Bay xa với bộ ba Vùng Vịnh

P. NGUYỄN DŨNG| 04/09/2013 01:06

Hiện nay, nếu là doanh nhân đột xuất có nhu cầu phải bay sớm đến những thành phố lớn tại châu Âu thì có nhiều khả năng sẽ bay với Emirates Airline hoặc Qatar Airways, và từ đầu tháng 10/2013 trở đi có thêm Etihad Airways. Cả ba hãng xuất phát từ Vịnh Persic này đều có tần suất chuyến bay đến và đi từ Việt Nam cao hơn những hãng châu Âu lâu nay vẫn khai thác đường bay đến Việt Nam.

Bay xa với bộ ba Vùng Vịnh

Hiện nay, nếu là doanh nhân đột xuất có nhu cầu phải bay sớm đến những thành phố lớn tại châu Âu thì có nhiều khả năng sẽ bay với Emirates Airline hoặc Qatar Airways, và từ đầu tháng 10/2013 trở đi có thêm Etihad Airways. Cả ba hãng xuất phát từ Vịnh Persic này đều có tần suất chuyến bay đến và đi từ Việt Nam cao hơn những hãng châu Âu lâu nay vẫn khai thác đường bay đến Việt Nam.

Đọc E-paper

Etihad Airways sắp bay đến TP.HCM

Tỏa rộng và nhiều chọn lựa

Từ Doha, Qatar Airways bay đến TP.HCM từ tháng 3/2007, đến gần cuối năm 2010 mở thêm đường bay Doha - Hà Nội (ghé Bangkok). Tiếp đến là Emirates, từ Dubai bay đến TP.HCM kể từ mùa Hè 2012 với mỗi ngày một chuyến bằng máy bay Boeing 777-300ER. Etihad cũng sẽ dùng máy bay lớn ở tuyến bay mới Abu Dhabi - TP.HCM, mỗi ngày một chuyến.

Liên tục mở rộng mạng lưới đường bay quốc tế, cung ứng nhiều chuyến bay ở mỗi đường bay, có nhiều máy bay mới, giá vé cạnh tranh, khai thác sân bay nhà như một trục hàng không chuyển tiếp, cả ba hãng hàng không mới nổi này đang khiến cho những gã khổng lồ lão làng châu Âu phải xem lại chiến lược phát triển, còn các hãng hàng không quốc gia Đông Nam Á phải ra sức ứng phó. Chuyện không chỉ đang diễn ra tại Việt Nam mà còn tại Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines.

Theo Trung tâm Hàng không Châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) và Innovata, bộ ba Emirates Airline, Etihad Aiways và Qatar Airways hiện cung ứng mỗi tuần khoảng 210.000 ghế ở các chuyến bay non-stop đến và đi từ Đông Nam Á. Đến đầu tháng 11/2013, số ghế sẽ tăng lên gần 230.000 vì đây là lúc khởi đầu mùa di trú tránh Đông của khách châu Âu lớn tuổi và khá giả.

So với thời điểm tuần thứ nhất tháng 11/2011 thì vào tuần thứ nhất của tháng 11/2013, Emirates cộng thêm khoảng 39.000 ghế ở các đường bay từ Dubai đến Đông Nam Á, tăng đến 54%. Etihad Airways (hãng hàng không quốc gia của Các tiểu vương quốc Ả Rập), tăng đến 65% cung tải ở thị trường này (cộng thêm 19.000 ghế/tuần). Qatar Airways cũng chẳng vừa, cộng thêm 20.000 ghế/tuần, tăng khoảng 43%.

Việc ba hãng này giang rộng cánh bay đến Đông Nam Á, lấn khoảng trời lâu nay thuộc về các hãng hàng không châu Âu diễn ra khi các hãng châu Âu yếu thế vì kinh tế châu Âu khủng hoảng và khi các hãng hàng không quốc gia thuộc Đông Nam Á tạm ngừng phát triển đường bay xa liên lục địa để dành lực tập trung vào việc giành thị phần ở thị trường châu Á.

Thai Airways (THAI), hiện là hãng hàng không Đông Nam Á có cung tải cao nhất ở thị trường Đông Nam Á - châu Âu, sẽ cung ứng khoảng 64.400 ghế non-stop/tuần ở thị trường này trong tháng 11/2013, tức tăng khoảng 5% so với tháng 11/2011. Singapore Airlines (SIA), kém hơn THAI ở thị trường Đông Nam Á - châu Âu, tăng tải khoảng 13% và Malaysia Airlines (MAS) tăng khoảng 12%.

Từ châu Âu bay đến Đông Nam Á với lượng ghế cao nhất là hãng KLM (Hà Lan), cụ thể là cung ứng 15.600 ghế non-stop/tuần vào tháng 11/2013, tức tăng khoảng 3% so với tháng 11/2011. Trong khi đó, hãng Lufthansa giảm tải đến 27%, còn khoảng 11.600 ghế non-stop/tuần. Và British Airways (BA, Anh) cũng giảm khoảng 8%, còn 11.648 ghế/tuần.

Trong các hãng lớn thuộc châu Âu có tăng tải đáng kể đến Đông Nam Á chỉ có Air France (tăng 14% trong thời gian từ tháng 11/2011 - tháng 11/2013). Các hãng khác như SWISS (Thụy Sĩ), Austrian Airlines (Áo) và Finnair (Phần Lan) đều có số chuyến bay đến Đông Nam Á rất khiêm tốn, cụ thể là Finnair mới chỉ bay từ Helsinki đến Hà Nội hồi tháng 6/2013, Austrian và SWISS không bay đến Việt Nam.

Qatar Airways có đường bay đến Hà Nội, TP.HCM

Cạnh tranh lấn át

Thị trường vận chuyển hàng không Đông Nam Á - châu Âu sẽ ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn khi có thêm đường bay khai thác bởi Garuda Indonesia (Jakarta - London), Philippines Airlines và Norwegian Air Shuttle. Vào thời điểm tháng 11/2013, các hãng châu Á cộng chung cung ứng khoảng 182.500 ghế non-stop/tuần ở các đường bay đến châu Âu, tăng 3%. Phần các hãng châu Âu tăng tải khoảng 2%, lên thành 76.400 ghế non-stop/tuần.

Cần biết, trong 16 hãng đang khai thác các đường bay nối kết Đông Nam Á với châu Âu, Vietnam Airlines (VNA) xếp hạng 6 với 13.508 ghế (tính vào tuần đầu tháng 11/2013), trên Air France một hạng (13.394 ghế) và Lufthansa hai hạng (11.648 ghế). VNA hiện có các đường bay đến Paris, Frankfurt, Moscow và London (sân bay Gatwick).

Bộ ba Emirates, Qatar Airways và Etihad Airways chắc chắn sẽ tiếp tục chinh phục được nhiều hành khách hơn các hãng bay của VNA khi mà mạng lưới đường bay châu Âu của các hãng này không rộng lớn bằng. Trong khi THAI có 12 điểm đến tại châu Âu và SIA có 11 thì Emirates có đến 27 (đặc biệt mạnh ở thị trường Anh do bay đến 6 thành phố); Qatar, 18 và Etihad, 11.

Có nghĩa là vào bất cứ ngày nào trong tuần, từ TP.HCM, doanh nhân Việt Nam chỉ cần một chuyến bay dài khoảng 6 tiếng trên máy bay của Emirates Airline để đến Dubai và sau đó có thể nối chuyến đến 27 thành phố châu Âu. Có đội máy bay hùng hậu (đầu tháng 5/2013 đã có 200 chiếc, gồm 33 chiếc A380), Emirates mặc sức tăng tải lấn át các đối thủ. Chẳng hạn, từ tháng 10/2013, mỗi ngày hãng sẽ cung ứng 6 chuyến Dubai - Bangkok (gồm hai chuyến với máy bay khổng lồ A380). Qatar Airways mỗi ngày 4 chuyến Doha - Bangkok (một trong số đó bay tiếp đến Hà Nội), còn Etihad, 3 chuyến/ngày nối kết Abu Dhabi - Bangkok.

Emirates Airline hiện khai thác hơn 30 chiếc A380

Là địa chỉ du lịch hấp dẫn nên Bangkok là điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á của các hãng này. Sau khi hạ cánh xuống sân bay Suvarnabhumi, hành khách của Emirates và Etihad có thể dễ dàng bay nối chuyến đến nhiều thành phố du lịch khác tại Thái Lan, do hai hãng này có hợp tác liên danh với Bangkok Airways. Ngoài ra, Emirates và Qatar còn có đường bay đến Phuket.

Cạnh tranh tỏa rộng mạng lưới đường bay đến và đi Đông Nam Á cũng diễn ra giữa bộ ba. Qatar Airways hiện có 12 đường bay đến khu vực này (đã tính đường bay Yangoon khai trương hồi tháng 10/2012). Trong 12 đường bay ấy có 4 đường là chặng bay kéo dài: Bali, từ Singapore; Phnom Penh, từ TP.HCM; Hà Nội, từ Bangkok và Phuket, từ Kuala Lumpur. Xếp hạng nhì là Emirates với 7 đường bay (sẽ thành 8 đường sau khi thêm tuyến Dubai -Clark, Philippines vào đầu tháng 10/2013). Cũng từ thời điểm ấy, TP.HCM trở thành điểm đến thứ 6 của Etihad Airways tại Đông Nam Á. Hiện nay, Emirates, Etihad và Qatar được xem như bá chủ hai thị trường Jakarta, Manila do không có hãng nào khác cung ứng đường bay non-stop đến châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bay xa với bộ ba Vùng Vịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO