Thiếu thế thôi

BÍCH HỒNG| 08/11/2013 08:53

Khi xem một chương trình ẩm thực đường phố thế giới chiếu trên kênh HBO, hẳn nhiều người Việt Nam sẽ không khỏi hồi hộp trước những hình ảnh giới thiệu ẩm thực Việt trên đường phố.

Thiếu thế thôi

Khi xem một chương trình ẩm thực đường phố thế giới chiếu trên kênh HBO, hẳn nhiều người Việt Nam sẽ không khỏi hồi hộp trước những hình ảnh giới thiệu ẩm thực Việt trên đường phố.

Đọc E-paper

Nhưng khi xem rồi mới thấy cần phải nói lời cảm ơn nhóm quay phim người Mỹ, họ đã rất giỏi tay nghề khi khoác lên những đoạn phim hiện thực vỉa hè Việt Nam những sắc màu "tử tế”. Dù ngồi ăn ở vỉa hè, nhưng thực khách nói tiếng Anh thành thạo, chỉ cho du khách cách ăn những món đặc sản kỳ lạ nhất Hà Nội.

Phố cổ Hà Nội, với sự ngạc nhiên của nhân vật chính về việc người Việt thích ăn uống trên vỉa hè, cảnh hàng rong và người xe hỗn độn nhưng có những nét rất đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

Và trong một cảnh thoáng qua thực khách của hàng đặc sản Chả cá Lã Vọng, có hình ảnh một phụ nữ đang đưa thức ăn lên miệng vô cùng duyên dáng, lịch sự. Nói thật người viết bài này đã rất lâu mới được ngắm một cử chỉ tao nhã như thế trong chuyện ăn uống của người Việt mình.

Có một doanh nhân trong ngành truyền thông từng ghi nhận, một trong ba người thầy tạo ra con người thành đạt là anh hôm nay là một cô giáo người Nga. Cô nhận nhóm sinh viên mới, chưa vội vã dạy kiến thức, mà bỏ tiền túi ra dẫn học trò đi xem múa ba-lê Hồ Thiên Nga, ngồi ở ghế ngoài cùng canh không cho sinh viên trốn về sớm.

Cũng cô giáo ấy tập cho sinh viên thói quen đến các triển lãm nghệ thuật, bảo tàng, dạy chúng khiêu vũ như những quý ông, dạy cách mở chai sâm-panh, cách ngồi trong nhà hát, cách bày bàn ăn, cách sử dụng dao nĩa... Cô trở thành một người mẹ đúng nghĩa, lo cho học trò từ bó hoa đi tặng bạn gái đến bệnh viện và bác sĩ tốt khi bị ốm.

Anh nói thế này: "Cô đã lớn tuổi, chúng tôi cũng không còn trẻ trung gì nữa. Nhưng lúc nào nhớ lại, tôi cũng nhớ về hình ảnh ngơ ngác của những con gà con chúng tôi, với một bà mẹ gà hùng dũng dẫn đầu, đi trên những con đường ngập sâu trong tuyết, những con đường trải đầy lá vàng, những con đường ẩm ướt và đầy mùi hoa tử đinh hương để đến với âm nhạc, hội họa và văn hóa... Sẽ mãi biết ơn cô, cô giáo của em!".

Câu chuyện của hai anh em du học sinh người Việt tại Mỹ kể cũng làm tôi phải nhớ mãi. Cô em gái chuẩn bị tốt nghiệp đại học, gọi cho người anh xin phép nhuộm tóc để chuẩn bị cho buổi lễ quan trọng ấy.

Nhưng ông anh không đồng ý, với những phân tích sắc sảo thuyết phục về vẻ đẹp của cô gái Việt với mái tóc đen. Điều kinh ngạc là người em gái nghe lời anh. Tôi đã hỏi người anh tại sao có uy tín thế?

Cậu ấy trả lời, tại vì cháu chăm sóc em gái với tất cả tình thương yêu, uốn nắn nó từng ly từng tí, uốn từ cái cách ăn nói kiểu bình dân đến chuyện đi đứng, ăn uống, học hành. Trong lúc cậu kể chuyện, tôi có thể nhìn thấy ánh mắt tự hào, hạnh phúc của người mẹ ngồi bên cạnh.

Ông bà ta không phải không chú trọng dạy dỗ ứng xử. Nào "Ăn trông nồi, ngồi coi hướng", hay "Miếng ăn là miếng tồi tàn"... Nhưng bây giờ trẻ em học bán trú, phần lớn thời gian ở trong trường, nhưng vấn đề uốn nắn hành vi, cách cư xử cho có văn hóa hình như chưa bao giờ được chú ý.

Những bữa ăn ở trường bán trú diễn ra vội vã, cốt sao các em ăn hết thức ăn, ăn càng nhanh càng tốt để các cô còn dọn dẹp. Các em được học vẽ, tô xanh tô đỏ, nhưng lại không được học kiến thức để thưởng thức cái đẹp của mỹ thuật, học cách yêu tác phẩm nghệ thuật. Học trò qua hết bậc phổ thông, khi rời ghế nhà trường có thể chưa bao giờ đặt chân vào bảo tàng, nhà hát.

"Học ăn, học nói, học gói, học mở", ông bà cũng đã truyền lại một kinh nghiệm giáo dục trẻ em trong câu đúc kết ngắn gọn này. Nhưng chúng ta thường quá nóng vội.

Cha mẹ trẻ nào cũng lo cho con đi học thêm văn, toán thật nhiều để ứng phó thi cử, học các lớp năng khiếu nhằm phát hiện thiên tài, nhưng cái căn bản nhất làm tiền đề cho trẻ em lớn lên thành những người văn minh, lịch sự, hiểu biết và nhạy cảm thì không được chú trọng.

Đặc biệt cách dạy con cũng phải khác xưa, không phải "ăn trông nồi" nữa vì không còn nghèo đói, thiếu thốn, mà ăn thế nào cho ra người lịch sự để chuẩn bị cho cuộc hội nhập đa văn hóa, phù hợp với cung cách sống hiện đại.

Mới đây, một người đã bức xúc viết trên trang cá nhân rằng: "Nếu muốn chứng kiến diện mạo văn minh chỗ công cộng của người Việt thảm họa thế nào, hãy mua một vé của hãng hàng không giá rẻ để trải nghiệm với các khách hàng Việt trên một chuyến bay mà ứng xử như giữa cái chợ".

Hay cũng mới đây, hàng ngàn bạn trẻ đã chen lấn, xô đẩy nhau để được thưởng thức sushi miễn phí tại một cửa hàng Nhật mới mở tại Hà Nội. Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy nhau để giành phần ăn diễn ra hàng giờ liền trên con phố làm cho giao thông tắc nghẽn.

Hình ảnh này khiến nhiều hướng dẫn viên du lịch ngại ngần phát biểu: "Người Việt mình đừng tự làm xấu hình ảnh đất nước trong mắt quốc tế!".

Chắc hẳn các bạn trẻ này không đói, cũng không hẳn không có tiền để bất chấp tất cả nhằm giành được món ăn miễn phí. Cái họ không có chỉ là học cách ăn, cách nhìn, cách ứng xử cho có văn hóa nơi công cộng...

Chỉ thiếu thế thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiếu thế thôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO