Vài suy nghĩ về vai trò của kinh tế Nhà nước

Ths. NGUYỄN LÊ VINH| 08/11/2013 04:57

Kinh tế Nhà nước (KTNN) tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho xã hội trong những năm qua. Tuy vậy, cũng có nhiều vấn đề cần được đặt ra khi các mục tiêu về hiệu quả và năng suất, về bảo toàn vốn chủ sở hữu không đạt được.

Vài suy nghĩ về vai trò của kinh tế Nhà nước

Kinh tế Nhà nước (KTNN) tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho xã hội trong những năm qua. Tuy vậy, cũng có nhiều vấn đề cần được đặt ra khi các mục tiêu về hiệu quả và năng suất, về bảo toàn vốn chủ sở hữu không đạt được.

>>Sao cứ phải là chủ đạo?

Kinh tế Nhà nước - “vai chính” trên “sân khấu kinh tế”

Trước tiên, cần làm rõ vai trò chủ đạo hay mục tiêu chiến lược của KTNN, nhằm tổ chức lại KTNN thành hệ thống có mục tiêu phù hợp để đạt hiệu quả.

Ở đây, KTNN được hiểu là tất cả các tổ chức kinh tế trong đó nhà nước làm chủ đại diện toàn bộ hoặc phần lớn vốn sở hữu, giữ quyền thành lập và điều hành hoạt động. Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và nhiều đơn vị sự nghiệp khác là các tổ chức điển hình của KTNN.

Về mặt lý thuyết, vai trò chủ đạo hay “vai chính” trên “sân khấu kinh tế” có thể là một hoặc kết hợp một số vị trí sau:

1. Chủ đạo về vốn sở hữu: khi vốn sở hữu trong toàn bộ nền kinh tế thuộc về một đối tượng nào đó đạt trên 50% hoặc ít hơn 50% nhưng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu vốn phân theo chủ sở hữu, thì đối tượng đó đóng vai trò chủ đạo về vốn và thường chi phối mọi hoạt động.

Vốn sở hữu có thể tăng lên hoặc giảm xuống dẫn đến vai trò chủ đạo có thể thay đổi.

2. Chủ đạo về ngành kinh tế: khi một hoặc vài ngành kinh tế quan trọng thuộc về hoặc chịu sự chi phối của một đối tượng, thường có sự sở hữu chính về vốn. Vai trò chủ đạo có thể ở khâu sản xuất hoặc khâu phân phối hoặc cả hai.

Chủ đạo về ngành thường dẫn đến độc quyền và nhiều quốc gia có luật để chống hoặc hạn chế sự độc quyền nhằm đảm bảo lợi ích chung cho toàn xã hội.

3. Chủ đạo về hiệu quả sử dụng vốn: hiệu quả là yếu tố khiến cho vốn ngày càng tăng lên và về lâu dài sẽ chi phối ngành hoặc toàn bộ nền kinh tế.

Vị trí chủ đạo về hiệu quả sử dụng vốn có tính chiến lược và sẽ giành chiến thắng chung cuộc khi xét tới quá trình lịch sử của ngành hoặc nền kinh tế.

4. Chủ đạo về quy mô GDP tạo ra: giá trị sản phẩm tạo ra lớn nhất được đo lường bằng doanh thu. Vai trò chủ đạo này thực ra là kết quả của việc nắm giữ được vị trí 1, 2 hoặc 3; hoặc sự kết hợp giữa các vị trí này.

5. Chủ đạo về an sinh xã hội và lợi ích cộng đồng: vai trò chính trong việc cung cấp sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) cơ bản và giá rẻ cho người dân; hoặc duy trì hoạt động kinh tế phi lợi nhuận vì lợi ích cộng đồng, dân tộc ít người…

6. Chủ đạo về khoa học kỹ thuật và nghiên cứu: vai trò tiên phong trong phát minh sáng chế, ứng dụng khoa học công nghệ và tạo sản phẩm mới.

7. Chủ đạo về chính trị và an ninh, quốc phòng: vai trò chính trong các ngành kinh tế liên quan đến chính trị, quốc phòng và an ninh quốc gia.

Ngoài ra, vai trò chủ đạo có thể về việc làm - tức có lực lượng lao động lớn nhất; về thu nhập tạo ra… Những vai trò này có thể trùng lặp một phần hoặc toàn bộ với những vị trí ở trên.

Để nắm vai trò chủ đạo, KTNN phải có được một hoặc kết hợp một số vị trí trên.

Vì sao KTNN không tròn “vai chính”?

Trước đây, vai trò chủ đạo của KTNN là về vốn sở hữu và kéo theo là chủ đạo về ngành và quy mô GDP thông qua việc xác lập sở hữu nhà nước với đa số nguồn lực sản xuất chính.

Thực tiễn cũng đã chứng minh KTNN không có được vai trò chủ đạo về hiệu quả với bằng chứng rõ nhất là trong thời gian dài không tạo ra khối lượng sản phẩm đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội và tương xứng với lượng vốn sở hữu. Điển hình nhất là ngành nông nghiệp trong những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80. Vì sao KTNN không thể chủ đạo được về hiệu quả?

Thực tế cho thấy năng suất lao động và hiệu quả quản lý trong KTNN không cao do lợi ích cá nhân đan xen và lấn át lợi ích chung, không rõ đối tượng thụ hưởng, dẫn đến vô hiệu hóa cơ chế giám sát.

Không có cạnh tranh cũng khiến cho năng suất, chất lượng lao động không thể cao hơn mức trung bình. Cơ chế “thi đua” thay thế cho cạnh tranh cũng đã chứng tỏ sự bất cập.

Chủ đạo về ngành kinh tế thường dẫn đến hình thành độc quyền ngành, lợi ích ngành và lợi ích nhóm, không có cạnh tranh nên hiệu quả thấp.

Nếu KTNN nắm độc quyền ngành thì ngoài những khiếm khuyết của mô hình độc quyền, còn có thêm yếu tố kém hiệu quả đặc trưng của KTNN như đã phân tích và như vậy, rất khó duy trì được cơ chế giám sát để vừa loại trừ được lợi ích nhóm, vừa nâng cao hiệu quả ngành lẫn hiệu quả xã hội.

Với những quy định chặt chẽ và chậm thay đổi, KTNN cũng rất khó dẫn đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để tạo sản phẩm mới mà bản chất là tạo ra sự thay đổi.

Thực tế cũng cho thấy chưa nước nào có KTNN nắm được vai trò chủ đạo trong lĩnh vực này. Do vậy, vai trò chủ đạo của KTNN có thể tập trung vào các vị trí chủ đạo về an sinh xã hội và lợi ích cộng đồng và chủ đạo về quốc phòng, an ninh. Những vị trí này ít chịu sự cạnh tranh, hiệu quả về kinh tế không phải là quan trọng hàng đầu.

KTNN chỉ nên đóng “vai chính” trong dịch vụ công

Việc thực hiện tốt những vai trò chủ đạo về an sinh xã hội và lợi ích cộng đồng và chủ đạo về quốc phòng, an ninh giúp cho KTNN đảm bảo được an sinh xã hội, công bằng, xóa đói giảm nghèo, thu ngắn cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm dân tộc, chăm lo đời sống người lao động có thu nhập thấp… Tức các vấn đề liên quan đến định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nói cách khác, KTNN đóng vai “chính diện” và “gương mẫu” để làm đối trọng và dẫn dắt những thành phần kinh tế khác đi theo quỹ đạo chính là phục vụ lợi ích chung cho số đông và cho toàn xã hội, khắc phục được một khiếm khuyết chính của kinh tế tư bản chủ nghĩa là chỉ đáp ứng nhu cầu của người có tiền và bỏ qua nhu cầu của người nghèo hoặc những đối tượng thiệt thòi khác, chạy theo hiệu quả kinh tế là chính.

Nên chăng xem đây là vai trò chủ đạo và nhiệm vụ chiến lược của KTNN?

Nếu xét rộng ra, vai trò kinh tế chính của nhà nước là cung cấp hàng hóa và dịch vụ công căn bản như quốc phòng, thực thi pháp luật, quản lý kinh tế, giáo dục, bảo hiểm và y tế… với chi phí là tiền thuế mà người dân và doanh nghiệp phải trả.

Đây là loại hình dịch vụ lớn nhất về quy mô với mức “doanh thu” tức tiền thuế lên đến 15 – 35% GDP tuỳ theo quốc gia. Ở Việt Nam, mức thuế và phí cũng hơn 25% GDP tuỳ theo năm.

Như vậy về bản chất, chính nhà nước mới đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Thông qua các dịch vụ công và điều khiển nền kinh tế bằng chính sách, nhà nước (chứ không phải KTNN) định hướng và điều khiển các thành phần kinh tế khác, điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nguồn nhân lực…

Chỉ có nhà nước mới kịp thời và đủ sức bảo vệ lợi ích chung của xã hội trước sức ép độc quyền và lũng đoạn của các tập đoàn tư bản đối với thị trường trong nước.

Nói cách khác, nên định vị lại KTNN giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, cần xem xét đến khả năng nâng cao vai trò chủ đạo của nhà nước trong nền kinh tế thị trường song song với việc thay đổi mục tiêu của KTNN nhằm nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vài suy nghĩ về vai trò của kinh tế Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO