Xây dựng thể chế kinh tế: Đâu là nền móng?

TS. PHAN MINH NGỌC - (Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Chi nhánh Singapore)| 07/05/2014 04:22

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là gì? Câu hỏi cực kỳ quan trọng trong việc hoạch định đường lối kinh tế Việt Nam dường như vẫn chưa có câu trả lời khả dĩ.

Xây dựng thể chế kinh tế: Đâu là nền móng?

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là gì? Bất chấp đã tốn khá nhiều giấy mực, câu hỏi trên, một câu hỏi cực kỳ quan trọng trong việc hoạch định đường lối kinh tế Việt Nam dường như vẫn chưa có câu trả lời khả dĩ.

>Kinh tế dân doanh: Tứ bề thọ địch
>Đừng để doanh nghiệp tiếp tục mất niềm tin!

Khái niệm chính thống thường được trích dẫn vẫn là từ văn kiện Đại hội Đảng, cho rằng đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền XHCN hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong khái niệm trên có thể thấy, cụm từ “định hướng XHCN” được đồng hóa với cụm từ “có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền XHCN hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Như vậy, để có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo khái niệm trên thì cần phải thỏa mãn ít nhất 2 điều kiện: có một nền kinh tế thị trường; và có nhà nước pháp quyền XHCN để thực hiện chức năng “quản lý chặt chẽ” nền kinh tế thị trường đó.

Để xây dựng được nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trước tiên cần có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa

Nói cách khác, chỉ khi nào đã xây dựng được một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đồng thời thiết lập được nhà nước pháp quyền XHCN thì lúc đó nền kinh tế mới có thể được gọi là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Nhưng đến đây lại nảy sinh ra vấn đề, vậy nhà nước pháp quyền XHCN là gì?

Chỉ đến Đại hội VIII cụm từ “xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN” mới chính thức xuất hiện thay cho cụm từ “xây dựng nhà nước pháp quyền” như là một yêu cầu được đặt ra từ Đại hội VI. Tuy nhiên, trong kỳ đại hội đó và các kỳ đại hội tiếp theo, khái niệm “nhà nước pháp quyền XHCN” vẫn không được làm rõ, ngoài việc khẳng định bản chất “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” của nhà nước pháp quyền XHCN.

Trong bài viết "Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay - Từ lý luận đến thực tiễn" đăng trên Tạp chí Cộng sản Điện tử ngày 16/1/2014, ThS. Trần Kim Cúc viết: “Về mặt tư duy lý luận, có lẽ điểm khác biệt của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam so với các nhà nước pháp quyền khác là ở cơ chế vận hành của nhà nước, bởi vì ở các nhà nước pháp quyền tư sản thì cơ chế vận hành phổ biến là “tam quyền phân lập”. Việc Đảng ta xây dựng cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, chính là dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nhà nước và pháp luật”.

Nhưng lời giải thích trên lại vấp phải sự mơ hồ khác ngay ở sự thừa nhận “có lẽ...”, chưa kể đến những vấn đề phát sinh thêm là “quyền lực nhà nước thống nhất” thì liên quan thế nào đến, và nhà nước như vậy có nhất thiết nên được gọi là “nhà nước pháp quyền”.

Cũng vì mơ hồ như vậy nên sau Đại hội XI, một số nhiệm vụ đã tiếp tục được đặt ra cho các nhà lý luận của Đảng, trong đó có “cần xác định rõ những đặc trưng XHCN của nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng”, và “cần làm rõ cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. (cùng bài viết trên)

Thực tế trên cho thấy, việc đi tìm lời giải thích cho một khái niệm vẫn còn mơ hồ là “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” lại dẫn ta đến một khái niệm không kém mơ hồ khác có liên quan mật thiết là “nhà nước pháp quyền XHCN”. Và do đó, không khó hiểu khi các chuyên gia, quan chức và chính trị gia đã đưa ra những lý giải riêng của mình về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Chẳng hạn, mới đây nhất, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là nền kinh tế hoạt động theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, và lợi nhuận được phân phối theo quan niệm của người cộng sản. Đó là khi tài nguyên, khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, thì lợi nhuận phải được điều tiết bằng thuế theo quy luật kinh tế thị trường" (trong bài “Chúng ta vẫn đang do dự đi theo thị trường” đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 3/5/2014).

Dễ thấy rằng lý giải như trên cũng không ổn khi nó lại đưa ra một khái niệm cũng hết sức mơ hồ khác là “lợi nhuận được phân phối theo quan niệm của người cộng sản”, vốn xem ra không liên quan gì đến cũng lời giải thích tiếp theo đó của ông Kiên rằng “lợi nhuận được điều tiết bằng thuế theo quy luật thị trường”.

Tóm lại, công cuộc đi tìm khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” xem ra sẽ là một cuộc trường chinh, tuy cũng có thể chưa đến mức vô vọng như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thẳng thừng: “Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm” (bài “Cải cách thể chế từ câu hỏi chưa có lời giải” đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 3/5/2014).

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam nên loay hoay thử nghiệm hết mô hình kinh tế này đến mô hình kinh tế khác.

Điều cần làm là phải xây dựng cho được một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, để được thế giới công nhận, và thôi phân biệt đối xử làm tổn hại đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Điều này là thiết yếu, vì bất kể nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN” có được hiểu và hoạch định ở Việt Nam thế nào chăng nữa thì nó vẫn cần và vẫn phải được xây dựng trên nền móng của một nền kinh tế thị trường thuần túy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng thể chế kinh tế: Đâu là nền móng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO