Tự chủ kinh tế: Cạnh tranh bằng giá rẻ là tự sát

LÂM NGHI - Ảnh: QUÝ HÒA| 12/06/2014 09:30

Những biến động về chính trị, kinh tế hiện tại đang buộc Việt Nam phải thoát khỏi định vị giá rẻ nếu như muốn giành lại được sự tự chủ về kinh tế trong tương lai.

Tự chủ kinh tế: Cạnh tranh bằng giá rẻ là tự sát

Những biến động về chính trị với Trung Quốc và xu hướng ngày càng mở rộng hợp tác thương mại quốc tế hiện tại đang buộc Việt Nam phải thoát khỏi định vị giá rẻ nếu như muốn giành lại được sự tự chủ về kinh tế.

Các diễn giả tại Hội thảo "Doanh nhân và chủ quyền kinh tế" (từ trái qua): Chuyên gia kinh tế Lương Văn Lý, TS. Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ, ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM

Tiếng chuông cảnh báo từ Trung Quốc

Theo thống kê từ ngân hàng HSBC công bố tại hội thảo "Doanh nhân và chủ quyền kinh tế" do báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng 9 hội ngành nghề của TP.HCM tổ chức vào sáng 11/6, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Số liệu công bố từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt gần 50 tỷ USD, chiếm 19% kim ngạch xuất nhập khẩu so với các thị trường khác trên thế giới.

Cụ thể, ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Da Giày TP.HCM cho biết, hàng năm ngành dệt may nhập khoảng 8 tỷ USD vải từ thế giới, trong đó nhiều nhất là từ Trung Quốc với 47,81%. Quốc gia này cũng là đơn vị cung ứng vải và nguyên phụ liệu nhiều nhất cho ngành sản xuất da giày của Việt Nam với 35% trong 2,6 – 3,0 tỷ USD nhập khẩu mặt hàng này trên toàn thế giới năm 2013.

Kịch bản tương tự với ngành lương thực, thực phẩm khi Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ khoảng 70% mặt hàng trái cây tươi, rau quả của Việt Nam. Bên cạnh đó, năm 2013, Việt Nam xuất 6,6 triệu tấn gạo chính ngạch ra thế giới, trong đó Trung Quốc chiếm 33%.

Trong bối cảnh chính phủ Thái Lan đã chính thức cắt trợ giá gạo vào năm 2013 cho doanh nghiệp trong nước nên người Thái càng tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thế giới. Điều này tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt cho gạo Việt Nam trong việc chuyển hướng sang các thị trường khác, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết.

Lý giải về sự phụ thuộc này, ông Diệp Thành Kiệt cho biết có hai lý do chính. Một là vì ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam chưa phát triển nên không thể cung ứng đủ nhu cầu sản xuất trong nước.

TS. Lê Đăng Doanh phát biểu tại hội thảo

Lý do thứ hai, quan trọng hơn là vì định vị các sản phẩm của Việt Nam đang nghiêng về cạnh tranh giá rẻ. Khi chọn phân phối hàng phẩm cấp thấp thì chỉ có Trung Quốc là quốc gia có nguồn nguyên vật liệu, phụ kiện dồi dào, giá rẻ và thuận lợi nhất cho Việt Nam để nhập khẩu. Sự phụ thuộc là đương nhiên.

Tương tự ngành da giày, bà Lý Kim Chi cũng nhận định chính vì thị trường Trung Quốc không đòi hỏi cao về chất lượng, nên các đơn vị xuất khẩu gạo hay trái cây tươi, rau củ quả của cả nhà nước lẫn tư nhân đã chủ quan xuất sang Trung Quốc quá nhiều mà buông mất thị trường quan trọng khác.

Mở rộng sang câu chuyện giao thương với quốc tế, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh cho biết, Việt Nam đang là quốc gia tích cực hội nhập nhất trong khu vực khi liên tiếp gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, WTO và mới nhất là những nỗ lực trong đàm phán TPP, FTA với châu Âu.

“Song đây là sự hội nhập thụ động, vì chúng ta vẫn dùng lao động giá rẻ, các chính sách ưu đãi, giảm thuế để thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Điều này dẫn đến thực tế hiện thời Việt Nam chỉ đang phụ trách những khâu lắp ráp, công nghệ thấp cho thế giới, giá trị gia tăng không nhiều”, ông Doanh kết luận.

Cùng với bẫy thu nhập trung bình, thực tế đang dần chứng minh định vị cạnh tranh bằng giá rẻ đã làm Việt Nam mất đi sự tự chủ, dễ bị tổn thương trên trường quốc tế.

Tái định vị thương hiệu quốc gia

Các doanh nhân tham dự hội thảo
“Cơ hội để thay đổi” là nhận định chung của các doanh nhân và chuyên gia khi đặt nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh giao thương với Trung Quốc hiện tại, lẫn kế hoạch đón đầu các hiệp định thương mại quốc tế trong tương lai. Một trong những thay đổi đó chính là tư duy, tầm nhìn về giá trị thương hiệu của quốc gia.

TS. Lê Đăng Doanh nhận định: “Nền kinh tế của dân tộc chỉ mạnh khi chúng ta có được những doanh nghiệp lớn, có năng lực cạnh tranh cao trên trường quốc tế, như khi nói đến Nhật thì thế giới nghĩ đến Toyota, Honda. Nếu tiếp tục cạnh tranh về giá rẻ giống Trung Quốc thì chúng ta đang tự sát, “theo voi ăn bã mía” mà thôi”.

Để đi đến sự thay đổi này, về trung hạn, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường, phân tán quan hệ giao thương để tránh rơi từ sự lệ thuộc này sang sự lệ thuộc khác. Cụ thể, Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xúc tiến thương mại, tìm kiếm các đối tác giao thương mới. Đi kèm với đó là một hệ thống hành chính được điều chỉnh để hỗ trợ tối đa thay vì “hành” doanh nghiệp như hiện tại.

Về dài hạn, kinh tế thế giới đang chuyển dịch dần theo hướng một chuỗi cung ứng lớn. Trong đó, mỗi quốc gia sẽ chỉ tập trung khai thác thế mạnh của mình. Để hội nhập chủ động, một mặt kinh tế Việt Nam cần phát triển và hoàn thiện ngành công nghiệp phụ trợ để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Mặt khác, Việt Nam nên xác định thế mạnh của mình là gì trong chuỗi cung ứng toàn cầu và dồn lực để phát triển thế mạnh đó.

Theo ông Phạm Hồng Hải - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam, Chính phủ và doanh nghiệp trong nước cần chấp nhận thực tế Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh trên mặt bằng giá rẻ được nữa, mà phải nâng chất lượng sản phẩm. Điều này khó và cần nỗ lực trong thời gian dài do sự thiếu hụt về đội ngũ lao động giỏi, cơ sở hạ tầng, thói quen chuộng hàng ngoại, hàng giá rẻ của người tiêu dùng... Nhưng nếu quyết liệt làm sẽ mang lại lợi ích lâu dài trong tương lai.

Những biến động về chính trị với Trung Quốc và xu hướng ngày càng mở rộng hợp tác thương mại quốc tế hiện tại đang buộc Việt Nam phải thoát khỏi định vị giá rẻ nếu như muốn giành lại được sự tự chủ về kinh tế trong tương lai.

>Tự chủ kinh tế và toàn cầu hóa
>Tự chủ kinh tế: Trước tiên phải tự "cải cách"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tự chủ kinh tế: Cạnh tranh bằng giá rẻ là tự sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO