Vịnh Hạ Long và những câu chuyện "bán di sản"

BÍCH HỒNG| 08/08/2014 07:18

Dư luận gần đây xôn xao khi cho rằng Vịnh Hạ Long có khả năng bị bán đứt, hoặc bán từng phần cho Tập đoàn Bitexco khi đơn vị này xin giao quyền quản lý và khai thác dịch vụ trong vòng 50 năm.

Vịnh Hạ Long và những câu chuyện

Dư luận gần đây xôn xao khi cho rằng Vịnh Hạ Long có khả năng bị bán đứt, hoặc bán từng phần cho Tập đoàn Bitexco khi đơn vị này xin giao quyền quản lý và khai thác dịch vụ trong vòng 50 năm. Hầu như ai cũng hoang mang khi nghĩ đến viễn cảnh một Di sản Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận như Vịnh Hạ Long lại trở thành "sở hữu" của một nhóm các nhà đầu tư nào đó!

Đọc E-paper

Nha Trang

Những di sản thiên nhiên đã... bán!

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa được người Pháp phát hiện và xây dựng thành khu nghỉ mát đầu thế kỷ XX. Sau nửa thế kỷ lãng quên trong chiến tranh, bị phá rừng, phá nhà cửa sau hòa bình, đầu những năm 2000, Bà Nà - Núi Chúa được thành phố Đà Nẵng tái khởi động thành khu nghỉ mát.

Khu bảo tồn thiên nhiên tiếp tục bị tổn thương vì những xây dựng mới. Còn nhớ có thời kỳ Bà Nà bắt đầu thu hút vài chục nghìn khách mỗi năm, nhưng ai đến trở về cũng thất vọng khi đi dạo trên những ngọn núi trơ trụi, khách sạn, nhà nghỉ xây cất thiếu quy hoạch, thiết kế xấu, cảnh quan bôi bác lem nhem.

Khách đến nhưng không biết làm gì vì khu nghỉ mát quá nghèo các loại hình giải trí. Đà Nẵng lúng túng với câu hỏi: "Làm gì ở Bà Nà-Núi Chúa để biến nơi này thành một điểm du lịch sinh thái tầm quốc tế, bảo vệ được đa dạng sinh học và môi trường?".

Sự thay đổi đã đến. Các nhà đầu tư nhỏ đã rút lui, nhường chỗ cho Tập đoàn Sun Group, những nhà đầu tư gốc Việt đến từ Ukraine. Ban quản lý Khu du lịch Bà Nà - Núi Chúa giải thể. Sun Group được giao quyền đầu tư xây dựng, khai thác dịch vụ toàn bộ khu nghỉ mát cũ, tính ngay từ chân núi.

Sau hơn 5 năm xây dựng với kinh phí trên 300 triệu USD, Bà Nà Hills hiện là điểm đến làm nổi bật thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Tại đây có khách sạn cao cấp, khu vui chơi giải trí hiện đại, làng văn hoá Pháp, khu bảo tồn các loại bướm, phong lan và cây bản địa, hai đường cáp treo đạt 4 kỷ lục thế giới, đường tàu hỏa lên núi...

Bà Nà Hills sẽ phục vụ khoảng 2 triệu lượt khách tham quan trong năm 2014, với mức chi tiêu từ 1-4 triệu đồng/người/ngày. Khi khu vực này được giao cho doanh nghiệp, các khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, nạn phá rừng của dân địa phương giảm hẳn. Có thể lạc quan nhìn vào tương lai của khu du lịch thiên nhiên này.

Cũng tại Đà Nẵng, còn có một dự án khác là InterContinental Đà Nẵng tại bãi Bắc Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Thiết kế xây dựng khu nghỉ mát giao cho kiến trúc sư hàng đầu thế giới, với mục tiêu cam kết không ảnh hưởng đến môi trường và bảo vệ rừng đặc dụng.

Quá trình xây dựng dự án, xảy ra việc kiến trúc sư nổi giận muốn ngưng hợp đồng vì công nhân đã phá cây rừng ngoài phạm vi cho phép. Việc ngưng hợp đồng có khả năng vị kiến trúc sư phải đền tiền nhưng ông này vẫn chấp nhận do thất vọng về đối tác.

Tuy vậy, Ban lãnh đạo Tập đoàn Sun Group là những người hiểu việc, họ đã bay sang Mỹ tìm kiến trúc sư, xin lỗi và thuyết phục ông trở lại làm việc. Chính nhờ thái độ tận tâm với nghề, tinh thần giữ gìn môi trường là ưu tiên số 1 của các dự án du lịch sinh thái nên vị kiến trúc sư đã cho các nhà đầu tư vào Sơn Trà một bài học sâu sắc về văn hóa kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Hai dự án thuộc dạng giao tài nguyên thiên nhiên cho nhà đầu tư thành công là do Đà Nẵng tìm được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, có tầm nhìn xa khi chấp nhận hoạt động theo các tiêu chuẩn khắt khe bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của các tổ chức quốc tế.

Hai yếu tố kết hợp tạo ra sự thành công của dự án. Cùng quan điểm này, Đà Nẵng quy hoạch rất nhiều bãi biển và giao cho các resort "giữ hộ”. Sự tranh cãi về người dân là chủ nhân đích thực của bãi biển chưa bao giờ chấm dứt. Nhưng quan điểm giao phần lớn bãi biển cho các dự án du lịch cao cấp đã giúp giữ gìn tốt môi trường.

Những bãi tắm công cộng được quy hoạch hợp lý, quản lý chặt chẽ vệ sinh môi trường, an toàn và giá cả dịch vụ phù hợp với người thu nhập thấp.

Nha Trang cũng giao khá nhiều đảo nằm trong các vùng lõi của danh thắng Vịnh Nha Trang cho một vài tập đoàn lớn khai thác như trường hợp Vincom đầu tư vào Hòn Tre. Khi đã giao cho doanh nghiệp quản lý khai thác, dịch vụ của dân địa phương phải sắp xếp hợp lý, đảm bảo lợi ích của các bên.

Việc giao một số khu vực đảo, bãi biển cho doanh nghiệp từng gây nên làn sóng phản đối cho rằng vi phạm vào các vùng lõi bảo vệ di sản. Từng xảy ra chuyện lãnh đạo Khánh Hòa trong lúc bức xúc, đã phát ngôn với báo chí đòi trả danh hiệu "Danh thắng quốc gia" của Vịnh Nha Trang vì gặp khó khăn trong đầu tư du lịch!

Giải quyết hài hòa giữa mục đích phát triển và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên luôn là một thách đố, khi giữa hai mục đích này còn rất nhiều lợi ích nhóm chi phối, chuyện khá phổ biến trong đầu tư kể cả Nhà nước và tư nhân!

Vịnh Hạ Long

Tương lai nào của Vịnh Hạ Long?

Dự án mới đề xuất của Bitexco với chính quyền tỉnh Quảng Ninh, xin giao quyền quản lý và khai thác 50 năm đối với Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long thật sự gây sốc với dư luận. Giá trị của hai vịnh này rất quan trọng trong tầm phát triển kinh tế tổng thể quốc gia, và có tầm quan trọng thế giới trong bảo tồn một bảo tàng thiên nhiên về quá trình kiến tạo địa tầng khu vực.

Vài chục năm qua, du lịch không ngừng tăng trưởng về đầu tư và lượng khách, thì trở lại Vịnh Hạ Long, du khách vẫn bắt gặp những làng chài nghèo khổ không tìm được thu nhập cao từ di sản.

Trình độ kinh doanh dịch vụ và quản lý môi trường, bảo vệ di sản ở đây đã làm không ít công ty du lịch quốc tế tẩy chay vì quá nhiều vi phạm bảo vệ thiên nhiên và môi trường của Vịnh Hạ Long tổn hại nặng nề do hoạt động của các làng chài và du lịch.

Du khách ngán ngẩm vì hạ tầng du lịch kém cỏi, giá cả đắt đỏ, không đảm bảo an toàn. Nhiều du khách phải nhận xét, không có địa điểm du lịch nào trong nước hạ tầng nhếch nhác bằng Hạ Long. Kéo dài tình trạng này, chẳng những không bảo vệ được danh thắng, mà còn lãng phí tài nguyên.

Sẽ không bao giờ chấm dứt được việc tranh luận người dân có quyền lợi và có phải chủ nhân đích thực một di sản thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long hay không?

Nào là việc giao quyền cho Bitexco, một tập đoàn tư nhân quản lý là... rất vô lý! Câu trả lời của chính quyền tỉnh Quảng Ninh có thỏa đáng hay không là ở việc họ tìm được đối tác đủ tầm cỡ về trình độ quản lý, khai thác di sản này thế nào, có đáp ứng mục tiêu nhân văn, bảo vệ di sản và phát triển kinh tế hay không?

Sự nhượng bộ, chia sẻ lợi ích sẽ xảy ra ở mức độ ít gây tổn hại cho di sản, không bán rẻ tài nguyên luôn là vấn đề dư luận quan tâm, và họ có lý khi dành sự quan tâm cao như vậy! Dư luận có quyền nghi ngại và nhà đầu tư phải làm những việc thực tế để thuyết phục dư luận ở các dự án nhạy cảm.

Việc giao quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên cho doanh nghiệp đã có tiền lệ và kinh nghiệm từ Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, có chăng là giao ở mức độ nhỏ hơn nhiều so với dự án tại Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.

Các vấp váp từ các dự án Đà Nẵng và Nha Trang cho thấy việc chia sẻ quyền lợi giữa nhu cầu phát triển kinh tế, nâng cao điều kiện tìm việc làm và thu nhập của người dân , bảo vệ di sản và lợi nhuận của dự án thường xuyên mâu thuẫn khi các quy định pháp lý chưa nghiêm ngặt.

Những người quan tâm đến Vịnh Hạ Long tất nhiên sẽ muốn nhà đầu tư trả lời những câu hỏi, như mức độ ảnh hưởng của việc xây dựng dự án với di sản cụ thể thế nào. Bản sắc văn hóa làng biển sẽ bảo tồn ra sao khi chính UNESCO cũng khuyến nghị di dời các làng chài lên bờ?

Với các dự án mới, người dân ở đây có cơ hội lớn hơn không? Quyền lợi của du khách nội địa so với khách quốc tế? Và rút cục, Bitexco có đủ năng lực tài chính và tầm nhìn để biến Vịnh Hạ Long trở thành địa danh nổi tiếng thế giới là "Thiên đường du lịch cảnh quan quyến rũ và giàu cảm xúc nhất thế giới" hay không?

Dù còn nhiều phương án phải bàn cãi nhưng phải có khát vọng tìm tương lai cho Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, vấn đề là cái giá phải trả cho phát triển liệu có quá đắt và thế hệ mai sau có thể khắc phục nổi những hậu quả của hôm nay hay không.

>Vịnh Hạ Long: Bao giờ “gà đẻ trứng vàng”?
>Công bố vịnh Hạ Long là kỳ quan thế giới mới
>
Đấu thầu quyền kinh doanh Vịnh Hạ Long

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vịnh Hạ Long và những câu chuyện "bán di sản"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO