Triết học và kinh doanh với Bùi Văn Nam Sơn

KIM YẾN| 17/02/2015 07:23

Bàn tròn của một số doanh nhân với nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn những ngày đầu Xuân mới là những gợi mở đầy thú vị về mối quan hệ giữa tiền và triết học, để tìm đến một cách làm ăn mới hướng đến con người, hướng đến môi trường sống.

Triết học và kinh doanh với Bùi Văn Nam Sơn

Bàn tròn của một số doanh nhân với nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn những ngày đầu Xuân mới là những gợi mở đầy thú vị về mối quan hệ giữa tiền và triết học, để tìm đến một cách làm ăn mới hướng đến con người, hướng đến môi trường sống.

“Con sói” và những doanh nhân chân thật

Bàn về cuộc cách mạng tư tưởng đã làm thay đổi hoàn toàn khái niệm triết học kinh doanh, câu chuyện của nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn đưa ra khiến mỗi doanh nhân đều phải soi lại mình trong những khúc ngoặt đầy thử thách. “50 năm trước, mọi triết lý kinh doanh đều dạy con người như một chiến binh, phải bằng mọi giá để giành hợp đồng, giành lợi ích cho mình, đó là triết lý kinh doanh khai thác tối đa chỗ yếu con người, đào tạo đội ngũ doanh nhân trở thành những con sói dữ”.

Nhưng thời gian gần đây, ở những nước tiên tiến, triết lý kinh doanh đã thay đổi. Ở châu Âu có một trường phái khác. Họ không đào tạo con người thành sói, mà coi con người là đối tác, hỗ trợ nhau. Lần đầu tiên họ đưa ra hình ảnh doanh nhân chân thật, hiền lành, trung thực. Khái niệm “cùng thắng” khác hẳn với những chiến binh. Khái niệm Win- Win chính là triết học vì doanh nghiệp. Nó có được là nhờ mấy ông triết gia bàn về tình người, bàn về văn hóa.

Nhưng nhiều nước đang phát triển hiện vẫn còn mang tư duy doanh nhân phải là “sói dữ”. Nếu chỉ nhìn con người là đối tượng tiêu thụ hàng hóa thì không phải là kinh doanh. Phải nhìn con người dưới góc độ tâm hồn, suy nghĩ, sở thích... Những trường dạy kinh doanh cũng chính là để thực sự hiểu con người, không phải coi họ chỉ là khách hàng tiêu thụ thuần túy. Nếu không hiểu về con người sẽ triệt hạ kinh doanh.

Từ đây hình thành môn xã hội học, nhân học, nhìn con người đúng với con người nhất. Nếu chỉ dừng lại ở những tư tưởng cũ, không nhìn con người dưới sự thay đổi, chỉ khai thác con người, mà không bảo vệ con người, điều này tác động trực tiếp đến kinh doanh. Hậu quả là chiến tranh, xung đột. Trên quan niệm nối mạng, không có chuyện châu Âu hơn châu Á, hơn châu Phi. Khái niệm toàn cầu đặt các dân tộc ngang bằng nhau. Doanh nhân cũng là đối tác của nhau, ngang bằng nhau.

Nhìn vào những chuyển động trong đời sống doanh nhân, khi khủng hoảng chìm sâu, đặt con người trước bao thử thách, khá nhiều doanh nhân Việt Nam đã tìm đến đạo Phật, tìm đến Chúa, đọc Nguyễn Hiến Lê, tìm hiểu triết học... như một điểm tựa tinh thần.

Triết học không phải là phép lạ hay cẩm nang để trực tiếp giúp doanh nhân giải những bài toán về kinh doanh, về cuộc sống. Những vấn đề khó khăn ấy phần lớn thuộc về thể chế, chính sách, nguồn lực, phương pháp kinh doanh và cả sự may mắn nữa. Nhưng có lẽ vì triết học, theo đúng nghĩa của nó, khuyến khích ta đặt câu hỏi cũng như tự vấn về tất cả những vấn đề ấy một cách “căn cơ”. Còn có “sâu thẳm” hay không là tùy vào mức độ phản tỉnh cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Mở rộng phản tỉnh cho doanh nhân về tư duy kinh tế

Trước hết có lẽ cần phải phân biệt rõ giữa “triết lý kinh doanh” và “triết học cho doanh nhân”. Theo nghĩa hẹp, “triết lý kinh doanh” tương đương hoặc cao hơn chiến lược kinh doanh. Nó là định hướng chi phối mọi quyết định cụ thể. Cao hơn triết lý kinh doanh theo nghĩa hẹp là đạo lý kinh doanh, theo nghĩa là sự xác tín nội tâm, thậm chí là lý tưởng, lẽ sống của doanh nhân.

Triết lý kinh doanh dựa trên đạo lý có vai trò rất quan trọng. Ta nhớ ngay đến công trình nổi tiếng của Max Weber, một trong những ông tổ của ngành xã hội học, giải thích sự hình thành của chủ nghĩa tư bản hiện đại từ tinh thần của nền đạo đức Tin lành.

Theo giáo lý của Luther, ơn cứu độ của Thiên Chúa là một bí nhiệm, vì thế người tín đồ phải nỗ lực chứng tỏ trong cuộc sống: hợp lý hóa sản xuất, gia tăng sự giàu có, nhưng hết sức tiết kiệm trong chi tiêu và giữ gìn phẩm hạnh... như những chỉ dấu cho khả năng được cứu độ. Max Weber cũng tìm hiểu vai trò và ảnh hưởng của các nền tín ngưỡng và đạo lý khác (như Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo, Ấn giáo, đạo Islam...) để xét xem nền đạo lý ấy có khuyến khích hoặc cản trở sự phát triển kinh tế - một chủ đề rất thú vị và luôn gây tranh cãi cho đến ngày nay.

Triết học cho doanh nhân là chuyện khác. Đó là kho tàng tri thức được chắt lọc từ nhiều dòng triết học khác nhau, có thể được mọi người sử dụng để nâng cao kiến thức, mở rộng khả năng tư duy, cải thiện tầm nhìn về nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Nó là vốn văn hóa chung, đồng thời có thể rất bổ ích cho tư duy kinh tế và tư duy chiến lược trong kinh doanh.

Tất nhiên, triết học không dạy ta phải suy nghĩ cái gì, mà là suy nghĩ như thế nào. Nó mở rộng phản tỉnh cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Nó giúp họ nghĩ “khác” đi, giúp họ “suy nghĩ bên ngoài cái hộp” (Think out of the box). Nói như Thomas Edison: “Người ta chẳng bao giờ phát minh ra được đèn điện nếu cứ luôn loay hoay cải tiến cái đèn dầu”.

Doanh nhân thế giới đã áp dụng triết học trong kinh doanh như thế nào?

Nhiều tiếng nói phê bình các trường dạy kinh doanh thiếu quan tâm đến triết học đã bắt đầu cất lên. Trong quyển Rethinking Undergraduate Business Education của Quỹ Giáo dục Carnegie nổi tiếng, các tác giả cho thấy việc giảng dạy đơn thuần về kinh doanh không đảm bảo sự thành công và không ngăn ngừa được sự thất bại. Vậy, phải làm gì? Theo các tác giả, cần có cách tiếp cận tích hợp, kết nối các môn học kinh doanh với các bộ môn khoa học nhân văn (liberal arts) và xã hội, để đương đầu với những thách thức phức tạp của tiến trình toàn cầu hóa.

Thomas Hurka, giáo sư Đại học Calgary nhận xét: “Các nhân viên tốt nghiệp ngành triết tiến bộ nhanh hơn các đồng nghiệp chỉ có bằng cấp về kinh doanh”. Nhận xét này được Trung tâm Dữ liệu PayScale về tiền lương xác nhận: về trung hạn và dài hạn, những nhân viên có đào tạo về triết học và khoa học xã hội vượt qua những đồng nghiệp chỉ tốt nghiệp các ngành tiếp thị, truyền thông, kế toán và quản trị xí nghiệp.

Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới có quá trình đào tạo như thế, chỉ có điều ta ít biết về họ. Fiorina, Chủ tịch kiêm Giám đốc Hewlett-Packard Company, Sheila Bair, nữ Chủ tịch Quỹ Bảo hiểm Liên bang Mỹ dưới thời Tổng thống G. W. Bush, Herbert Allison Jr, cựu Giám đốc Công ty Fannie Mae khổng lồ... đều là những người tốt nghiệp chuyên ngành triết học.

Nổi tiếng nhất có lẽ là George Soros, Chủ tịch Soros Fund Management, người mang “nick name” là “kẻ phá tan Ngân hàng Anh quốc”, vốn là môn đệ của Karl Popper, một trong những triết gia lớn nhất của thế kỷ XX, tại London School of Economics. Danh sách này còn rất dài...

Ba sứ mạng của doanh nhân Việt Nam trong dòng chảy tư tưởng triết học đương đại

Những dòng tư tưởng triết học đương đại có ảnh hưởng mạnh đến việc thay đổi tư duy về con người, về thế giới và cả về kinh doanh... Một vài ý tưởng thoạt nghe khá xa vời nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chúng ta ngày nay. Thực ra, đó là sự kết tinh của những thành tựu trên nhiều lĩnh vực: triết học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, và cả văn học, nghệ thuật.

Nhìn một cái cây, chúng ta có thể thấy nó có ba tầng, rễ, thân, lá theo hình dáng tự nhiên. Nhưng các triết gia lại không nghĩ đơn thuần như thế. Họ đặt câu hỏi liệu có cần theo trình tự ấy không? Khi để một củ khoai tây tự nảy mầm, sẽ thấy bộ rễ phát triển chằng chịt theo kiểu nằm ngang, không còn ba tầng nữa. Chính tư duy viển vông đó hình thành triết lý hệ thống nối mạng, tư duy thế giới phẳng đa dạng, phối hợp, tạo ra sức mạnh.

Internet và mạng lưới truyền thông toàn cầu cũng như các tiêu ngữ quen thuộc như “thế giới phẳng”, “toàn cầu hóa”... cần được truy nguyên đến tận những nhận thức mới mẻ của lý thuyết hệ thống (và phản hệ thống), lý thuyết cấu trúc (và hậu-cấu trúc), lý thuyết hậu-hiện đại về sự nối mạng và sự hợp trội (emergence), thay thế cho cách nhìn truyền thống về trật tự thứ bậc.

Quan niệm mới mẻ về dân chủ, bình đẳng, đối thoại, hợp tác cũng là những hệ quả khác của cuộc “cách mạng tư duy” nói trên. Rồi cuộc “cách mạng xanh” trong tư tưởng và hành động cũng khó có thể hình thành nếu không được chuẩn bị từ cách nhìn khác về quan hệ giữa con người và thiên nhiên, về quyền sống của muôn loài, từ đó hình thành nền “đạo đức học về trách nhiệm”.

Trách nhiệm giải trình về mọi tiến trình không thể vãn hồi (khai thác tài nguyên...) là thuộc về người làm chính sách và người đầu tư, chứ không phải thuộc về những ai lên tiếng phản đối hay cảnh báo. Nhiều quy phạm đạo đức (bảo vệ tự nhiên, bảo vệ người lao động...) đã trở thành những quy định pháp luật trong kinh doanh quốc tế, góp phần thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng vô độ và vô trách nhiệm. Rõ ràng, nền kinh tế nào đi tiên phong trong nhận thức cũng sẽ đi tiên phong trong sáng tạo và phát triển bền vững.

Doanh nhân chúng ta là người đi sau, hơn ai hết phải gánh rất nhiều gánh nặng. Sau bao thăng trầm, doanh nhân Việt Nam ngày nay đảm đương trách nhiệm nặng nề “ba trong một” so với đồng nghiệp ở nhiều nước khác. Trước hết là đi đầu trong công cuộc hiện đại hóa đất nước. Đó là sứ mệnh “khai sơn phá thạch”, nhưng lại khó khăn gấp bội vì chúng ta đang có nguy cơ bị thế giới bỏ lại phía sau.

Để bắt kịp con tàu lịch sử, họ không thể đơn độc và vị kỷ, mà cần sự ủng hộ và chung sức của cả cộng đồng. Góp phần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, do đó, là gánh nặng thứ hai không thể thoái thác, bởi đó là “đầu tư” cho chính khách hàng của mình.

Thứ ba, nhờ vào các nguồn lực hơn hẳn so với nhiều thành phần khác trong xã hội, doanh nhân có điều kiện để trở thành một tầng lớp “tinh hoa” về văn hóa và lối sống, trở thành động lực dẫn dắt sự tiến bộ của xã hội.

Ông Lê Phước Vũ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen:

Tôi rất tâm đắc với ba sứ mạng của doanh nhân, ba sứ mạng đó tương tác với nhau rất chặt chẽ. May mắn của tôi được gặp gỡ đạo Phật, hình thành triết lý kinh doanh vì cộng đồng, quan tâm đến lợi ích chính đáng của mọi người.

Hiện nay, theo nhìn nhận của tôi, doanh nhân chính là tầng lớp tinh hoa của xã hội, họ càng thấu hiểu các giá trị nhân sinh trong sản xuất, kinh doanh thì càng dẫn dắt nền kinh tế đi theo hướng bền vững, trường tồn.

Nhưng nhiều người kinh doanh hiện nay thích áp phe nhiều hơn, thích đầu cơ cổ phiếu, bất động sản... với rất nhiều giá trị ảo.

Những vấn đề như vậy còn tồn tại thì làm sao tầng lớp doanh nghiệp tạo động lực cho đất nước phát triển? Đó chính là day dứt về đạo lý khiến doanh nghiệp phải luôn tâm niệm làm thế nào để sản xuất mà không tàn phá thiên nhiên, đem lại hạnh phúc cho con người.

Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Vui, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ:

Vai trò dẫn dắt của doanh nhân luôn khuấy động trong chúng tôi. Làm kinh doanh để làm gì?

Những lúc nản lòng tôi đã từng nghĩ đến việc nghỉ hưu sớm, điều này xô đẩy thế hệ tôi rất dữ dội trong những năm qua. Tôi rất tâm đắc với mô hình “củ khoai tây”, từ đó phải suy nghĩ lại về  cấu trúc công ty.

Không thể theo kiểu ban bệ từ trên xuống nữa mà phải thay đổi thành cấu trúc phẳng thì thông tin sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Làm thế nào phải như củ khoai cắm rễ thật sâu, thật rộng vào lòng đất để phát triển bền vững.

>Vẽ từ cảm hứng triết học
>Đôi dòng nghĩ suy... của một doanh nhân
>Khởi nghiệp và duy trì - Câu hỏi cho mọi doanh nhân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triết học và kinh doanh với Bùi Văn Nam Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO