Vì sao NHNN kiểm soát mức chia cổ tức ngân hàng?

14/04/2015 09:07

Việc chia cổ tức trong tình trạng hiện nay sẽ làm suy yếu năng lực tài chính của ngân hàng. Lượng vốn sở hữu là ảo trong khi chia cổ tức lại là lấy tiền thật.

Vì sao NHNN kiểm soát mức chia cổ tức ngân hàng?

Tăng mức trích lập dự phòng và "dọn dẹp" lại giá trị tài sản là hai trong nhiều cách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dùng đề xử lý nợ xấu, thông qua việc kiểm soát mức chia cổ tức của các Ngân hàng Thương mại (NHTM) hiện nay.

Là một trong những ngân hàng khởi động cho mùa Đại hội cổ đông 2015, Ngân hàng Quốc tế (VIB) công bố một năm ăn nên làm ra với mức lợi nhuận sau thuế năm 2014 lên đến 648 tỉ đồng, gấp 8 lần so với năm 2013.

Và có lẽ để bù đắp lại cho việc không chia cổ tức trong năm ngoái, năm nay Hội đồng Quản trị VIB đề xuất chia cổ tức lên đến 11% bằng tiền mặt (cao hơn cả mức chia cổ tức trong năm 2012 là 10%). Tuy nhiên, cuối cùng mức cổ tức đưa ra để bỏ phiếu đồng thuận chỉ là 9%. Theo VIB, đó là mức chia cổ tức đã được Ngân hàng Nhà nước xét duyệt.

VIB không phải là ngân hàng duy nhất chịu sự điều chỉnh về mức cổ tức dự kiến. Mới đây, LienVietPostBank đã tổ chức xong Đại hội cổ đông với mức cổ tức thực tế cũng giảm so với dự kiến, mặc dù lợi nhuận làm ra trong năm 2014 là tốt hơn. Danh sách các ngân hàng giảm cổ tức đang ngày một dài ra.

Một trong những lý do đầu tiên để NHNN kiểm soát lại cổ tức đó là mức trích lập hiện nay của các ngân hàng còn quá thấp. Trả lời báo giới, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết các ngân hàng cần phải ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh tập trung xử lý nợ xấu, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động.

Thực ra, ít có ngân hàng “dám” trích lập cao vì điều này cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận bị ảnh hưởng ngay trong năm. Hơn nữa, tỉ lệ nợ xấu cao đồng nghĩa thừa nhận danh mục cho vay của họ là thiếu hiệu quả.

Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng như Ngân hàng Nhà nước đã từng thừa nhận, có nhiều ngân hàng đã âm vốn “kỹ thuật” vì những khoản nợ xấu này. Tuy nhiên, những ông chủ ngân hàng thường có tâm lý chờ đợi sự phục hồi của giá trị tài sản, trong đó phần lớn là bất động sản, để giúp ngân hàng lấy lại vốn.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, điều này càng nghiêm trọng hơn nếu đặt mức trích lập thấp trong bối cảnh vốn ảo hiện hữu ở một số ngân hàng vì sở hữu chéo.

“Chia cổ tức trong tình trạng này sẽ làm suy yếu năng lực tài chính của bản thân ngân hàng đó. Sở hữu chéo khiến cho lượng vốn ở các ngân hàng là ảo, trong khi chia cổ tức lại là lấy tiền thật ra”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, một dấu hiệu tích cực là hiện Ngân hàng Nhà nước đang rất quyết tâm trong việc xử lý nợ xấu. Chính sách kiểm soát cổ tức này hướng đến mục tiêu như vậy, thông qua con đường tăng cường trích lập dự phòng.

Dù việc kiểm soát mức chia cổ tức là hy hữu, chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nhưng “đặt trong bối cảnh hiện nay thì chính sách này là tích cực và bước đi này của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp”, ông Tuấn nhận xét.

>>Ngân hàng Nhà nước ấn định chỉ tiêu chia cổ tức
>>
Ảm đạm mùa cổ tức ngân hàng

Trên thực tế, đây cũng có thể coi là động thái “dự phòng” của các nhà điều hành chính sách. Năm 2014, các ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng nhiều hơn những năm trước đây, theo hàng loạt các quy định mới như Thông tư 02, hay gần đây là Thông tư 36. Tuy nhiên, rõ ràng là vẫn chưa đủ và theo dự kiến, mức trích lập trong năm nay sẽ còn nhiều hơn vì Thông tư 09/2014 về cơ cấu và phân loại nợ đã hết hiệu lực thi hành vào ngày 1.4 vừa qua.

Theo đó, các khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại sẽ phải chuyển xuống nhóm nợ xấu hơn. Còn trước đó, trong Chỉ thị 02 hồi đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, trong đó có việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

Trong khi mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là hướng đến sự an toàn của hệ thống thì chính sách kiểm soát cổ tức này có vẻ như thiệt thòi đối với những cổ đông hiện hữu của ngân hàng, nhất là những ngân hàng không thuộc diện tái cấu trúc bắt buộc và kinh doanh bình thường, có lãi.

Hơn nữa, thị giá cổ phiếu của ngành ngân hàng tuy biến động nhiều nhưng mức giá lại không cao, nên cổ đông cũng ít có cơ hội nhận được giá trị từ chênh lệch giá cổ phiếu.

Mặt khác, việc chia cổ tức là quyền lợi của cổ đông sau mỗi năm gắn bó với doanh nghiệp. Mức chia như thế nào là tùy thuộc vào lợi nhuận làm ra và chiến lược cụ thể của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, mùa đại hội năm nay bỗng trở nên kém vui với những cổ đông hiện hữu, bởi họ không còn là người bỏ phiếu để quyết định mức cổ tức được chia trong năm nữa.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, những cổ đông này buộc phải chấp nhận nỗi đau. Họ phải chịu rủi ro vì sự thiếu kiểm soát trong hoạt động của ngân hàng. Đã có nhóm cổ đông của một ngân hàng buộc phải ra đi khi ngân hàng này bị mua lại với giá 0 đồng.

Tương tự, cổ đông cũ của các ngân hàng khác buộc phải chấp nhận mất vốn và thay thế bằng nhóm cổ đông khác có tiền thực đổ vào để dọn dẹp lại tài sản. Điều này mang một ý nghĩa tích cực. Đó là giá trị của ngân hàng có cơ hội tăng trở lại trong tương lai, từ đó mang lại giá trị tiềm năng cho những cổ đông tiềm năng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại xung quanh chính sách kiểm soát cổ tức này. Đó là việc các ông chủ ngân hàng có thể đổ thừa trách nhiệm giải trình về mức cổ tức của Ban quản trị và Ban điều hành cho cơ quan quản lý.

Trong khi đó, thị trường vẫn nghi ngại giới điều hành chính sách thì làm sao biết được cụ thể mức cổ tức bao nhiêu là phù hợp với chiến lược của từng doanh nghiệp trong từng thời kỳ nhất định.

Theo ông Tuấn, cần phải ban hành chính sách kiểm soát cổ tức theo chuẩn mực, tức phải có những điều kiện cụ thể để giới quan sát biết được khi nào thì ngân hàng đủ điều kiện để trả cổ tức và được phép trả trong mức nào, nhằm hạn chế việc thương lượng giữa các bên (Lấy ví dụ, có thể đưa ra quy định: nếu tỉ lệ nợ xấu ở mức 3,5% thì ngân hàng chỉ được trả cổ tức trong khoảng 5-10%, còn nợ xấu dưới 3% thì không áp dụng giới hạn về mức chi trả cổ tức).

Bên cạnh đó, chính sách phải có lộ trình nhất định, chẳng hạn như áp dụng trong vòng 3 năm, để tránh tình trạng kéo dài “đặc quyền” của mình.

>>Mùa canh cổ tức
>>
Cổ tức khủng chưa phải là thực chất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao NHNN kiểm soát mức chia cổ tức ngân hàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO