Về quê ăn Tết

LÊ MINH QUỐC| 13/02/2013 00:02

Ngày Tết, ai cũng có một quê nhà để về, không về được thì bứt rứt khôn nguôi.

Về quê ăn Tết

Ngày Tết, ai cũng có một quê nhà để về, không về được thì bứt rứt khôn nguôi. “Về quê ăn Tết”, chỉ bốn từ bình dị như sắn, như khoai nhưng gợi trong tâm tưởng của bao người một âm vang da diết.

Đọc E-paper

Tôi đi giang hồ từ năm mười sáu
Còn quay đầu nhìn lại Ngũ Hành Sơn.

Trong những ngày cuối năm, gió rét tràn về, lá vàng bắt đầu lãng du trên mặt phố Sài Gòn thì tôi lại nhớ đến câu thơ đã viết. Nhớ, vì đó là lúc tôi chuẩn bị quay về quê nhà Đà Nẵng.

Ngày Tết, ai cũng có một quê nhà để về, không về được thì bứt rứt khôn nguôi. “Về quê ăn Tết”, chỉ bốn từ bình dị như sắn, như khoai nhưng gợi trong tâm tưởng của bao người một âm vang da diết.

Đôi lúc tôi lẩn thẩn tự hỏi, sao cứ phải là ăn Tết? Chẳng lẽ trong 365 ngày của một năm có lúc nào ta không ăn? Nghĩ như thế quả là... ngốc.

Tôi đã trách tôi như vậy. Ăn trong ngày Tết, không chỉ đơn thuần là bữa ăn của những người đang sống trên dương thế, mà còn là dịp cùng ăn với người quá cố, với tiền nhân khuất bóng.

Ý nghĩa thiêng liêng của ăn Tết là ở chỗ đó.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh hoàn toàn chinh phục được cái suy nghĩ lẩn thẩn của tôi khi ông viết: “Tết không chỉ là ngày lễ của người sống, nó còn là, chủ yếu là ngày lễ của những người chết. Chính trong ba ngày Tết, những người đã chết thực sự tham gia vào cuộc sống của gia đình và con cháu mình. Ngày hôm trước đó, bằng một lễ nhỏ, người ta thỉnh rước tất cả họ về cùng dự Tết với gia đình. Rồi mỗi ngày hai lần người ta mời họ dùng hai bữa cơm chính, chưa kể các cuộc dâng trà, hoa quả, bánh trái. Cuối ngày thứ ba hay thứ tư, là lễ lớn tiễn đưa và các linh hồn được coi như trở về thế giới bên kia, mang theo những lời chúc tụng và những lời tâm sự của người thân mà họ vừa chia sẻ cuộc sống trong mấy ngày và bây giờ họ để lại thế giới bên này, nhưng vẫn luôn theo dõi, ban phúc, bảo bọc”.

Ăn Tết còn là dịp để bày tỏ lòng biết ơn. Thật lạ, ông bà ta luôn dạy con cháu phải biết ơn những gì, những ai đã giúp mình dù ít, dù nhiều trong quá khứ. Hãy nghe: “Giã ơn cái cối, cái chày/ Nửa khuya giã gạo có mày có tao”.

Cứ nghe như một lời thủ thỉ tâm sự. Cái chày, cái cối kia không còn là vật vô tri vô giác mà nó đã là người bạn của những lúc “tối lửa tắt đèn” có nhau. Xã hội Việt Nam thuở xưa sống bằng nghề nông, thường ngày “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” thì ngày Tết “con trâu là đầu cơ nghiệp” cũng... ăn Tết.

Chiều ba mươi Tết, chuồng trâu, bò được dọn sạch sẽ và chúng được nghỉ xả hơi. Qua ngày mùng bốn, chúng được đưa ra đồng với cái lễ vui vẻ có cả bánh tét, bánh chưng hẳn hòi.

Sau khi khấn vái, người ta dán giấy vàng mã lên sừng trâu, bò, còn con nghé thì được dán giữa trán - như lời cầu chúc cho chúng luôn khỏe mạnh, không ốm đau. Cúng xong, bánh trái ấy được phân phát cho trẻ mục đồng. Ấy cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn với gia súc đã quanh năm gắn bó với mình “trên đồng cạn, dưới đồng sâu”.

Thuở sinh thời, nhà văn Sơn Nam có kể cho tôi nghe về một “truyền thống” tốt đẹp trong làng báo Sài Gòn vào dịp Tết. Rằng, ấn phẩm báo xuân, báo Tết thời trước ra đời ở trong Nam chính là từ tấm lòng “chịu chơi” của các vị chủ báo.

Vào dịp cuối năm, sau khi quyết toán xong sổ sách trong một năm, chủ báo cho thực hiện ấn phẩm đặc biệt này và giao cho ký giả, công nhân in, tạp dịch trong tòa soạn được quyền in ấn, phát hành rồi chia nhau hưởng lợi.

Nói nôm na ấy là cách thưởng “lương tháng 13” của chủ báo dành cho những người cộng sự đắc lực của mình trong suốt một năm cộng tác, gắn bó. Từ đó, báo xuân được duy trì mãi cho đến nay.

Ít ai ngờ rằng, ngay cả cái giếng trong nhà cũng... ăn Tết.

Tuổi thơ của tôi có những vạt mây trắng. Mây bay trên trời xanh lồng lộng bây giờ đã chìm khuất đâu đó trong trí nhớ, nhưng vạt mây từng soi bóng dưới giếng chắc vẫn còn.

Giếng nhà ông ngoại. Cái giếng cũ kỹ ấy là một thời kỷ niệm khó quên. Nước trong vắt. Mỗi chiều, bà con láng giềng thường đến múc nước. Tình làng nghĩa xóm thân mật và gần gũi lắm. Trong tôi vẫn còn nghe vọng lên âm thanh của những chiếc gầu va vào thành giếng. Âm thanh của tuổi thơ nhiều mộng mị xa vời.

Lớn lên, có lần đọc một khúc dân ca của người Campuchia, tôi nghĩ, đã có những cuộc tình bên cạnh giếng. Tại sao? Vì biết đâu trong đám trai làng ngày ấy, chắc rằng đã có lúc có người tần ngần nhìn xuống giếng sâu và thì thầm trong tâm tưởng: “Anh đi ra giếng một mình/ Chiếc bóng dưới nước long lanh đâu rồi?/ Chỉ nhìn thấy bóng em thôi/ Lúc em tắm để quên nơi giếng này”.

Tôi tạm dịch như thế, và thích tứ thơ này. Khi người con trai thất tình, không thấy bóng mình, chỉ thấy hình bóng người yêu năm xưa. Dịu vợi đến ngậm ngùi, đau đớn. Ấy là do tôi tưởng tượng, chứ cái giếng ngay trước nhà, làm gì có ai dám đứng tắm.

Lớn lên, đi xa nhưng mỗi lần nhớ về tuổi nhỏ, trong tôi vẫn luôn hiện lên hình ảnh cái giếng đó. Nếu biết nói, chắc nó sẽ kể cho tôi nghe nhiều thăng trầm năm tháng đã đi qua. Nó sẽ kể rằng, một ngày nọ, đã xa lắc xa lơ, khi trong nhà không còn một hạt gạo bỗng nhiên sáng mùng một Tết có người đến thật sớm.

Đến “đạp đất” mừng tuổi ông bà ngoại tôi chăng? Không, họ đến để mượn chiếc đòn gánh. Mượn trong ngày đầu năm là điều tối kỵ. Mà lại mượn cái đòn gánh đã mòn trên vai mẹ tôi từng ngày kiếm sống.

Lạ quá đi chứ? Nào ngờ đó là một phép lạ. Vì ra giêng ngày rộng tháng dài, bỗng gia đình ông bà ngoại tôi làm ăn phát đạt. Các cậu, dì mua may bán đắt đến diệu kỳ.

Những tiệm vàng mang chữ “Vĩnh” như Vĩnh Châu, Vĩnh Phát, Vĩnh Thuận... lần lượt được khai trương - một thời lừng lẫy ở chợ Cồn. Chuyện này, mẹ tôi đã kể tôi nghe trong một ngày đứng bên thành giếng nhà ông ngoại.

Khi tôi đi bộ đội về, việc đầu tiên tôi làm là lên nhà ông ngoại để tìm lại ngày tháng tuổi thơ. Kỷ niệm tốt tươi nhất trong đời tôi vẫn là ngày mùng một Tết, anh em tôi mặc quần áo mới chúc ông bà sống lâu muôn tuổi, để rồi được dì, cậu, ba mẹ lì xì những đồng tiền mới đựng trong phong bì đỏ chói.

Nhưng rồi tôi bàng hoàng nhận ra cái giếng ngày cũ đã không còn. Ngày tháng cũ đã mất. Chính vì thế, trong tập thơ Yêu em, Đà Nẵng có một đoạn tôi viết: “Em đi qua vườn bàn chân bước vội/ Nén nhang thơm trên bàn thờ ông ngoại/ Thơm hoài nỗi buồn về khuya.../ Quay về tuổi thơ không còn ai/ Chỉ gặp trên mái ngói tiếng chim lăn dài”.

Vì nhiều lý do, các dì, cậu đã bán một phần căn nhà cũ của ông bà ngoại và người mua đã lấp cái giếng ấy, lấy thêm đất dựng nhà. Kỷ niệm cũ của tôi đã chìm sâu dưới đất.

Đã chìm sâu cả trò chơi của tuổi thơ “Nào oẳn tù tì! Cái gì? Cái kéo/ Cũng kéo co nhau ngày Tết đến rồi/ Nồi bánh chưng cười con chim le lưỡi/ Chơi trò chơi nhỏ em gọi Tết ơi!”. Bây giờ cũng gọi Tết ơi! Nhưng lại thấy xa xăm quá đỗi...

Nay, tôi đã bước vào lứa tuổi biết “sợ Tết”. Bởi sợ thời gian đi qua nhanh quá đỗi. Dù vậy, giếng nước nhà ông ngoại vẫn còn trong văn vắt trong tâm tưởng của tôi.

Tôi lại nhớ đến Tết giếng, chiều ba mươi Tết bà ngoại tôi dán tờ vàng mã màu son rực rỡ trên thành giếng, trên đặt mâm quà Tết rồi khấn vái bà Thủy Long. Xong lễ, bà thả gầu xuống múc một gầu nước trong vắt để cúng đầu năm.

Làm sao có thể quên được câu thành ngữ: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Nhìn rộng ra, ta thấy, bao đời nay người ta dành ngày thiêng liêng nhất cho bên nội (cha), bên ngoại (mẹ) và thầy dạy nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và “tôn sư trọng đạo”.

Năm nay, tôi sẽ khai bút đầu Xuân như thế nào? Chưa rõ. Nhưng chắc chắn trong tâm trí của tôi sẽ nhớ đến mấy câu thơ còn ghi trong gia phả: “Cây có gốc mới sinh ra ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu/ Người ta nguồn gốc từ đâu?/ Có Tổ tiên trước rồi sau có mình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về quê ăn Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO