông lúc 18g20. Chuyến trở về cất cánh lúc 19g20 và đến Tân Sơn Nhất lúc 21g05.

Thị trường bay vé rẻ Việt Nam - Hàn Quốc cũng đã phát triển nhanh không ngờ với sự tham gia của Vietjet Air (bay đến thủ đô Seoul), Jin Air (đến Hà Nội và Đà Nẵng), Jeju Air (cũng đến Hà Nội và Đà Nẵng), T'Way Airlines (Đà Nẵng và TP.HCM) và Air Busan (đến Đà Nẵng). Lâu nay từ Singapore bay đến vẫn là hai đối thủ Jetstar Asia (TP.HCM và Đà Nẵng) và Tiger Air (Hà Nội và TP.HCM). Góp mặt cho thị trường bay vé rẻ Việt Nam thêm phần phong phú còn có Spring Airlines từ Thượng Hải bay đến sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), Hong Kong Express từ sân bay quốc tế Hồng Kông bay đến Nha Trang và Đà Nẵng.

Làn sóng "bùng nổ” bay vé rẻ chưa lắng dịu, Việt Nam vẫn còn nằm trong màn hình radar của nhiều hãng vé rẻ khác tại châu Á. Liên doanh Air Asia Philippines mới đây cho biết sẽ nhận thêm 5 chiếc máy bay mới trong năm 2017 và có dự định mở đường bay đến Việt Nam. Đó cũng là ý định của hãng hàng không liên doanh Thai Lion Air (giữa hãng Lion Air của Indonesia và các đối tác Thái Lan). Và có ngày không xa, từ Việt Nam, bạn còn có thể tung cánh bay xa liên lục địa với hãng vé rẻ chứ không chỉ là bay đến những điểm đến trong khu vực như hiện nay. Tiếc cho đường bay từ TP.HCM đi Darwin ở miền bắc đất nước Úc do Jetstar International cung ứng hồi năm 2008 đã phải hủy sau thời gian ngắn vì lý do vắng hành khách.

AirAsia là hãng vé rẻ hàng đầu châu A

>Đồng phục tiếp viên – hình ảnh của các hãng hàng không 

>Vietjet Air tránh gọi mình là "hàng không giá rẻ"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Cơn bão" bay vé rẻ đang đổ bộ vào Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO