Cầu sông Kwai, cố đô Ayutthaya

NGUYỄN ĐÌNH| 05/03/2014 03:31

Từ Bangkok, theo hướng tây, chúng tôi đi qua một địa danh hẳn còn khá xa lạ với khách lữ hành Việt, đó là tỉnh Nakhon Pathom, chỉ cách Bangkok chưa đầy 60km.

Cầu sông Kwai, cố đô Ayutthaya

Chuyến bay TK69 của Turkish Airlines đưa chúng tôi đến Thái Lan với tâm trạng có chút lo âu bởi làn sóng biểu tình vẫn đang tiếp diễn, nhưng khi đến sân bay Suvarnabhumi, Bangkok, mọi người đều ngộ ra chẳng có gì phải lo lắng cả, bởi đồng hành cùng đoàn là nườm nượp du khách quốc tế trong tâm trạng háo hức bước vào chuyến khám phá các điểm đến đầy hấp dẫn nơi đất Thái.

Đọc E-paper

Du khách tham quan cầu sông Kwai

Rời sân bay vào trung tâm Bangkok, dễ nhận thấy sự bình yên ở mỗi ngả đường, góc phố, chúng tôi chẳng gặp chút trở ngại nào từ đoàn người biểu tình. Thay vào những nỗi lo ban đầu về chuyện bạo động, tâm trạng của cả đoàn giờ là sự an tâm để nghĩ tiếp cho hành trình mới trên đất Thái. Đó sẽ là những giây phút lắng đọng theo từng nhịp của cây cầu sông Kwai huyền thoại ở Kanchanaburi, và ngược dòng thời gian để tìm lại một thuở vàng son trong quá khứ của miền cố đô Ayutthaya, nghe phế tích trăm năm kể chuyện dài lịch sử.

Đường đến sông Kwai

Đây là một hành trình khác biệt hẳn với những chuyến khám phá trước trên đất Thái mà chúng tôi từng được trải nghiệm. Từ Bangkok, theo hướng tây, chúng tôi đi qua một địa danh hẳn còn khá xa lạ với khách lữ hành Việt, đó là tỉnh Nakhon Pathom, chỉ cách Bangkok chưa đầy 60km.

Ở Thái Lan, Phật giáo là quốc đạo, và Nakhon Pathom được xem là nơi xuất phát đạo Phật ở Thái, cũng là một trong những thành phố cổ nhất ở Thái Lan, với biểu tượng là bảo tháp Phra Pathom cao 127m ở ngay trung tâm thành phố, do vua Rama IV xây nên ở thế kỷ XIX (1860). Bên cạnh bảo tháp có một điểm đến khác không thể bỏ qua khi đến Nakhon Pathom, đó chính là Bảo tàng sáp về hình tượng người Thái (The Thai Human Imagery Museum). Ở đó, người xem được thấy những hình ảnh sống động về các nhân vật lịch sử như các vị vua ở triều đại Chakri, về sinh hoạt thường ngày của người dân Thái..., tất cả được điêu khắc trông rất sinh động.

Toàn cảnh cầu sông Kwai nối hai đất nước Thái Lan - Myanmar

Rời Nakhon Pathom, hành trình tiếp nối đến phim trường Prommitr ở tỉnh Kanchanaburi, bối cảnh của bộ phim sử thi Hoàng hậu Suriyothai 2001, kể lại tích truyện vua xứ Ayutthaya là Maha Chakkraphat cùng vợ là hoàng hậu Suriyothai cầm quân xung trận năm 1549 chiến đấu với kẻ thù. Trong trận chiến ấy, vì cứu nguy cho chồng, hoàng hậu Suriyothai đã bị chặt mất cánh tay và hy sinh.

Kanchanaburi cũng sở hữu một điểm đến được mong đợi khác, chính là cây cầu sông Kwai. Chúng tôi hiểu hơn về cây cầu huyền thoại này khi đi qua nghĩa trang Kanchanaburi, nơi yên nghỉ của 6.982 tù binh đồng minh, những người thi công tuyến đường sắt bắc qua cầu sông Kwai trong thế chiến thứ II. Lịch sử ghi lại chỉ trong 3 năm phát xít Nhật xây dựng tuyến đường sắt nối từ Thái Lan đến Myanmar (1943 - 1945), ước tính có khoảng 16.000 tù binh đồng minh và 70.000 lao động cưỡng bức, chủ yếu là người châu Á, Úc và Tây Âu, thực hiện công trình, nhiều người trong số họ đã ngã xuống và yên nghỉ mãi mãi ở nơi này.

Không xa nghĩa trang, cây cầu sông Kwai năm xưa cùng tuyến đường sắt vẫn còn đó, nhưng được tôn tạo từ một nơi điêu tàn nay trở thành điểm đến của du khách khắp thế giới. Với những ai đã từng xem bộ phim nổi tiếng Cầu sông Kwai hẳn sẽ có thêm sự trải nghiệm mới khi dạo bước trên cây cầu vững chãi hôm nay, nghe tiếng vọng của một quá khứ buồn trong lịch sử nhân loại.

Ayutthaya - Nhớ thời hoa lệ

Giấc ngủ bình yên trong Kohkorya Resort ở Kanchanaburi giúp chúng tôi lấy lại năng lượng cho hành trình về miền cố đô Ayutthaya chỉ

Wat Mahathat từng là tu viện hoàng gia khi xưa ở Ayutthaya

cách Bangkok độ 80km theo hướng bắc. Màu gạch nâu đỏ từ những phế tích kiến trúc dày đặc, đan xen nhau trong suốt các ngả đường miền cố đô đưa chúng tôi về một thời huy hoàng của năm 1351 - năm Ayutthaya được vua U Thong thành lập, định đô và phát triển thành một kinh thành thịnh vượng, là điểm thuận tiện trên con đường giao thương huyết mạch sang các vùng xứ Ấn nối đến tận châu Âu. Ayutthaya bắt đầu tàn phế từ tháng 4/1767, chiến tranh liên miên, và hào quang một thời của Ayutthaya dần chìm vào quên lãng. Các đền tháp bằng gạch nung dần bị bào mòn bởi vết cắt thời gian.

Ayutthaya nay trở thành cố đô, chỉ còn lại phế tích đền, chùa, tuy cùng chất liệu xây dựng nhưng mỗi ngôi đền, mỗi khối kiến trúc lại mang nét rất riêng, để lữ khách tha hồ khám phá và chiêm nghiệm sự độc đáo ấy. Đó là chùa Phra Mongkhon Bophit, trung tâm vùng cố đô, nơi lưu giữ pho tượng Phật lớn nhất Thái Lan, cao đến 12m, bề ngang 9m, tương truyền được xây trong giai đoạn từ 1448 - 1602; đó là ba bảo tháp cao vút của chùa Phra Si Sanphet; là tượng Phật khổng lồ nhập niết bàn ở Wat Yai Chaimongkhon hay Wat Lokayasutha...

Tượng Phật khổng lồ ở chùa Wat Lokayasutha

Có tổng cộng 96 di tích và danh thắng ở Ayutthaya, trong đó, Wat Mahathat, một tu viện hoàng gia khi xưa với kiến trúc gồm hơn 200 tháp lớn, nhỏ liên hoàn, đang là nơi lưu giữ nét đẹp độc đáo là một cội bồ đề buông rễ phủ lấy phần gương mặt tượng Phật. Du khách khi đến nơi này thường tìm đến chiêm bái vẻ đẹp trầm mặc của pho tượng được xem là tiêu biểu cho vẻ đẹp của hình thái tượng Phật ở Ayutthaya.

Ayutthaya hôm nay, với những nét trầm mặc, cổ kính, dẫu là phế tích nhưng vẫn như đưa chúng tôi lạc vào cõi hư vô giữa nhịp đời náo nhiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cầu sông Kwai, cố đô Ayutthaya
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO