Sức ép từ một cuộc đàm phán

NGUYỄN HOÀNG thực hiện| 25/02/2016 06:20

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký ngày 4/2 tại New Zealand. Ông Trương Đình Tuyển, Thành viên đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, chia sẻ một số quan điểm...

Sức ép từ một cuộc đàm phán

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký ngày 4/2 tại New Zealand. Ông Trương Đình Tuyển - Thành viên đoàn đàm phán TPP của Việt Nam - chia sẻ một số quan điểm...  

Đọc E-paper

* Các nước phát triển đề cao vấn đề minh bạch. Ông giải thích thế nào về việc các nội dung đàm phán TPP đều bí mật đến phút chót?

- Một cuộc đàm phán bao giờ cũng có sức ép. Ngay trong chuyện sản phẩm nguồn mở, một số nghị sĩ trong Quốc hội Hoa Kỳ phản đối. Cùng với các tập đoàn tư bản lớn, họ cho rằng, cam kết của Hoa Kỳ như vậy là chưa đủ mức nên đấu tranh đòi nâng thời gian bảo hộ, nhưng ở chiều ngược lại, cộng đồng những người sử dụng lại cho rằng mức đó chấp nhận được.

Vì vậy, người ta không cho phép tiết lộ nội dung đàm phán bởi quan ngại gia tăng sức ép lên đoàn đàm phán, khiến họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các giải pháp.

Trong các phòng đàm phán luôn có hai khẩu hiệu: "Dừng tivi ở đây" và "Mọi sự bí mật đều giết chết nền dân chủ”. Cho nên, người ta thường đàm phán ở những nơi xa xôi nhằm tránh việc doanh nghiệp, người dân đến biểu tình gây áp lực lên các đoàn đàm phán.

* Sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung được đặc biệt chú trọng trong TPP. Ông nói gì về quá trình đàm phán nội dung này dưới góc độ là người tham gia đoàn đàm phán của Việt Nam?

- Tất cả các sản phẩm trí tuệ đều được bảo hộ ở mức rất cao là "mức cộng" theo cách gọi của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới. Quá trình đàm phán nội dung này đã vấp phải mâu thuẫn giữa lợi ích của cộng đồng và lợi ích của chủ bản quyền.

Vấn đề đặt ra cho các đoàn đàm phán là làm thế nào để hài hòa được lợi ích của cộng đồng và chủ bản quyền. Nếu không bảo vệ được lợi ích của chủ bản quyền thì sẽ mất đi động lực sáng tạo do thời gian bảo hộ ngắn quá, thậm chí sản phẩm còn bị đánh cắp khi chưa thu hồi được vốn đầu tư.

Ngược lại, nếu bảo hộ thái quá, sẽ thiệt hại đến lợi ích cộng đồng vì xét cho cùng, sản phẩm trí tuệ bao giờ cũng mang tính cá nhân, nhưng được thừa kế thành tựu nhân loại. Trong đàm phán TPP, mâu thuẫn này được xử lý ở cấp bộ trưởng.

Vấn đề lớn nhất là thời gian bảo hộ kéo dài bên cạnh nhiều nội dung bảo hộ mới cũng được đặt ra. Đây là cuộc đối đầu giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển và để kết thúc đàm phán, người ta phải tìm ra giải pháp. Có những lĩnh vực người ta tìm ra được giải pháp, song cũng có những lĩnh vực bị tắc. Chẳng hạn, bảo hộ độc quyền dữ liệu dược phẩm, đặc biệt là sinh phẩm.

Dữ liệu dược phẩm được Mỹ bảo hộ trong 5 năm và họ muốn tăng lên gấp đôi với lý lẽ phải đầu tư cực lớn mới có được một sinh phẩm, nên thời gian bảo hộ phải dài. Vì vậy, trong quá trình đàm phán, các bên phải giải quyết một cách hài hòa giữa chủ bản quyền với tư cách là một cá nhân sáng tạo với lợi ích của cộng đồng. Đây cũng là nội dung mà Việt Nam đấu tranh mạnh nhất.

* Ông từng nói "Một cuộc đàm phán tốt là một cuộc đàm phán các bên đều hài lòng, nhưng một cuộc đàm phán mà các bên đều không hài lòng cũng không phải là một cuộc đàm phán tồi". Tại sao như vậy, thưa ông?

- Đó là khi tất cả các bên đều giảm kỳ vọng nhằm đạt được một cái gì đó còn hơn không. Về nguyên tắc trong đàm phán, phải xác định rõ mục tiêu, quản lý được kỳ vọng và có phương án dự phòng.

Cạnh đó, phải phân cấp rõ ràng, đoàn đàm phán được quyết định ở mức nào và báo cáo cấp nào nếu chuyển sang mức khác. Một điều nữa, các nhà đàm phán có thể không nói thật hoàn toàn, nhưng "nói dối" phải để người ta không biết.

* Tham gia đàm phán gia nhập WTO và các hiệp định lớn như FTA với EU hay lớn như TPP, nguyên tắc trong đàm phán hiệp định thương mại của ông là gì?

- Tôi thà không nói chứ không nói dối, bởi nói dối có thể dẫn cuộc đàm phán đến thất bại. Quá trình đàm phán có rất nhiều chuyện, thậm chí có lúc bế tắc, và khi đó, câu hỏi đặt ra là liệu có thể tiếp tục cuộc đàm phán này. Nếu các bên muốn níu kéo cuộc đàm phán, sẽ phải nỗ lực tìm ra sáng kiến để giải quyết bế tắc.

* Cảm ơn ông!

>2015 - Năm "kỷ lục" về hiệp định thương mại tự do của Việt Nam

>Báo Nga: Việt Nam lập kỷ lục về ký Hiệp định thương mại tự do

>Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào: Xóa bỏ thuế quan 95% mặt hàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức ép từ một cuộc đàm phán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO