Sống chung với... khác biệt!

THIÊN THANH| 20/11/2014 03:18

Sống với người khác biệt với mình, dĩ nhiên là rất khó chịu. Nhưng nếu được thừa hưởng giáo dục dân chủ, biết chấp nhận sự khác biệt, cuộc sống của mỗi người sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn rất nhiều.

Sống chung với... khác biệt!

Sống với người khác biệt với mình, dĩ nhiên là rất khó chịu. Nhưng nếu được thừa hưởng giáo dục dân chủ, biết chấp nhận sự khác biệt, cuộc sống của mỗi người sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn rất nhiều.

Đọc E-paper

Gia đình bạn tôi có cô con gái du học bên Úc. Trước khi cô bé đi, cả nhà lo lắng, thấy con mình bé nhỏ, chiều cao khiêm tốn có 1m56, nước da ngăm ngăm, sang đó học tập, hòa nhập với bạn bè và người bản xứ làm sao được. Hai năm sau, cô bé viết thư báo tin vừa được chọn làm hình ảnh đại diện của các nước Đông Nam Á tại trường đại học.

Ba nó tự hào khoe khắp trong họ hàng. Mẹ nó nước mắt lưng tròng ngắm hình con trên Facebook, thấy nó làm thủ lĩnh dẫn một đoàn sinh viên leo núi, mấy đứa bạn đứa nào cũng to cỡ gấp đôi con bé. Thế mà có nhiều hình ảnh con bé đang chăm sóc mấy cô gái mập bị cảm sốt.

Rồi lúc khác lại cuộn lên lo lắng vì con bé hé lộ đang yêu một cậu sinh viên người Nigeria, dù cậu người yêu là con nhà trí thức mấy đời tốt nghiệp các đại học nổi tiếng ở Mỹ, cha mẹ cô gái vẫn không muốn con mình mạo hiểm đi vào con đường tình cảm phức tạp như vậy.

Trong một lần cô gái về thăm nhà, hỏi thăm làm sao có thể đạt được thành tích trong các hoạt động xã hội như vậy thì đáp số là ở khả năng chấp nhận khác biệt.

Có nhiều sự đối lập so với những gì một sinh viên Việt có thể hấp thụ giáo dục suốt những năm phổ thông và trong gia đình, nhưng ra nước ngoài thì thay đổi hoàn toàn. Cô gái trẻ đã biết tư duy theo cách tôn trọng và chọn lọc, để cuộc sống của mình vừa hòa nhập, lại không mất bản lĩnh riêng.

Cố gắng chịu đựng những ngày cuối tuần có thể cô đơn, nhưng những buổi họp mặt sinh viên, cô gái bé nhỏ ngăm đen lại là người đưa ra các chương trình xã hội được nhà trường ủng hộ, cảm hóa sự kỳ thị bằng cách trổ tài giới thiệu văn hóa Việt trong các lễ hội sinh viên.

Bằng các kỹ năng sống và chút tài lẻ thuyết phục người khác, nhảy múa, cô có thể bắt chước một điệu nhảy dân gian rất nhanh chóng, làm cho các bạn vô cùng yêu mến.

Phải nhìn nhận thực tế là người Việt nếu đi ra nước ngoài phải nỗ lực hơn các bạn đến từ châu Âu, Mỹ và một số nước có nền giáo dục tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore bởi thiếu kỹ năng sống, phương pháp học tập, làm việc nhóm, vóc người lại bé nhỏ.

Nhưng cái làm chúng ta dễ dựng lên hàng rào ngăn cách với bạn bè quốc tế chính là khả năng chấp nhận sự khác biệt về tư tưởng. Trong hàng chục năm dạy ở đại học, nhiều giáo sư nhận xét người Việt rất yếu về khả năng tư duy logic.

Họ thường suy xét mọi việc theo những gì đã được giáo dục, và khi đã khá trưởng thành lại tiếp tục suy nghĩ dựa trên nền tảng môi trường đang sống, trên quyền lợi cá nhân. Những người có tầm nhìn quá xa thường rất cô đơn trong xã hội. Chính vì vậy mà ngay cả cha mẹ cũng không khuyến khích con cái biết "chung sống" với khác biệt.

Tôi từng thấy nhiều bà mẹ người miền Trung một đời giản dị, tằn tiện, tiết kiệm, nên họ thường mong đứa con trai đi lập nghiệp ở TP.HCM phải quay về lấy vợ ở quê hương, đảm bảo người vợ cũng sẽ là một "tay hòm chìa khóa" gia đình vững chắc chứ không phung phí như các cô gái thành thị.

Cái nhìn đó đã làm cho nhiều gia đình trẻ dù ở thành thị, cuộc sống thay đổi rất nhanh, nhưng nếp suy nghĩ không thay đổi, tạo ra sự khập khiễng trong các mối quan hệ, phương hướng phấn đấu, lấy tiết kiệm, so đo làm nền tảng vững chắc hơn là cởi mở, phóng khoáng và nỗ lực.

Ngay cả khi nền kinh tế trong nước suy thoái, đời sống người dân gặp khó khăn thì tư tưởng người Việt lại cho rằng mình chịu đựng tốt hơn dân các nước khác là nhờ có tích lũy, có tính tiết kiệm cũng được lan truyền, tác động đến tư tưởng ỷ lại, làm cho lớp trẻ thiếu sự vùng vẫy mà thụ động chờ thời khó khăn qua đi.

Với một số trải nghiệm ở Hội An, những người nước ngoài rất thích thú khi thấy người phố cổ giữ gìn rất tốt những tập tục, bản sắc văn hóa gia đình, nhưng đồng thời lại chấp nhận sự hòa trộn văn hóa của du khách khắp thế giới.

Điều đó làm cho người nước ngoài thấy dễ chịu khi đến sống ngắn ngày ở Hội An. Và đó cũng là bí quyết thành công trong làm du lịch của những người biết sống chung với sự khác biệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống chung với... khác biệt!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO