Tết khéo ăn, khéo co

HỒNG BÍCH| 20/01/2014 05:25

Cái thời bao cấp khốn khổ đã qua lâu, nhưng thật ngạc nhiên khi cuộc sống cũ hình như đang quay lại với nhiều người ở những khía cạnh mới.

Tết khéo ăn, khéo co

Tự cung là gì? Nói cho đầy đủ cụm từ thì là "tự cung tự cấp" của một thời đã xa, thời mà con người bị bắt buộc phải sống trong một xã hội thiếu dịch vụ, thậm chí nhiều vùng còn không có chút dịch vụ nào. Tôi chợt nhớ lại cái thời bao cấp khốn khổ đó và không ngừng ngạc nhiên khi cuộc sống cũ hình như đang quay lại với nhiều người ở những khía cạnh mới.

Đọc E-paper

Này nhé, nhà chúng tôi ở trên một con đường lớn của thành phố, nơi tập trung những dịch vụ chất lượng. Nhưng cứ nhìn thử vào đó mà xem, không chỉ các quán cà phê đẹp vắng vẻ, đến cả các dịch vụ rất tấp nập những khi cận Tết như làm tóc, làm móng, những quán bánh ngon cũng vắng vẻ chợ chiều, không thấy chút gì của không khí tưng bừng đón Xuân.

Nhưng người ta đâu có chịu bó tay đón một cái Tết kham khổ, đìu hiu. Vậy là các nhà trổ hết sáng kiến để thu xếp, chuẩn bị cho cái Tết đang quá gần. Và trong lúc quan sát những chuyện này mới phát hiện cái rủi của người này lại là cái may mắn của người khác.

Trong lúc các tiệm làm tóc không chịu hạ giá thành bởi vắng vẻ quanh năm, giờ cố "chém" nốt những vị khách cuối, thì đám đông khách hàng "tiềm năng" đã rỉ tai nhau, mách nhau đến các cửa hàng bán phụ liệu mỹ phẩm mua từ tông-đơ đến thuốc uốn tóc, thuốc nhuộm tóc đủ màu, các lọ sơn móng cũng bán chạy như tôm tươi.

Người mua đông, giá rẻ vì đều là hàng Trung Quốc, khách mua về tự làm cho nhau. Các chị nhân viên văn phòng, những người bán hàng chợ bây giờ đều thuộc nằm lòng câu "cái gì không biết thì tra Google", từ chỗ mua nguyên phụ liệu giá rẻ, tham khảo giá cả và cách làm tốt những việc xưa nay chưa bao giờ làm.

Người ta mua tông-đơ về cắt tóc đầu đinh cho trẻ con, nhuộm tóc cho người lớn đón Xuân. Nhiều chị khéo tay còn mua cả máy may gia đình về may áo váy, thêu thùa cho con cái, tranh thủ may luôn cho bạn bè. Máy may gia đình bây giờ khoảng 5 triệu đồng là đã đủ 18 đường may, thêu, tay nghiệp dư xài không hết.

Nhà sản xuất bán được máy may thì các chủ gian hàng may đo ngoài chợ, ngoài phố ngồi ăn vặt và tự hỏi: "Năm nay khó tới cỡ nào mà khách không thấy ai may vá?". Chưa hết, các bà, các chị còn mua hạt giống về phủ xanh sân thượng, ban công, rồi chụp ảnh, gửi hình tràn lan lên Facebook khoe rau sạch nhà trồng.

Cũng chưa hết, các nhà ở khu chung cư còn đoàn kết trước khó khăn tới mức họp tổ dân phố còn bàn kế hoạch "góp than đá thổi bánh chưng chung", góp công, tiền làm giò thủ, thịt đông, rủ nhau bao luôn một vườn cúc giá sỉ để mỗi nhà chia hai chậu.

Rồi trong cái không khí gắn kết đó, nhiều gia đình đã quyết định cùng thuê chung chuyến xe lớn, tự vạch tour chơi Xuân để giảm bớt chi phí. Thấy cách làm này xuất phát từ thương hiệu "Mua chung" trên mạng, nay các bà, các cô làm việc văn phòng ăn lương thấp, công nhân ở các khu công nghiệp cũng cử những người lanh lẹ nhất tính toán, sắp xếp mua chung hàng Tết.

Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng ai nấy quyết tâm không để Tết mất vui vì thiếu thốn, khó khăn, dù đều chứa chất nhiều lo buồn vì có người thân đi làm xa mà món tiền thưởng Tết còm cõi nên không thể về sum họp với gia đình.

Người Việt giỏi vì tinh thần chịu đựng, lại khéo tay, chịu thương chịu khó. Nhưng ngẫm nghĩ chưa bao giờ thấy cái tinh thần "Tết đoàn kết, Tết tiết kiệm" này nó là một trạng thái xã hội đáng lo đến thế!

Những món ăn đặc sản bày bán ê hề kia là tài sản quý về kinh nghiệm và thương hiệu bao năm gầy dựng nay lao dốc về trạng thái xế chiều. Những mâm cỗ gia đình "chém to kho mặn" được dịp bung ra do bàn tay tự cung tự cấp của các bà chủ lâu nay vốn "ngồi trên dịch vụ” nay vụng chèo khéo chống nhìn đáng thương và làm cho không khí đón Tết càng xuống thêm vì lo nghĩ.

Cuộc sống rõ ràng đang xuống, bởi hàng nhà làm sao bằng hàng hiệu. Hàng tự sản tự tiêu làm sao chất lượng cao như hàng đã nghiên cứu qua dây chuyền công nghệ.

Nhưng ông bà đã dạy "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", nên nhiều gia đình áp dụng chiến thuật này để qua cơn khó khăn mà họ tin là nhất thời.

Tuy nhiên, khi sức mua trong dân đã khá cạn kiệt, đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Mặc dù trên các mặt báo, tiếng kêu món này "cháy hàng", món kia "đắt khách", nhưng mặt người vẫn hờ hững đi qua. Ai nấy chú tâm vào tin tức của các mặt hàng có hỗ trợ giá để bình ổn thị trường.

Người nghèo đang rất hy vọng vào sự nhạy bén của thị trường, để giỏ hàng Tết của họ vẫn đầy đặn, với cái giá của tinh thần "tiết kiệm". Doanh nghiệp nào có ý tưởng tốt đề cao tinh thần ấy cho người tiêu dùng, doanh nghiệp đó sẽ thắng trong Tết Giáp Ngọ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tết khéo ăn, khéo co
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO