Sớm hiện thực hóa ngân hàng quỹ đất

HẢI VÂN thực hiện| 18/11/2016 03:39

Thành lập ngân hàng quỹ đất là ý tưởng được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại kỳ họp Quốc hội gần đây nhằm phân bổ, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên đất đai.

Sớm hiện thực hóa ngân hàng quỹ đất

Thành lập ngân hàng quỹ đất là ý tưởng được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại kỳ họp Quốc hội gần đây nhằm phân bổ, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên đất đai. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: "Có nhiều phương án xử lý đất đai phù hợp với nông dân và nông thôn Việt Nam".  

Đọc E-paper

* Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sớm trình Chính phủ xem xét thành lập ngân hàng quỹ đất. Ông nói gì về vấn đề này?

- Cảm nhận của tôi về mặt ý tưởng là tốt, gắn với khả năng tích tụ đất đai. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ngân hàng quỹ đất có thể có không ít vướng mắc.

Trước hết là vướng mắc về pháp lý. Vấn đề sở hữu khi có tranh chấp, vướng mắc trong quá trình thu, nhận, phân bổ đất đai phải có sự tham gia giải quyết của nhiều bên. Thêm nữa, vai trò của ngân hàng vốn dĩ gắn với tiền tệ (kinh doanh tiền tệ) đã khá phức tạp, bây giờ lại gắn với đất đai thì rất dễ xảy ra rủi ro.

Trong khi đó đang có những đề xuất khác đảm bảo lợi ích của nông dân trong bối cảnh chưa thể thay đổi nhiều về sở hữu đất đai gắn với quyền sử dụng đất, mà những cách làm này không quá mới.

Ví dụ, nông dân tự góp đất và làm ăn với hợp tác xã kiểu mới trên chính mảnh đất đó. Hợp tác xã kiểu mới có thể đảm bảo quyền lợi của nông dân và vẫn tích tụ được đất đai để sản xuất lớn. Cách làm này thuận về mặt pháp lý cũng như gắn với tổ chức, truyền thống của người nông dân ở vùng địa lý ấy. Hợp tác xã kiểu mới cũng có thể quan hệ với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

* Ông có thể nói rõ hơn về rủi ro nếu triển khai xây dựng ngân hàng đất?

- Như đã nói ở trên, ngân hàng thường kinh doanh tiền. Nhưng ngân hàng đất là tiền gắn với đất. Mà đất đai với tình trạng pháp lý như hiện nay thì không thể loại trừ được vấn đề rủi ro.

* Trong bối cảnh nhiều ý kiến đề xuất bỏ hạn điền, theo ông giải pháp nào tốt nhất để đảm bảo quyền lợi của nông dân song song với phát triển nông nghiệp?

- Cần nhìn nhận rõ bản chất tái cấu trúc nông nghiệp. Ở đây có tính đa dạng về truyền thống văn hóa vùng miền và đặc thù chính trị của nước ta. Vì vậy, tính đa dạng về sản xuất nông nghiệp cần được tính đến và thừa nhận, bởi có những vùng miền có lợi thế riêng, trong đó có tích tụ đất đai. Như vậy, có nhiều việc phải làm.

Thứ nhất là liên quan đến sở hữu. Quyền sở hữu và hạn điền, những nguyên tắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, về mặt pháp lý phải chỉnh sửa. Thứ hai, do tính đa dạng nên cách thức tạo tích tụ đất đai cũng có thể có nhiều giải pháp để lựa chọn.

Thế nhưng chọn cách thức nào thì cũng phải bảo đảm được 2 điều. Một là quyền lợi của nông dân có đất, mà hiện nay đất của họ còn manh mún. Hai là phải có quy trình pháp lý để xử lý những tranh chấp có thể xảy ra liên quan đến đất đai.

* Cảm ơn ông!

Đề xuất Quốc hội bỏ hạn điền và hình thành ngân hàng quỹ đất

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Điều 129 Luật Đất đai, trong đó cần bỏ hạn điền. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Chính phủ xem xét quyết định thành lập ngân hàng quỹ đất. Nhà nước sẽ quản lý ngân hàng này, ai có đất mà chưa có nhu cầu sử dụng, hoặc hoang hóa thì có thể gửi vào ngân hàng này.

>Ai đang nắm nhiều quỹ đất?

>Lợi hại quỹ đất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sớm hiện thực hóa ngân hàng quỹ đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO